Trong ngày 6 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, trong hai bài tham luận khác nhau tại Đại Hội Đồng Liên Hịệp Quốc, đã liên tiếp nói về thượng tôn pháp luật và việc bài trừ ma tuý trên các bình diện quốc gia và quốc tế.
Thượng tôn pháp luật
Trước nhất, tại Ủy Ban Thứ Sáu, ngài cho biết Tòa Thánh hài lòng về phúc trình của Ông Tổng Thư Ký LHQ, tựa là "Củng Cố và Phối Trí Các Hoạt Động Thượng Tôn Pháp Luật của Liên Hiệp Quốc", đề cập tới các cố gắng của tổ chức này trong việc hỗ trợ các quốc gia thi hành các hiệp ước đa quốc gia, nhất là cố gắng nhằm “làm dễ quyền của mọi người được lui tới công lý, kể cả những người nghèo nhất và dễ bị thương tổn nhất”.
Trong số những người trên, Tòa Thánh lưu ý đặc biệt tới những người bị giam cầm, người bần cùng, người tỵ nạn và những người tản cư khác. Tòa Thánh coi đây không những là một mệnh lệnh luân lý, mà còn là thước đo sự thành công hay thất bại của Nghị Trình Phát Triển Lâu Dài 2030 mà mục tiêu hàng đầu là không để một ai lại phía sau.
Tòa Thánh nhận định rằng thượng tôn pháp luật không chỉ nhằm duy trì hòa hợp và trật tự; nó còn giả thiết phải là thầy dậy gương mẫu nữa. Nói cách khác, nó phải nói lên khả năng của xã hội trong việc nâng cao người nghèo và người bị loại trừ, người yếu đuối và người bị giam cầm.
Về phương diện trên, Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng: “dù vẫn nhìn nhận các vai trò nền tảng của các quan tòa, các công tố viên, các luật sư và các viên chức chủ yếu khác trong việc thi hành thượng tôn pháp luật, phái đoàn của tôi đặc biệt quan tâm tới những con người chịu hành động của luật pháp, nhất là những người bị giam giữ bất hợp pháp, những người bị tố cáo bất công, những người khuyết tật về thể lý và tâm trí, và những người không có người bênh vực, không có ảnh hưởng chính trị và không có tài nguyên để xác minh các quyền lợi của mình. Tòa Thánh tập chú vào việc liệu những loại người này có được thừa nhận trong hệ thống luật pháp hay không. Nếu một trong các quan tâm của Ủy Ban này là đề xuất và đánh giá các tiêu chí thượng tôn pháp luật, thì nó phải biết nhìn quá bên kia việc soạn luật và hạ tầng cơ sở luật pháp, để khảo sát xem liệu những người nhỏ bé nhất trong chúng ta, trên thực tế, có thực thi được các quyền lợi trọng yếu và hợp thủ tục của họ hay không; liệu họ có khả năng hiểu và biết rõ manh mối của hệ thống luật pháp hay không; liệu họ có thể tin tưởng và cậy nhờ hệ thống này hay không; liệu họ có tìm được công lý và cảm thương trong hệ thống này hay không”.
Phái đoàn Tòa Thánh cũng nhận định thêm rằng “thượng tôn pháp luật không hiện hữu trong chân không mà nó cũng không đứng một mình. Bởi thế, suy tư về thượng tôn pháp luật nên thăm dò triết lý văn hóa và xã hội trong đó luật lệ được thực thi. Nó nên nhìn sâu hơn vào sự giao thoa giữa luật lệ và thế giới sống động của các định chế phi quốc gia và các tổ chức quần chúng để đánh giá một cách sâu sắc hơn việc làm thế nào để thượng tôn pháp luật có thể bén rễ tốt hơn và phát triển mạnh mẽ hơn trong một xã hội nhất định. Dù sao, công lý, vốn là ý chí thường hằng và vĩnh cửu muốn dành cho mỗi người điều họ có quyền được hưởng, phải được học hỏi và cổ vũ chủ yếu bên trong gia đình, các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự”.
Tòa Thánh cũng muốn nhấn mạnh đến sự nối kết giữa thượng tôn pháp luật và quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu, như đã được ghi trong Điều 19 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. “Việc giam giữ và sát hại các nhà báo, các nhà nghiên cứu hay các nhà tranh đấu thường là dấu hiệu cho thấy một nhóm quyền lợi mạnh mẽ nào đó đang mưu toan tránh né việc nhận trách nhiệm, vốn là phản đề của thượng tôn pháp luật”.
Chính vì thế, cần phải khuyến khích tính độc lập của ngành tư pháp. “Một nền tư pháp bị giam cầm là một nền tư pháp thối nát, nói theo ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vì các yếu tố chính trị đè nặng một cách phi pháp lên cán cân công lý; nền tư pháp bị giam cầm thối nát vì các quyết định của nó, khi đã thiếu tính chính đáng vì không áp dụng luật lệ cách khách quan và vô tư, thì sẽ làm độc toàn bộ cơ chế luật lệ với những nguyên tắc bất chính, do đó gây nguy hiểm cho công lý và ích chung. Với một nền tư pháp thối nát và gây thối nát, thượng tôn pháp luật cuối cùng sẽ nhường bước cho thượng tôn bạo lực”.
