MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 20/9 - 26/9/2013 - Đức Giáo Hoàng lên án cuộc thảm sát các Kitô hữu Pakistan


1. Đức Giáo Hoàng lên án cuộc thảm sát các Kitô hữu Pakistan

Khi kết thúc chuyến thăm Sardinia, với những nhận xét bột phát, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án một vụ đánh bom tự sát tại một nhà thờ Kitô Giáo tại Pakistan, nơi các tín hữu đã tập trung thờ phượng vào ngày Chúa Nhật 22 tháng 9. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Đức Thánh Cha nói:

"Hôm nay, tại Pakistan, vì một lựa chọn sai lầm, một quyết định của hận thù, chiến tranh, đã xảy ra một cuộc tấn công trong đó có hơn 70 người chết. Sự lựa chọn này không thể chấp nhận được. Nó chẳng phục vụ điều gì. Chỉ có con đường hòa bình mới có thể xây dựng một thế giới tốt hơn. Nhưng nếu tất cả anh chị em không xây dựng hòa bình, thì còn ai khác sẽ làm. Đây là vấn đề, và đây là câu hỏi tôi để lại cho anh chị em suy nghĩ: "Liệu tôi có sẵn sàng tiến bước trên con đường xây dựng một thế giới tốt hơn?"

Một nhóm trong hàng ngũ Taliban Pakistan đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào ngôi nhà thờ ở phía bắc thành phố Peshawar. Số người chết đã tăng lên ít nhất 80 người. Sau vụ đánh bom, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố yêu cầu chính phủ phải làm nhiều hơn để bảo vệ các nhóm thiểu số.

2. Tòa Thánh tưởng niệm các Kitô hữu bị thảm sát tại Peshawar

Vào đêm Chúa Nhật 22 tháng 9, Đền thánh Phêrô và khu vực chung quanh quảng trường Thánh Phêrô đã tắt đèn suốt đêm, đắm chìm trong bóng tối để tưởng niệm các Kitô hữu bị thảm sát và để phân ưu cùng các gia đình nạn nhân tại Pakistan.

Trưa Chúa Nhật ngày 22 tháng 9, hai người Hồi Giáo quá khích đã nổ bom tự sát trong khi hàng trăm Kitô hữu vừa bước ra khỏi nhà thờ Các Thánh sau khi tham dự buổi lễ Chúa Nhật và đang tụ tập để ăn trưa miễn phí bên ngoài nhà thờ.

Số nạn nhân vẫn còn tăng cao, tin tức cho biết hiện có ít nhất 84 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương. Nhân chứng tại hiện trường mô tả là có hai trái bom nổ. Áo khoác tự sát và những phần cơ thể cuả các tên khủng bố đã được tìm thấy.

Hiện trường là nhà thờ Các Thánh, một ngôi nhà thờ lịch sử cuả Anh Giáo trong khu đông dân cư Kohati Gate của thị xã Peshawar , Pakistan.

Nhóm chiến binh Jandullah , liên kết với Taliban Pakistan , cho biết họ thực hiện vụ đánh bom để trả đũa cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu các bộ lạc phía tây bắc Pakistan .

3. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 25 tháng 9

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 25 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng sự hiệp nhất là khía cạnh cơ bản xác định nên Giáo Hội. Ngài nói rằng sự đa dạng phong phú của các nền văn hóa trong Giáo Hội là một ví dụ điển hình cho thấy chúng ta có thể vượt qua những khác biệt nhờ chia sẻ cùng một đức tin. Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi cầu nguyện đặc biệt cho các Kitô hữu đang dưới ách đe dọa của khủng bố.

Đức Thánh Cha giải thích rằng để Giáo Hội có thể là một đại gia đình, chúng ta phải thể hiện lòng yêu mến sự hiệp nhất này, và tha thiết với sự hòa hợp đến từ sự đa dạng của chúng ta.

