MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nhân ngày phụ nữ 8/3: Một thoáng hồng nhan qua Cựu ước và sử Việt

Đọc trong văn chương bình dân Việt Nam, thỉnh thoảng chúng ta gặp thấy một lời năn nỉ thở than như:

Mẹ ơi ! Chớ đánh con đau,
Để con mót lúa, hái rau mẹ nhờ. (Ca dao)


hoặc là trong thơ mới:

Tằm em ăn rỗi hôm nay
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua. (Nguyễn Bính, Áo anh, 1939)[
1]

Trong một số công việc liên quan tới nông nghiệp hay công tác nơi đồng áng nông thôn Việt Nam, các việc làm như mót lúa hoặc hái dâu, hầu như chỉ dành cho lớp người phụ nữ nghèo khổ bình dân trong xã hội. Với bốn thành phần giai cấp sĩ, nông, công, thương của xã hội phong kiến Việt Nam từ ngàn xưa, những người chuyên nghiệp mót lúa, hái dâu cũng không được xếp vào hạng nào cả trong các hạng nói trên bởi vì điều kiện vật chất của họ tương đối thấp kém. Văn chương thi phú và các hình thái nghệ thuật bác học khác trước đây cũng ít khi nhắc tới hoặc viết đến họ. Họ không được một luật lệ nào của xã hội bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của họ cả. Trong thời tiền chiến, một số tác phẩm ít nhiều có viết về các đề tài xã hội và gần đây nền văn chương hiện thực của cái gọi là xã hội chủ nghĩa có nhắc đến với mục đích sử dụng tầng lớp nghèo của xã hội nông thôn làm đề tài trong một thể loại văn nghệ gọi là nền văn nghệ minh họa qua đó mượn họ mà đề cao một chế độ chính trị hoặc xưng tụng những kẻ cầm quyền của nền chuyên chính vô sản.

Tuy vậy đọc trong Cựu Ước và đối chiếu với sử Việt, chúng ta thấy được hai nhân vật nữ xuất thân từ hai nghề hèn mọn mót lúa và hái dâu, một ở Ít-ra-en và một Việt Nam đã để lại tên tuổi đáng ghi nhớ trong cuộc đời của họ ghi đậm dấu ấn vào nền văn hóa nông nghiệp và tang tằm của hai nước. Đó là RÚT (Ruth), bà cố của vua Đa-Vít (David) cách 10 thế kỷ trước Công Nguyên và Ỷ-LAN nguyên-phi, vợ vua Lý Thánh Tông (1054-1072), mẹ của Lý Nhân-Tông (1072-1127). Nhưng trước khi đi vào tìm hiểu những biến cố chính trong cuộc đời hai bậc nữ lưu này thiết tưởng cũng cần thoáng qua đôi nét về thực trạng của nghề nông trong lịch sử Do-Thái đối chiếu với nghề trồng dâu nuôi tằm trong xã hội Việt Nam vốn cũng có ít nhiều ảnh hưởng trên cuộc đời của bà Rút và Ỷ-Lan nguyên-phi.

1 – Văn hóa nông nghiệp Do Thái trong buổi đầu định cư trên Đất Hứa

Trong tất cả các tư liệu lịch sử có thể nói Cựu Ước là bộ sách để lại cho nhân loại nhiều hiểu biết về tình hình nông nghiệp đã nuôi sống một số dân tộc vùng Cận Đông trong đó có Do-Thái vào thời cổ đại, ít nhất là vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Tìm hiểu về nghề nông cùng những nông cụ cần thiết thời xưa ở đất Do-Thái, trong cuốn sách New Illustrated Bible Manners & Customs, How the People of the Bible really lived, Howard F. Vos cho biết: “Người nông dân dùng lưỡi cày bằng đá hay bằng đồng hoặc những cái cày bằng gỗ do bò kéo để trồng lúa mì, lúa mạch và các loại rau cải. Các bầy dê cừu gặm cỏ đó đây điểm xuyết thêm vào đó là những khóm chà là hoặc cây ăn trái. Cũng gặp thấy đó đây các hệ thống tưới tiêu mà buổi đầu đơn giản là những rãnh mương và những mô đất đắp cao làm bờ đê. Và phần lớn hệ thống tưới tiêu là như thế. Nhưng vào thời của Abraham, khi các vị vua còn cai trị các thị quốc (city-states), họ cho đào vét các kênh mương để dùng cho việc tưới tiêu và làm đường vận chuyển. Nông sản được chở tới các chợ trong thành phố trên những con kênh ấy từ nơi này đến nơi khác. Nhiều thuyền buồm tới tấp qua lại trên những con kênh của hệ thống tưới tiêu này.”[2] Nền văn minh Ai Cập cũng như Lưỡng Hà Địa trong đó có quốc gia Ít-ra-en cơ bản là những nền văn minh nông nghiệp nên những hiểu biết cốt yếu về nghề nông như nông cụ, chính sách điền địa, hệ thống đê điều, thuế nông nghiệp, tình trạng những người dân nghèo, hạng bần nông, các nạn đói trong một quốc gia mới hình thành sau cuộc xuất hành khỏi đất Ai-Cập vào khoảng 1440 trước Công Nguyên v.v… là những mô thức đặc thù của một trong những nền văn minh tối cổ của nhân loại. Cũng trong cuốn sách trên, Howard F. Vos đã dựa trên các công trình nghiên cứu của Jacquetta Hawkes, Harriet Crawford và A. Leo Oppenheim cho biết từ khoảng năm 2.500 trước Công Nguyên đến 1.500 tr. CN nền văn minh nông nghiệp Sumer đã từng sáng chế một loại nông cụ vừa cày vừa gieo hạt được xem ra khá độc đáo: Một chiếc máy cày do đôi bò kéo với một người đi trước dẫn đường kéo theo một chiếc cày gắn một lưỡi nhọn vạch một đường nông vào mặt đất. Thân cày có hai chuôi do người thứ hai cầm lấy bằng hai tay. Trên thân cày có gắn một cái ống chạy dọc xuống theo chiều thẳng đứng, gần sát mặt đất, trên ống là một bộ phận hình như cái phễu. Một người thứ ba đi bên cạnh một tay bốc nắm hạt cho vào phễu, một tay mang bọc đựng hạt giống. Năm 1701 ở nước Anh, Jethro Tull đã sáng kiến chế ra loại máy gieo hạt nhưng đi đầu trong sáng kiến chế tạo nông cụ, người ta không thể không nhắc đến cái máy vừa cày vừa gieo nói trên.[3]

Ở Do Thái, cái liềm để gặt lúa thường làm bằng gỗ gắn vào đó là những mảnh đá lửa sắc cạnh. Dụng cụ này khá nặng cho nên chỉ dành cho đàn ông sử dụng.

Từ cuộc sống bán du mục, dân tộc Do Thái khi vào Đất Hứa đã hình thành quốc gia của họ và với đời sống định cư nông nghiệp đã trở thành căn bản của sinh hoạt hằng ngày, cho nên Cựu Ước đã phản ảnh rõ nét nền văn minh vật chất và tinh thần của dân tộc đó. Sách Sáng Thế cho biết thủy tổ nghề nông của nhân loại là Cain vì ông này làm nghề cày cấy đất đai. Khi viết về chuyện ông Giu-se kể lại giấc chiêm bao của mình với các anh, Sáng Thế đã dùng đến hình ảnh bó lúa: “Giu-se chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu nói với họ: “Xin nghe em kể giấc chiêm bao của em. Em thấy chúng ta đang bó những bó lúa ở giữa đồng, thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy bó lúa của em. Các anh bảo cậu: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?” Và họ càng ghét cậu thêm vì những chiêm bao và những lời nói của cậu.” [4] Giấc mơ của vua Pha-ra-ô bên Ai Cập, một giấc mơ với nội dung kỳ bí mà chỉ có Giu-se mới giải nỗi, cũng được cấu thành theo hình ảnh hạt lúa, đã được Sáng Thế ghi lại như sau: “Vua ngủ lại và chiêm bao một lần thứ hai; vua thấy bảy bông lúa đâm lên trên cùng một cọng, mẩy và tốt. Rồi có bảy bông lúa lép và nám cháy vì gió đông, mọc lên sau chúng. Bảy bông lúa lép nốt chửng bảy bông lúa mẩy và chắc. Bấy giờ Pha-ra-ô tỉnh dậy, thì thấy rằng đó là một giấc chiêm bao.”[5] Trong triều đình không ai giải thích nỗi chỉ trừ có Giu-se khi ông cho biết Ai Cập sẽ trải qua bảy năm được mùa rồi tiếp đến bảy năm mất mùa. Ở Ai-Cập cũng như vùng Cận Đông, các sông ngòi lớn như sông Nile, Tigris và Euphrates giữ một vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân. Ở các vùng ven sông, do nước sông dâng cao tràn vào các đồng bằng mà mùa màng tươi tốt, dân chúng cày cấy thuận lợi chứ không phải do lượng nước mưa. Những khi nước sông không dâng cao, người ta phải tìm cách kéo nước từ sông Nile lên tưới vào con kênh nằm cao hơn mặt nước sông. Từ thời Giu-se (khoảng thế kỷ 18 trước Công Nguyên), sau nhiều thế kỷ lăn lộn trong nghề nông, người dân Ai-Cập cũng như vùng Cận Đông đã biết làm thế nào để đưa những khối nước quý giá của sông Nile và các sông ngòi khác vào những kênh tưới trên những mực độ cao hơn mặt sông. Họ dựng hai trụ gỗ đứng khá cao với một thanh gỗ nằm ngang. Giữa thanh gỗ buộc một cần dài cũng bằng gỗ, một đầu buộc vào tảng đá lớn, đầu kia buộc sợi dây thừng cột một chiếc gàu. Họ cầm sợi thừng kéo nhúng chiếc gàu xuống đầy nước rồi nhấc nhẹ lên do sức trĩu nặng xuống của phía đầu cần gỗ có tảng đá. Cứ thế họ đổ nước vào những con kênh dẫn vào đồng ruộng.

