MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Những người sợ thánh giá

Chủ đề tự do tôn giáo ở Vương quốc Anh tiếp tục thu hút sự chú ý, đặc biệt liên quan đến việc một số chủ nhân cấm nhân viên của họ mang các biểu tượng tôn giáo, chẳng hạn như Thánh Giá (xử phạt những người không tôn trọng luật cấm này). Hiện nay có hai vụ án phân biệt đối xử chống lại nhân viên nữ theo Kitô giáo, sau khi được xem xét tại tòa án quốc gia đã được kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, nhưng theo tường thuật của báo The Telegraph, có vẻ như chính phủ Anh ủng hộ phía chủ nhân. Một vụ liên quan đến một tiếp viên hàng không của hãng British Airways, cô Nadia Eweida mang dây chuyền có thánh giá trong một chuyến bay cách nay vài năm, vụ khác là trường hợp một nữ y tá, cô Shirley Chaplin, bị đe dọa sa thải vì cũng mang dây chuyền thánh giá trong khi chăm sóc bệnh nhân.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu sắp đưa ra phán quyết về hai trường hợp trên, trong khi trong nước còn xảy ra nhiều tranh cãi. Theo bài báo, Chính phủ, được Toà án triệu tập, dường như cho rằng các Kitô hữu không có quyền mang các biểu tượng tôn giáo, vì đó không phải là một đòi hỏi của đức tin (không giống như các cộng đồng tôn giáo khác, chẳng hạn như một số cộng đồng Hồi giáo bắt buộc phụ nữ che kín toàn thân bằng y phục burqa truyền thống hoặc mặc niqab chỉ chừa ra đôi mắt, để bày tỏ thái độ tôn giáo xứng hợp). Theo tờ báo, quan điểm của Chính phủ, được ghi trong một tài liệu trong đó chính phủ coi việc chủ nhân xử phạt nhân viên là hợp pháp.

Quan điểm của Chính phủ gây ra nhiều tranh cãi. Cựu Tổng giám mục Canterbury, Lord George Leonard Carey, đã cáo buộc chính quyền Anh và các tòa án “hà hiếp” các Kitô hữu và nói rằng quan điểm này là một điển hình khác của khuynh hướng gạt tôn giáo ra khỏi đời sống chung. Một nghị sĩ của Viện Nguyên lão (tức Thượng viện), David Alton, nhận định rằng, “một lần nữa người ta lại nhằm vào những người Kitô hữu một cách bất công, chứ không phải là thành viên của các tôn giáo khác”. Đối với Chính phủ, cụ thể, trường hợp của hai phụ nữ Kitô giáo sẽ không được xếp vào Điều 9 của Công ước châu Âu về Nhân quyền; điều khoản này chính thức công nhận quyền công khai bày tỏ đức tin tôn giáo của mình, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Thị trưởng London, ông Boris Johnson, trong một bài viết khác trên tờ Daily Telegraph, gọi việc không tôn trọng thánh giá như là một biểu tượng của đức tin ở nơi làm việc là việc ngu ngốc.

Nhiều giám mục và đại diện khác của Cộng đồng Anh giáo đã quyết liệt phản đối những phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu, đề nghị Thượng Hội đồng chung phải công khai lên án. Hàng giám mục Công giáo cũng nhận định rằng một số trường hợp liên quan đến người lao động đã bị các tòa án Anh xem xét một cách trái ngược với những gì được Công ước châu Âu thiết lập. Trong một tài liệu được soạn thảo năm 2011, Ủy ban Trách nhiệm Kitô hữu và Quyền công dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Anh quốc và xứ Wales đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh, EU phải đưa ra quy định: mọi hạn chế, vốn không cần thiết, đối với việc bày tỏ đức tin phải bị coi là bất hợp pháp, đồng thời không nên lẫn lộn giữa khái niệm “cần thiết” với “mong muốn”, nhằm tạo điều kiện cho việc đánh giá được toàn diện hơn. Hiện các tòa án nước Anh đang cứu xét các trường hợp phân biệt đối xử khác đối với tôn giáo. Tại Anh hiện đang áp dụng Luật về Quyền của người lao động. Theo luật này, việc Phân biệt đối xử đối với tôn giáo được đề cập trong điều khoản quy định Quyền bình đẳng về việc làm. Còn nay việc Phân biệt đối xử đối với tôn giáo đã được đưa vào Luật về quyền Bình đẳng.

(L’Osservatore Romano, 14-03-2012)

Đinh Lăng chuyển dịch