Đức Thánh Cha nói

Anh chị em thân mến:

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội là "duy nhất". Đứng trước sự đa dạng phong phú về mặt ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc đang hiện diện trong Giáo Hội trên toàn thế giới, chúng ta nhận ra rằng sự hiệp nhất này quả thật là một hồng ân Chúa ban cho chúng ta, đặt nền tảng trên cùng một Phép Rửa và sự chia sẻ của chúng ta trong cùng một đức tin và cùng một đời sống bí tích của Giáo Hội. Giống như một đại gia đình, chúng ta đang liên kết với tất cả các anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, bất cứ nơi nào họ hiện diện.

Chúng ta có lẽ nên tự hỏi mình rằng chúng ta có đánh giá cao thực tế này của sự hiệp nhất, và tình liên đới trong sự hiệp thông của Giáo Hội không? Chúng ta có thể hiện thực tại này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và đặc biệt là trong lời cầu nguyện của chúng ta không? Thế giới cần những chứng tá của chúng ta về kế hoạch của Thiên Chúa cho sự hiệp nhất, hòa giải và hòa bình của gia đình nhân loại. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta, và các Kitô hữu ở khắp mọi nơi, hãy nỗ lực vượt qua những căng thẳng và chia rẽ, để như Thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta là hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa với nhau (x. Ep 4:03 ), và yêu mến sự hòa hợp mà chính Thần Khí ấy tạo ra từ sự phong phú đa dạng của chúng ta.

4. Đức Thánh Cha dành cho tạp chí Dòng Tên một cuộc phỏng vấn vô tiền khoáng hậu

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho tạp chí 'Civilta Cattolica’ của Dòng Tên một cuộc phỏng vấn vô tiền khoáng hậu kéo dài đến 6 giờ được thực hiện bởi cha Antonio Spadaro, một linh mục Dòng Tên.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng một lần nữa nhấn mạnh đến lòng thương xót của Giáo Hội. Ngài nói thêm rằng các thừa tác viên của Giáo Hội trên hết phải là các thừa tác viên của lòng thương xót.

Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội cần tập trung vào việc chữa lành các vết thương và hâm nóng trái tim con người. Ngài cũng nói về các vấn đề gây nhiều tranh cãi như đồng tính luyến ái và những người đã ly dị và tái hôn. Tổng quát, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo Hội cần phải tránh xa cái gọi là lý thuyết hạn chế.

Khi mô tả chính mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài là kẻ có tội, và thêm rằng mặc dù là một tội nhân, Chúa đã để mắt ưu ái trên ngài. Đức Thánh Cha cũng chia sẻ một câu chuyện cá nhân. Trong cuốn sách cầu nguyện của ngài, có chứng tá của bà nội ngài, mà Đức Thánh Cha coi như là một cách cầu nguyện. Trong cuộc phỏng vấn, ngài nói thêm rằng tinh thần truyền giáo đã khiến ngài trở thành một linh mục dòng Tên. Đức Thánh Cha nói thêm ngài thích ý thức cộng đồng và kỷ luật của Dòng Tên.

Khi nói đến sở thích cá nhân, ngài ngưỡng mộ Caravaggio và Marc Chagall. Về âm nhạc ngài hâm mộ Mozart và Bach. Dostoyevsky và Hölderlin là các tác giả yêu thích của Đức Giáo Hoàng. Và La Strada, Federico Fellini, là bộ phim yêu thích của Đức Thánh Cha.

5. Đức Thánh Cha khích lệ việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá Tin Mừng, để cho Giáo Hội có sự hiện diện kỹ thuật số trong thế giới ngày nay

Hôm thứ Hai 23 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 80 vị đang tham dự khóa họp khoáng đại của Hội đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội. Các vị đã đến Rôma từ bốn phương trời để thảo luận về vai trò của Giáo Hội và cách thức Giáo Hội giao tiếp với thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội là rất quan trọng để kết nối với những người cách nào đó đang thất vọng với Kitô giáo.

