VATICAN - ĐTC Phanxicô tố giác nạn thất nghiệp đang lan tràn và kêu gọi dùng toàn lực để bài trừ tai ương này.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 25-5-2013 dành cho 500 tham dự viên Hội nghị Quốc tế do Quỹ "Năm thứ 100 Phò Giáo hoàng” (Centesimus Annus pro Pontifice) tổ chức tại Roma về chủ đề "Nghĩ lại tình liên đới về công ăn việc làm: những thách đố của thế kỷ 21". Trong số các tham dự viên cũng có một số hồng y và giám mục.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại sự kiện Quỹ Năm Thứ 100 do Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập cách đây 20 năm và mang tên thông điệp ngài ban hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm công bố Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự).
ĐTC đề cập đến chủ đích của Hội nghị là "Nghĩ lại tình liên đới" có nghĩa là phối hợp giáo huấn của hội Thánh với sự tiến hoá liên tục và mau lẹ của xã hội và kinh tế, mở ra những khía cạnh ngày càng mới mẻ; tiếp đến là đào sâu, suy tư thêm để làm nổi bật giá trị của tình liên đới. Ngài nói: "Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện nay càng khiến chúng ta phải "nghĩ lại" và làm nổi bật sự thật và tính chất thời sự của Giáo huấn như trong Thông điệp "Nhờ Lao động" (Laborum Exercens) trước sự kiện có bao nhiêu tài nguyên của thiên nhiên không được sử dụng, trong khi biết bao nhiêu người không có hoặc không đủ công ăn việc làm, và vô số người bị đói. Điều này chứng tỏ có cái gì không ổn (số 18). Hiện tượng thiếu công ăn việc làm đang lan tràn như vết dầu loang, nới rộng biên cương của sự nghèo đói. Và không có sự nghèo đói vật chất nào tệ hại hơn sự nghèo đói không để người ta có kế sinh ngai và tước mất của con người phẩm giá của lao công."
ĐTC giải thích: "Như thế, nhu cầu phải nghĩ lại tình liên đới không còn là một sự trợ giúp từ thiện đối với những người nghèo nhất, nhưng là xét lại toàn diện hệ thống, để tìm ra những con đường cải tổ và sửa chữa hệ thống ấy, làm cho nó phù hợp các với các quyền bản của con người, của tất cả mọi người."
Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định: "Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải chỉ là khủng hoảng về kinh tế và tài chính mà thôi, nhưng có căn cội sâu xa nơi cuộc khủng hoảng về luân lý đạo đức và về con người. Theo đuổi các thần tượng quyền bính, lợi lộc, tiền bạc, vượt lên trên giá trị nhân vị con người, nay đã trở thành quy luật cơ bản cho mọi sự điều hành và thành tiêu chuẩn quyết định trong việc tổ chức. Người ta đã và đang quên rằng bên trên các doanh vụ, tiêu chuẩn và mẫu mực thị trường còn có con người và có một cái gì đó thuộc về con người, trong tư cách họ là người, do phẩm giá sâu xa của họ: nghĩa là cống hiến cho họ cơ hội sống xứng đáng và tích cực tham gia vào công ích." (SD 25-5-2013)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)