Ở Ai-Cập cũng như tại Do-Thái, trong thời xưa, các trận đói không phải là ít khi xảy đến thường là do mưa không đúng thời vụ, mưa đá phá hoại mùa màng, nạn châu chấu hay bươm bướm gây thiệt hại cho hoa mầu, hoặc có khi nạn thiếu hụt thực phẩm vì bị vây hãm. Bệnh dịch tả thường xảy ra tiếp theo nạn đói. Các trận đói là hậu quả của những nguyên nhân tự nhiên được ghi lại qua cuộc đời của các tổ phụ như Abraham (Sáng thế 12:10), Giu-se (Sáng thế 41:56), các thủ lãnh (Rút 1:1), Đa-vít (2Sa 21:1) Ahab và Elijah (1Ki 17: 1; 18:2) và Elisha (2Ki 4:38; Lk 4:25) v.v…

Tuy nhiên, đặc biệt là nạn đói xảy ra ở đất Canaan khiến Gia-cóp phải sai các con của mình sang Ai-Cập tìm mua lúa để cứu đói. Sách Sáng Thế ghi lại trình thuật ấy như sau: “Ông Gia-cóp thấy bên Ai-cập có lúa bán, liền nói với các con trai: “Sao các con cứ ngồi nhìn nhau?”Rồi ông nói: “Cha nghe nói bên Ai-cập có lúa bán; các con hãy xuống đó mua lúa về, để chúng ta sống chứ không phải chết.”Mười người anh ông Giu-se bèn xuống mua lúa mì ở Ai-cập. Nhưng Ben-gia-min, em của ông Giu-se, thì ông Gia-cóp không sai đi với các anh, vì ông nói: “Lỡ ra nó gặp tai họa.”[6] Ông Giu-se cùng Ben-gia-min là anh em cùng một cha một mẹ (mẹ là bà Ra-khen). Nhờ nạn đói và cũng nhờ mua được lúa mì ở Ai-cập mà anh em ông Giu-se được đoàn tụ lại với nhau, cũng đúng như người xưa thường nói “ Họa trung hữu phước”.

Một số nghi lễ có liên quan đến nông sản trong Do Thái giáo cũng được sách Cựu Ước ghi lại và sau đây là trình thuật của Lê-vi: “Nếu (các) ngươi tiến dâng ĐỨC CHÚA của đầu mùa làm lễ phẩm, thì phải tiến dâng gié lúa rang, hột lúa mới đã xay, làm lễ phẩm của đầu mùa. (Các) ngươi sẽ đổ dầu lên trên và bỏ nhũ hương vào. Đó là lễ phẩm. Tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút phần kỷ vật dành cho ĐỨC CHÚA, tức là một phần hột lúa xay và dầu cùng với tất cả nhũ hương. Đó là lễ hỏa tế dâng ĐỨC CHÚA.”[7] Trong một trình thuật khác của sách Lê-vi, chúng ta đọc thấy: “ ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: “Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan ĐỨC CHÚA để cá ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày sa-bát. Ngày các ngươi làm nghi thức tiến dâng bó lúa ấy, các ngươi phải dâng một con chiên toàn vẹn, một tuổi, làm lễ toàn thiêu lên ĐỨC CHÚA, cùng với lễ phẩm là chín lít tinh boat nhào với dầu: đó là lễ hỏa tế dâng ĐỨC CHÚA, là hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA; lễ tưới rượu kèm theo là hai lít. Cho đến chính ngày đó, khi các ngươi mang lễ phẩm của Thiên Chúa các ngươi đến, các ngươi không được ăn bánh, ăn gié lúa rang và hột lúa mới. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở.”[8] Sau khi vào Đất Hứa (1440 trước Công nguyên), dân Do Thái có tục thánh hiến ruộng đồng của mình cho Đức Chúa và được quy định theo sách Lê-Vi như sau: “Nếu một người thánh hiến cho ĐỨC CHÚA một cánh đồng là sở hữu của mình, thì phải dựa vào số lượng lúa giống mà định giá: hai mươi thùng giống lúa mạch là mười lăm lạng bạc. Nếu nó thánh hiến cánh đồng ngay từ năm toàn xá, thì cứ theo như giá đã định. Nếu nó thánh hiến cánh đồng sau năm toàn xá, thì tư tế sẽ tính giá tùy theo số năm còn lại cho đến năm toàn xá, và có giảm bớt giá đã định.”[9] Tư liệu cũng quy định luật lệ về cánh đồng đã thánh hiến mà muốn chuộc lại, cánh đồng đã mua chứ không thuộc quyền sở hữu v.v. cũng nói lên tính phức tạp, chi li của các luật lệ Do Thái thời cổ.

Dưới con mắt của người thủ lãnh Do Thái, đôi khi một cánh đồng lúa của kẻ địch cũng trở thành mục tiêu phá hoại trong cuộc chiến đấu để nòi giống sinh tồn hay trút sự hận thù quốc gia lên các dân tộc khác. Xin đọc trình thuật sau đây của sách Thủ Lãnh nói về chuyện ông Sam-sôn, một nhân vật đứng trong hàng thủ lãnh của Ít-ra-en, thường được thần khí Thiên Chúa hỗ trợ, để tóc dài nên có sức mạnh vô địch: “Ít lâu sau, vào mùa gặt lúa miến, ông Sam-sôn mang một con dê tơ đến thăm vợ. Ông nói: “Tôi muốn vào phòng ngủ của vợ tôi”; nhưng bố vợ không cho ông vào. Bố vợ nói: “Thật sự tôi tưởng là anh đã chán ghét nó, nên tôi đã trao nó cho người đã làm phù rể cho anh. Con em nó lại chẳng khá hơn nó sao? Vậy để con em thay cho chị nó đi!” Ông Sam-sôn nói với họ: “Lần này thì tôi vô tội đối với người Phi-li-tinh, nếu tôi làm hại chúng.” Ông Sam-sôn đi bắt ba trăm con chó sói; lấy đuốc, rồi cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai đuôi. Ông châm lửa vào đuốc và lùa sói vào đồng lúa chín của người Phi-li-tinh, thiêu rụi từ gốc rạ cho đến bông lúa, thiêu cả nho và ô-liu nữa. Người Phi-li-tinh hỏi: “Ai đã làm chuyện này?” Và người ta đáp: “Đó là Sam-sôn, con rể ông người Tim-na, vì ông ấy đã đem vợ hắn gán cho người phù rể của hắn.” Những người Phi-li-tinh đi lên, nổi lửa đốt cả nàng lẫn cha nàng. Ông Sam-sôn nói với họ: “Vì chúng bay đã làm như thế, thì tao sẽ trả thù cho được mới thôi.” Ông đánh cho chúng một trận tơi bời, khiến chúng bị thảm bại. Rồi ông xuống ở trong một hốc đá tại Ê-tham.”[10] Trước năm 1975, ở Sài Gòn nhiều người đã có dịp thưởng thức cuốn phim Samson et Dalilah với màn ảnh đại vĩ tuyến chắc cũng còn nhớ đôi chút câu chuyện truyền kỳ về sức mạnh thần thánh của vị thủ lãnh Do Thái này.

Trong việc gặt lúa hay thu hoạch các cây trái, hoa quả, Cựu Ước cũng có những điều khoản quy định nhằm giúp đỡ cho người nghèo khổ, vô gia cư, hay kẻ góa bụa và ngoại kiều cư trú trên đất Do Thái và có lẽ đây là điều luật đặc biệt nhất mà nhiều quốc gia khác lúc bấy giờ và cho đến nay không có. Xuất hành ghi lại như sau: “Trong vòng sáu năm, ngươi sẽ cày cấy ruộng đất ngươi, gieo trồng và thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy, ngươi sẽ để đất ngưng sinh hoa màu, để đất hưu canh; những người nghèo trong dân ngươi sẽ được hưởng hoa màu đó, những gì còn lại thì bỏ cho dã thú ăn. Vườn nho và vườn ô-liu, ngươi cũng sẽ làm như thế.”[11] Trong sách Lê-vi, có những điều khoản quy định cụ thể hơn: “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt; (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.”[12] Trong cuốn sách Great people of the Bible and how they lived, tác giả giải thích rằng có lẽ vì người gặt khó vung lưỡi liềm ở sát các bờ ruộng nên lúa mọc ở đó phải chừa lại.[13] Thực tế là nếu người gặt tham lam, không có lòng bác ái thì góc nào, xó xỉnh nào họ cũng thu vén được hết, nhưng ở đây là điều luật của Thiên Chúa được ghi trong văn bản rõ ràng nên họ phải thi hành.

Ngoài ra sách Lê-vi còn quy định thuế thập phân như sau: “Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa trái của cây cối, đều thuộc về ĐỨC CHÚA: đó là của thánh dâng ĐỨC CHÚA. Nếu người nào muốn chuộc một phần thuế thập phân, thì phải trả thêm một phần năm.”[14]