Đức Thánh Cha nói:

"Giáo Hội nên đóng vai trò nào về phương diện các phương tiện truyền thông mà mình đang thủ đắc? Trong mọi tình huống, vượt lên trên những cân nhắc về kỹ thuật, tôi tin rằng vai trò của Giáo Hội phải là tìm hiểu cho được cách thế tham gia vào cuộc đối thoại với những người nam nữ ngày hôm nay, biết làm thế nào để khi tham gia vào cuộc đối thoại này chúng ta hiểu được ước muốn của con người, sự ngờ vực cũng như hy vọng của họ. "

Đức Giáo Hoàng cũng giải thích rằng trong thời đại toàn cầu hóa, con người càng cô đơn hơn và đó là lý do tại sao Giáo Hội nhất thiết phải có mặt trong các phương tiện truyền thông xã hội.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh

"Vì vậy điều quan trọng là phải biết làm thế nào để đối thoại và đối thoại với sự sáng suốt, làm thế nào để sử dụng công nghệ hiện đại và các mạng xã hội để cho thấy sự hiện diện của chúng ta là sự hiện diện của lắng nghe, của chấp nhận đối thoại và khích lệ."

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng thách thức mới của Giáo Hội là làm sao giúp con người ngày nay khám phá ra Chúa Giêsu trong thời đại truyền thông mới này.

6. Dùng các việc từ thiện để trang điểm cho sự hào nhoáng của mình là một tội lỗi

Các việc từ thiện không thể được dùng để trang điểm cho chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên từ thiện và các tù nhân tại thành phố Cagliari của Ý.

Đức Thánh Cha nói:

"Một số người muốn làm nổi bật những việc làm tốt của họ. Họ liên tục nói về người nghèo, nhưng sau đó họ lại sử dụng những người túng thiếu này để làm lợi cho cá nhân mình. Tôi biết đó là việc người ta thường tình, nhưng phải nói ngay rằng điều đó không tốt. Đó chắc chắn không phải là ý Chúa Giêsu muốn. Tôi sẽ đi xa hơn nữa và nói đó là một tội lỗi. Một tội lỗi nghiêm trọng. Đó là việc lợi dụng những người nghèo, những người về bản chất là xác thịt của Chúa Giêsu, để trang điểm cho chính mình. Đây là một tội lỗi nghiêm trọng! "

Phát biểu tại Vương Cung Thánh Đường của thành phố, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi tất cả các Kitô hữu hãy nỗ lực giúp đỡ những người đang túng quẫn, bất kể những thách đố có thể xảy ra. Ngài cũng nói thêm rằng không có ai là người cao trọng hơn so với người khác, khi giải thích rằng tất cả chúng ta đều có những khuyết điểm và lỗi lầm. Sau đó, ngài khuyến khích mọi người hãy duy trì tinh thần đoàn kết.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh

"Cái từ đoàn kết này đang có nguy cơ bị loại khỏi từ điển vì nó không thoải mái. Nó rất phiền hà! Nhưng tại sao? Bởi vì nó buộc chúng ta phải nhìn thấy người lân cận là anh em mình và yêu thương họ. Tình đoàn kết có nguy cơ bị loại bỏ khỏi từ điển của chúng ta bởi vì nó rất phiền hà. "

Trong khi đề cập đến vấn đề người nghèo và các tù nhân, Đức Thánh Cha cám ơn tất cả các tổ chức trong Giáo Hội như Caritas là những tổ chức dành thời gian, năng lượng và tiền bạc để giúp đỡ những người nghèo.

7. Đức Thánh Cha vừa công bố hàng loạt những bổ nhiệm quan trọng trong giáo triều Rôma

Sáng thứ Bẩy 21/9/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố hàng loạt những bổ nhiệm quan trọng trong giáo triều Rôma.

Hai vị giữ nguyên chức vụ Tổng Trưởng hai Bộ quan trọng là Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Trong cuộc gặp gỡ giáo triều Rôma sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các vị lãnh đạo trong Giáo triều Rôma nên tiếp tục đảm trách các chức vụ của các ngài “donec aliter provideatur” - cho đến khi các quy định khác được thực hiện. Như thế, với bổ nhiệm mới này chức vụ của Đức Tổng Giám Mục Gerhard Müller và Đức Hồng Y Fernando Filoni đã là chính thức chứ không còn là tạm thời nữa.

Đức Giáo Hoàng đã chuyển Đức Hồng Y Mauro Piacenza, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ vào vai trò mới là người đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao, thay thế Đức Hồng Y Manuel Monteiro de Castro, sẽ nghỉ hưu ở tuổi 75.

