MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thượng phụ Chính thống Copte nhấn mạnh tính cấp thiết của sự hiệp nhất Kitô giáo

ĐGH Phanxicô tiếp kiến Đức Thượng phụ Tawadros II
và phái đoàn của ngài tại Vatican.
- Ảnh: Copticworld.org
EMTY (Vatican, 10-5-2013, CNA/EWTN News) - Đức Thượng phụ Giáo chủ Giáo hội Chính thống Copte của Ai Cập đã gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican và nói đến nhu cầu cấp thiết về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu tại Trung Đông.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho người dân về sự hiệp nhất rất thực tế và cần thiết này, điều mà chúng ta đã nhận biết và trải nghiệm, chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng và nghiêm túc”, Đức Thượng phụ Tawadros II nói với CNA hôm 10-5, theo tin từ văn phòng của ngài.

Chuyến viếng thăm Vatican của ngài thật quan trọng bởi vì ngài lãnh đạo Giáo hội Kitô giáo lớn nhất tại Ai Cập với 10 triệu tín hữu, cũng như bởi tính cách lịch sử của nó - chuyến viếng thăm Roma lần này, từ ngày 9 đến 13-5-2013, là chuyến thăm đầu tiên sau 40 năm. Đức Thượng phụ Shenouda III, vị tiền nhiệm của Đức Thượng phụ Tawadros II, đã đến thăm Đức Giáo hoàng Phaolô VI hồi tháng 5-1973, mở đầu cho cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội, với tuyên ngôn chung về Kitô học, và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm lại Ai Cập vào năm 2000.

Đức Thượng phụ Tawadros II của Giáo hội Copte kế nhiệm Đức Shenouda III hồi tháng 11-2012.

“Việc gia tăng các phần tử Hồi giáo ở các nước như Ai Cập và Syria làm các Kitô hữu hiện nay cảm thấy họ như những công dân hạng 2 hoặc hạng 3”, Cha Rafic Greiche, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Giáo hội Copte tại Ai Cập, cho biết.

“Người Kitô hữu Ai Cập chúng tôi mong muốn các anh em từ tất cả các giáo hội trên thế giới giúp chúng tôi, cầu nguyện cho chúng tôi và trở thành anh em thực sự của chúng tôi trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, Cha nói với CNA hôm 10-5 tại Roma. Cha lưu ý rằng kể từ cuộc nổi dậy của Ai Cập lật đổ Hosni Mubarak, “không có gì thay đổi cho các Kitô hữu và người Hồi giáo hiện đại bình thường”.

“Người ta trở nên nghèo hơn, tầng lớp trung lưu ngày càng nghèo và vô gia cư, không có việc làm hoặc hoạt động du lịch”, Cha Greiche nói.

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng những anh em của chúng tôi không giúp chúng tôi bằng tiền bạc, nhưng bằng tình liên đới và đưa tiếng nói của chúng tôi tới các nhà cầm quyền của họ để cho thấy rằng mọi Kitô hữu trên toàn thế giới có cùng một con tim”, Cha nói thêm.

Đức Thượng phụ Tawadros II cùng cầu nguyện với Đức Giáo hoàng Phanxicô khoảng 20 phút sau cuộc gặp gỡ 15 phút của các ngài tại Hội trường Clementine trong Dinh Tông Toà của Vatican.

"Mục tiêu quan trọng nhất cho cả Giáo hội Công giáo và Giáo hội Copte là thúc đẩy đối thoại đại kết nhằm đạt được mục tiêu đang được theo đuổi nhiều nhất, đó là sự hiệp nhất”, Đức Thượng phụ Tawadros II nói trong diễn từ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài nói ngài mong ước “các mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội Chính thống Copte và Giáo hội Công giáo có thể trở nên vững chắc và phong phú hơn”.

Đức Thượng phụ Tawadros II cũng mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ai Cập và đề nghị rằng kể từ hôm nay trở đi, hai Giáo hội nên lấy ngày 10-5 làm “ngày kỷ niệm tình huynh đệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Copte”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp lời Đức Tawadros II, cam đoan bằng những lời cầu nguyện của ngài và khấn xin sự bảo vệ của các Thánh Tông đồ Phêrô và Marcô, là hai vị thánh làm nền móng của hai Giáo hội.

“Nếu một chi thể nào đau, thì mọi chi thể cùng đau; nếu một chi thể nào được tôn vinh, thì mọi chi thể cũng vui chung”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trích Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (12,26).

“Tôi cam đoan với ngài rằng những nỗ lực của ngài nhằm xây dựng sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Chúa Kitô và sự quan tâm sống động của ngài đến tương lai đất nước của ngài và vai trò của các cộng đồng Kitô hữu trong xã hội Ai Cập sẽ tìm thấy một âm vang sâu xa trong trái tim của người kế vị Thánh Phêrô và của toàn thể cộng đồng Công giáo”, ĐTC nói thêm.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “việc chia sẻ những đau khổ hằng ngày có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho sự hiệp nhất”. “Từ nỗi đau khổ được chia sẻ có thể nảy sinh sự tha thứ và hoà giải, với sự trợ giúp của Thiên Chúa”, ngài nhấn mạnh.

Trước cuộc gặp gỡ này, các nhà lãnh đạo Giáo hội Ai Cập đã đến thăm Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô hữu và các cơ quan khác trong Giáo triều Rôma.

Hùng Nguyễn

(Nguồn: emty.org)