MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các chủng sinh của chúng ta là ai?


Một cuộc điều tra gần đây của Hội đồng Giám mục Pháp đưa ra chân dung và nguồn gốc ơn gọi của các chủng sinh chúng ta.

Việc này không còn là bí mật của ai, con số ơn gọi chức thánh giảm mỗi năm: năm 2014 có 140 chủng sinh, năm 2015 có 120, năm 2016 khoảng một trăm. Con số nói lên thực trạng. Dù vậy, các chủng viện không vắng. Cho đến bây giờ, có 605 người trẻ được đào tạo trong các chủng viện của các địa phận khắp nước Pháp, thêm vào đó là các chủng viện của Cộng đoàn Thánh Martin, Chủng viện Thánh Jean-Marie-Vianney, của Truyền giáo Pháp, của Linh mục Thánh Prado hoặc của ba chủng viện Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptoris Mater du Chemin néocatéchuménal) ở Toulon, Marseille và Avignon.

Gia đình, nơi nuôi dưỡng ơn gọi

Cứ ba năm một lần, tháng 5 năm 2016, Hội đồng Quốc gia các đại chủng viện tiến hành cuộc điều tra và đã đặt câu hỏi cho tất cả các ứng viên năm thứ nhất, thứ hai để biết rõ về họ hơn. Có 206 chủng sinh trả lời khoảng 30 câu hỏi về môi trường gia đình, về động lực vào chủng viện của họ. Vì thế chúng ta có thể đưa ra một “chân dung mẫu” của chủng sinh ngày nay: tuổi trung bình 26, đa số từ gia đình đông con – trung bình là bốn – và có cha mẹ kết hôn. Các chủng sinh có trình độ học vấn tú tài hoặc cao hơn, thường đi làm khoảng bốn năm trước khi vào chủng viện.

Cuộc điều tra nhắm vào ảnh hưởng quan trọng của xã hội và gia đình trên ơn gọi của người trẻ. Có trên 80 % xuất thân từ gia đình “ổn định” và có cha mẹ giữ đạo. Linh mục Pierre-Yves Pecqueux giải thích cho báo Gia đình Công giáo (Famille Chrétienne) biết: “Thường ơn gọi chức thánh có gốc rễ từ các gia đình kitô và dấn thân. Chúng tôi thấy gia đình vẫn là nơi trao truyền đức tin và chứng tá, chuẩn bị miếng đất màu mở cho người trẻ dấn thân và giữ lòng trung tín. Sự việc ơn gọi của họ được gia đình và bạn bè hỗ trợ là rất quan trọng với họ.” Linh mục Pecqueux là người hướng dẫn cuộc điều tra này, cha là thư ký của Hội đồng giám mục đặc trách về sứ vụ chức thánh và giáo dân (Cémoleme).

Quan trọng là chứng từ của các linh mục

Nếu các gia đình có tinh thần dấn thân trong Giáo hội thì các chủng sinh trẻ cũng vậy. Họ là hướng đạo sinh, có chân trong các tổ chức từ thiện, làm việc ở giáo xứ hay địa phận… 90% đã từng tham gia ít nhất một công việc trong Giáo hội. Một yếu tố quyết định cho sự nảy sinh và trưởng thành của ơn gọi.

Nhưng khi hỏi họ đâu là yếu tố chính làm cho họ quyết định đi tu thì khi nào họ cũng nói đến chứng tá của một linh mục trong vòng quen biết, đó là yếu tố nền tảng. Gần một nửa nói đến hình ảnh của một cha tuyên úy hay quan hệ của mình với cha linh hướng. Linh mục Pecqueux nhấn mạnh: “Dù con số ơn gọi linh mục giảm, nhưng chúng tôi ngạc nhiên thấy chứng tá này rất mạnh nơi các em trẻ. Vì thế quan trọng là có nơi chốn để hai bên cùng gặp nhau. Các cơ hội có thể ở trong hoặc ở ngoài cơ cấu. Nhiều lần tôi có những buổi thảo luận rất thú vị với các em trẻ, chẳng hạn trong các đám cưới, vì thế phải biết nắm lấy cơ hội.”

Ngoài việc cảm nhận sâu đậm sứ vụ chức thánh khi ở bên cạnh các linh mục, các bạn trẻ còn nhấn mạnh đến các việc tốt lành khi họ được hướng dẫn thiêng liêng để quyết định chọn lựa bậc sống cho mình. Linh mục Pecqueux vui mừng: “Sự việc họ thường xuyên xem lại các sự kiện xảy ra trong đời mình như một thói quen sẽ có tính cách quyết định cho sứ vụ của họ.” Các khóa tĩnh tâm hay những ngày sống trong các đền thánh, tu viện cũng được xem là những kinh nghiệm nền tảng.

Một yếu tố đáng khích lệ khác là có khoảng 80 % chủng sinh đã có kinh nghiệm một năm dự bị trước khi vào năm thứ nhất. Tỷ lệ này được gia tăng nhiều trong mười năm qua. Một tiến triển theo đường hướng của tài liệu mới nhất về việc huấn luyện các linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis) được công bố vào tháng 12 vừa qua, tỷ lệ này mong muốn được đạt đến 100 %.

“Các người trẻ của thời buổi này”

Vậy các đặc nét của các chủng sinh ngày nay là gì? Theo linh mục Pecqueux, trước hết là các “người trẻ ở thời của họ, họ khát khao có một đời sống quân bình, thích có quan hệ bạn bè, âm nhạc, thể thao.” Vì thế cuộc điều tra tìm hiểu xem họ dùng các trang mạng xã hội nhiều không, họ thích loại thể thao nào, và được biết là “họ thích chạy bộ hơn là đá bóng.” Mặt khác các chủng sinh cũng bị “áp lực tứ phía” đứng trước “chọn lựa ngược dòng” với tất cả các hứa hẹn giả tạo của xã hội.

Linh mục Pecqueux dí dỏm nói: “Nếu bỏ đi bài giảng ngày chúa nhật thì cũng như bỏ đi món rôti ngon lành ngày chúa nhật. Nếu các giám mục không bao giờ nói về ơn gọi trong bài giảng của mình hay ở nơi khác, thì các bạn trẻ sẽ không bao giờ dặt vấn đề ơn gọi. Vì thế cộng đoàn kitô phải quan tâm đến vấn đề ơn gọi.”

Bertille Perrin (famillechretienne.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)