Đức TGM Dominique Mamberti |
WHĐ (17.01.2013) – Như WHĐ đã đưa tin, ngày 15-1, Toà án Nhân quyền Strasbourg đã ra phán quyết về khiếu nại của 4 công dân Anh bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo. Đồng thời WHĐ cũng dự báo phán quyết này sẽ đứng trước những phản ứng từ nhiều phía trên khắp thế giới.
Phản ứng đầu tiên đã được ghi nhận là từ Giáo hội Công giáo.
Ngay sau khi Toà án Nhân quyền Strasbourg ra phán quyết, cơ quan thông tin Radio Vatican của Toà Thánh đã có cuộc phỏng vấn độc quyền đối với Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Thư ký Toà Thánh phụ trách Liên lạc với các quốc gia (Bộ trưởng Ngoại giao) về phán quyết trên. Trong phát biểu của mình, Đức TGM Mamberti đã bênh vực quyền “được khước từ” của con người trước những việc không đúng với lương tâm, như hai công dân Anh quốc đã từ chối chứng hôn và tư vấn hôn nhân cho hai cặp đồng tính.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.
* * *
– PV: Thưa Đức cha, ngày 15-01, Toà án Châu Âu về Nhân quyền đã công bố phán quyết về 4 trường hợp liên quan đến tự do lương tâm và tự do tôn giáo của 4 nhân viên làm việc tại Vương quốc Anh. Hai trong số bốn khiếu nại này liên quan đến việc đeo Thánh giá lúc làm việc, hai khiếu nại kia là xét lương tâm thấy không thể chứng hôn dân sự cho một đôi hôn nhân đồng tính và thực hiện tư vấn hôn nhân cho hai người đồng tính. Chỉ có một trường hợp khiếu nại được Toà án công nhận thôi!
– TGM Mamberti: Những vụ khiếu nại này cho thấy các vấn đề liên quan đến tự do lương tâm và tự do tôn giáo thật là phức tạp, nhất là ở một nơi như xã hội tại châu Âu vốn mang đậm dấu ấn đa dạng về tôn giáo và khuynh hướng thế tục hoá đang mạnh lên. Nguy cơ thật sự chính là quan niệm tương đối về đạo đức, hiện được coi như thứ chuẩn mực mới của xã hội, đang bào mòn những nền tảng của tự do lương tâm và tôn giáo nơi mỗi cá nhân. Giáo hội muốn bảo vệ mọi quyền tự do của cá nhân về lương tâm và tôn giáo trong mọi trường hợp, kể cả khi phải đối mặt với “sự độc đoán của chủ nghĩa tương đối”. Về việc này, phải làm rõ lý trí nơi lương tâm con người nói chung, và nơi hành vi đạo đức của người Kitô hữu nói riêng. Đối với những vấn đề gây tranh cãi về phương diện đạo đức, như phá thai hay đồng tính luyến ái, cần phải tôn trọng tự do lương tâm.
Thay vì ngăn cản việc xây dựng một xã hội khoan dung trong tinh thần đa nguyên, thì đặt cho nó điều kiện là phải tôn trọng tự do lương tâm và tôn giáo. Trong bài diễn văn trước Ngoại giao đoàn tại Toà Thánh tuần vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lưu ý: Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi quyền tự do tôn giáo, còn phải biết tôn trọng quyền được lấy lương tâm mà khước từ. “Ranh giới” này của quyền tự do đụng đến các nguyên tắc tối quan trọng, mang tính chất đạo đức và tôn giáo, bắt nguồn từ phẩm giá con người. Những nguyên tắc này như những “bức tường chịu lực” của bất kỳ xã hội nào muốn thật sự tự do và dân chủ. Vì thế, nhân danh tự do và tinh thần đa nguyên để ngăn cấm quyền được khước từ - xét theo lương tâm cá nhân và tôn giáo - thì trái lại, thật nghịch lý, đã mở cửa cho sự bất khoan dung và cào bằng thô bạo.
Việc tự do lương tâm bị xói mòn cũng cho thấy thật đáng bi quan về khả năng nhận biết Chân và Thiện của lương tâm con người, duy nhất giúp cho luật pháp có thể độc quyền đưa ra những quyết định về đạo đức. Đó cũng là vai trò của Giáo hội nhắc nhở mọi người, thuộc mọi tín ngưỡng, mình đã được phú cho lương tâm, có khả năng tự nhiên biết phân biệt điều tốt, điều xấu và nhờ đó hành động theo lương tâm. Đó chính là nguồn phát sinh tự do đích thực.
– PV: Trước đây, Phái đoàn Tòa Thánh tại Hội đồng Châu Âu đã công bố bản Thông tri về quyền tự do và có định chế riêng của Giáo hội. Xin Đức cha cho biết bối cảnh của bản Thông tri này.