2 – Nét hiền thục của một thiếu phụ mót lúa trong Cựu Ước

Chuyện bà Rút mót lúa nằm trong sách Ruth mà trong bản Hy-lạp, La-tinh và các bản dịch mới, sách này (viết khoảng năm 1,000 trước Công Nguyên) được đặt liền sau sách Thủ lãnh. Tác giả sách đó vô danh, cũng được gán cho tiên tri Samuen. Câu chuyện xảy vào thế kỷ 12 trước Công Nguyên trong những ngày các thủ lãnh cai trị khi các bộ lạc miền bắc thường xuyên phải chiến đấu chống các thành phố có tường thành bảo vệ đồng thời hãn ngự các cuộc xâm lăng của các nhóm Ammonites và Midianites ở phía đông thì bộ tộc Judah chiếm vùng đất phía nam Ít-ra-en tương đối được hòa bình nhưng lại phải đương đầu với một kẻ thù khác đó là khí hậu. Bình thường đất đai phì nhiêu đủ để cho các loại lúa mì, lúa mạch hoặc các vườn nho, các đồi ô-liu hay cây vả có thể sinh hoa kết quả, nhưng rồi thỉnh thoảng trời hạn nên mùa màng thất bát và nạn đói kéo đến. Ở thành phố Bê-lem (Bethlehem) có ông Ê-li-me-léc (Elimelech), trong thảm cảnh đói kém, đã đem vợ là Na-o-mi (Naomi) cùng hai con trai là Mác-lôn (Mahlon) và Kin-giôn (Chilion) trẩy đến Mô-áp (Moab), một vương quốc ở trên cương vực phía đông của Biển Chết (Dead Sea) cách Bê-lem cũng khoảng 30 hay 40 dặm vì nghe nói ở đấy dễ sinh sống hơn. Truy nguyên về nguồn gốc tiên tổ, dân Ít-ra-en và dân Mô-áp có cùng huyết thống với tổ phụ Abraham nhưng dân Ít-ra-en thờ phụng Thiên Chúa, còn dân Mô-áp thờ thần Chemosh[15] với những lễ nghi mà dưới con mắt dân Ít-ra-en thì đó là tội lỗi. Trải qua nhiều thế kỷ, sự khác biệt về tôn giáo và tranh chấp về chính trị là nguồn gốc của tình trạng xung đột giữa hai sắc dân này. Con trai Ít-ra-en thường mê mẩn trước sắc đẹp của con gái Mô-áp nên nhiều kẻ bị dụ dỗ bỏ Thiên Chúa mà chạy theo thần Chemosh khiến cho Thiên Chúa đã giáng những trận ôn dịch xuống trên hàng ngàn những kẻ tội lỗi. Do vậy những người công chính trong hàng ngũ Ít-ra-en thường rất ghét đàn bà, con gái Mô-áp. Cho đến nay người ta cũng không rõ vì sao Ê-li-me-léc chọn Mô-áp làm đất lập lại cuộc đời, có thể vì những quan hệ cá nhân hay thương mãi khiến ông có thể thuê mướn đất cách dễ dàng, hoặc đó là nơi mưa hòa gió thuận có thể khiến ông thịnh vượng, sung túc lại cũng nên.[16] Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó ông Ê-li-me-léc chết để lại bà Na-o-mi và hai đứa con trai. Hai con trai này lớn lên cũng lấy vợ Mô-áp bất kể các truyền thống thù nghịch giữa hai bên. Mác-lôn lấy cô Rút và Kin-giôn lấy cô Oóc-pa (Orpah). Mười năm sau hai người con trai cũng chết và bấy giờ cả ba bà góa này phải đối diện với một cuộc sống và tương lai hết sức bấp bênh.

Đối với việc kế thừa trong gia đình người Do-Thái, sách Đệ nhị luật quy định rằng: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xóa khỏi Ít-ra-en.Nhưng nếu người đàn ông ấy không thích lấy chị dâu hay em dâu mình, thì nàng sẽ lên cửa thành, gặp các kỳ mục và thưa: “Người anh em chồng tôi từ chối không chịu lưu truyền tên tuổi của anh em mình ở Ít-ra-en, người ấy không muốn chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với tôi.” Các kỳ mục trong thành sẽ gọi người đàn ông ấy đến và nói với người ấy. Người ấy sẽ đứng đấy và nói: “Tôi không thích lấy cô ấy.”Người chị hay em dâu sẽ đến gần người ấy trước mặt các kỳ mục, rút một chiếc dép người ấy ra khỏi chân, nhổ vào mặt người ấy và lên tiếng nói: “Kẻ không xây nhà cho người anh em mình thì phải xử như thế đó!” Trong Ít-ra-en, người ta sẽ gọi tên người ấy là “nhà kẻ bị lột dép.”[17] Những điều khoản này sẽ có liên quan đến trường hợp góa bụa của bà Rút trong diễn tiến câu chuyện ở sau.

Đối với hai bà góa trẻ, hương sắc còn mặn mà thì việc tìm người đàn ông Mô-áp để tái giá là chuyện dễ dàng, nhưng còn bà Na-o-mi đã già cả và qua thời sinh con làm sao có thể lấy chồng lại được? Vì vậy bà Na-o-mi quyết định cho hai nàng dâu trở về nhà cha mẹ họ, còn bà sẽ trở về Bê-lem tìm cách sinh sống vì nghe nói Đức Chúa đã cho đất Giu-đa được mùa. Hai người con dâu khóc lóc nhưng rồi Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà. Trình thuật của sách Rút chép rằng: “Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!”[18] Nghe vậy bà Na-o-mi không còn ép nữa và cả hai mẹ con lên đường ngược phía bắc đi khoảng 4, 5 ngày. Đến gần Giê-ri-khô, họ bước qua sông theo chỗ nông, hướng về phía tây qua vùng sa mạc cháy bỏng của đất Giu-đa và kìa những ngọn đồi mướt xanh màu cỏ của vùng trung tâm Giu-đa đã nằm trong tầm mắt của họ với ngôi làng nhỏ Bê-lem. Thời gian ấy khắp nơi đang bước vào mùa gặt lúa mạch trong bảy tuần lễ từ giữa tháng Tư đến khoảng giữa tháng Sáu. Tin tức bà Na-o-mi nghe là đúng: thời gian đói kém của xứ Giu-đa đã qua và năm ấy mưa nhiều nên ruộng đồng được vụ mùa bội thu sẵn sàng chờ gặt, lúa mạch trước và sau đó vài tuần là lúa mì. Bà Na-o-mi có một thân nhân bên họ nhà chồng, một người khá giả tên là Bô-át (Boaz). Rút, người Mô-áp, nói với bà Na-o-mi: “Xin mẹ để con đi ra ruộng mót lúa đằng sau người nào có lòng nhân từ đoái nhìn con.” Bà trả lời: “Con cứ đi đi.” Thật ra mót lúa không phải là công việc nhẹ nhàng vì phải cúi khom lưng suốt cả ngày, dưới bóng nắng thiêu đốt, theo dõi các cụm lúa sót khắp nơi và phải mót liền tay. Rút may mắn gặp một thửa ruộng của ông Bô-át. Ông Bô-át nói với người trông coi thợ gặt: “Cô kia là người của ai thế? Người kia trả lời: “Đó là một thiếu phụ Mô-áp, người đã cùng với bà Na-o-mi từ cánh đồng Mô-áp trở về. Cô đã nói: ‘Cho phép tôi mót và nhặt những bông lúa đằng sau thợ gặt.’ Cô ấy đã đến và ở lại từ sáng tới giờ: Cô ấy chẳng chịu nghỉ ngơi chút nào.”Ông Bô-át nói với Rút: “Này con, con có nghe không? Đừng đi mót ở ruộng nào khác, cũng đừng rời khỏi đây, nhưng cứ theo sát các tớ gái của ta. Con nhìn thửa ruộng chúng gặt và cứ đi theo chúng. Nào ta đã chẳng ra lệnh cho các tôi tớ không được đụng tới con sao? Nếu khát, con cứ đến chỗ để bình mà uống nước các tôi tớ đã múc. Rút liền cúi rạp xuống đất mà lạy ông, rồi nói: “Sao con lại được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn và quan tâm đến, dù con là một người ngoại quốc?” Ông Bô-át đáp: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất, cũng như chuyện con đã bỏ cả cha mẹ và quê hương, mà đến với một dân trước kia con không hề biết tới. Xin ĐỨC CHÚA trả công cho con vì những gì con đã làm! Chớ gì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, thưởng công bội hậu cho con. Người là Đấng cho con ẩn náu dưới cánh Người!” Nàng nói: “Thưa ông, ước gì con được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn, vì ông đã an ủi con và nói những lời thân ái với nữ tỳ của ông, mặc dù con không đáng làm một nữ tỳ của ông.”[19] Ông Bô-át cảm nhận được tất cả nét hiền thục, dịu dàng trong con người thiếu phụ tuy nghèo khổ nhưng chân chất nên đã tỏ ra ân cần săn sóc, thí dụ đến bữa ăn, ông nói với nàng: “Con lại gần đây, lấy bánh chấm vào nước dấm mà ăn.” Rút ngồi bên cạnh thợ gặt. Ông Bô-át đưa cho nàng một mớ lúa rang. Nàng ăn no và còn để dành nữa. Rồi nàng trỗi dậy mót lúa. Ông Bô-át dặn dò các tôi tớ ông rằng: “Cho dù cô ấy có mót ngay giữa những bó lúa đi nữa, các anh cũng đừng nhục mạ cô ấy. Hơn nữa, các anh hãy để ý rút vài bông lúa ra khỏi đống lúa đã gặt và để lại cho cô ấy mót. Đừng trách móc cô ấy làm gì.” Đến chiều, Rút đã kiếm được một số lượng lúa mạch khá nhiều đến gần hai thúng đưa về nhà. Bà Na-o-mi trố mắt vì ngạc nhiên trước thành quả người con dâu bà thu hoạch được. Ông Bô-át đã đối xử với Rút như người trong gia đình nhưng với phong cách thật tế nhị và đầy lòng thương yêu.

Tuy vậy, điều mà bà Na-o-mi quan tâm không phải là những bó lúa mót được mà là một tập tục liên quan tới anh em chồng (levirate marriage)[20] có thể ảnh hưởng tốt cho Rút trong tương lai khi mà ông Bô-át tỏ rõ lòng quý mến của ông đối với Rút bằng những cử chỉ săn sóc đặc biệt. Tập tục đó bảo đảm sự an toàn cho một bà góa nghèo khổ và không ai bạn bè là nếu bà góa không có con thì có quyền hy vọng em trai chồng mình có thể lấy mình làm vợ. Nếu chồng không có em trai thì một người đàn ông trong họ hàng được quyền làm chuyện đó. Bất cứ người thân thích nào cưới bà góa đó đương nhiên trở thành vị cứu tinh hay bảo hộ cho bà. Đứa con trai đầu có được với bà góa đó qua cuộc hôn nhân mới được kể như là con của người chồng trước đã quá cố và nó có quyền thừa hưởng gia nghiệp người kia. Bà Na-o-mi trước đây không nghĩ mình có thể được chi phối bởi tập tục đó vì bà đã qua thời sinh đẻ, còn Rút thì chỉ là một người đàn bà dân tộc Mô-áp vốn bị người Do-Thái coi khinh, nhưng nay thấy các cử chỉ thương yêu của ông Bô-át với Rút tức khắc trong lòng bà già kia bắt đầu bùng lên tia lửa hy vọng.

