MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Từ 2013, Giáo hội Công giáo tại Thánh Địa cử hành Lễ Phục Sinh theo Lịch Giulianô cùng với Chính thống giáo

WHĐ (5.11.2012) – Ngày 15-10 vừa qua, Hội đồng các Phẩm trật Công giáo tại Thánh Địa (AOCTS) đã ra thông cáo hướng dẫn về việc cử hành lễ Phục sinh theo lịch Giulianô (hiện Chính thống giáo vẫn áp dụng) tại các giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Latinh và các nghi lễ Đông phương.

Theo bản hướng dẫn nêu trên, các giáo phận Công giáo sẽ áp dụng Lịch Giulianô trong 2 năm, sau khi chuẩn bị cho văn kiện Nghị định trình lên cho Toà Thánh chuẩn y, đồng thời cũng hướng dẫn các giám mục được tuỳ nghi áp dụng thử nghiệm, hoặc trong năm 2013, hoặc trong năm 2015 (còn năm 2014, hai Lịch Giulianô và Grêgôrianô đều thống nhất).

Đức Tổng Giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem, đã mời gọi các linh mục trong giáo phận của ngài (gồm Palestin, Jordan, Israel và Cypre) cử hành lễ Phục sinh theo Lịch Giulianô của Chính thống giáo. Vì vậy, Lễ Phục Sinh sẽ được cử hành vào ngày 5-5-2013, ngoại trừ 2 khu vực Giêrusalem và Bêlem (do thoả ước giữ “nguyên trạng - status quo” về thời biểu cử hành nghi lễ giữa các Giáo hội).

Về phía các Giáo hội khác: Đức TGM Elias Chacour thuộc nghi lễ Melkit Hy Lạp cũng mời gọi các linh mục trong giáo phận của ngài ở Galilê cử hành theo lịch Giulianô. Còn Đức TGM Moussa El-Haj, Giáo phận Haifa, Nghi lễ Maronit, vẫn cử hành theo Lịch Phụng vụ Rôma, vì giáo phận của ngài thuộc Toà Giáo chủ Marônit Liban.

Trước đây, nhiều giáo xứ Công giáo tại Thánh Địa nhận thấy trong địa phương mình có nhiều gia đình hỗn hợp Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành, nên đã thử nghiệm việc hợp nhất Đông-Tây về thời điểm cử hành Lễ Phục Sinh và thấy có kết quả tốt.

Tình trạng các tín hữu Kitô dùng 2 lịch khác nhau (Công giáo dùng lịch Grêgôrianô, Chính thống giáo dùng Lịch Giulianô) khiến cho các gia đình theo các Giáo hội khác nhau không được mừng Lễ Phục Sinh trong cùng một ngày.

Như đã biết, sự khác biệt về ngày cử hành Lễ Phục Sinh bắt đầu từ Công đồng Nixêa (năm 325). Công đồng đã ấn định Lễ Phục Sinh được cử hành vào Chúa Nhật tiếp theo ngày trăng tròn (14 tháng Nisan) sau xuân phân.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo viết: “Vì khác nhau trong cách tính ngày 14 tháng Nisan, nên ngày mừng Lễ Phục Sinh trong các Giáo hội Ðông phương và Tây phương không luôn trùng hợp. Do đó, các Giáo hội đang tìm cách thoả thuận để có thể mừng Chúa Phục Sinh chung một ngày (số 1170).

Vể việc mừng Lễ Phục Sinh từ năm 2015 trở đi, AOCTS sẽ trình lên Toà Thánh bản dự thảo Nghị định để xin chuẩn y. Bản Nghị định này sẽ chấp thuận cho Giáo hội Công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau tại Thánh Địa được tính lịch phụng vụ - từ đầu Mùa Chay đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - theo Lịch Giulianô (hiện Chính thống giáo đang sử dụng).

Bản hướng dẫn của AOCTS nêu rõ: “Quyết định này sẽ được chấp thuận, tôn trọng và thực hiện bởi các Giáo hội Công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau - Đông phương cũng như Latinh - cũng như các tín hữu ngoại kiều cư ngụ trong các giáo phận của chúng ta”.

Thành Thi (Theo Custodia Terrae Sanctae)

(Nguồn: WHĐ)