Cuộc rước kiệu trong hoạt động kỷ niệm Năm Thánh tại nhà thờ Sở Kiện, tỉnh Hà Nam, tháng 11-2009. Ảnh: AFP |
Các nhà lập pháp ASEAN và các nhóm nhân quyền và tôn giáo kêu gọi chính quyền Việt Nam xem xét lại dự luật gây tranh cãi.
Các nhà lập pháp Đông Nam Á cùng hơn 50 nhóm nhân quyền và tôn giáo kêu gọi Hà Nội xem xét lại dự luật về tôn giáo gây tranh cãi, dự kiến sẽ được thông qua trong vài tuần tới.
Thành viên Quốc hội các nước ASEAN vì Nhân quyền đã cùng các nhóm nhân quyền và tôn giáo Việt Nam và quốc tế gửi thư ngỏ đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thúc giục quốc hội Việt Nam hủy bỏ dự luật được cho là thiếu bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Dự luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được thảo luật hơn một năm qua và đã được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng thư ngỏ viết một số điều khoản sẽ tước đi quyền tự do hành đạo.
“Sau khi xem xét kỹ toàn văn dự thảo được đăng trên website của Quốc hội, chúng tôi nhận thấy dự luật gồm 9 chương này có một số tiến bộ, nhưng vẫn còn tiếp tục áp đặt những hạn chế không thể chấp nhận được lên quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng và các quyền khác của con người”, theo thư ngỏ đề ngày 6-10, có chữ ký của các nhóm nhân quyền như tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế và tổ chức Đoàn kết Kitô giáo Thế giới (Chirstian Solidarity Worldwide).
“Cụ thể là quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cơ bản tiếp tục không được đảm bảo do các yêu cầu đăng ký phiền hà và nhà nước can thiệp quá nhiều vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo”, theo thư ngỏ.
Trong khi vốn là tôn giáo được “công nhận” và có mối quan hệ tương đối thân thiết với chính quyền cộng sản, Giáo hội Công giáo cũng bày tỏ quan ngại về những điều khoản của dự luật.
Sau khi chính quyền lấy ý kiến từ Giáo hội và các nhóm được công nhận khác hồi tháng 8, Hội đồng Giám mục Việt Nam lo lắng vì dự luật dùng các từ ngữ không rõ ràng và có nhiều quyền hạn cấm hoạt động tôn giáo. Hội đồng còn chỉ trích khung thời gian dành để xem xét “hạn hẹp” (12 ngày).
“Khó đưa ra được những ý kiến sâu rộng trong thời gian ngắn như thế”, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục, nói.
Trong khi quyền tự do tôn giáo bề ngoài có vẻ được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam, các tín đồ thuộc các tôn giáo “không được công nhận” lại bị quấy rối, đe dọa và thậm chí bị sát hại.
Ở Tây Nguyên chẳng hạn, người Thượng theo các giáo phái Kitô giáo và Công giáo không được nhà nước công nhận bị chính quyền ngược đãi dữ dội. Tương tự, tín đồ Hòa Hảo và Cao Đài cũng bị quấy rối liên tục.
(Nguồn: UCAN)