Đức Tổng Giám Mục Benjamin Stella, Giám Đốc Học Viện Tòa Thánh về Giáo Hội, tức là trường đào tạo các viên chức ngoại giao của Tòa Thánh, được bổ nhiệm là Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ thay cho Đức Hồng Y Mauro Piacenza.

Đức Giám Mục Giampiero Gloder, một viên chức trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, được cử thay thế Đức Cha Benjamin Stella lãnh đạo Học Viện Tòa Thánh về Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Lorenzo Baldisseri, nguyên là thư ký của Bộ Giám Mục, trong chức vụ Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, được cử làm sứ thần Tòa Thánh tại Đức.

Với việc giữ nguyên các vị Tổng Trưởng của hai Bộ Giáo Lý Đức Tin và Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Thánh Cha cũng giữ lại các vị khác trong hai bộ này với hai thay đổi nhỏ.

Trước hết, Đức Cha Protase Rugambwa, thuộc Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, được nâng lên vị trí phó tổng thư ký bên cạnh vị Tổng Thư Ký là Đức Cha Savio Hàn Đại Huy.

Kế đó, Đức Tổng Giám Mục Augustine Di Noia, phó chủ tịch Ủy Ban Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei) bây giờ sẽ là phụ tá thư ký tại Bộ Giáo Lý Đức Tin. Năm ngoái, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Augustine Di Noia, thuộc Dòng Đa Minh Hoa Kỳ trong chức vụ phó chủ tịch Ủy Ban Giáo Hội Chúa để tăng cường các cuộc đối thoại với Huynh Đoàn Thánh Piô X. Việc điều Đức Tổng Giám Mục Augustine Di Noia về Bộ Giáo Lý Đức Tin cho thấy các cuộc đàm phán với Huynh Đoàn Thánh Piô X không còn là ưu tiên cao nữa.

8. Đức Thánh Cha nói với các tân giám mục: Đừng trở thành ‘những giám mục phi trường’ nhưng hãy dấn thân tích cực vào công việc trong giáo phận của mình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tân giám mục vừa được bổ nhiệm trong năm qua và đang tham gia vào một khoá học ở Rôma do Bộ Giám Mục và Bộ Giáo Hội Đông Phương tổ chức. Trong bài huấn dụ của mình, Đức Thánh Cha yêu cầu các vị Giám Mục tránh xa những "cái bẫy danh vọng" và "tâm lý hành xử như những ông hoàng". Ngài cũng khuyên các ngài hãy gần gũi với giáo dân trong giáo phận của mình và tránh đừng trở thành ‘những giám mục phi trường’.

Ngài sử dụng thuật ngữ này để nói về các giám mục dành quá nhiều thời gian lang thang đó đây, rời xa giáo phận được ủy thác cho các ngài coi sóc. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các ngài về tầm quan trọng của tính đồng đoàn.

Đức Thánh Cha nói: "Tính đồng đoàn hình thành nên một 'thân thể duy nhất' mang đến cho anh em phương hướng trong công việc hàng ngày và thôi thúc anh em tự vấn: 'Tôi phải làm thế nào để sống tinh thần cộng đoàn và hợp tác trong giám mục đoàn? Tôi phải làm thế nào để có thể xây dựng tình hiệp thông và sự hiệp nhất trong Giáo Hội mà Chúa đã trao phó cho tôi?' Giám Mục là người của hiệp thông và hiệp nhất, là 'sự thể hiện hữu hình của nguyên tắc và nền tảng của sự hiệp nhất'".

Đức Thánh Cha cũng nói về sự cần thiết gần gũi hơn với người bị gạt bỏ, cả về địa lý lẫn cuộc sống. Ngài nói thêm các giám mục phải đi với đàn chiên của mình. Ngài kêu gọi họ đừng quên các linh mục trong giáo phận của mình, khuyên bảo họ để mở lối giao tiếp với họ trong khi chăm sóc cho các nhu cầu của họ, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận món quà truyền thống của Thủ tướng Lithuania

Hôm thứ Năm 19/09, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Thủ tướng Algirdas Butkevicius của Lithuania tại Vatican. Đức Thánh Cha, người luôn mỉm cười và nói đùa với các vị khách của ngài, đã nói với Thủ Tướng suy nghĩ của ngài về thời điểm sắp xếp để chụp những bức ảnh chính thức: "Đây được gọi là nghi thức tra tấn".

