MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nạn kỳ thị tôn giáo giữa lòng Âu châu

Giáo sư Massimo Introvigne
Phỏng vấn Giáo sư Massimo Introvigne

Ngày mùng 10-5-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đoàn Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, gồm Đức Hồng y Chủ tịch Peter Erdoe, Tổng Giám mục Budapest-Esztergom, và hai vị Phó Chủ tịch là Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục Genova kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, và Đức cha Josef Michalik, Tổng Giám mục Przemysl bên Ba Lan.

Đoàn Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu đã cùng Đức Thánh Cha Phanxicô thảo luận về thực tại tự do tôn giáo tại Âu châu, bị sách nhiễu bởi một nền văn hoá duy đời ngày càng thu hẹp các khoảng trống, không để cho các Kitô hữu quyền công khai tự do diễn tả đức tin và các giá trị Kitô của mình. Trong một cuộc họp báo sau cuộc hội kiến đầu tiên với Đức tân Giáo hoàng, Đức Hồng y Erdoe cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất chú ý lắng nghe đoàn chủ tịch trình bày công việc của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, trong hơn 1 giờ. Đức Hồng y và hai vị Phó Chủ tịch đã trình bày lên Đức Thánh Cha một số hoạt động của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu như cuộc hội học về tự do tôn giáo trong các ngày từ 16 đền 18-5 tại Istanbul. Cuộc hội học này được cùng phối hợp với Toà Thượng phụ Chính thống Constantinopoli, nhằm duyệt xét các tình hình sống khó khăn của các Kitô hữu trong vùng Trung Đông, tại Syria, bên Ai Cập, cũng như các vụ kỳ thị các tín hữu Kitô, các tín hữu Do Thái và tín hữu Hồi tại Âu châu. Đây là các thực tại cần được chú ý và nhậy cảm nhiều hơn. Đức Hồng y Erdoe nói "nếu cần thì chúng tôi sẵn sàng xuống đường để bảo vệ các quyền nền tảng này của nền dân chủ".

Trong cuộc hội kiến đoàn chủ tịch cũng đã đề cập tới đại hội khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Âu châu nhóm trong các ngày 3 đến 6-10-2013 tại Bratislava về đề tài "Thiên Chúa và Nhà nước. Giữa tính cách đời và chủ thuyết duy đời". Nói chung, đại hội sẽ duyệt xét tương quan giữa đức tin và chính trị. Đức Hồng y Erdoe nêu bật các thách đố mà các Kitô hữu đại lục Âu châu phải đương đầu, đặc biệt là "các đe doạ pháp lý" chống lại quyền tự do tôn giáo. Chính vì thế, các Giám mục Âu châu nhiệt liệt ủng hộ các sáng kiến như chiến dịch "Một người trong chúng ta", là chiến dịch thu thập chữ ký trên toàn Âu châu hay tổ chức các buổi canh thức cầu nguyện bảo vệ gia đình tự nhiên, khởi sự tại Pháp, nhưng hiện đang lan sang các nước âu châu khác.

Đức Hồng y Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia, cho biết đây cũng là chiến dịch bảo vệ sự sống trong tất cả mọi giai đoạn từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên và các kiểu diễn tả của nó. Trong chiều hướng này nó là một lời kêu mời lương tâm nhân loại, chứ không phải chỉ mời gọi lương tâm Công giáo hay lương tâm Kitô mà thôi.

Ngoài ra, Đức Hồng y Erdoe còn ghi nhận một sự kiện có ý nghĩa khác: đó là sự thức tỉnh của người trẻ. So sánh với người lớn tuổi giới trẻ tự do hơn vì không bị khép kín trong các lược đồ ý thức hệ. Họ sẵn sàng thay đổi ý kiến, và họ tự do hơn đối với sự siêu việt. Và đó là một tiền đề tích cực cho Âu châu tương lai, hiện nay đang phải vất vả tìm lại linh hồn đích thật của chính mình.

Đoàn Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu đã tặng Đức Thánh Cha một Icone Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi chung quanh có 7 vị Thánh đồng Bổn mạng của Âu châu là: Cirillo, Metodio, Biển Đức, Catarina thành Siena, Brigida Thuỵ Điển và Edith Stein. Các vị diễn tả các khác biệt tạo thành Âu châu. Ngày nay, cũng thế đó là căn tính khác biệt, nhưng cùng nhau cấu tạo thành căn tính Âu châu. Thật vậy, Âu châu thống nhất được xây dựng không phải bắng cách bỏ qua hay khước từ các chuyên biệt quốc gia, nhưng hoà giải các khác biệt và biến chúng thành một căn tính chung cao hơn.

