VATICAN - Sáng 17-11-2012, ĐTC đã tiếp kiến 3.000 tham dự viên Hội nghị Quốc tế do Hội đồng Toà Thánh về các Nhân viên Y tế tổ chức. Ngài kêu gọi các nhà thương và cơ cấu y tế làm sao để sức khoẻ không trở thành một món hàng tuỳ thuộc luật lệ thị trường.
Hội nghị đã tiến hành từ ngày 15 đến 17-11-2012 tại Vatican về chủ đề "Nhà thương, nơi loan báo Tin Mừng: Sứ mạng nhân bản và tinh thần".
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc nhở các nhân viên y tế Công giáo, ngoài những kiến thức và khả năng nghề nghiệp chuyên môn, còn cần có một "khoa học Kitô về đau khổ", là sự thật duy nhất có khả năng đáp lại mầu nhiệm đau khổ và mang lại cho người bệnh một sự an ủi không ảo tưởng”... Anh chị em hãy trở thành những chuyên gia uy tín trong khoa học Kitô về đau khổ. Đây là một sự dấn thân tái truyền giảng Tin Mừng cả trong thời buổi khủng hoảng kinh tế đang cắt giảm các tài nguyên dành cho việc bảo vệ sức khoẻ”.
ĐTC nhấn mạnh thêm: "Chính trong bối cảnh đó, các nhà thương và các cơ cấu trợ giúp phải nghĩ lại vai trò của mình để tránh cho sức khoẻ, thay vì là một thiện ích phổ quát phải đảm bảo và bảo vệ thì lại trở thành một món hàng tuỳ thuộc luật lệ thị trường và là một thiện ích dành cho một thiểu số người. Không bao giờ được quên sự quan tâm đặc biệt đối với phẩm giá người đau khổ, áp dụng nguyện tắc phụ đới và liên đới cả trong lĩnh vực những chính sách y tế".
Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận xét: "Ngày nay, một đàng do những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, người ta gia tăng khả năng chữa trị các bệnh nhân về thể lý, nhưng đàng khác, dường như lại giảm bớt khả năng chăm sóc người đau khổ xét một cách toàn diện và trong đặc tính có một không hai của họ. Dường như chân trời luân lý đạo đức của y khoa bị lu mờ, và người ta có nguy cơ quên rằng ơn gọi của y khoa là phục vụ mỗi người và trọn con người, trong mọi giai đoạn của cuộc sống. Một điều đáng mong ước là ngôn ngữ "khoa học Kitô về đau khổ, trong đó có sự cảm thương, tình liên đới, chia sẻ, từ bỏ, nhưng không, xả kỷ, trở thành một từ vựng khổ quát của tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp y khoa. Đó là ngôn ngữ của người Samaritano nhân lành trong dụ ngôn Phúc Âm. Trong viễn tượng đó, các nhà thương cần được coi như nơi ưu tiên để loan báo Tin Mừng, vì nơi mà Giáo Hội chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, thì đồng thời cũng trở thành một dụng cụ để nhân bản hoá con người và thế giới một cách thực sự (Bộ Giáo lý Đức tin, Văn kiện về một số khía cạnh của công cuộc loan báo Tin Mừng, số 9).
Và ĐTC kết luận: "Ngày nay, hơn bao giờ hết, xã hội chúng ta đang cần những người Samaritano nhân lành, với con tim quảng đại và vòng tay mở rộng cho tất cả mọi người, với ý thức rằng "mức độ tình nhân đạo chủ yếu được xác định trong tương quan với sự đau khổ và người đau khổ" (Thông điệp Spe salvi, số 38). (SD 17-11-2012)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)