Sau vụ gặt dĩ nhiên công việc đập và sàng lúa bắt đầu. Dân Do-Thái cũng đập lúa nghĩa là tách hạt ra khỏi cọng lúa bằng cách dùng gậy đập mạnh vào các bó lúa hoặc dùng từng cặp bò dẫm xéo quanh sân lúa. Có khi người ta cột vào cổ súc vật một chiếc xe giống xe trượt tuyết ở dưới gầm có gắn nhiều cục đá hay kim loại cán đi cán lại trên các bó lúa, vừa tách hạt lúa vừa làm nát các cọng lúa biến thành rơm rạ. Lắm lúc người ta quạt lúa để tách hạt chắc ra khỏi vỏ trấu bằng cách dùng cái chĩa (VN ta gọi là đinh-ba) có 5, 6 ngạnh xĩa tung lên hoặc dùng cái thuỗng xòe như cánh quạt tung lên trời cho gió thổi vỏ trấu nhẹ và bụi bặm bay về một phía. Các hạt lúa mạch hay lúa mì nặng sẽ rơi xuống đất. Việc quạt lúa thường tiến hành vào buổi chiều hay xế chiều khi những cơn gió nhẹ và ấm từ Địa Trung Hải thổi vào.

Sau đó người ta sàng lúa để tách lần nữa các hạt ra khỏi vỏ trấu với những cái nia tròn có vành gỗ chung quanh bọc bằng những tấm da thuộc mềm. Hạt lúa sau khi được sàng sẩy sẽ cho vào các vò bằng đất nung cất trong kho.

Suy nghĩ về thân phận đứa con dâu bất hạnh của mình, bà Na-o-mi chợt nhớ về quyền bảo tồn dòng dõi của ông Bô-át nên nhân chính vào đêm ông đi rê lúa mạch ở dưới sân lúa, bà bảo Rút đi tắm rửa, xức dầu thơm, khoác áo choàng vào, rồi đi xuống sân lúa. Bà dặn Rút đừng cho ông Bô-át nhận ra trước khi ông ăn uống xong. Khi ông tới nằm ngủ đầu đống lúa, thì Rút nhẹ nhàng đi tới đó, lật góc chăn phủ chân ông và nằm xuống, dụng ý là muốn ông Bô-át là kẻ che chở cho nàng. Trình thuật của sách Rút viết về đoạn này như sau: “ Vào giữa đêm, ông Bô-át rùng mình; ông trở mình thì thấy một phụ nữ nằm dưới chân. Ông hỏi: “Chị là ai?” Nàng đáp: “Con là Rút, tớ gái của ông. Xin ông giăng vạt áo choàng ra mà phủ lấy tớ gái của ông, vì ông là người bảo tồn dòng dõi.”Ông nói: “Này con, xin ĐỨC CHÚA ban phúc lành cho con! Việc hiếu nghĩa thứ hai con đã làm còn có giá hơn việc trước: con đã không chạy theo các người trai trẻ, dù họ nghèo hay giàu. Giờ đây, hỡi con, con đừng sợ. Tất cả những điều con sẽ nói, ta sẽ làm cho con. Vì mọi người hội họp ở cửa thành này đều biết con là một phụ nữ đức hạnh. Quả thật hiện nay ta là người bảo tồn dòng dõi, nhưng còn có người bảo tồn dòng dõi họ hàng với con gần hơn ta. Con cứ qua đêm ở đây. Sáng mai, nếu người ấy muốn dùng quyền bảo tồn dòng dõi đối với con thì tốt, người ấy cứ việc; nếu người ấy không muốn thì, có ĐỨC CHÚA hằng sống, ta thề sẽ dùng quyền đó! Hãy ngủ đi cho đến sáng.”[21] Tờ mờ sáng, ông Bô-át chỗi dậy bảo Rút đưa vạt áo choàng ra cầm chắc lấy và ông đong cho nàng sáu đấu lúa mạch rồi nói: “Con không được trở về nhà mẹ chồng tay không.” Sau đó ông ra cửa thành Bê-lem là trung tâm sinh hoạt của thành phố và ngồi đợi thì kìa người bà con ông muốn tìm đã đi tới. Ông gọi người đó lại và cho mời 10 người trưởng lão đến để chứng kiến công việc ông dự trù trong trí. Sách Rút viết tiếp rằng: “Ông nói với người bảo tồn nòi giống: “Bà Na-o-mi từ cánh đồng Mô-áp mới về, định bán thửa ruộng của người anh em chúng ta là Ê-li-me-léc. Phần tôi, tôi nghĩ là cần phải báo cho ông biết rằng; trước mặt quý vị hiện diện ở đây và các kỳ mục trong dân, ông hãy tậu thửa ruộng ấy! Nếu ông muốn dùng quyền bảo tồn nòi giống của ông, thì xin hãy dùng; bằng không thì xin tuyên bố cho tôi biết, vì ngoài ông ra, không ai có quyền bảo tồn nòi giống; còn tôi thì chỉ đứng sau ông.”Người ấy nói: “Vâng, tôi sẽ dùng quyền bảo tồn đó.” Ông Bô-át nói: “Ngày nào ông tậu ruộng chính tay bà Na-o-mi bán, thì lúc đó ông cũng phải lấy cả cô Rút người Mô-áp, vợ của người quá cố, để gia nghiệp người đó mãi mãi mang tên người đó.”Người bảo tồn dòng dõi nói: “Thế thì tôi không thể dùng quyền bảo tồn đó được, để khỏi làm hại gia nghiệp của tôi. Xin ông thay tôi mà dùng quyền đó, vì tôi không thể dùng được.” [22]

Trong đời sống xã hội của người Do-Thái, cửa thành (the city gate) là một vị trí trọng yếu vì là nơi hội họp của một số kỳ mục, trưởng lão để xét xử các việc tranh tụng về của cải, làm chứng cho các kết ước, và xét xử một số các vụ án từ ăn cắp súc vật cho đến sát nhân. Nói chung họ là thẩm phán của thời bình. Nếu các vị này quyết nghị một người nào đó là có tội, người ấy có thể bị trừng trị tại chỗ. Trong tác phẩm Archaeological Study Bible, có phần phụ chú nói về cửa thành (the city gate) như sau: “Cửa thành giữ một vai tuồng quan trọng trong cơ cấu phòng vệ của thành. Trong thực tế “chiếm được cửa thành” là “chiếm được thành” (Sáng thế 24: 60). Tuy nhiên, vai tuồng của một cửa thành như vậy cũng lan rộng ra trong các lãnh vực kinh tế, pháp lý và dân sự của cuộc sống. Ở Mesopotamia, các khu vực láng giềng thường hình thành dựa trên liên hệ về bà con và nghiệp vụ được tổ chức quanh các cửa thành khác nhau. Chợ búa hay các cơ sở pháp lý đặc thù thường tổ chức ở các cửa thành (2 Các vua 7:1). Thí dụ, Abraham mua hang Machpelah (Sáng thế 23:3ff.) tại một cửa thành và Boaz được trao quyền sở hữu của cải thực sự và có được bà Rút làm vợ ở tại một địa điểm như vậy (Ruth 4: 1ff). Các vị vua thường tổ chức các cuộc hội kiến với thần dân ở đó, và các tiên tri nói chuyện với các người trong hoàng tộc và dân chúng cũng tại các cửa thành như vậy. (2Samuen 19:8); 1Các vua 22:10; Giê-rê-mi-a 17:19). Ở Tel Dan, những cuộc khai quật khảo cổ bên trong cấu trúc một phần cửa thành ngoài đã phát hiện một khán đài cao trên đó thiết trí một ghế ngồi có tàn che cho vị vua hay thẩm phán và một ghế dài cho các vị trưởng lão. Sự thiết trí này điểm xuyết cho những mô tả của Kinh Thánh về những vụ án được đệ trình trước các bậc trưởng lão. (Đệ nhị luật 22:15; 25:7), và những bản án được đem ra thi hành (Đệ nhị luật 17:5; 22:24) tại một địa điểm như thế. Được ngồi tại một cửa thành giữa các bậc trưởng lão (Gióp 29:7; Châm ngôn 31:23) nói lên niềm vinh dự trong khi quyền được đi vào cửa thành biểu lộ quyền công dân (Sáng thế 23:10-18) ngay cả trong thành Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 22:14).[23] Theo phong tục của người Do-Thái thời xưa, khi có chuyện liên quan tới quyền bảo tồn hay việc đổi chác, để xác nhận việc đó, người này phải cởi một chiếc dép trao cho người kia. Vì vậy người bảo tồn dòng dõi cởi ngay chiếc dép trao cho ông Bô-át và ông này giơ cao lên cho 10 vị trưởng lão kia thấy để làm chứng cho điều vừa kết ước. Ông Bô-át lúc đó được quyền hưởng tất cả gia nghiệp mà Ê-li-me-léc và các con trai ông để lại và được luôn cô Rút, người dân Mô-áp làm vợ của ông. Rút sinh cho ông Bô-át một đứa con trai. Bà Na-o-mi rất đỗi vui mừng. Các bà hàng xóm láng giềng đến thăm tấp nập và đặt tên cho nó là Ô-vết (Obed). Giới học giả Kinh Thánh cho rằng kết thúc có hậu của chuyện bà Rút cũng là một khởi đầu quan trọng bởi vì Ô-vết, con của Rút là cha của Gie-sê (Jesse), Gie-sê sinh ra vua Đa-vít là vị thánh vương được trọng vọng nhất trong lịch sử Do Thái và trong Thiên Chúa Giáo. Trong một cuốn truyện viết về cuộc đời vua David, có tên King of Kings, Malachi Martin, nguyên giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Về Kinh Thánh cho biết kỹ nữ Ra-kháp mà chúng tôi có lần đề cập tới trong bài viết về tình báo trong Cựu Ước, là một thành viên trong danh gia vọng tộc của Gie-sê. [24]

Nhìn chung, Rút tuy là người ngoại giáo nhưng chấp nhận Do Thái giáo làm tôn giáo của mình, lấy dân tộc mẹ chồng làm dân tộc của mình. Bà thương yêu, tận tâm và trung thành với mẹ chồng dù trong hoàn cảnh đói rách khốn quẩn. Sách Rút phản ánh sự quan phòng của Thượng Đế không chỉ đối với một dân tộc được chọn của Giao ước nhưng đã chiếu cố nâng đỡ cả đến trường hợp của một người ngoại giáo, thấm nhuần tinh thần cứu độ (trường hợp Boaz đối với Ruth) của bác ái, bao dung và khuyến khích ý thức can đảm, chịu đựng trước hoàn cảnh vất vả, khó khăn của cuộc sống.[25] Tác phẩm này tuy ngắn nhưng cảm động, được đặt vào giữa sách Thủ lãnh và 1 Sa-mu-en theo truyền thống Thiên Chúa giáo trong khi nó lại được đứng đầu trong năm cuốn Megillot (Festival Scrolls) theo truyền thống Do Thái giáo đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm ca đọc dịp lễ Vượt Qua, Rút dịp lễ Ngũ Tuần, Ai ca ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm đền thờ bị thiêu hủy; Giảng viên, dịp lễ Lều; và Ét-te, ngày lễ Pu-rim[26].


