VATICAN - Hôm 15-102012, Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 13 đã bắt đầu tuần làm việc thứ hai với 2 phiên khoáng đại thứ 11 vào ban sáng và thứ 12 vào ban chiều.
Với 2 phiên họp này, phần phát biểu của hơn 260 nghị phụ kể như kết thúc. Trong 2 phiên họp sáng và chiều ngày 16-10-2012, cũng như trong phiên họp sáng thứ tư 17-10-2012, Công nghị GM Thế giới sẽ lắng nghe ý kiến của các dự thính viên và đại biểu của các Giáo hội Kitô anh em.
Phiên họp thứ 11 sáng 15-10-2012, có sự hiện diện của ĐTC cùng với 251 nghị phụ, và dưới quyền chủ toạ theo lượt của ĐHY Chủ tịch thừa uỷ, Gioan Thang Hán, GM Hong Kong. Đã có 42 nghị phụ đăng ký xin phát biểu.
Các bài phát biểu đề cập đến những vấn đề như: huấn luyện giáo dân một cách thích hợp, nâng đỡ gia đình, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn: đây chính là những "dụng cụ" của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Một số nghị phụ bày tỏ lo âu về tình hình Mali bên Phi châu, nơi các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chiếm được miền bắc nước này và đang đe doạ vùng thủ đô.
Các giáo dân cần được huấn luyện vững chắc và thích hợp, kể cả qua những công nghị địa phương, với sự tham dự trực tiếp của giáo dân, để họ có khả năng không chiều theo những cám dỗ của thế gian và làm chứng về những giá trị chân chính dựa trên sự kiện đức tin không chiều theo thế gian.
Nhiều nghị phụ đề cao tầm quan trọng của gia đình, giáo hội tại gia, và vì thế, gia đình cũng là tác nhân truyền giáo; gia đình đang bị băng hoại vì lịch sử Tây phương dựa trên sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Ngày nay, dường như gia đình là vấn đề số một của xã hội, đến độ người ta tin nơi sự trung thành ủng hộ một đội bóng đá hơn là sự chung thuỷ trong hôn nhân.
Một số bài phát biểu chi tiết hơn của các nghị phụ
Trong số các nghị phụ lên tiếng tại phiên khoáng đại thứ 6, chiều thứ năm 11-10 vừa qua, có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết, một trong hai đại biểu của HĐGM Việt Nam, đã nêu bật vai trò của giáo xứ trong việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói:
"Khi đọc số 81 trong Tài liệu làm việc, tôi muốn lưu ý về vai trò của giáo xứ trong hoạt động rao giảng Tin Mừng và thông truyền đức tin.
Trên bình diện Giáo Hội, mỗi giáo xứ là một đơn vị cơ bản của Giáo Hội địa phương, nhưng có khả năng làm cho Giáo Hội hoàn vũ trở nên hữu hình. Xét vì là một cộng đoàn Giáo Hội gần gũi với dân chúng tại một nơi cụ thể, đời sống của giáo xứ phải được tổ chức tương ứng như Giáo Hội hoàn vũ, để khi thấy sức sinh động của giáo xứ, người ta cảm thấy gần gũi với Giáo Hội hoàn vũ. Người ta lập tức được trở thành phần tử và được tham gia một Giáo Hội địa phương. Nếu trong đời sống kinh tế người ta nói suy nghĩ bao quát, hoạt động ngay ở địa phương (think globally, work locally), thì phải chăng người ta cũng có lý để hỏi rằng "tư duy trong tâm tình yêu mến Giáo Hội hoàn vũ, và hoạt động thực sự trong Giáo Hội địa phương là gì?”
Trên bình diện mục vụ, mỗi giáo xứ là một môi trường cụ thể để gặp gỡ giữa các vị hữu trách về đời sống giáo xứ. Một nền mục vụ được coi là sinh động hơn kém tuỳ theo những trao đổi hữu hiệu giữa các phần tử của giáo xứ qua những cuộc gặp gỡ. Một chương trình mục vụ được chuẩn bị kỹ lưỡng, được bàn luận sâu rộng và quyết định đúng đắn, thì chắc chắn sẽ mang lại những thành quả làm cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ sinh động. Trong Giáo phận Phan Thiết của tôi, vì những lý do chính trị, các giáo xứ vẫn còn giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động mục vụ. Chúng tôi không có quyền thực hiện những cuộc hội họp tôn giáo ở ngoài môi trường giáo xứ, và vì thế, nhà thờ và nhà xứ là những nơi thuận tiện cho các cuộc gặp gỡ của mọi giáo hữu để huấn luyện về giáo lý và thông truyền đức tin.
