WHĐ (17.11.2012) – Sáng thứ Năm 15-11-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các thành viên và các cố vấn của Hội đồng Tòa Thánh cổ vũ Tân Phúc âm hóa đang nhóm họp Hội nghị Khoáng đại tại Roma về chủ đề “Tầm quan trọng của đại kết trong công cuộc Tân Phúc Âm hoá”.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập đến mối liên kết chặt chẽ giữa công cuộc Tân Phúc Âm hoá và nhu cầu vượt qua những chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa các Kitô hữu.
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể đi theo con đường đại kết đích thực mà lại không nói gì đến cuộc khủng hoảng đức tin tác động đến nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, cả những nơi mà lời loan báo Tin Mừng đã được đón nhận đầu tiên và những nơi mà đời sống Kitô giáo đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ. Mặt khác, chúng ta cũng không thể bỏ qua nhiều dấu chỉ cho thấy vẫn luôn có một nhu cầu về tâm linh, thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Sự nghèo nàn về tinh thần của nhiều người đương thời với chúng ta, những người không còn cảm nhận được sự vắng mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ chính là một hình thức trống vắng, đặt ra một thách đố cho mọi Kitô hữu.
Đức Thánh Cha nói thêm: Trong bối cảnh này, “chúng ta là những người tin nơi Chúa Kitô, được kêu gọi trở về với điều cốt lõi, trung tâm của đức tin, để làm chứng cho thế giới về Thiên Chúa hằng sống... Chúng ta không được quên những gì liên kết chúng ta: đức tin vào Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo Hoá, được mặc khải trong Người Con là Đức Giêsu Kitô, tuôn trào Thánh Thần là Đấng hồi sinh và thánh hoá. Đó là đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội và đó là đức tin mà, trong đức cậy và đức ái, chúng ta cùng nhau tuyên xưng.
Xét về tính ưu tiên của đức tin, chúng ta cũng có thể hiểu được tầm quan trọng của các cuộc đối thoại và trao đổi về thần học giữa Giáo hội Công giáo với các Giáo hội và cộng đoàn Giáo hội khác. Ngay cả khi chúng ta không thể phân định khả năng tái lập sự hiệp thông trọn vẹn trong tương lai gần, thì việc đối thoại như thế cũng giúp chúng ta dễ dàng nhận thức được, không chỉ sự cản trở và những chướng ngại, nhưng cả kinh nghiệm phong phú, đời sống thiêng liêng và suy tư thần học, vốn trở thành một nhân tố thúc đẩy việc làm chứng mạnh mẽ hơn.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mục đích của đại kết là “sự hiệp nhất hữu hình giữa các Kitô hữu đang chia rẽ”. Để đạt được điều này, chúng ta phải làm hết sức lực, nhưng cũng phải nhận ra rằng, xét cho cùng, sự hiệp nhất này là một món quà do Thiên Chúa ban, và chỉ có thể đến với chúng ta qua Con Thiên Chúa, bởi vì Giáo Hội là của Chúa. Từ nhãn quan này chúng ta thấy, điều quan trọng không chỉ là cầu xin Chúa ban cho sự hiệp nhất hữu hình, nhưng nỗ lực để đạt được sự hiệp nhất ấy còn gắn liền với công cuộc Tân Phúc Âm hoá.
Thật là tốt đẹp khi cùng nhau hướng tới mục tiêu này, miễn là các Giáo hội và các cộng đoàn không dừng lại nửa chừng, chấp nhận những mâu thuẫn giữa họ như điều bình thường hoặc như điều tốt nhất họ có thể hy vọng đạt được. Đúng hơn, chính trong sự hiệp thông đức tin trọn vẹn, trong các bí tích và thừa tác vụ, mà sức mạnh của Thiên Chúa - hiện diện và hoạt động trong thế giới - sẽ tìm được cách diễn tả cụ thể.
Đức Thánh Cha kết luận: “Một mặt hiệp nhất là hoa trái của đức tin, và mặt khác hiệp nhất là một phương cách - gần như tiên quyết - để việc loan báo Đức Tin cho những ai chưa biết Đấng Cứu Thế, hoặc cho những ai đã đón nhận lời loan báo Tin Mừng mà gần như lãng quên món quà quý giá này, ngày càng trở nên đáng tin hơn. Đại kết đích thực, nhận ra tính ưu việt của tác động thần linh, trước hết đòi hỏi sự kiên nhẫn, khiêm tốn, và buông mình cho ý Chúa. Xét cho cùng, đại kết và Tân Phúc âm hóa đều đòi hỏi sự hoán cải tích cực, hiểu như là ước muốn chân thành bước theo Chúa Kitô và hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha”.
Huy Hoàng (VIS, 15-11-2012)
(Nguồn: WHĐ)