MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tại sao Giáo hội bị ghét?

TGM Fulton Sheen là nhà giảng thuyết lừng danh
vào thập niên 1960s
 
Tôi hân hạnh thuộc về một Giáo Hội người ta ghét. Đã hẳn, kẻ nhận biết bản tính thần linh của Giáo Hội thì yêu Giáo Hội. Nhưng, kẻ tưởng Giáo Hội là lỗi thời, lạc hậu, dị đoan, ma thuật thì ghét Giáo Hội. Kẻ chịu ơn thiêng liêng của Giáo Hội, thì mến Người như Mẹ vậy. Các kẻ khác thì xua đuổi Người, hoặc ít là làm ngơ vậy. Các môn phái chia rẽ nhau về nhiều điều, nhưng hợp nhau trong sự coi Giáo Hội là kẻ thù chung.

Thế gian đối xử với Giáo Hội y hệt như đã đối xử với Đức Kitô. Ngài cũng được yêu mến, nhưng cũng bị ghét bỏ. Không có ai được quí trọng như Ngài, nhưng cũng không có ai bị khinh dể như Ngài.

Người ta tự hỏi: “Tại sao Phật Giáo không bị ghét, mà Công Giáo lại bị? Tại sao Đức Phật không bị bêu nhục mà Đức Kitô lại bị?

Ta hãy nói về sự yêu ghét đối với Đức Kitô, rồi sẽ nói về sự yêu ghét đối với Giáo Hội.

Trong cuộc đời Chúa chúng ta, sự yêu và sự ghét đã tỏ lộ cách mãnh liệt, hơn bất cứ trong cuộc đời người nào khác. Ngài báo trước mình sẽ được yêu mến cũng như bị ghét dơ. Ngài nói người ta sẽ thờ phượng Ngài cũng như sẽ khinh dể Ngài. Ngài sẽ được yêu mến nhiệt tình và bị ghét dơ cực độ. Ngài bảo cho biết cuộc song đấu ấy sẽ kéo dài cho đến ngày thế mạt; người ta sẽ dựng cho Ngài một cây thập giá, nhưng treo trên đó rồi, Ngài sẽ kéo những tấm lòng yêu mến lên với Trái Tim đầy bác ái của Ngài: “Khi nào Tôi bị treo lên, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi.

Ngài bảo người ta sẽ mến Ngài hơn cha mẹ yêu con cái, hơn con cái yêu cha mẹ. Như thế không có nghĩa là cha mẹ thôi yêu con cái, hoặc con cái thôi yêu cha mẹ. Nhưng có nghĩa là họ phải yêu nhau trong Ngài. Ngài không bảo ta phải bớt lòng yêu nhau, nhưng chỉ bảo phải mến Ngài trên hết. Như vậy, chẳng hợp lý sao? Nào toàn thể chẳng hơn cá phần? Ngọn lửa chẳng hơn tia sáng? Vòng tròn chẳng hơn cánh cung? Đền thờ chẳng hơn cây cột? Đấng Tạo Hóa chẳng hơn các tạo vật? Thiên Chúa chẳng đáng mến hơn mọi người sao?

Hãy đi ngược dòng lịch sử, xem có người nào khi đã chết, còn được người ta yêu mến đến mức tế tự, cầu đảo chăng ? Trong mọi thời đại, Thánh Giá Chúa Giêsu vẫn thấm đầm nước mắt tình yêu… Các thế hệ đã hăm hở chạy đến cùng Cây Thánh Giá, và tuyên xưng như Thánh Phaolô xưa: “Ai sẽ tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Tôi tin rằng dù sự sống hay sự chết, dù Thiên thần, lãnh thần hay quyền thần; dù tương lai hay sức mạnh; dù sự cao sâu hay bất cứ sự vật nào, có sức tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi!

