WHĐ (10.09.2011) – Trên đài phát thanh Vatican ngày 6 tháng Chín vừa qua, giới thiệu cuốn sách mới xuất bản viết về hậu quả của thảm kịch ngày 11 tháng Chín, người phát ngôn của Tòa thánh, cha Federico Lombardi Dòng Tên, đã phát biểu: “Nếu nhân loại muốn xây dựng hòa bình sau đống tro tàn ngày 11 tháng 9 năm 2001, tôn giáo phải đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc đối thoại”.
Cha nhận định: “Ngày của những cuộc tấn công, cách nay 10 năm, thật là “một ngày khủng khiếp. Do đó, đối thoại là chìa khóa để giải quyết sự đố kỵ và nguy cơ của chủ nghĩa tôn giáo quá khích. Nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình cho nhân loại, chúng ta phải có khả năng mở rộng công cuộc đối thoại trong đó chiều kích tôn giáo phải là một lực lượng năng động cổ vũ hòa bình.”
“11 tháng Chín: Câu chuyện còn tiếp diễn (11 Settembre: Una Storia che continua)” do ký giả Alessandro Gisotti viết, là một loạt câu chuyện tìm hiểu thảm họa dựa trên quan điểm của những người mà cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa ấy: đó là một ký giả truyền hình ở New York, một lính cứu hỏa, một nhân viên Tòa Bạch Ốc, gia đình của một sinh viên trẻ bị chết trong chiếc máy bay nổ tung gần Shanksville, Pennsylvania, một linh mục công giáo coi sóc ngôi thánh đường ở tầng trệt và những người khác nữa.
Ông Miguel Diaz, đại sứ Mỹ ở Vatican, tuyên bố rằng mặc dầu những đau khổ và mất mát vẫn còn kéo dài từ ngày 11 tháng Chín ấy, nhưng “tinh thần nhân loại đã chiến thắng nỗi sợ hãi, bạo lực và thảm họa: các quốc gia trên thế giới đã đoàn kết lại - gồm hơn 90 quốc gia có người tử nạn trong ngày ấy - để cùng đứng chung một chiến tuyến đối đầu với nhóm người muốn gieo rắc và làm lan rộng sự sợ hãi. Các quốc gia và dân chúng đã đồng thanh tuyên bố: “Không bao giờ để xảy ra như vậy nữa.”
Cuốn sách dày 90 trang này chỉ được xuất bản bằng tiếng Ý. Lời mở đầu do Đức Hồng y Francis E. George, Tổng giám mục Chicago, viết :
“Ký giả Gisotti đã làm một việc hữu ích để tưởng niệm những người đã tử nạn trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001, nhưng còn đáng quý hơn nữa đối với những người sống sót”.
Qua những câu chuyện về những người bị ảnh hưởng do thảm họa trên, tác giả “đã giúp chúng ta ghi khắc trong tâm trí những điều không thể nào quên và để lại cho chúng ta một niềm hy vọng, bởi vì, cuối cùng thì lịch sử chính là điều Thiên Chúa ghi nhớ.”
(Theo CNS, 07-09-2011)
An Phú Sĩ
(Nguồn: WHĐ)