3 – Nghề tang tằm, khía cạnh đặc thù của nền văn hóa Việt Nam

Nếu cây lúa là biểu tượng cho cái ăn của người Việt Nam thì cây dâu, con tằm nói chung “tang tằm” chỉ cái mặc của tiền nhân chúng ta qua trường kỳ lịch sử. Nền văn hóa Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc mà trong nền văn chương Trung Quốc, cây dâu được dùng để ví von cho nhiều việc, nhiều sự kiện, tốt cũng như xấu, từ sự biến thiên thay đổi ngoài không gian đến tình tự lứa đôi giữa các cặp trai gái thời xưa, sự được thua may rủi trong cuộc đời, hình ảnh nói về cảnh quan địa lý, thậm chí đến cả kỹ thuật “chài mồi” bậc hoàng đế quân vương trong chốn tam cung lục viện của các cung nữ ngày xưa.

Trong văn chương ta thường nghe “tang bồng” tức tang hồ, bồng thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Ngày xưa tục nước Tàu hễ đẻ con trai thì dùng cung tên bằng tang và bồng bắn sáu phát lên trời xuống đất và ra bốn phương, tỏ ý người con trai sẽ có công việc ở thiên địa tứ phương. Vì thế người ta dùng chữ tang-bồng hồ-thỉ mà tỏ chí khí của nam nhi.[27] Liên hệ đến tình cảm gia đình, người Trung Hoa dùng hai chữ tang và tử (cây dâu và cây thị qua kinh Thi với câu “Duy tang dữ tử, tất cung kính chi” ý nói cây tang, cây tử là của cha mẹ trồng, mình nhớ đến nó thì sinh lòng cung kính. Sau vì thế mà nói tang-tử là nơi quê nhà.

Trong văn học Trung Quốc, người ta thường nói “thương hải biến vi tang điền” hay ngắn gọn là “tang hải” chỉ sự đổi thay trong ngoại cảnh không gian (biển xanh hóa thành ruộng dâu). Thành ngữ “Bộc thượng tang gian” nói về tích xưa con trai nước Trịnh và con gái nước Vệ, thời Xuân Thu, hẹn nhau ra vườn dâu trên bờ sông Bộc để tư tình. Một điển tích khác nói rằng quan Thái sử vua Trụ hay đàn bản dâm cho vua nghe. Sau ông trầm mình chết ở sông Bộc, lưu truyền lại cho dân-cư tại đó những bản đờn dâm.[28] Trong Kinh Thi của Trung Hoa, bài “Tang trung” có câu: “Kỳ ngã vu tang trung” (hẹn với ta ở trong bãi dâu) cười chê con trai con gái hẹn nhau làm việc dâm bôn. “Tang trung chi lạc” nghĩa là “cái vui ở trong ruộng dâu” tức chuyện trai gái cẩu hợp.

Trung Quốc có chữ tang du. Sách Tàu xưa truyền rằng ở góc biển Tây có cây tang-du, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta nói cảnh tượng người già gần chết, thì nói rằng tang-du vãn-ảnh. Như vậy tang-du là phương tây nên còn có câu “ Thất chi đông ngung, thu chi tang du” nghĩa là mất ở góc đông, thu lại góc tây, ý nói mới ra lầm lỡ sau lại đền bù được vậy[29]. Ở Trung Quốc, trong thời cổ, người dân không được phép trồng cây lớn trong ruộng, sợ mất đất trồng lúa, nhưng được phép trồng dâu, rau, trái cây chung quanh mỗi nhà, có lẽ cũng vì những lợi ích thực tiễn, ngắn ngày của chúng.

Trong văn chương bác học Việt Nam, qua tác phẩm Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đưa vào đó hình ảnh cây dâu có lẽ cũng rất quen thuộc với xã hội nông thôn Việt Nam, phản chiếu bóng dáng của một “thương hải biến vi tang điền” đậm đặc nét Trung Hoa trong ý nghĩa điển tích:

Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang,
Mạch thượng tang, mạch thượng tang…
Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng
.


Đoàn Thị Điểm (?) đã dịch là:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
[30]

Cụm từ mạch thượng tang (mạch: đường nhỏ, đường bờ ruộng)[31] được tác giả sử dụng kỹ thuật điệp ngữ để tạo ra hình ảnh trùng trùng điệp điệp ngàn dâu xanh trong văn bản chữ Hán vẫn được dịch giả tài tình diễn lại trọn tình, trọn ý trong bản Nôm!

Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã mượn điển tích của văn học cổ Trung Hoa nói về người cung nữ rải lá dâu trước cửa phòng để dụ xe dê chở vị hoàng đế đi qua, dừng lại phòng mình để mong lọt mắt xanh đấng cửu trùng:

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Kiếp tằm vương tơ, biểu tượng số mệnh của người nghệ sĩ, vốn là điều ai cũng biết nhưng tìm nguồn gốc ví von này cũng không đơn giản. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Từ đó biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn nói đến thân phận tằm cũng để nói lên số kiếp của mình.

Trong văn chương bình dân nước ta, chúng ta cũng đọc thấy những vần điệu về nghề tằm tang như sau:

Trời mưa lác đác ruộng dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.
Bước chân xuống hái dâu này,
Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng…
Sáng ngày ta đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng: Cô ấy vội vàng đi đâu?

- Thưa rằng tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.

- Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.


Trong sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho biết văn minh tằm tang là của người phương Nam truyền ngược lên phương Bắc: “Trong những di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đá mới cách nay khoảng 5.000 năm (như di chỉ Bàu Tró), đã thấy có dấu vết của vải, có dọi xe chỉ bằng đất nung. Đến giai đoạn Đông Sơn (cách nay khoảng 3.000-2.500 năm), hình người trên trống đồng đều mặc áo, váy và đóng khố. Cấy lúa và trồng dâu, nông và tang – đó là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền nhau của người nông nghiệp Việt Nam. Người Hán từ xưa đã luôn xem đó là hai đặc điểm tiêu biểu nhất của văn hóa phương Nam: Đó cũng chính là hai đặc điểm đầu tiên mà Từ Tùng Thạch kể đến trong cuốn Việt giang lưu vực nhân dân [Kim Định 1971a: 108]; trong chữ “Man”mà người Hán dùng để chỉ người phương Nam có chứa bộ trùng chỉ con tằm.” Và tác giả này trích dẫn: “Từ phương Nam, nghề tằm tang đã được đưa lên phương Bắc. Sách Hoàng đế nội kinh của Trung Hoa nói về việc này một cách hình tượng là “Khi Hoàng Đế chặt đầu Si Vưu thì thần Tằm Tang dâng lụa cho ông”(hiểu là: khi bộ lạc phương Bắc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh chiến thắng bộ lạc phương Nam do Si Vưu làm thủ lĩnh, thì người phương Bắc tiếp thu được bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm của người phương Nam). Các sách cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu thuật…đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi ở Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp (Chăm-pa) một năm đạt được tới 8 lứa.”[32] Nói như vậy có cường điệu phần nào chăng? Có thể là như vậy. Vả lại nền văn minh Đại Việt tiên vàn là nền văn minh Hán hóa và các tầng văn hóa Hòa Bình, Bắc sơn rồi Đông Sơn có thật sự là nền văn minh Việt Nam hay của dân sở tại thuộc giống Indonésien hay Mélanésien mà hậu duệ ngày nay là người Mường[33], một vấn đề đã được sử gia Nguyễn Phương nghiêm túc trình bày cách đây hơn bốn thập kỷ ?

Năm 1092, trong bước đầu củng cố và phát triển chế độ quân chủ tập quyền, nhà Lý tiến hành lập địa bạ lúc đó gọi là điền tịch trong đó xác nhận địa phận làng xã, kê rõ diện tích ruộng đất làng xã, phân loại chất lượng đất, phân loại theo cây trồng như trồng lúa, trồng dâu, trồng mía và như vậy nghề trồng dâu đã được minh định trên sổ sách giấu tờ từ rất lâu cách nay mười thế kỷ.[34] Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương Mục, gọi tắt là Cương Mục, sau khi đánh thắng Hai bà Trưng, “vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái tổ kén, nên gọi là thành Kiển Giang.” Lời chua sách Cương Mục tiếp đó chép:”Theo Đại Thanh Nhất thống chí, Thành Kiển Giang, thành Vọng Hải đều ở huyện An Lãng. Khoảng năm Kiến Vũ (25-56), trong khi Mã Viện nhà Hán sang bình Giao Chỉ, đắp hai thành ấy ở huyện Phong Khê và huyện Vọng Hải.”[35] Kiển là cái kén tằm, tức là cái tổ của con tằm nó tự nhả tơ ra để che mình nó. Như vậy từ thế kỷ I sau Công nguyên, nghề tăng tằm hay ít nhất ý niệm về nghề này cũng mới được truyền vào nước ta qua công trình kiến thiết thành lũy của Mã Viện, vị tướng nổi danh của phương Bắc. Việc Mã Viện dùng danh từ Kiển Giang để gọi kiến trúc phòng bị mới xây hoặc là vì cấu trúc chung của thành có hình giống cái tổ kén mà đặt tên về sau hoặc sơ đồ dự án xây cất dựa trên ý niệm thời thượng lúc bấy giờ trong một xã hội mà việc tang tằm mới được du nhập và cổ xúy ở nước ta.