Điều ấy, Napoléon đã nhận ra, như các bậc vĩ nhân trước ông đã từng chân nhận. Trong cảnh cô đơn tại đảo Hélène, ông suy nghĩ về sự phù du đời mình cũng như đời vua Louis XIV, khi ông viết “Đại đế này chết đã từ lâu, quần thần bỏ mặc, có khi còn bị khinh rẻ, nay nằm to vo một mình trong lăng mộ. Ông không còn là chủ tể của họ nữa. Chỉ còn là cái thây trong quan tài. Đó cũng là số phận của tôi. Chẳng bao lâu nữa, sắp tới nơi rồi. Thật xa cách nghìn trùng, giữa số phận khốn khổ của tôi so với Vương Quyền Chúa Giêsu hằng được cao rao, yêu mến, tôn thờ khắp vũ trụ.

Hoặc bạn có muốn thêm chứng cứ nữa chăng? Thì hãy đặt tay lên ngực mấy người quen rước lễ hằng ngày, tất sẽ thấy ngọn lửa tình yêu Chúa Giêsu nhóm lên tại đó. Hãy đến gõ cửa các Dòng nữ ẩn tu, như Dòng Cát Minh, Dòng Clara, để hỏi: “Tại sao các chị vào Dòng, có phải vì thất tình chăng?” Lập tức các Chị trả lời: “Không, tôi vào đây không phải vì thất tình. Tôi chưa bao giờ thất bại về tình yêu. Mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi, đó là lòng kính mến Thiên Chúa, là Chúa của tôi.”

Tưởng không cần thêm chứng cứ nào nữa.

Chính sự khát khao một tình yêu toàn hảo, là cái dẫn ta đến Đấng đã dựng nên ta vì Ngài, và thiếu Ngài ta không thể hạnh phúc được. Ngài đã tìm kiếm trái tim hèn yếu của ta. Khác tất cả các trái tim đã từng sống động, Thánh Tâm Ngài đã được yêu mến trên hết mọi sự, hơn cả sự sống nữa. Ta có thể theo văn hào Pascal mà kết luận: “Chúa Giêsu đã muốn được người ta yêu mến. Ngài đã đạt, vậy Ngài là Thiên Chúa.”

Bây giờ, ta xét mặt khác về cuộc đời Chúa Giêsu: chính sự người ta ghét Ngài cũng minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Ngài nói Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ cho đến ngày tận thế. Thế gian đây, phải hiểu là tinh thần thế tục, mâu thuẫn với tinh thần Phúc Âm.

Hãy nhớ lại các giai đoạn đời sống của Chúa. Ngài vừa sinh ra được bốn mươi ngày, Cụ già đáng kính Simêon đã nói với Đức Mẹ rằng Ngài sẽ là dấu hiệu gây sự chống đối. Điều ấy, Thánh Gioan sẽ diễn tả sau này: “Ngài đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận.” Ngài chưa được hai tuổi, thì quân lính vua Hêrôđê tuốt gươm hạ sát các Anh Hài vô tội, mà không hạ sát được Ngài. Đến tuổi trưởng thành, trước khi chịu nạn, Ngài nhìn thăm thẳm về những thế hệ tương lai, mà tiên báo là thế gian sẽ ghét Ngài. Mối thù ghét ấy theo sát bản thân Ngài, đến nỗi tất cả những kẻ yêu mến Ngài, cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ nữa. Ngài nói: “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian đã yêu các con như kẻ thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã kéo các con ra khỏi thế gian, nên nó ghét các con. Hãy nhớ lời Thầy bảo các con: đầy tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì cũng sẽ bắt bớ các con… Họ sẽ làm mọi điều ấy vì cớ d anh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

Vậy, Ngài sẽ bị người ta thù ghét. Thật là một lời tiên tri kỳ dị !


Ngài đã làm gì nên tội chứ ?

Ngài hiền hoà, khiêm nhượng hết lòng. Ngài hiến mạng để cứu dộ muôn dân. Phúc Âm của Ngài rao giảng sự thương yêu, đối với cả kẻ thù. Lúc hấp hối, Ngài tuyên bố tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài. Người ta đã ghét Ngài vô cớ, như Ngài đã nói trước. Ngài chữa các thương tật, lại bị đả thương. Ngài cho kẻ chết sống lại, lại bị giết chết. Ngài cải ác khuyến thiện,mà lại bị đóng đinh thập giá. Ngài đem sự sống thần linh hoà giải loài người, mà bị kẻ thù hạ sát vũ nhục.