– TGM Mamberti: Vấn đề quyền tự do của Giáo hội trong các quan hệ với các nhà chức trách dân sự hiện đang được Toà án Châu Âu về Nhân quyền xem xét qua hai sự vụ liên quan đến Giáo hội Chính thống Rumani và Giáo hội Công giáo. Đó là vụ Sindicatul ‘Pastorul cel Bun’ (Nghiệp đoàn Linh mục Rumani) kiện chính quyền Rumani và ông Fernandez Martinez kiện Tây Ban Nha. Nhân dịp này, Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Hội đồng châu Âu đã soạn thảo một Thông tri trình bày tóm tắt giáo huấn của Hội Thánh về quyền tự do và có định chế riêng của Giáo hội Công giáo.
– PV: Cái “được-mất” của những vụ kiện này là gì, thưa Đức cha?
– TGM Mamberti: Trong những vụ kiện này, Toà án Châu Âu về Nhân quyền phải quyết định liệu chính quyền dân sự đã tuân thủ Công ước châu Âu về Nhân quyền hay không khi từ chối việc công nhận một Nghiệp đoàn Linh mục (trong vụ kiện Rumani) và khi từ chối bổ nhiệm một giáo viên dạy về tôn giáo vì giáo viên này đã phát biểu công khai những quan điểm trái ngược với giáo lý Công giáo (trong vụ kiện Tây Ban Nha). Trong cả hai trường hợp, các quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận đều được viện dẫn để ép buộc các Giáo hội phải hành động chống lại giáo luật và huấn quyền của mình. Như vậy, các vụ việc này đặt vấn đề về quyền tự do của Giáo hội được hành xử theo các quy tắc riêng của mình, không bị lệ thuộc vào các quy định dân sự khác vốn cần thiết nhằm tôn trọng công ích và trật tự công cộng đúng đắn. Giáo hội luôn luôn phải đấu tranh bảo vệ quyền tự quyết của mình trước quyền bính dân sự và các ý thức hệ. Ngày nay, một vấn đề quan trọng được đặt ra tại các nước phương Tây là phải biết mình đang bị chi phối bởi nền văn hóa mang đậm dấu ấn chủ nghĩa cá nhân duy vật và chủ nghĩa tương đối, thì mới hiểu và tôn trọng bản chất riêng của Giáo hội. Giáo hội là một cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng đức tin và lý trí.
– PV: Nhận thức của Giáo hội về tình hình này như thế nào, thưa Đức cha?
– TGM Mamberti: Giáo hội biết rõ, trong một xã hội đa nguyên, thật khó xác định được mối liên hệ giữa nhà chức trách dân sự và các cộng đoàn tôn giáo khác nhau trước những đòi hỏi phải có sự gắn kết trong xã hội và phục vụ công ích. Trong bối cảnh này, Tòa Thánh lưu tâm sự cần thiết phải bảo vệ tự do tôn giáo ở khía cạnh tập thể và xã hội. Khía cạnh này đáp ứng bản chất xã hội vốn có nơi con người cũng như hiện tượng tôn giáo nói chung. Giáo hội không đòi cho các cộng đồng tôn giáo được trở thành các khu vực phi-luật pháp, nhưng phải được nhìn nhận là những không gian tự do, dựa trên quyền tự do tôn giáo, trong sự tôn trọng trật tự công cộng đúng nghĩa. Giáo thuyết này không chỉ dành riêng cho Giáo hội Công giáo, mà là những tiêu chí hiện đã được xây dựng thành nền tư pháp và được áp dụng chung.
Hơn nữa, nguyên tắc pháp lý về quyền có định chế riêng của các cộng đồng tôn giáo được công nhận một cách rộng rãi bởi các quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo cũng như bởi công pháp quốc tế. Chính Toà án Châu Âu về Nhân quyền cũng đã thường xuyên nêu lên trong nhiều phán quyết quan trọng. Các tổ chức khác cũng đã khẳng định nguyên tắc này. Đặc biệt là trường hợp của OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), hoặc của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, qua các văn kiện Kết thúc Hội nghị Vienne 19-01-1989 (của OSCE) và bản Nhận xét chung số 22 về quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo ngày 30-07-1993 (của Uỷ ban Nhân quyển Liên Hiệp Quốc). Như vậy, thật ích lợi khi nhắc lại và bảo vệ nguyên tắc về quyền tự quyết của Giáo hội và chính quyền dân sự.
– PV: Xin Đức cha nói rõ thêm.
– TGM Mamberti: Quyền tự do của Giáo hội sẽ được tôn trọng hơn nếu được các chính quyền dân sự trước hết hiểu đúng và không có thành kiến. Vì vậy cần phải làm rõ quyền tự do của Giáo hội phải được hiểu như thế nào. Vì vậy, Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Hội đồng châu Âu đã soạn thảo bản Thông tri tổng hợp (được đăng tải đính kèm bài phỏng vấn của Radio Vatican) trình bày quan điểm của Tòa Thánh chung quanh bốn nguyên tắc: 1) Phân biệt giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị, 2) Tự do đối với Nhà nước, 3) Tự do trong Giáo hội, 4) Tôn trọng trật tự công cộng đúng nghĩa. Sau khi trình bày những nguyên tắc, bản Thông tri đưa ra những trích dẫn có liên quan mật thiết từ Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Humanae và Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II.
Thành Thi chuyển ngữ (Theo Radio Vatican, bản tiếng Pháp)
(Nguồn: WHĐ)