Như một quy luật của lịch sử, các con sông lớn ở Việt Nam cũng như các con sông khác trên thế giới thường tạo nên một số các nền văn minh quốc gia. Thí dụ ở Trung Quốc có hai sông Hoàng Hà và Dương Tử tạo ra nền văn minh Trung Quốc. Ở Cận Đông và Lưỡng Hà Địa là văn minh của Mesopotamia thuộc hai sông Tigris và Euphrates. Ở Ai Cập, có văn minh sông Nile. Các sông lớn ở Bắc Mỹ như Mississipi, Amazone hoặc các sông ở Pháp như Rhône, Garonne, Rhin v.v… cũng từng giữ những vị trí quan trọng trong đời sống người dân ở các vùng đất chúng chảy qua. Ở Việt Nam, nói đến văn minh sông Nhị Hà, người ta thường gọi văn minh sông Hồng, hay ở trong Nam thì gọi văn minh Nam bộ hay văn minh miệt vườn, có khi gọi là văn minh sông Cửu Long.

Do việc những bãi đất tân bồi của sông ngòi xứ Bắc như bờ bãi sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thương là những vùng đất lý tưởng đối với việc trồng dâu nên đã khiến nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành một công nghệ gia đình phổ biến với diện tích độ từ 14.000 đến 15.000 héc-ta.[36] Tại miền Trung, đất hẹp người đông, nhiều sông ngòi nên dân địa phương đã tranh thủ các vùng đất bồi từ các sông thuộc rằng Trường Sơn phía tây đổ về để phát triển nghề trồng dâu với một quá trình lịch sử cũng lâu đời như miền bắc và tơ tằm của ta ngay từ thời Lê mạt đã cạnh tranh rất đắc lực với tơ tằm Nhật và Trung Hoa.

Ở Quảng Nam có sông Thu Bồn, Quảng Ngãi có sông Trà Khúc, sông Vệ, sông La-châu với những bãi đất mới ven sông do các trận lụt thường niên bồi đắp, nông dân từ đời này sang đời khác tranh thủ biến thành ruộng lúa, nương dâu. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có khi được dùng để đan lưới rất chắc. Các vùng đất thuộc lưu vực các sông ở Bình Định như sông Vực-lấm, sông Đà-bàng, sông An-lão, sông Kim-sơn thuộc tỉnh Bình Định, lưu vực sông Đà-Rằng thuộc tỉnh Phú yên cũng có nhiều vườn dâu vì cây dâu ưa loại đất xôm xốp có thấm nước. Tơ lụa ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng nổi tiếng khắp nước, và dĩ nhiên nỗi vất vả còn theo mãi với cuộc sống người dân quê ở đây.

Ai về qua phố Hội An
Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên (Trần Trung Đạo, Lụa Duy Xuyên).

Hay là:

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tầm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ
. (Trần Trung Đạo, Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng).


Nói chung toàn bộ các tỉnh miền trung có khoảng 6.500 héc-ta vườn dâu.[37]

Ở miền Nam, Trần Văn Giàu đã khái quát hóa khi cho rằng “trước khi Tây đến, nghề trồng dâu để tằm khá thịnh đạt; rất nhiều làng có những “xóm lụa”, “xóm lãnh”, “xóm cửi”. Vĩnh-long là một chợ quan trọng mua bán tơ, Sa-đéc, Bến-tre, Hà-tiên, Châu-đốc, Long-thành, Thủ-dầu-một, xưa kia đều thịnh vượng về nghề tằm tang lụa vóc. Nhưng đến sau 1914-1918 thì hầu như Nam-kỳ không còn có nghề trồng dâu để tằm đáng kể nữa. Đó là vì vải nước ngoài do Pháp đem vào cạnh tranh làm cho nghề trồng dâu để tằm, dệt lụa chết sạch. Nay (sau 1914-1918) chỉ còn có ở Tân-châu, Chợ-mới, Ba-tri, Cai-lậy, An-hóa. Từ năm 1920 đến 1927 chỉ có 450 éc-ta trồng dâu thôi; từ 1927 diện tích trồng dâu có lên, năm 1930, Nam-kỳ có 1.200 éc-ta trồng dâu.”[38]

Dựa theo tài liệu của nhà đương cuộc Pháp trong Niên giám Đông Dương, Nguyễn Phan Quang đã viết khá đầy đủ về nghề tằm tơ. Theo ông vào những năm cuối thế kỷ XIX cây dâu được trồng phổ biến ở Nam Kỳ. Mỗi gia đình trồng dăm gốc dâu để nuôi tằm, nhưng nghề trồng dâu với quy mô lớn thì chưa thành hình. Giống dâu trồng phổ biến ở tỉnh Gia Định là dâu tàu (gốc Trung Hoa), cho nhiều lá, thân cây rất cao. Ngoài ra còn giống dâu sẻ, thích nghi với đất bùn, thu được ít lá.[39] Căn cứ theo phúc trình của công sứ tỉnh Gia Định, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, ở Gia Định rất ít người nuôi tằm ươm tơ, chỉ thấy lác đác một số gia đình ở An Thạnh, Long Tuy Hạ và Bình Trị Thượng. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, diện tích trồng dâu ở Nam Kỳ có tăng thêm. Tổng diện tích trồng dâu năm 1924 là 438 ha; trong đó nhiều nhất là Châu Đốc (300 ha), Bến Tre (100 ha)[40]. Tư liệu của Nguyễn Phan Quang cho biết ở Nam Kỳ lá dâu có thể thu hoạch quanh năm, còn ở Bắc Kỳ chỉ thu hẹp trong ba tháng mùa đông.[41] Nói chung toàn quốc có khoảng 20.000 hécta đất để trồng dâu.

Nghề tằm tang vốn là một nghề phụ của nông nghiệp nhưng đặc biệt lại là nghề riêng của đàn bà con gái. Trong các gia đình Việt Nam ngày xưa, việc cày sâu cuốc bẩm vốn để cho cánh đàn ông con trai vốn vai u thịt bắp, có sức khỏe chịu đựng được mưa nắng còn nghề hái dâu, chăn (nuôi) tằm thường để cho con gái bình dân nơi thôn xa, kể cả con gái nhà khá giả vốn cần mẫn, chịu thương chiu khó với nghề nghiệp của mình. Đàn bà, con gái Việt Nam sẵn khéo tay lại siêng năng, tỉ mỉ, chu đáo nên khá thích hợp với nghề đó. Nhiều người xác nhận đây là một nghề rất vất vả cực nhọc (Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng). Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết từ tơ tằm, người Việt chúng ta ngày trước đã từng dệt nên nhiều loại sản phẩm khác nhau như: tơ, lụa, lượt, là, gấm vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, địa, nái, sồi, thao, vân…

Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng nhắc nhở như là những vật thể kỷ niệm:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?


Trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính đã viết rất chi tiết về cách nuôi tằm và cách ươm tơ với những đoạn trích dẫn như sau:

“Cách nuôi tằm trước hết mua trứng ngài treo để chỗ mát cho nó nở ra các con sâu nho nhỏ rồi bỏ vào nong, lấy lá dâu thái thực nhỏ như sợi thuốc lào, rắc vào nong cho nó ăn. Mỗi ngày phải cho ăn độ ba mươi sáu hoặc bốn mươi tám lần, ít nhất cũng phải hai mươi sáu lần. Cho ăn như thế độ một tuần lễ, rồi thái to hoặc để cả lá mà cho ăn mỗi ngày độ năm sáu lần. Nuôi cho đến khi thấy con tằm vàng ánh bụng ra thì bắt nó lên né cho nó kéo tơ làm tổ, gọi là quả kén.

Cứ hai mươi bốn ngày hoặc một tháng thì được một lứa tằm. Nhà thường thường mỗi lứa nuôi vài chục nong, nhà giầu nuôi đến hàng trăm nong.

Nuôi tằm phải làm một phòng riêng hoặc phải làm riêng một cái nhà. Nền nhà phải cao cho khỏi ẩm thấp. Nhà phải kín và bốn mặt đều phải có cửa, thường thường phải mở cửa cho thông khí. Giời nóng phải mở cho mát, giời rét phải đóng cho ấm.

Phải giữ gìn đừng cho ruồi nhặng đậu vào con tằm. Nếu để ruồi nhặng đậu vào thì sinh ra bọ mà hại kén về sau. Lại phải giữ chuột vì chuột hay ăn tằm lắm.

Nuôi tằm kiêng nhất là hơi người chết. Nếu phạm phải hơi ấy thì tằm giã nước mồm ra, ăn kém, không kéo được ra tơ mà làm thành kén nữa.

Lại kỵ nhất là gió tây. Hễ mùa bức động có gió tây thì tằm chết nhiều, nên phải che kín chiều gió ấy mà mở cửa khác cho mát.”