Hồi tháng 3-2013, các Giám mục Bosnia - Erzegovina đã kêu gọi chính quyền nước này và các chính quyền Âu châu đưa ra các sáng kiện cụ thể giúp các Kitô hữu đã chạy trốn chiến tranh được phép Hồi hương và sống đức tin Kitô trên quê hương của họ. Cộng đoàn Công giáo tại đây bị kỳ thị, các quyền tự do của họ bị hạn chế, và dân chúng vẫn chưa được hưởng hoà bình vì không có các điều kiện an ninh, tôn trọng công lý, tha thứ, hoà giải, liên đới và tình yêu thương.

Trong Cộng hoà Liên bang Đức không phải chỉ có thánh giá bị bài trừ, mà cả khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi, việc cắt bì, thịt kosher rửa sạch không có máu theo nghi thức Do Thái, cũng bị tấn công. Vụ cuối cùng xảy ra hồi tháng 6-2012, khi toà án Koeln ra luật về việc thực hành cắt bì vì các lý do tôn giáo, khiến cho cộng đoàn Do Thái và Hồi giáo phản đối mạnh mẽ. Chính quyền Liên bang đã phải đưa ra luật xác định việc thực thi này sẽ không bị phạt, nếu được làm theo các luật lệ y khoa. Trong trường hợp 6 tháng đầu, đứa bé có thể được cắt bì bởi những người được đào tạo thích hợp.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Giáo sư Massimo Introvigne, phối hợp viên "Đài Quan sát Tự do Tôn giáo Âu châu" và từ năm 2011 cũng là đại diện của tổ chức "Cộng tác và Phát triển Kinh tế", gọi tắt là OCSE, về nỗ lực tranh đấu chống lại sự bất khoan nhượng và kỳ thị đối với các Kitô hữu.

Hỏi: Thưa giáo sư, sự tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô tại Tây Âu có phải là đề tài đang được "Đài Quan sát Tự do Tôn giáo Âu châu" chú ý hay không?

Đáp: Vâng, nó đã là đề tài được chúng tôi nghiên cứu từ nhiều năm nay rồi. Đài quan sát này là một tổ chức uy tín có trụ sở tai Vienne, thủ đô nước Áo. Nó chuyên nghiên cứu sự bất khoan nhượng và kỳ thị chống lại các tín hữu Kitô. Cách đây vài tháng, chúng tôi đã đệ trình lên "Tổ chức Cộng tác Phát triển Kinh tế Âu châu" OCSE một bản tường trình liên quan tới hơn 60 tội phạm thù ghét tại Âu châu liên quan tới việc tàn phá các nhà thờ, đốt cháy các thánh giá, đánh đập hành hung các linh mục và nữ tu, và xúc phạm tới các nghĩa trang.

Hỏi: Âu châu là một đại lục có các luật lệ bảo vệ tự do tôn giáo hữu hiệu, mà tại sao lại xảy ra các vụ thù ghét đối với Kitô giáo như vậy, giáo sư giải thích các hiện tượng này ra sao?

Đáp: Vấn đề thù ghét Kitô giáo bao gồm 3 bình diện. Bình diện thứ nhất là sự bất khoan nhượng văn hoá. Nó được diễn tả ra bằng các lựa chọn chống đối Kitô giáo một cách có hệ thống trong lĩnh vực truyền thông báo chí và nghệ thuật. Thứ hai là sự kỳ thị trên bình diện pháp lý, với các luật lệ chèn ép tín hữu Kitô. Và thứ ba là bình diện của các tội phạm diễn tả sự thù ghét. Có một chương trình dẫn đưa từ bình diện này tới bình diện kia. Khởi đầu từ sự bất khoan nhượng, mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI rồi Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến dành cho Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh hồi tháng 3 vừa qua, gọi là "sự độc tài của chủ thuyết tương đối hoá". Thế rồi người ta bước sang sự kỳ thị các Kitô hữu với các vụ kiện cáo ra tòa án Âu châu về các quyền con người, nhưng cũng với sự may rủi, khi được giải quyết đúng, lúc bị giải quyết sai. Liên quan tới các biểu tượng tôn giáo thì toà án cho chúng tôi có lý, bằng cách chứng minh cho thấy toà nhạy cảm đối với sự tự do tôn giáo; nhưng liên quan tới việc phản đối vì lý do lương tâm, thì lại không.

Hỏi: Giáo sư có thể đơn cử vài thì dụ cụ thể hay không?

