Người ta ước lượng có khoảng 40,000 người đã tụ tập ở Rôma vào Chúa Nhật qua để tham dự cuộc diễn hành cho sự sống, trong đó, có nhiều nhân vật tên tuổi thuộc phong trào phò sự sống của Mỹ.
Cuộc diễn hành bắt đầu vào sáng Chúa Nhật tại Colosseum và kết thúc tại Castel San Angelo. Nhiều người tiếp tục diễn hành tới Quảng Trường Nha Thờ Thánh Phêrô để nhận phép lành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài nói chuyện của ngài, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến những người tham dự cuộc diễn hành này. Ngài nói: “Tôi chào mừng các tham dự viên ‘cuộc Diễn Hành Cho Sự Sống’ diễn ra vào sáng nay tại Rôma và tôi mời gọi mọi người tiếp tục chú tâm tới vấn đề rất quan trọng đối với việc tôn trọng sự sống con người từ lúc được thụ thai này”.
Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người tham gia một kiến nghị của cả Âu Châu nhằm chấm dứt việc phá thai, có tên là sáng kiến “Một Trong Chúng Ta”. Ngài cũng kêu gọi mọi người tham dự Ngày “Tin Mừng Sự Sống” vào tháng sau, vì đây sẽ là “giây phút đặc biệt đối với những ai coi trọng việc bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống con người”. Ngày “Tin Mừng Sự Sống” là một trong các biến cố của Năm Đức Tin sẽ diễn ra vào ngày 15-16 tháng Sáu tại Rôma.
Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha dùng giáo hoàng xa ra ngoài chào mừng các người diễn hành đang tụ tập ở bên ngoài Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Đây là cuộc diễn hành cho sự sống lần thứ ba được tổ chức tại Ý, và là cuộc diễn hành thứ hai tại Rôma. Ban tổ chức nhận định rằng cuộc diễn hành này mô phỏng theo cuộc diễn hành cho sự sống từng diễn ra tại Hoa Thịnh Đốn cả hàng chục năm nay.
Virginia Coda Nunziante, phát ngôn viên của cuộc diễn hành, cho hay: so sánh với cuộc diễn hành năm ngoái, là cuộc diễn hành có khoảng 15,000 người tham dự, thì cuộc diễn hành năm nay có “nhiều hứng khởi và nhiều phái đoàn ngoại quốc tham dự hơn”. Cô cho hay: “Cuộc diễn hành tại Rôma đang trở thành một cuộc diễn hành quốc tế chính thức, với sự tham dự của khắp thế giới”.
Nunziante không phải là người duy nhất ghi nhận tính cách quốc tế của cuộc diễn hành. Joseph Meaney, giám đốc điều hợp quốc tế của Human Life International đặt trụ sở tại Rôma, đồng bảo trợ trong ban tổ chức cuộc diễn hành, cho hay: “một trong những điều tôi cho có tính lôi cuốn nhất trong cuộc diễn hành này là phái đoàn Ba Lan”. Nhất là nhóm đến từ miền tây Ba Lan, “họ không làm gì cả mà chỉ diễn hành suốt năm vì sự sống. Họ có tấm biểu ngữ vĩ đại viết chữ Sự Sống Con Người bằng tiếng Ba Lan mang theo. Quả là đáng lưu ý khi những người Ba Lan tuyệt vời này đến đây hỗ trợ người Ý, làm cho cuộc diễn hành này trở thành một biến cố Âu Châu thực sự”.
Khắp thế giới
Lila Rose, sáng lập viên và giám đốc của Live Action đặt trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, là một trong các diễn giả chủ chốt lúc khai mạc cuộc diễn hành. Đây cuộc diễn hành lần đầu của cô tại Rôma. Theo cô “nghị lực và phấn khởi của người ta ở đây nhằm hủy bỏ phá thai tại Ý và biến Ý thành một nước chịu bảo vệ mọi nhân quyền là một điều rất thích thú được nhìn thấy: không phải chỉ là người ở đây ở Ý này, ở Rôma này, không phải chỉ là người Ý hay người Âu Châu: mà là người khắp thế giới. Chúng tôi diễn hành với nhau trong liên đới để bảo vệ những người yếu đuối nhất”.
Rose tiếp tục cho hay: “Các nhân quyền là điều Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người là Đấng điều khiển cuộc đấu tranh này vì Người yêu hết mọi người. Là người Mỹ, người Ý hay người Âu Châu, điều này không quan trọng: tất cả chúng ta đều phải phục hồi các nhân quyền căn bản nhất của những người yếu đuối nhất”.
Cùng tham dự biến cố này còn có Elizabeth Hickson Frappier, một người Mỹ từng là người tổ chức chính của cuộc diễn hành vì sự sống tại Brussels, Bỉ. Cô cho biết cảm tưởng về cuộc diễn hành tại Rôma như sau: “Cuộc diễn hành này đầy hứa hẹn vì càng ngày bạn càng thấy nhiều hân hoan, say mê và thực tại hơn đến nỗi ta bắt đầu tin rằng rồi ra ta sẽ chấm dứt được sự vi phạm nhân quyền này, cũng như mọi vi phạm nhân quyền khủng khiếp khác”.
Chữa lành và hy vọng
Frappier nói tiếp: “được thấy người Âu Châu tụ tập lại với nhau là điều thật phấn khích”. Tuy nhiên, cô cho hay: dù được thấy niềm vui nơi phong trào phò sự sống của Ý là điều phấn khích thật đấy, nhưng điều quan trọng là ta đừng quên rằng “vấn đề thực sự ở đây là ta gặp một xã hội chỉ biết đề xuất cho người đàn bà một quyết định bạo hành chứ không phải một quyết định hòa bình, trong những giây phút khó khăn. Bất cứ xã hội nào chỉ biết làm thế đều là một xã hội hạ giá người đàn bà. Đó là một xã hội không biết gì tới trái tim, linh hồn và phẩm giá một người phụ nữ. Họ không hiểu rằng mỗi người đàn bà chúng ta đều có đủ yêu thương để yêu đứa nhỏ này, để sinh hạ đứa con này.
“Ở Âu Châu, điều ta cần là những nơi các phụ nữ có thể tới để được chữa lành và có hy vọng, những nơi họ không cảm thấy bị kết án. Ta cần họ được chữa lành. Ta muốn họ được lành mạnh để họ có thể tham gia cuộc đấu tranh này. Họ là tiếng nói muốn nói rằng: chúng tôi đã im lặng và một điều gì đó trong chúng tôi đã gẫy đổ, điều này cần được chấm dứt. Phá thai là điều làm tổn thương phụ nữ, và tổn thương trẻ em”.
Vũ Văn An
(Nguồn: Vietcatholic News)