Ngòi bút của Phan Kế Bính lướt vào lãnh vực ươm tơ từng chi tiết như độ nóng của nước, cách bỏ kén vào nồi ươm, cái cần để bắt chéo mối tơ v.v… và kết luận: “Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào, thì cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt. Nước Tàu và nước ta, nhà vua cũng phải có ruộng tịch điền, có nhà tàm thất, vua thì phải thân canh, bà hoàng hậu thì phải chăn tằm để làm gương cho thiên hạ, cũng là ý trọng nghề căn bản đấy thôi.”[42]

4 – Một nhân vật lịch sử xuất thân từ nghề hái dâu

Dưới thời các vua nhà Lý, chính sách trồng dâu nuôi tằm được triều đình khuyến khích, đặc biệt Lý Thánh Tông thường “khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chẩn cấp kẻ bần cùng, chấn chỉnh việc văn, xét duyệt võ bị, các chính sự tốt, trong sử chép luôn luôn.”[43] Thời Lý Thần Tông (1128-1138), nhà vua cho lập tại chùa Kim Liên một cung điện để công chúa Từ Hoa dạy dân trồng dâu nuôi tằm, thuở ấy mang tên là trại Tằm Tang.[44] Lịch sử Viêt Nam trong thế kỷ XI cung cấp mẫu chuyện về một người con gái xuất thân từ nghề hái dâu lại trở thành hoàng hậu, một bậc “mẫu nghi thiên ha” đã để lại một số nghi án trong lịch sử. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi tắt Toàn Thư chép như sau:

“Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông. (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn).[45] Trước hết, sự kiện cần được cẩn án lại đó là tên họ thực sự của người con gái hái dâu dựa trên một số tài liệu của quốc sử quán (chính sử) và sử liệu tư nhân (dã sử). Ông vua mà Toàn Thư vừa đề cập tới ở trên là Lý Thánh Tông, con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai, lên ngôi năm 1054, tại vị 17 năm, mất năm 1072. Đa số các tư liệu Việt Nam chỉ đề cập đến nhân vật nữ này với cái tên là Ỷ Lan phu nhân (dựa vào cây lan). Cương Mục ghi mẹ đẻ của Thái tử Càn Đức (hay Kiền Đức) là Ỷ Lan nguyên phi và không rõ họ là gì.[46] Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ có ghi: “Vua mất, miếu hiệu là Thánh-Tôn, Thái-tử lên nối ngôi vua, mới 7 tuổi, mẹ đẻ là Ỷ-Lan Lê-Thị.”[47] Như vậy, Ngô Thời Sỹ đã biết rõ họ của bà Ỷ Lan nhưng không ghi tên thật mà chỉ để Lê-Thị, vì theo lối viết sử trước đây, khi gặp nhân vật nữ người ta chỉ được phép ghi họ mà thôi.

Trong tác phẩm Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao & tông giáo triều Lý, học giả Hoàng Xuân Hãn có dẫn sách Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Hoạt đời Tống viết rằng “Nhật Tôn (Thánh Tông) mất, Càn Đức lên, lấy hoạn quan Lý Thường Cát và mẹ Lê Thị Yến Loan thái phi cùng coi việc nước.”[48] Như vậy Ỷ Lan phu nhân, mẹ của Lý Nhân Tông, có tên là Lê Thị Yến Loan.

Nếu chúng ta không đặt thành vấn đề việc một thiếu nữ không thèm ra đón nhìn xa giá là chuyện thật hay hư cấu thì sự kiện đó cũng là một việc khác thường. Hoặc là vì người con gái hái dâu kia thủ phận, không dám đua đòi với các chị em chung quanh, hoặc là vì nàng coi khinh mọi đối nhân, đối tượng dù đó là vị vua chúa giàu sang, quyền thế, mà trong đầu óc nàng đã xây dựng một mẫu người tình lý tưởng khác hay đang nghĩ vẩn vơ về một chuyện nào đó mà lơ là đối với sự kiện quan trọng kia chăng?

Toàn Thư ghi thêm: “Đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên phi.”[49] Theo Trần Trọng Kim, làng này sau còn đổi là Thuận-quang có lẽ vì để tránh trùng tên với huyện Siêu-Loại cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hà Bắc) chăng[50]? Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Làng là bởi chữ hương mà dịch ra. Nhưng hương không phải một làng nhỏ như bây giờ. Từ đời Tần, nước Trung Quốc chia ra từng quận. Quận chia thành huyện. Huyện chia thành hương. Hương chia thành đình. Đình chia thành Lý. Tuy đời sau có đổi chế độ ít nhiều. Nhưng Hương vẫn là phần của huyện. Lúc nước ta thuộc Bắc, nước thành quận, cũng bị chia ra châu hay huyện. Vậy chế độ hương có từ đời ấy. Mà hương là lớn như một tổng lớn đời sau.”[51]. Việc đổi tên làng từ Thổ Lỗi ra Siêu Loại là một sự kiện khá đặc biệt trong lịch sử, có lẽ chịu ảnh hưởng của một tục lệ thời thượng (đổi tên) từ tên mới của kinh đô là Thăng Long chăng? Dưới thời nhà Nguyễn, khi viết về quê hương của Nguyễn Kim là làng Gia-Miêu (Gia Miêu ngoại trang) và huyện Tống-Sơn, Quốc sử quán thường viết là quý hương và quý huyện để tỏ lòng kính trọng (kị húy) chứ không đổi ra tên khác. 

Lúc này mọi quyền hành thu vào trong tay Thái hậu Dương thị và Thái sư Lý Đạo Thành.

Cương Mục chép: “Tháng giêng, mùa xuân, Lý Thánh Tông mất. Nhà vua mất ở điện Hội Tiên; đặt tên thụy là Ứng Thiên sùng nhân chí đạo uy khánh long tường minh văn duệ vũ hiếu đức thánh thần hoàng đế, miếu hiệu là Thánh Tông, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi.

Thái tử Kiền Đức lên ngôi, đổi niên hiệu mới (tức là Lý Nhân Tông).

Tôn mẹ già (đích mẫu) là Thượng Dương thái hậu Dương thị làm hoàng thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi (không rõ họ là gì) làm hoàng thái phi. Thái hậu buông mành, ngồi bên trong, nghe bầy tôi tâu bày và quyết đoán mọi việc chính sự. Nhà vua mới bảy tuổi, thái hậu buông mành cùng tham dự chính sự. Thái sư Lý Đạo Thành làm phụ chính.”[52] Thái phi dĩ nhiên không có quyền hành cho bằng thái hậu. Vai trò của thái hậu lúc bấy giờ là “buông mành”, nghĩa là bắt chước quy luật của Trung Hoa, tức “thùy liêm thính chính” (buông rèm ngồi bên trong mà nghe việc nước). Trong triều đình nhà Lý lúc bấy giờ, quyền hành thuộc về bà Thái hậu họ Dương và Lý Đạo Thành. Biết mình lâm vào thế yếu nên dĩ nhiên thái phi phải tìm cách liên kết với một lực lượng để tranh đoạt quyền hành, đó là phe nhóm của Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ đang cầm quân đội.

Toàn Thư trước đó chép rằng: “Thiên Huống Bảo Tượng năm thứ 2 [1069]. (Từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thần Vũ năm thứ 1; Tống Hy Ninh năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!” Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.”[53] Vua Tự Đức trong lời phê ở sách Cương Mục cho rằng không thể có việc bà Nguyên phi cầm quyền trị nước thay vua Lý Thánh Tông trong cuộc đánh Chiêm Thành năm 1069 vì lúc bấy giờ Thái hậu “buông rèm nghe việc nước” nghĩa là nắm mọi quyền hành và nguyên-phi chỉ là một bóng hình mờ nhạt. Chính sự kiện này đã khiến cho Ỷ Lan nguyên phi sinh bất bình. Cương Mục chép rằng: “Thái phi thấy một mình Dương thái hậu được tham dự chính sự, đem lòng bất bình, nói với vua rằng: “Mẹ đây khó nhọc mới có ngày nay, bây giờ để cho người khác ngồi hưởng phú quý, thì đặt mẹ ở địa vị nào?” Nhà vua còn nhỏ tuổi, không biết phân biệt thế nào là phải, bèn giam cầm Dương thị ở cung Thượng Dương, bắt ép phải chết để chôn theo ở lăng vua Thánh Tông, rồi tôn Thái phi làm hoàng thái hậu.”[54]

Sự việc này xảy ra phải có tay Lý Thường Kiệt giúp sức để tranh đoạt lại quyền hành. Vua Lý Nhân Tông, sau khi lên ngôi được bốn tháng, đã giết Thái hậu Dương thị và giáng truất Thái sư Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị đại phu, cho ra làm Tri châu Nghệ An. Theo Toàn Thư, Dương thị bị bức tử cùng với 76 người thị nữ khác, có tài liệu nói 72 người, vì thế về sau Ỷ Lan dựng 72 ngôi chùa để chuộc tội. Lý Đạo Thành ra Nghệ An lập viện Địa tạng, trong ấy để tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh Tông để thờ cũng ngầm bày tỏ ý phản đối. Lúc bấy giờ Lý Thường Kiệt chuyên nắm mọi binh quyền cùng Thái phi được tôn lên làm Linh nhân Hoàng thái hậu. Sở dĩ người ta không dám thủ tiêu Lý Đạo Thành mà chỉ biếm vào Nghệ An là bởi họ Lý là một trọng thần, cao tuổi, đạo đức, được nhiều người nể phục nên phe Thường Kiệt – Ỷ Lan không dám động thủ, sợ hậu quả bất lường có thể xảy ra.

Vua Lý Nhân Tông gia phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ và ban cho hiệu Thượng phụ công. Nhưng lúc bấy giờ, khoảng năm 1074, Chiêm Thành lại bắt đầu quấy phá vùng biên giới và dọc biên thùy miền Bắc nhà Tống cũng sửa soạn cuộc động binh. Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt (có lẽ cũng với sự đồng ý của Ỷ Lan Hoàng Thái hậu) đã cho mời Lý Đạo Thành từ Nghệ An trở về, giữ chức Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, hợp tác với Lý Thường Kiệt coi việc dân và quân trong nước, để Thường Kiệt rảnh tay sắp đặt việc chống nhau với quân nhà Tống, xóa tan sự bất mãn trong triều.