Còn những kẻ yêu mến Ngài, tại sao cũng bị ghét nữa?

Họ phải sống nghèo như Ngài đã sống nghèo.Họ ước ao nên hoàn thiện như Cha trên Trời, và khiêm nhượng như Chúa Giêsu, là Đấng đã rửa chân cho họ. Họ vui mừng khi bị bách hại. Họ chúc phúc cho người trù rủa. Lời trù rủa ấy dường như chứng minh cho sự lương hảo của họ. Bùn nhơ kẻ xấu ném họ, dường như lại công nhận họ là người trong sạch.

Một đời sống như thế, một giáo lý như vậy, thật không có gì là đáng ghét. Vậy phải tìm lý do sự ghét dai dẳng ấy ở nơi khác.

Có kẻ cho Chúa Giêsu là phỉnh gạt, và Phúc Âm là gian dối. Nếu quả như thế, thì chúng tôi đã lầm, và kẻ kia có lý. Nếu sự ghét Chúa là chính đáng, thì nó phải canh tân xứ sở, cải hoá nhân tâm, làm nên những điều vĩ đại. Thành tích mỹ hảo của nó ở đâu? Nó đã giải thoát dân nào khỏi đồi phong bại tục ? Nó đã khích lệ, an ủi được bao nhiêu tâm hồn? Đâu là Nữ Tu bác ái, Nữ Tu người nghèo của nó? Sự ghét Chúa có sản sinh anh hùng tuẫn nghĩa, thiếu nữ đồng trinh, gia đình hạnh phúc chăng?

Có biết bao người chết sầu não, bao linh hồn đói Bánh Trường Sinh, bao linh hồn tội lỗi cầu ơn tha thứ. Sự ghét Chúa có đem lại sự an ủi, nhân ái, an bình chăng? Không !

Người ta gán cho Chúa Giêsu sự lừa gạt để ghét Ngài. Nhưng đó chưa phải là cội gốc đâu. Trải qua các thời đại, đã có quá nhiều nhà trí thức nghiên cứu về Đức Kitô và thờ lạy Ngài; nên không thể chấp nhận Ngài là kẻ lường gạt được.

Vậy giải thích sự hiềm khích kia thế nào?

Phải tìm lý do trong một đức tính, mà chỉ một mình Ngài sở đắc. Chưa hề có người nào bị ghét cay ghét đắng cho bằng Chúa Giêsu. Chưa có Vị Giáo Tổ nào báo trước mình sẽ bị ghét, và thực tế đã bị ghét bỏ. Người ta không ghét Đức Phật, Đức Khổng hay Ông Mahômet. Một ít người bị ghét lúc sinh thời như Neron, Hốt Tất Liệt, hay Bismark. Nhưng ngày nay, còn có ai nghĩ đến ghét họ nữa!

Chẳng còn ai xúc phạm mộ Neron. Cũng chẳng còn ai sỉ mạ Bismark nữa. Họ chết là hết bị ghét. Cả hoàng đế nước Đức, sau thế chiến thứ I, bị nhân dân và thế giới vũ nhục, nay cũng không còn ai ghét nữa.

Sự thù ghét đối với mọi người đã tiêu tan, mà sao đối với Chúa Giêsu vẫn tồn tại? Đâu là lý do?

Vậy, căn nguyên sự ghét là gì? Đó là những cái ngăn cản thị dục người ta.

Tại sao người ta ghét hoàng đế Neron khi ông ta còn sống? Là vì sự phóng dật của ông ta, ngăn cản dân Rôma thiết lập nền công bằng xã hội. Nay sự phóng dật ấy đã nát trong mồ, nên không ai ghét ông ta nữa.

Chẳng còn ai ghét, ai khinh Tibère, Domitien, Ivan và Nestorius nữa. Bởi vì không còn ai là những chướng ngại vật.

Nhưng về Chúa Giêsu thì khác hẳn.

Hai mươi thế kỷ đã qua, sự ghét Ngài vẫn chưa nguôi. Lý do: vì Ngài còn là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục.

