MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sự im lặng của Chúa chứng cho đức tin con người


TTO - Martin Scosese ấp ủ dự án về bộ phim Silence đến 26 năm. Ngay từ khi đọc quyển sách cùng tên của nhà văn Nhật Shusaku Endo, ông đã có ấn tượng sâu sắc và quyết định sẽ chuyển thể thành phim.

Nhưng mãi tận 26 năm sau khi đặt bút viết bản nháp kịch bản đầu tiên, ông mới có thể biến dự định của mình thành hiện thực.

Với 164 phút, bộ phim Silence của Martin dù không phải là một tác phẩm kiệt tác như nhiều tác phẩm của ông, nhưng đủ để ghi dấu ấn của ông trong dòng phim về tôn giáo, qua đó ông muốn truyền tải thông điệp xuyên suốt bộ phim, cũng như thông điệp từ tiểu thuyết là sự tranh đấu của mỗi một người cho đức tin của chính mình khi cuộc sống quá mức nghiệt ngã.

Con đường truyền đạo vào Nhật Bản

Bối cảnh phim diễn ra vào đầu thế kỷ 17 tại Nhật. Khi đó, đạo Thiên Chúa mới được truyền bá và đã tạo được một lượng tín đồ không nhỏ.

Tuy nhiên, là một đất nước theo đạo Phật, chính quyền Thiên Hoàng không chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa, họ ví đạo Thiên Chúa giống như một người phụ nữ xấu xí mà không người đàn ông nào muốn lấy, Nhật Bản không muốn “lấy” người phụ nữ “Thiên Chúa” cho mình.

Họ tìm mọi cách đàn áp tôn giáo ngoại lai, không cho du nhập vào đất nước của họ.

Sự đàn áp diễn ra bằng những màn tra tấn người dân, những kẻ tin đạo, họ buộc người dân phải sỉ nhục những biểu tượng hữu hình của Chúa bằng cách giẫm chân lên ảnh Chúa, nhổ nước bọt và thánh giá…

Nhưng đức tin là một liều thuốc tinh thần mà không thế lực nào có thể tước bỏ bằng bạo lực.

Những con người khốn khổ, sống cuộc sống khốn khổ với sưu cao thuế nặng tìm thấy trong giáo lý của nhà thờ sự cứu rỗi, giúp họ vượt qua khó khăn về mặt tinh thần.

Nên nó không dễ dàng bị bẻ gãy. Mà ngược lại, những chứng nhân chấp nhận hi sinh để bảo vệ đạo càng làm cho đạo Thiên Chúa có chỗ đứng thực trong xã hội Nhật lúc bấy giờ.


Bối cảnh đó được Martin Scorsese lồng vào xuyên suốt cả bộ phim qua lời kể, qua thoại của nhân vật, qua những trường đoạn hồi tưởng một cách khéo léo, chậm rãi và tiết chế.

Sử dụng màu sắc rực rỡ, trong một không gian có nhiều dáng vẻ huyền bí của châu Á, Martin Scorsese đưa khán giả tiếp cận vào câu chuyện với giọng đọc của linh mục Ferreira (Liam Neeson).

Ông nói về sự trừng phạt của chính quyền Nhật, về những con chiên ngoan đạo chấp nhịn chịu tra tấn chứ không khuất phục, về những linh mục như ông, chứng kiến đức tin của người dân mà quyết định ở lại: “Chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn nhờ tình yêu của Chúa”.

Đó chính là bức thư cuối cùng của Ferreira gửi cho tòa thánh tại Bồ Đào Nha. Lúc này hai linh mục trẻ là Rodrigues (Andrew Garfield) và Garupe (Adam Driver) quyết định đi theo dấu vết của Ferreira đến Nhật để tìm kiếm tung tích của ông. Cũng như kế thừa sự nghiệp truyền đạo của ông tại Nhật Bản.

Hai linh mục trẻ, sống yên ổn và ấm áp trong vòng tay của Chúa tại Bồ Đào Nha bắt đầu chuyến hành trình của mình, một chuyến hành trình đầy rẫy khó khăn với hiện thực thô ráp và độc ác.

Họ đang đối diện với chính đức tin của mình, trong sự im lặng của Chúa. Chúa ở khắp nơi nhưng Chúa không ở đâu hết. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.


Và câu chuyện của Martin Scosese

Scorsese cùng với người đồng kịch bản Jay Cocks trong góc máy của Rodrigo Prieto đã bắt đầu bộ phim với sự tiết chế về mặt cảm xúc, hòng dẫn dắt người xem đi đến một mảnh đất đẹp đẽ nhưng đầy đe dọa.