Người con gái hái dâu năm nào bây giờ là Thái hậu, tuy đầu óc còn vương vấn một số thủ đoạn chính trị do tham vọng tranh đoạt quyền bính nhưng tấm lòng cũng còn biết lo lắng cho cuộc sống người dân ở nông thôn. Cương Mục ghi rằng: “Tháng 3, nùa xuân. Nhà vua đi Ứng Phong xem xét việc cày ruộng. Mùa xuân, dân cày ruộng công. Nhà vua đến hành cung Ứng phong để xem xét. Từ đấy, xem cày, thăm gặt là việc thường hàng năm. Thái hậu nói với nhà vua rằng: “Luật lệnh về việc trộm trâu thi hành đã lâu. Gần đây, những người trốn tránh ở kinh thành, hương ấp, phần nhiều làm nghề trộm trâu; mà sự giết thịt trâu lại càng quá lắm. Hiện nay, vài nhà nông dân mới có một con trâu, thì nhờ vào đâu mà đủ sinh sống?”Nhà vua cho là phải; xuống chiếu, phàm những kẻ trộm trâu hay là giết trâu thì cả vợ lẫn chồng đều phải phạt 80 trượng, bị tội đồ và bồi thường trâu; người láng giềng không cáo tỏ phải phạt 80 trượng.”[55]

Ý kiến của Ỷ Lan đã tỏ ra thích ứng với thực tế cuộc sống của người nông dân Đại Việt nên được vua Lý Nhân Tông chấp thuận.

“Tháng 7, mùa thu Linh Nhân hoàng thái hậu mất. Tháng 8. Làm lễ an táng Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu. Làm lễ hỏa táng. Lấy ba người hầu gái đem tuận táng. Đặt tên thụy cho hoàng thái hậu là Phù Thánh.”[56] Nhận định về hành động của bà Nguyên phi giết Dương thái hậu, sử gia Ngô Sĩ Liên đã hạ bút: “Giam cầm giết chết Dương hậu là một tội lớn. Đạo Thành bị giáng ra trấn thủ ở ngoại châu, biết đâu không phải vì cớ đã nói đến việc đó.”[57] Trong mục đích gỡ tội ít nhiều cho Ỷ-Lan, Hoàng Xuân Hãn nhận rằng: “… đời Lý còn giữ tục bắt các cung nhân chết theo vua. Xem như sau khi Ỷ Lan mất (1117), có ba thị nữ chết theo (TT và VSL) và sau khi vua Lý Nhân Tông mất (1127) cũng có cung nữ lên giàn lửa để chết theo vua (TT).”[58] Việc Dương thái hậu bị giam cầm và bị giết xảy ra bốn tháng sau khi Lý Thánh -Tông chết nên cũng khó mà ghép sự kiện bức tử đó vào với một tục lệ (tuận táng tức là lấy người sống chôn theo người chết) vốn có trong triều đình nhà Lý thời trước. Vả lại, tục lệ này vốn là của Trung Hoa. Trong sách Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Người ta khai quật được một số mộ các vua chúa đời Thương thấy ông vua nào chết cũng có nhiều người bị chôn sống theo. Nhà Chu bỏ tục đó và cả tục giết người để tế thần nữa. Những người bị chôn sống theo vua được thay bằng những tượng gỗ, đá. Đồng… Rồi những đời sau lại thay bằng những bộ đồ vàng mã. Tục này truyền qua nước ta, ngày nay mà vẫn chưa bỏ được. Sự mê tín sống dai thật!”[59]

Vào triều đại nhà Lý (thế kỷ XI-XII), nước ta sống trong ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo nên triều đình nhà Lý từ vua quan đến hoàng thân quốc thích đều thấm nhuần tinh thần từ bi, hỉ xã của tôn giáo lớn này. Nguyên phi Ỷ Lan tuy có tham vọng quyền bính nhưng cũng phải nằm trong giới hạn của luật lệ quốc gia và tôn giáo mà thôi, không thể làm được những chuyện kinh thiên động địa như Vũ Tắc Thiên (624-705) hay như Từ –Hy Thái hậu ở Trung Quốc. Cô gái hái dâu ngày nào đã tìm lại được bản thể chân diện mục của mình, đó là tính đôn hậu chơn chất của một người con gái quê, và có lẽ vì hối hận nên đã ra lệnh xây 72 ngôi chùa để ngày đêm tụng kinh siêu độ cho những thị nữ của Thái hậu họ Vương (có thể kể cả cho vị Thái hậu bất hạnh này nữa) đã bị ép bỏ mình chết theo vua Lý Thánh Tông qua một cổ tục đã lỗi thời hay dưới kế hoạch thanh toán đối thủ chính trị do Ỷ Lan nguyên phi đề ra?

Nguyễn Đức Cung

—————————————–

CHÚ THÍCH:

[1] Nguyễn Bính, sinh năm 1919 ở làng Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản (Nam Định) tác giả thi tập Lỡ bước sang ngang, xuất bản năm 1940 trong đó có nhiều bài thơ tình dùng cảnh sinh hoạt và đời sống tình cảm của người thôn quê làm bối cảnh. Nổi tiếng từ thời tiền chiến, Nguyễn Bính có tên trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đã đăng thơ trên Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Nam cường. Đã xuất bản Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi, Hương cố nhân…

[2] Howard F. Vos, New Illustrated Bible Manners &Customs, How the People of the Bible really lived, Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1999, trang 15.

[3] Howard F. Vos, Sách đã dẫn, trang 15.

[4] Sáng Thế 37: 5-8; Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Kinh Thánh Trọn bộ Cựu Ước Và Tân Ước, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1998, trang 88.

[5] Sáng thế 41:5-7; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 93.

[6] Sáng thế 42: 1-4; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 96.

[7] Lê-vi 2:14-16; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 182.

[8] Lê-vi 23: 9-13; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 219.

[9] Lê-vi 27: 16-17; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 230.

[10]Thủ lãnh 15: 1-8; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 438.

[11]Xuất hành 23:10-11; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 148.

[12] Lê-vi 19: 9-10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 212.

[13] Reader’s digest, Great People of the Bible and how they lived, The Reader’s digest Association, Inc. 1974, trang 129.

[14] Lê-vi 27: 30-31; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 231.

[15] Theo sách Sáng thế, 19: 35-37 ông Lót sau khi được Thiên Chúa cứu thoát khỏi thành Xơ-đôm, trong cơn say rượu đã ăn nằm với hai cô con gái khiến hai cô này có thai. Cô chị sinh một con trai đặt tên Mô-áp, đó là ông tổ người Mô-áp ngày nay. Cô em cũng sinh một con trai đặt tên Ben Am-mi, đó là ông tổ người Am-mon ngày nay.

[16] Reader’s digest, Sđd, trang 126.

[17] Đệ nhị luật 25: 5-10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 346.

[18] Rút 1: 15-17; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 451.

[19] Rút 2: 6-14; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 452.

[20] Cụm từ levirate marriage xuất phát từ chữ Levir (tiếng La-tinh có nghĩa là anh rể) nói về một tập tục của Do Thái trong thời cổ khi người anh chết, em trai có thể lấy chị dâu làm vợ.

[21] Rút 3: 8-13; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 454.

[22] Rút 4: 3-6; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 454.

[23] NIV Archaeological Study Bible, An illustrated Walk through Biblical history and culture, Nhà xuất bản Zondervan, 2005, trang 392.

[24] Malachi Martin, King of Kings, Nhà xuất bản Simon and Schuster, New York, 1980, trang 21. Nguyễn Đức Cung, Câu chuyện tình báo đọc trong Cựu Ước, đăng trên các Website Khoa Học.Net, Thông Luận, Cựu Chủng Sinh Huế Hải Ngoại, Tuần báo Sài Gòn Nhỏ số 631 ngày 29-5-2009 và số 632 ngày 5-6-2009, Tập San Y Sĩ (Canada), số 182, tháng 7-2009.

[25] John Bowker, The complete Bible Handbook, an illustrated companion, Dk Publishing, Inc. 1998, trang 110.

[26] Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 24.

[27] Đào Duy Anh, Hán Việt từ-điển, Nxb. Trường-Thi, in lần thứ ba, Sài-gòn, 1957, trang 233.

[28] Diên Hương, Tự điển thành-ngữ, điển-tích, Nxb, Zieleks, bản in lần thứ tư, 1981, trang 49.

[29] Thiều Chửu, Hán Việt tự-điển, Cơ sở xuất bản Đại-Nam, bản in lần thứ hai, trang 297.

[30] Xưa nay nhiều người cho rằng dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Nôm là của Đoàn Thị Điểm, nhưng với Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Dương dịch phẩm này là của Phan Huy Ích. Chúng tôi cho rằng luận cứ của hai vị học giả họ Hoàng và họ Nguyễn có phần đúng hơn.

[31] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, trang 540).

[32] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Viêt Nam, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, bản in lần thứ tư, 2004, trang 376).

[33] Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1964.

[34] Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, bài Địa bạ cổ ở Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1998, trang 231.

[35] Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập I, Nxb Giáo Dục, 1998, trang 118).

[36] Trần Văn Giàu, Trần Văn Giàu Tuyển Tập, Nxb. Giáo Dục, 2000, trang 686.

[37] Trần Văn Giàu, Sách đã dẫn, trang 686.

[38] Trần Văn Giàu, Sđd, trang 686.

[39] Nguyễn Phan Quang, Theo Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004, trang 841.

[40] Nguyễn Phan Quang, Sđd, trang 841.

[41] Nguyễn Phan Quang, Sđd, trang 844.

[42] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 256.

[43] Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ trong Ngô Gia Văn Phái, Việt Sử Tiêu Án, Văn Sử tái bản, không đề năm in, trang 126.

[44] Mai Thục, Tinh Hoa Hà Nội, Văn Hóa xuất bản, trang 155.

[45] Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, tập I, Hà Nội, 1998, trang 273.

[46] Cương Mục, Sđd, trang 346.

[47] Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ, Sđd, trang 128.

[48] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao & tông giáo triều Lý, Nhà xb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2003, trang 46).

[49] Toàn Thư, Sđd, trang 274.

[50] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản in lần thứ bảy, Sài Gòn, 1964, trang 103.

[51] Hoàng Xuân Hãn, Sđd, trang 50.

[52] Cương Mục, Sđd, trang 346.

[53] Toàn Thư, Sđd, trang 274.

[54] Cương Mục, Sđd, trang 348.

[55] Cương Mục, Sđd, trang 369.

[56] Cương Mục, Sđd, trang 370.

[57] Cương Mục, Sđd, trang 348.

[58] Hoàng Xuân Hãn, Sđd, trang 47.

[59] Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, 2003, trang 90.