Tinh thần Đức Kitô còn tiếp tục hoạt động nơi những kẻ mến Ngài.

Ngài phản đối các dân không muốn nhìn nhận Thên Chúa.

Ngài quở trách kẻ ơ hờ bỏ việc cầu nguyện, kẻ tội lỗi không chịu sửa mình.

Ngài là Đấng Thiên Chúa, không chịu xuống khỏi thập giá, để được hoan hô nhất thời.

Ngài là tiếng nói thúc giục những tâm hồn bất an, từ bỏ tinh thần thế tục, để thủ đắc sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Đức Kitô còn, thì sự thù ghét Ngài vẫn còn.

Nếu Ngài còn mãi, sống mãi, thì Ngài phải là Thiên Chúa.

Vì thế, môn đệ của Ngài còn bị bách hại, bao lâu tinh thần thế tục chưa bị tiêu trừ. Nhưng khi tinh thần ấy bị tiêu trừ thì chúng ta toàn thắng.

Trong thế gian, các con sẽ đau khổ, nhưng hãy trông cậy, vì Thầy đã thắng thế gian.” Đó là lý do Giáo Hội bị người ta ghét.

Chúa chúng ta được yêu mến nồng nhiệt và ghét bỏ dữ dội, vì Ngài là Thiên Chúa. Người ta ghét Ngài, là bởi người ta ghét tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Giáo Hội là tổ chức thông ban sự sống của Thiên Chúa, nên mới bị thù ghét đến như vậy.

(…) Thời nay, nếu Bạn muốn gặp Chúa Giêsu, xin hãy tìm đến Giáo Hội, và Giáo Hội không chịu thích nghi với thế gian đâu.

Hãy tìm đến Giáo Hội mà thế gian ghét bỏ như nó ghét bỏ Chúa Giêsu. Giáo Hội bị tố cáo là lạc hậu như Chúa Giêsu bị tố cáo là vô học.

Hãy tìm đến Giáo Hội mặc dù Giáo Hôi bị khinh khi, vì Giáo Dân không có địa vị cao trong xã hội. Như người xưa đã chế nhạo Chúa Giêsu, vì là người Nadarét.

Hãy tìm đến Giáo Hội, mặc dù Giáo Hội bị tố cáo là quỷ ám, cũng như Chúa Giêsu bị tố cáo là đồ đệ của quỷ vương.

Có kẻ cuồng tín, chủ trương phải nhân danh Thiên Chúa mà huỷ Giáo Hội đi; cũng như xưa kẻ đóng đanh Chúa Giêsu tưởng làm như vậy là phụng sự Thiên Chúa.

Thế gian chối bỏ Giáo Hội khi Giáo Hội công bố mình bất khả ngộ, cũng như Philatô chối bỏ Chúa Giêsu, khi Ngài tuyên bố Mình là Chân Lý. Thế gian xua đuổi Giáo Hội như đã xua đuổi Chúa Giêsu. Nhưng Giáo Hội được con cái yêu mến, ngang với Chúa Giêsu, mặc dầu họ rất khác nhau về tư kiến.

Tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói của Đấng Sáng Lập.

Bạn hãy vâng nghe. Rồi bạn sẽ hiểu. Thế gian ghét Giáo Hội, vì Giáo Hội không thuộc về thế gian. Và nếu Giáo Hội không thuộc về thế giới này, thì thuộc về một thế giới khác. Và bởi Giáo Hội thuộc về thế giới khác, thì Giáo Hội được yêu mến vô cùng và cũng bị ghét bỏ vô cùng, như chính Đức Kitô vậy.

Nhưng chỉ có sự gì thuộc về Thiên Chúa, mới được yêu mến vô cùng, hoặc bị ghét bỏ vô cùng.

Vậy phải kết luận: Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa, Giáo Hội là cuộc sống Đức Kitô kéo dài trong thế giới. Vì thế, chúng tôi yêu mến Giáo Hội, chúng tôi hy vọng được chết trên cánh tay lành thánh của Giáo Hội.

(Trích chương XII “Yêu và ghét” trong tác phẩm Người Galilê muôn thuở của TGM Fulton Sheen)

(Nguồn: Blog Phạm Kông)