Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Đức Thượng phụ Kirill |
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo Kitô và Trung Quốc
Lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Đức Thượng phụ Kirill, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu tại Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm có tính bước ngoặt tới Trung Quốc.
Trong cuộc gặp đầu tiên từ trước tới nay giữa người đứng đầu Giáo hội Kitô và lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm vì quan hệ Trung - Nga trong cuộc họp tại đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
"Ngài là Đức Thượng phụ đầu tiên của Matxcơva và toàn lãnh thổ Nga và là lãnh đạo tôn giáo tối cao đầu tiên của Nga đến thăm đất nước chúng tôi. Đây là biểu hiện rõ ràng sự tín nhiệm cao trong mối quan hệ Trung - Nga", thông tấn xã nhà nước Nga RIA Novosti trích dẫn lời ông Tập.
"Đây là bằng chứng về mối quan hệ đặc biệt được tiến triển những năm gần đây giữa Nga và Trung Quốc", Đức Thượng phụ nói.
Một nhà quan sát Trung Quốc yêu cầu giấu tên nói rằng, chuyến thăm nhằm thoả mong muốn của chính phủ Cộng sản biết rõ về Giáo hội Chính thống Nga và vai trò của nó trong xã hội Nga.
"Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã bỏ qua thực tế là Giáo hội Chính thống có ảnh hưởng lớn trong giới chính trị Nga. Cuộc gặp mặt này sẽ thúc đẩy Trung Quốc khám phá vai trò của tôn giáo trong việc phát triển quan hệ với Nga và các quốc gia Chính thống giáo khác", ông nói.
Đức Thượng phụ 66 tuổi đã được Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Trung Quốc, người đã gởi lời mời, chào đón tại sân bay Bắc Kinh sáng thứ Sáu.
Theo lịch trình, Đức Thượng phụ Kirill sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 5 tôn giáo được công nhận tại Trung Quốc - Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Lão giáo và Tin Lành - trước khi đi Cáp Nhĩ Tân, thành phố ở phía đông bắc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga, và cuối cùng đến Thượng Hải, kết thúc chuyến thăm 6 ngày.
Một nhà phân tích Trung Quốc yêu cầu giấu tên cho biết, việc công nhận đầy đủ Giáo hội Chính thống Trung Quốc vẫn là "chưa thể" cho dù có chuyến thăm này, nhưng sẽ có một phạm vi lớn hơn về giao lưu tôn giáo và văn hoá giữa hai nước láng giềng.
(Nguồn: UCANews)