Đức giám mục Georges Abou Khazen |
SYRIA – “Ai đã phong cho Donald Trump làm trọng tài và làm cảnh sát của thế giới? Tổng thống Hoa Kỳ là ai mà ra quyết định không cần đến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc?”: đó là lời chất vấn của Đức giám mục Georges Abou Khazen, O.F.M., người Liban, Đại diện Tông toà của Hạt Đại diện Aleppo ở Syria, thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Latinh. Đức cha Khazen cho biết ngài “sửng sốt” khi nghe tin Hoa Kỳ phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ Shayrat của Syria, ở tỉnh Homs. Một đòn đánh trí mạng giáng xuống một đất nước đã trải qua cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài suốt sáu năm và tan hoang do cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ở Idlib trong mấy ngày vừa qua, khiến cho 86 thường dân thiệt mạng, trong đó một phần ba là trẻ em. Trao đổi với Vatican Insider, Đức cha Khazen bày tỏ nỗi đau đớn, sự tức giận, và niềm hy vọng của mình.
– Đức cha đánh giá hành động quân sự của Tổng thống Trump như thế nào?
– Giáo hội Syria chúng tôi lên án mọi thứ bạo lực, bất cứ từ đâu đến. Điều làm tôi ngạc nhiên và sửng sốt là tối hôm trước, Đại sứ Hoa Kỳ đã phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng chưa có gì chắc chắn hoặc rõ ràng về các cuộc tấn công ở Idlib. Thế mà vào lúc bình minh cuộc tấn công lại xảy ra. Tại sao? Tại sao không có một cuộc điều tra đầy đủ theo yêu cầu của Syria để tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra? Tổng thống Hoa Kỳ là ai mà ra quyết định không cần đến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc? Ai đã phong cho ông ấy làm trọng tài và làm cảnh sát của thế giới? Còn tất cả các tội ác của Hoa Kỳ và của Pháp ở Syria và Iraq đã giết chết hàng trăm thường dân trong khi cả thế giới im lặng thì sao... đây là một sai lầm.
– Tình hình hiện nay ở Syria sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ ra sao?
– Việc Hoa Kỳ phá hủy cơ sở hạ tầng tại Syria (hơn 32 cây cầu đã bị đánh sập và đập Tabbka trên sông Euphrates – đập lớn thứ mười lăm trên thế giới – đã bị phá hủy) đã làm cho toàn bộ hệ thống điện tê liệt. Vụ tấn công được cho là có dùng vũ khí hoá học chỉ là cái cớ, như chúng ta đã nghe nói nhiều trước đây ở Lybia, ở Iraq… Hoa Kỳ cùng với ISIS đang giành quyền kiểm soát tất cả các mỏ dầu khí tại Syria. Cần lưu ý rằng chỉ vài phút sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ, một cuộc tấn công khác đã được những người Hồi giáo cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng và của Mặt trận Nusra tiến hành.
– Dân chúng thì sao? Họ sống trong tình trạng khủng bố mới này như thế nào?
– Họ đang tức giận và nỗ lực rất nhiều sau làn sóng bạo lực mới này. Họ vẫn tiếp tục sống và tồn tại. Đầu ngẩng cao, đầy phẩm cách.
– Còn Giáo hội Syria làm gì?
– Chúng tôi cố gắng gần gũi với mọi người: nam cũng như nữ, trẻ em cũng như người già. Chúng tôi cố gắng an ủi họ qua sự hiện diện của mình và trợ giúp nhân đạo trong mọi lĩnh vực.
– Đức cha đã sống những hoàn cảnh bi thương này nhiều năm rồi. Đức cha cảm nhận thế nào? Chẳng hạn, có bao giờ Đức cha nghĩ sẽ rời khỏi đất nước này không?
– Tạ ơn Chúa, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chạy trốn. Thật sự thì những thảm trạng đang diễn ra càng làm cho tôi thêm gắn bó với người dân và miền đất này.
– Thành thật mà nói, liệu đây có phải là kết thúc đối với Syria hay vẫn còn hy vọng?
– Lễ Phục sinh đang đến và làm cho chúng tôi tràn đầy vui mừng và hy vọng. Chúng tôi vẫn nuôi hy vọng... Hy vọng thế giới sẽ không bỏ rơi chúng tôi và sẽ can thiệp hoặc giúp đỡ chúng tôi cách nào đó, hy vọng chặn đứng các thứ vũ khí hủy diệt cuộc sống của dân chúng. (Vatican Insider 08.04.2017)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ, 10.04.2017)