ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá |
WHĐ (05.09.2012) – Đức Hồng y Martini, nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milano vừa qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Ngài là tu sĩ Dòng Tên, một chuyên gia lỗi lạc về Kinh Thánh, đã từng đảm nhận trọng trách lãnh đạo Đại học Giáo hoàng Gregoriana.
Nhiều người coi ngài là một người cấp tiến, nhấn mạnh quan điểm cởi mở của ngài về an tử, ngừa thai, vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, hôn nhân đồng giới… và những phát biểu mong muốn Giáo Hội phải canh tân hơn nữa.
Nhiều cơ quan thông tấn quốc tế trích và bình luận về phát biểu của Đức cố Hồng y trên nhật báo Corriere della Sera không lâu trước khi ngài qua đời. Theo đó, Đức cố Hồng y cho rằng Giáo Hội đã lạc hậu đến 200 năm.
Cũng có người cho rằng Đức cố Hồng y là người “chống Giáo hoàng”, không đồng thuận với cả hai vị Giáo hoàng là Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI.
Trong khi đó, qua sứ điệp gửi Tổng Giáo phận Milano nhân Thánh lễ An táng Đức cố Hồng y, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã làm nổi bật con người và đóng góp của ĐHY Martini cũng như nói lên sự trân trọng của Giáo Hội đối với ngài: “Ngài là người của Thiên Chúa, không những đã nghiên cứu sâu xa mà còn đem hết lòng mến yêu Kinh Thánh, biến Kinh Thánh trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời mình, làm gì cũng nhằm “ad maiorem Dei gloriam” – cho Chúa được cả sáng. Vì lẽ đó, Đức cố Hồng y đã có thể dạy các tín hữu và những ai đang kiếm tìm sự thật rằng chỉ Lời Chúa mới thật đáng lắng nghe, đón nhận và bước theo, vì Lời Chúa cho thấy tất cả con đường của sự thật và tình yêu. Đức cố Hồng y đã thực thi điều này với trái tim rộng mở tuyệt vời, không hề từ chối gặp gỡ, đối thoại với bất kỳ ai, đáp lại một cách cụ thể lời mời gọi của Thánh Phêrô: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15)”.
Mới đây, ngay trước Thánh lễ An táng ĐHY Martini chiều mồng 3-9, Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Vatican Insider, nêu bật ĐHY Martini “là con người trung thành với giáo lý truyền thống của Hội Thánh”.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn ĐHY Ravasi của nhà báo Andrea Tornielli:
– Trong nhiều năm Đức Hồng y Martini bị coi là chống Đức Wojtyła (Gioan Phaolô II). Sau đó, cũng vậy, ngài lại chống Đức Ratzinger (Bênêđictô XVI). Xin ĐHY cho biết ý kiến về chuyện này?
– Tôi cho rằng đây là lối giải thích theo kiểu chính trị và chịu ảnh hưởng của truyền thông và văn hoá đại chúng. Thực ra, cùng một vấn đề lại có nhiều cách tiếp cận, và đây chính là vốn quý của Giáo hội Công giáo. Ngay cả trong Tân ước chúng ta có thần học của Thánh Giacôbê và lại có thần học của Thánh Phaolô, và cả hai đều khác nhau. Vì vậy, về vấn đề ông vừa đề cập, tôi không cho rằng đã có mâu thuẫn, nhưng là những độ đậm nhạt khác nhau của cùng một mầu sắc. Bản thân tôi cũng thấy rằng mình đồng tình với một số quan điểm trong sứ điệp của Đức Bênêđictô XVI cũng như trong các sứ điệp của ĐHY Martini.
– Trong bài trả lời phỏng vấn cuối cùng, ĐHY Martini nói Giáo Hội lạc hậu đến 200 năm…
– Một số những nhận định về mặt lịch sử là có lý. Giáo hội Công giáo thì “semper reformanda”, phải luôn canh tân mà, nên Giáo Hội luôn trong trạng thái vận động. Trong một cơ cấu đồ sộ như thế, một chân trời mênh mông như thế, có nhiều lĩnh vực Giáo Hội đã đi trước mọi người, tuy nhiên trong một số lĩnh vực khác, Giáo Hội lại cần có thêm những bước tiến. Giáo Hội không những bao trùm mọi lãnh thổ, nhưng nghịch lý thay, còn bao quát mọi thời đại, bởi xã hội đương đại đã không đồng nhất lại còn một số khía cạnh văn hoá vẫn trì trệ.
– ĐHY không thể phủ nhận rằng về các vấn đề như đạo đức sinh học, khởi đầu và kết thúc sự sống, Đức Hồng y Martini đã công khai bày tỏ lập trường khác hẳn với Giáo hội Công giáo?
– Tôi cho rằng, ngay cả trong vấn đề ông vừa nêu, chúng ta đang nói đến một con người đã biểu lộ rõ rệt lòng trung thành của mình đối với giáo lý truyền thống của Hội Thánh. ĐHY Martini có lòng trung thành, nhưng thực tế cụ thể và một số biểu hiện đôi khi đi ngược lại. Khi cố gắng giải quyết một vấn đề thì lại nảy sinh những khác biệt. Nhưng như tôi vừa nói: ĐHY Martini có một đức tin sâu xa, vững vàng và mạnh mẽ. Có nhiều chiều kích đạt đến sự thật, chẳng hạn, nếu nói về các phương diện khoa học. Đức cố Hồng y đã từng quan tâm xem xét lại một số khía cạnh cho được kỹ lưỡng hơn nhưng không làm thay đổi thực chất của vấn đề. Những ý kiến của ngài về vấn đề an tử rõ ràng cho thấy điều đó.
– Điều đáng nói: mặc dù đã rời khỏi chức vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milano từ 10 năm trước, nhưng khi qua đời, ngài vẫn được đông đảo nhiều người đến kinh viếng. ĐHY giải thích sự kiện này như thế nào?
– Đức cố Hồng y đôi khi bị coi là một con người lạnh lùng. Tuy nhiên, vào lúc vắng bóng những nhân cách lớn, gương mặt, sứ điệp và tiếng nói của ngài đã miêu tả được thời đại của mình. Trên hết, ngài đã để lại dấu ấn về một nhân cách và hôm nay có thể cảm thấy được điều đó. Có biết bao gương mặt tẻ nhạt, lại còn tận hưởng thành công trên những phương tiện truyền thông mà nay bị chìm vào quên lãng? Còn ĐHY Martini, ngài vẫn đang nói cùng thế giới.
(Theo Vatican Insider, 03-09-2012)
Đức Thành
(Nguồn: WHĐ)