WHĐ (11.09.2011) – Hôm thứ Sáu 9 tháng Chín 2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp ông Nigel Marcus Baker, tân đại sứ Anh quốc bên cạnh Tòa Thánh, đến trình ủy nhiệm thư. Đề cập đến những cuộc bạo động trong mùa hè vừa qua đã khiến cho nước Anh chìm trong máu lửa, ĐTC cảnh giác phải chống lại chủ nghĩa tương đối về luân lý, vì nó chỉ làm cho con người “bị hụt hẫng, thất vọng và ích kỷ”.
ĐTC nhắn nhủ: “Chính phủ của quý vị ước muốn thực hiện những chính sách dựa trên những giá trị bền vững, không thể chỉ được diễn tả một cách đơn giản trong những thuật ngữ pháp lý. Điều đó đặc biệt quan trọng dưới ánh sáng của những biến cố trong mùa hè vừa qua. Khi những chính sách không tin tưởng cũng không cổ võ cho những giá trị khách quan, thì chủ nghĩa tương đối về luân lý, thay vì dẫn đến một xã hội tự do, bình đẳng, công bằng và nhân ái, sẽ có khuynh hướng làm nảy sinh những hụt hẫng, thất vọng, ích kỷ và khinh miệt ành hưởng đến đời sống và tự do của tha nhân. Do đó, những chính khách sẽ phải cấp tốc tìm kiếm “những phương thế mới mẻ để trợ giúp cho một nền giáo dục toàn diện, cổ võ những cơ hội thuận lợi về mặt xã hội và một nền kinh tế năng động, cũng như nghiên cứu những phương tiện để trợ giúp công ăn việc làm lâu dài và phân phối của cải một cách công bằng và rộng rãi hơn trong xã hội”.
Mặt khác, ĐTC cũng đề cập đến “những giá trị nền tảng của một xã hội lành mạnh” như là “bảo vệ sự sống, bảo vệ gia đình, xây dựng một nền giáo dục về luân lý lành mạnh cho giới trẻ và để ý quan tâm đến những người nghèo khổ, cô thân, cô thế”.
Trong bài diễn văn, ĐTC cũng đã nhắc lại chuyến công du của ngài ở Anh quốc vào năm ngoái nhân dịp phong chân phước cho Đức Hồng y John Henri Newman. Ngài ca tụng ĐHY là “một người Anh quốc vĩ đại mà tôi hằng thán phục từ bao nhiêu năm qua và việc nâng ngài lên hàng danh dự trên bàn thờ cũng là niềm mong ước cá nhân của tôi”.
“Tôi còn tin tưởng vào những ý tưởng quan trọng về xã hội của ĐHY Newman, bởi vì ngày nay, nước Anh, Châu Âu và các nước phương Tây nói chung đang chạm trán với những vấn đề mà người đã nhận diện một cách sáng suốt như một tiên tri từ lâu. Tôi kỳ vọng vào một lương tâm được canh tân từ những văn bản của ĐHY sẽ sinh ra những thành quả mới giữa những người đang đi tìm những giải pháp cho những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội trong thời đại chúng ta”.
Đề cập đến vấn đề hòa bình, ĐTC đã hoan nghênh chuyến công du thành công của nữ hoàng ở Cộng hòa Ireland, như là “một viên đá quan trọng của thiên niên kỷ trong tiến trình hòa giải ngày càng được củng cố ở miền Bắc Ireland, mặc dù vừa xảy ra những lộn xộn trong mùa hè vừa qua”.
“Một lần nữa, nhân dịp này, tôi kêu gọi tất cả những ai muốn sử dụng bạo lực, hãy tạm gác nỗi cay đắng của mình qua một bên, để đi tìm một cuộc đối thoại với những thân nhân của mình cho sự bình an và đi tìm sự thịnh vượng chung cho cộng đồng”.
Sau cùng, ĐTC đã hoan nghênh quyết định của nước Anh đã “gia tăng ngân quỹ cứu trợ”: “Tôi xin mời quý vị trong nhiệm kỳ của mình nghiên cứu những cách thức khuyến khích hợp tác phát triển giữa chính phủ của quý vị và những cơ quan từ thiện và phát triển của Giáo hội, đặc biệt với những cơ quan ở Roma và trong nước của quý vị”.
Vị tân Đại sứ Anh quốc bên cạnh Tòa Thánh sinh ngày 9 tháng Chín năm 1966. Ông bắt đầu đi làm công tác ngoại giao từ năm 1989 và trong những năm gần đây, từng là phó giám đốc phái bộ ngoại giao ở La Havana (2003-2006) và đại sứ ở Bolivia (2007-2011).
(Marine Soreau, Zenit, 09-09-2011)
An Phú Sĩ chuyển dịch
(Nguồn: WHĐ)