Những chi tiết được xử lý với tài nghệ bậc thầy của một đạo diễn đầy tài năng đã giúp cho bộ phim dù dài nhưng không tạo cảm giác nhàm chán. Mà thay vào đó, những câu hỏi về đức tin liên tục được đặt ra.

Chính quyền Nhật muốn người dân bỏ đạo, muốn bẻ gãy đức tin của những vị cha xứ đến từ phương Tây để chứng minh rằng Chúa không thực sự tồn tại.

Bộ phim mang đến một không khí tuyệt vọng, khốn khổ. Chứng kiến sự đàn áp, hai linh mục trẻ bắt đầu tự hỏi mình, gọi Chúa, hỏi Chúa và sám hối về sự nghi hoặc.

Đặc biệt là đối với Rodrigues, một người có đức tin mạnh mẽ. Một linh mục cứng rắn và vững tin vào đức tin của mình. Nhưng Martin Scorsese bằng tài năng của ông trong cách kể chuyện, trong việc lựa chọn hình ảnh và cách dựng phim đã luôn luôn đặt câu hỏi về “sự cố chấp” của cha Rodrigues.

Nếu từ bỏ đức tin mà có thể cứu được người dân thì liệu Chúa sẽ khuyên bảo Rodrigues như nào? Hành trình của vị linh mục trẻ đi tìm Ferreira chính là hành trình đi thực chứng tình yêu của anh dành cho Chúa. Chúa luôn luôn im lặng, người mang đến hi vọng bằng niềm tin nhưng mang đến tuyệt vọng bằng sự im lặng.

Người không bao giờ xuất hiện nhưng người giúp con chiên của mình tin rằng rồi mọi thứ sẽ ổn, rồi họ sẽ lên thiên đàng. Người linh mục phải tin tuyệt đối vào điều đó như một thông điệp mà Martin muốn truyền tải trong bộ phim của mình.


Rodrigues do nam diễn viên trẻ Andrew Garfield thủ vai có lẽ là một sự lựa chọn vốn đầy tính phiêu lưu của Martin khi bản thân anh chỉ bắt đầu nổi lên từ phim giải trí Spider-man. Nhưng nó cũng chứng tỏ Martin Scorsese đã lựa chọn đúng đắn.

Sự nhạy cảm trong diễn xuất giúp Garfield hóa thân rất tốt vào một vị linh mục luôn đầy mâu thuẫn trong những lựa chọn của mình đối với niềm tin mà anh dành trao cho Chúa.

Rodrigues nói rằng Chúa chết cho điều đẹp đẽ thì thật dễ dàng, nhưng cái khó chính là Chúa có thể chết cho sự khốn cùng và đồi bại. Có lẽ thế, khi anh liên tục phải nghe lời sám hối từ kẻ đã bán đứng mình cho chính quyền Nhật, Rodrigues đôi khi cao ngạo coi mình đang có sứ mệnh như Jesus.

Nhưng anh vẫn chỉ là một linh mục, đang phải lựa chọn con đường cho mình để cứu rỗi linh hồn mình, cũng như cứu rỗi những con chiên Nhật bản đang bị tra tấn và giết hại chỉ vì không chịu bỏ đạo.


Dự án ấp ủ trong 26 năm, nhưng đây không phải lần đầu tiên Martin làm phim về chủ đề tôn giáo.

Chính vì vậy, vấn đề tôn giáo trong Silence được ông đặt ra rất nghiêm túc. Trong đó, không chỉ là đức tin, không chỉ là sự tự do tôn giáo mà ông còn muốn lý giải về sự khiêm tốn của đạo Thiên Chúa ở những đất nước có Phật giáo làm quốc giáo như Nhật.

Ông không phán xét, không tố cáo hay không mang đến một không khí đầy sự kinh dị khi người đối xử với con người nhân danh tôn giáo, ông đặt câu hỏi, ông trả lời câu hỏi bằng những tín hiệu để rồi cuối cùng câu chuyện lịch sử được phô bày.

Nhưng trên hết thảy là câu chuyện về đức tin ở bên trong mỗi người, nó mạnh mẽ đến như thế nào trong sự im lặng của Chúa ở những tình thế khắt khe nhất của cuộc đời.

“Nhưng Chúa không chết cho những điều tốt và sự đẹp đẽ vì điều đó thật dễ dàng. Điều khó là Chúa chết cho sự khốn cùng và sự đồi bại”.

NGUYỄN TUẤN