Trên bình diện truyền giáo, mỗi giáo xứ vẫn còn là một môi trường huynh đệ trong đó người ta biết nhau và nhìn nhận nhau hoàn toàn. Người ta biết rõ cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và thậm chí cả những khả năng trí thức và nhân bản nữa. Người ta biết nhau rất rõ. Các chương trình truyền giáo được đề nghị trong giáo xứ dựa trên điều đó”.
* ĐHY Odilo Pedro Scherer, TGM Giáo phận São Paolo, là giáo phận lớn nhất tại Brazil với hơn 5.600.000 tín hữu, trong bài phát biểu, ngài nhấn mạnh đến vai trò của đời sống thánh thiện và các Thánh trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.
ĐHY nói: "Việc tái truyền giảng Tin Mừng cần những "nhà truyền giáo mới". Các nhà rao giảng Tin Mừng này cần có cảm nghiệm sâu xa về đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự hiệp thông với Thiên Chúa hơn là những phương pháp mới và phương tiện kỹ thuật.
Qua dòng lịch sử, các Thánh là những Kitô hữu chân chính và là những nhà rao giảng Tin Mừng hiệu nghiệm nhất. Từ thời các Tông đồ và các vị tử đạo đầu tiên, Giáo Hội đã có thể cậy dựa vào chứng tá của các thánh giữa những lúc khó khăn nhất trong đời sống và sứ mạng của mình: các thánh tử đạo và hiển tu, các thánh mục tử và tiến sĩ, các thánh thừa sai và giảng thuyết, các thánh thần bí, các trinh nữ thánh hiến, các thánh bác ái, các thánh lập dòng. Các vị luôn luôn là những môn đệ đích thực và thừa sai của Chúa Giêsu và là chứng nhân của Chúa trong thế giới! Tại mỗi nước, các thánh địa phương, hoặc các thánh của Giáo Hội hoàn vũ đã và đang nâng đỡ đức tin của các tín hữu; các vị là gương sống cho họ, và cũng là những người chuyển cầu huynh đệ. Các đền thánh là những nơi đức tin và an ủi cho các tín hữu.
Vì thế - ĐHY Scherer nói - công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng có thể tìm được trong đời sống, chứng tá và sự chuyển cầu của các thánh một nguồn năng lực vô biên. Lòng sùng mộ đối các thánh và sự hiệp thông với các thánh giúp các tín hữu cảm nghiệm sự gần gũi với "Mầu nhiệm Đức tin” mà Giáo Hội tin và công bố cho thế giới.
Mầu nhiệm Đức tin này là chính Chúa Ba Ngôi, Đấng đã trở nên gần gũi với chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô; mầu nhiệm ấy đã làm say mê các thánh trước chúng ta, và cũng có thể thu hút cả những con người ngày nay.
Cuộc sống, chứng tá và sự chuyển cầu của các thánh chính là một kho tàng của Giáo Hội, và có thể trợ lực rất nhiều cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.
* Đức cha José Guadalupe Martín Rábago, TGM Giáo phận Léon của Mexico, nói về vai trò của lòng đạo đức bình dân trong việc tái truyền giảng Tin Mừng:
"Trong giáo huấn của Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh thường nhắc đến giá trị mục vụ của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta nhìn nhận rằng việc rao giảng Tin Mừng và thanh tẩy lòng đạo đức bình dân là những thách đố cần đương đầu trong tinh thần sáng tạo về mục vụ, vì nếu chỉ chiều theo những tình cảm và những gì là bình dân, thì không thể kiến tạo một nền văn hoá rao giảng Tin Mừng thực sự, có sức biến đổi các cơ cấu tội lỗi như các bất công xã hội, bạo lực, bất công và những gì trái ngược với phẩm giá con người và sự sống chung huynh đệ.
Đức TGM Martín Rabago trưng dẫn một thí dụ: Giáo phận Querétaro ở Mêhicô vẫn tổ chức cuộc hành hương thường niên đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Năm nay là kỷ niệm cuộc hành hương thường niên thứ 122 của giáo phận này. Có khoảng 40.000 người tham gia hành hương, họ được chia thành nhóm và có các linh mục, chủng sinh và nhân viên mục vụ giáo dân tháp tùng. Cuộc hành hương kéo dài 17 ngày, trong đó các linh mục cử hành thánh lễ hằng ngày và giải tội cho các tín hữu.
Kết quả thật là lớn lao. Người ta gia tăng lòng tôn sùng Thánh Thể, qua các giờ thánh được cử hành mỗi ngày. Cuộc hành hương được giáo phận và các giáo xứ chuẩn bị, đã biến thành một truyền thống mang lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống và các tín hữu dấn thân nhiều hơn trong chương trình mục vụ được đề xướng.
* Có nhiều nghị phụ đề cao tầm quan trọng của đạo lý xã hội của Hội Thánh trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.