Đáp: Vâng, tôi nhớ tới trường hợp của bà Soile Lautsi, người Phần Lan và Italia, năm 2005, kiện nhà trường ở Abano Terme tỉnh Padua treo Thánh giá là vi phạm quyền của con bà theo học tại đó. Toà án địa phương phán quyết là việc treo Thánh giá trong các lớp học không xúc phạm tới nguyên tắc của chủ thuyết đời. Bà kiện lên toà án vùng Veneto, toà án khẳng định rằng, tại Italia, Thánh giá biểu tượng cho các giá trị khoan nhượng, tôn trọng lẫn nhau, trân quý bản vị con người, khẳng định các quyền của mọi người, liên đới nhân bản và khước từ mọi hình thức kỳ thị, là các đặc tính của nền văn minh Italia. Năm 2006, bà kiện lên Toà án Nhân quyền Âu châu, và năm 2009, Toà phán quyết rằng đã có sự vi phạm Thoả hiệp Âu châu về các quyền con người.

Thế rồi còn có trường hợp của một chiêu đãi viên hàng không Anh quốc bị hãng British Airways bắt buộc không được đeo dây chuyền có thánh giá trên cổ. Tòa án nhân quyền âu châu phán quyết bà được phép đeo dây chuyền có thánh gía.

Hỏi: Thế còn liên quan tới trường hợp phản đối vì lý do lương tâm thì sao, thưa giáo sư?

Đáp: Ở đây, Toà án Nhân quyền Âu châu Strasbourg ít nhạy cảm hơn. Mới đây, có một nữ nhân viên làm việc trong toà thị sảnh của một thành phố Anh quốc vì các lý do tôn giáo đã chống lại việc cử hành hôn nhân dân sự cho những người đồng phái, và bà ta đã bị phạt, vì toà án giải thích một cách giới hạn sự phản đối lương tâm so sánh với trường hợp phá thai.

Hỏi: Người ta đi tới bạo lực như thế nào, thưa giáo sư?

Đáp: Trong các bối cảnh đặc biệt - tôi nghĩ tới những người bị thất vọng vì cuộc khủng hoảng - có thể xảy ra việc tấn công các nhà thờ và cả các cá nhân nữa. Và tại Âu châu, nguy cơ dùng bạo lực không phải chỉ là lý thuyết, mà là nguy cơ cụ thể. Gốc rễ của nó là điều mà ông Joseph Weiler, nhà làm luật người Mỹ gốc do thái, gọi là ”sự bài Kitô hữu của Âu châu”. Ông định nghĩa như thế việc khước từ thừa nhận Kitô giáo trong các gốc rễ âu châu, lại còn coi Kitô giáo là kẻ thù của các quyền con người và của sự tiến bộ, bởi vì ngày nay có các quyền mới là quyền được trợ giúp tự tử, quyền hôn nhân đồng phái, quyền phá thai mù quáng, quyền dùng các thuốc phá thai vô giới hạn. Theo Đài Quan sát Tự do Tôn giáo Vienne, 4 phần 5 các tội phạm thù ghét bắt nguồn từ chủ thuyết duy đời và bài Kitô.

Hỏi: Thưa Giáo sư Introvigne, tại Bosnia, trong vùng Trung Đông và tại Bắc Phi, việc bách hại các tín hữu Kitô đang khiến cho sự hiện diện của các cộng đoàn Kitô thiểu số gặp nguy cơ biến mất, có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng thế. Tại những vùng Âu châu có đa số dân theo Hồi giáo các tội phạm thù ghét Kitô hữu phát xuất từ một sự vùng dậy của khuynh hướng Hồi giáo quá khích. Bên vùng Trung Đông và tại Bắc Phi, trái lại, cần phân biệt 3 khuynh hướng. Có khuynh hướng quá khích cổ điển của các đảng phái gắn liền với các anh em Hồi giáo có dự án xã hội có thể thảo luận, vì nó nhấn mạnh tính cách hồi của các quốc gia bằng cách khiến cho các Kitô hữu trở thành các công dân hạng hai. Tuy nhiên, tự nó khuynh hướng cổ điển này không tổ chức cũng không tán thành bạo lực.

Hiện tượng thứ hai là các đảng Salafít muốn tham gia trò chơi chính trị dân chủ, tuy tự diễn tả một cách bạo lực chống lại các Kitô hữu. Thứ ba là tổ chức bách hại các Kitô hữu một cách có hệ thống từ phía các phong trào bán quân sự và khủng bố, gần gũi với phong trào hồi khủng hố Al Qaeda đã tìm được đường dây thanh lọc tôn giáo và nhận được sự đồng thuận và trợ giúp tài chánh từ tổ chức Al Qaeda. Chúng ta phải học biết phân biệt ba mức độ khác nhau đó trong hiện tượng bách hại các Kitô hữu hiện nay.

Linh Tiến Khải (Avvenire 11-5-2013)

(Nguồn: Radio Vatican)