Bài trừ ma túy
Trên đây, Đức Tổng Giám Mục Auza cho rằng công lý phải được học hỏi và cổ vũ trước nhất trong gia đình. Ngài cũng áp dụng cùng một nguyên tắc này vào việc bài trừ ma túy, một chủ đề khác được ngài nêu lên cùng ngày 6 tháng Mười vừa qua tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Thứ Ba, về ngăn ngừa tội ác, công lý hình sự và quốc tế kiểm soát ma túy. Theo ngài, các gia đình mới là giải pháp, chứ không phải thỏa hiệp với tội ác.
Đức Tổng Giám Mục Auza cho hay: “Tòa Thánh mạnh mẽ chia sẻ quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với vấn đề buôn bán ma túy trên thế giới và tích cực cổ vũ một xã hội không còn lạm dụng ma túy, một xã hội trong đó, mọi người có thể sống một cuộc sống lành mạnh, vui hưởng hòa bình và sống trong hòa hợp xã hội”.
Sau khi nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: buôn bán ma túy là một thứ chiến tranh mới chống lại xã hội, một cuộc chiến tranh “được coi là đương nhiên và ít được đánh phá”, một phần do tham nhũng ở mọi bình diện. Các tai ác của buôn bán ma túy được nhân bội vì “do chính bản chất của nó, việc buôn bán ma túy luôn đi song song với việc buôn người, rửa tiền, buôn bán vũ khí, bóc lột trẻ em và nhiều hình thức thối nát khác”, phái đoàn Tòa Thánh nhận định rằng “Sản xuất và buôn bán các chất ma túy bất hợp pháp vâng theo luật cung cầu: buôn bán ma túy sở dĩ hiện hữu là vì có thị trường mầu mỡ do các cá nhân nghiện ngập các chất ma túy bất hợp pháp này tạo ra. Do đó, ngăn ngừa và đánh phá việc tiêu thụ các loại ma túy này là điều then chốt để ngăn ngừa và đánh phá việc sản xuất và buôn bán chúng”.
Về phương diện trên, phái đoàn Tòa Thánh “muốn tái khẳng định việc Tòa Thánh phản đối chủ trương hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy như một phương thế chống lại việc nghiện nhập ma túy”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn chống lại chủ trương trên. Vì theo ngài, “Cuộc tranh đấu chống ma túy không thể chiến thắng bằng ma túy. Ma túy là một điều ác, và với điều ác, người ta không thể đầu hàng cũng như thỏa hiệp”.
Theo Đức Tổng Giám Mục Auza “Tòa Thánh tin rằng cuộc tranh đấu chống vấn đề ma túy phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc kính trọng nhân phẩm, tính hàng đầu của ngăn ngừa, và vai trò của gia đình như là thành lũy cho cả việc ngăn ngừa ma túy lẫn việc chửa trị nghiện ngập”.
Kính trọng nhân phẩm đòi đối xử với người nghiện ngập một cách có cảm thương và hiểu biết. “Nhiều tổ chức Công Giáo và các dòng tu đã rất tích cực cả trong lãnh vực ngăn ngừa lẫn phục hồi, sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua việc khởi sự giáo dục trẻ em và thiếu niên biết khước từ cơn cám dỗ ảo tưởng cho rằng tiêu thụ ma túy là một cực khoái, hay sự quyến rũ của việc kiếm tiền dễ dàng bằng cách buôn bán ma túy.
Tòa Thánh cho rằng sự đau khổ của việc ghiền ma túy không chỉ dằn vặt các cá nhân nghiện ngập mà thôi, nó còn dằn vặt cả gia đình và xã hội nữa. “Gia đình là nơi đầu tiên chịu đau khổ vì các thành viên lạm dụng ma túy, với các hậu quả như bạo lực trong gia đình, kinh tế suy sụp và các trục trặc khác dẫn đến cảnh gia đình tan nát”.
“Bởi thế, Tòa Thánh không thể nhấn mạnh đủ tới tầm quan trọng của gia đình như yếu tố chủ chốt cho các chiến lược ngăn ngừa, chữa trị, phục hồi, tái hội nhập và chăm sóc sức khỏe. Các gia đình tạo thành chính nền tảng của xã hội. Việc lạm dụng ma túy bất hợp pháp hủy hoại hệ thống các gia đình riêng rẽ và toàn bộ các cộng đồng, cuối cùng dẫn đến việc làm xã hội lung lay. Do đó, Tòa Thánh hỗ trợ các chương trình, như đã được Phúc Trình của Tổng Thư Ký khuyến cáo, ‘nhằm ngăn ngừa các nhân tố có thể gây nguy cơ khiến người ta phạm tội và ngăn ngừa việc lạm dụng ma túy nơi giới trẻ bằng cách củng cố các kỹ năng làm cha mẹ”.
Đức Tổng Giám Mục Auza kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng “để ngăn ngừa việc ghiền ma túy, điều cần thiết là không những phải nói “không” đối với ma túy. Điều cũng chủ yếu là phải nói “có” với sự sống, với yêu thương, với gia đình, với tất cả những gì tích cực và lành mạnh để trọn hưởng sự sống”.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)