- ĐHY Peter Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, nhắc đến giáo huấn của Đức Phaolô VI và Bênêđictô XVI, được tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Thế giới thứ 13 trích dẫn, khẳng định: "Công việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đầy đủ nếu không để ý đến lời kêu gọi hỗ tương mà Tin Mừng và đời sống cụ thể, đời sống cá nhân và xã hội của con người, nêu lên... Chứng tá bác ái của Chúa Kitô qua những hoạt động công lý, hoà bình và phát triển là điều thuộc về công việc rao giảng Tin Mừng, vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta, quan tâm đến trọn con người. Dựa trên những giáo huấn quan trọng ấy có khía cạnh truyền giáo của đạo lý xã hội Công giáo như một yếu tố nòng cốt của công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đạo lý xã hội của Hội Thánh là sự loan báo và làm chứng về đức tin; là dụng cụ và là nơi không thể tách rời khỏi sự giáo dục về đức tin. Vả lại, qua kinh nghiệm sâu xa về mục vụ của Đức Chân phước Gioan Phalô II, khi còn là Giám mục Giáo phận Cracovia, cũng như khi làm Giáo hoàng, đã nảy sinh định nghĩa hiệu năng nhất về đạo lý xã hội Công giáo như “một dụng cụ để rao giảng Tin Mừng”.
Động lực nguyên thuỷ của sự rao giảng Tin Mừng chính là tình yêu của Chúa Kitô để cứu độ con người và việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chính là nhân tố đầu tiên và chính yếu của sự phát triển.
Và ĐHY Turkson nhấn mạnh rằng trong bối cảnh lịch sử ngày nay, cần cấp thiết có những hoạt động tái truyền giảng Tin Mừng cả về mặt xã hội, không những vì yếu tố xã hội là một nội dung không thể thiếu được trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng còn vì đây là một phương thế hữu hiệu. Thực vậy, nhiều người ngày nay ngày càng tỏ ra nhạy cảm hơn đối với những vấn đề các quyền con người, công lý, bảo vệ môi sinh, chiến đấu chống nghèo đói, những đề tài liên hệ tới đời sống cụ thể của con người và quốc gia. Đây là một thực tại có thể nắm bắt như một cơ hội đích thực để tái truyền giảng Tin Mừng: chính vì lý do đó, cánh cửa dẫn vào việc rao giảng Tin Mừng có thể là cánh cửa xã hội.
Đi vào cụ thể, trong lĩnh vực đào tạo, ĐHY Turkson đề nghị kiên trì quan tâm đến việc học hỏi giáo huấn xã hội Công giáo trong các chủng viện và các nơi đào tạo, các giáo xứ. Đừng tỏ lỡ cơ hội để đối thoại đại kết và liên tôn...
- Đức cha François Lapierre, GM Giáo phận Saint-Hyacinthe, Canada, nhận xét rằng Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM hiện nay rất phong phú nhưng hơi yếu kém khi bàn về quan hệ giữa công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và đạo lý xã hội của Hội Thánh. Tài liệu không khai triển đủ mối liên hệ sâu xa giữa việc loan báo Tin Mừng và việc phục vụ công lý và hoà bình.
Tình trạng này có nguy cơ làm cho việc tái truyền giảng Tin Mừng như một câu trả lời cho các vấn đề nội bộ của Giáo Hội và không như một đóng góp có một không hai cho việc phát triển công lý và hoà bình trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay làm cho chúng ta khám phá thấy sự hà tiện và tham lam đã phá vỡ những liên hệ về ý nghĩa bằng cách tách biệt kinh tế ra khỏi chiều kích xã hội trong đời sống con người. Những liên hệ ấy chỉ có thể tìm lại được bằng tình thương, tình huynh đệ và bằng hữu, là những điều không những phải được biểu lộ trong những quan hệ giữa các cá nhân với nhau, mà còn trong đời sống kinh tế và thương mại như ĐTC Bênêđictô XVI đã diễn tả trong Thông điệp Bác ái trong Chân lý.
Trong bối cảnh đó, một điều rất quan trọng là Giáo Hội xuất hiện như một huynh đoàn, một thân mình, Thân Mình của Chúa Kitô. Cộng đoàn là một sự loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Trong việc khai tâm Kitô giáo, chúng ta thường tách biệt tình yêu với công lý, hành trình đức tin và các thực tại xã hội và chính trị. Điều cấp thiết là phát triển một nền văn hoá liên đới.
Các nhà đại thừa sai, qua các thế kỷ, đã biết liên kết việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô một cách táo bạo và sự dấn thân nơi những người nghèo khổ nhất. Cử chỉ của các vị thường ảnh hưởng nhiều hơn là lời nói.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)