Trong suốt cuộc hội kiến, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về vai trò của Lithuania trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh Châu Âu, cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa Vatican và các nước Baltic, vốn là nhà của các nhóm tôn giáo khác nhau cùng chung sống một cách hòa bình.

Thủ tướng giới thiệu với Đức Thánh Cha phu nhân và phái đoàn chính phủ của ông. Ông nói rằng ông biết về sự ưa thích khiêm tốn của Đức Giáo Hoàng, và ông tặng ngài một món quà truyền thống từ đất nước ông: một bộ chong chóng gió thủ công. Đức Giáo Hoàng chăm chú lắng nghe giải thích của Thủ Tướng về cách thiết kế nó.

Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng tặng Thủ Tướng một cây bút và nói rằng nó chỉ nên được sử dụng để ký những "tài liệu quan trọng". Khi nói lời tạm biệt, Thủ Tướng Butkevicius rất vui mừng thay mặt cho người dân Lithuania cảm ơn Đức Thánh Cha.

Thủ tướng Butkevicius nói: "Một trong những mơ ước của tôi đã trở thành sự thật là được Đức Giáo Hoàng tiếp đón".

Sau buổi hội kiến với Đức Thánh Cha, Thủ Tướng Algirdas Butkevicius đã có cuộc gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone.

10. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn đến các nạn nhân của hai cơn bão ở Mexico

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới của ngài với các nạn nhân của cơn bão Ingrid và Manuel ở Mexico. Cả hai cơn bão đã làm thiệt mạng hàng chục người và làm thiệt hại nghiêm trọng trên đường đi của chúng dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và trong vùng vịnh Mễ Tây Cơ.

Trong bức điện do Phủ Quốc Vụ Khanh gởi đến Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mexico, Đức Giáo Hoàng nói về "những hậu quả nghiêm trọng" của cả hai cơn bão gây ra cho Mexico "thân yêu". Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói ngài "hết sức đau buồn" về thảm kịch. Ngài dâng "những lời cầu nguyện sốt sắng cho sự yên nghỉ đời đời của những người quá cố. Ngài cầu xin Thiên Chúa ban sự an ủi cho những người chịu đau khổ".

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu mọi người bày tỏ "tình liên đới huynh đệ trong việc giúp tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất và dành sự hỗ trợ cho các nạn nhân đang đau đớn và tuyệt vọng".

Dưới đây là toàn văn bức điện:

"Đức Thánh Cha Phaxitô đau buồn sâu sắc trước những tin tức về những hậu quả nghiêm trọng do cơn bão Ingrid và bão nhiệt đới Manuel gây ra trên đất nước thân yêu này, trước những thương vong của các nạn nhân và vô số thiệt hại về tài sản, và làm nhiều gia đình trở nên vô gia cư, ngài dâng lời cầu nguyện sốt sắng cho sự yên nghỉ đời đời của những người quá cố. Ngài cầu xin Thiên Chúa ban sự an ủi cho những người chịu đau khổ và khuyến khích những người thiện chí bày tỏ tình liên đới huynh đệ trong việc giúp tái thiết những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất và dành sự hỗ trợ cho các nạn nhân đang đau đớn và tuyệt vọng.

"Đức Thánh Cha cũng mong truyền đạt lời chia buồn chân thành nhất đến các gia đình của những người đã khuất và thể hiện sự chăm sóc và sự gần gũi tinh thần của ngài đối với những người bị thương và vô gia cư. Ngài phó thác họ trong bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ Guadalupe và ban phép lành tông đồ như một dấu chỉ của tình cảm yêu mến dành cho người dân Mexico thân yêu, thể hiện trong trái tim ngài là vị mục tử của Giáo Hội Hoàn Vũ vào thời điểm đau đớn này".

11. Đức Thánh Cha Phanxicô: tôn sùng tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi

Tội tôn sùng tiền bạc là trọng tâm bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha sáng ngày 20/09/2013 tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican. Ngài giải thích rằng lòng mong muốn kiếm tiền bằng mọi giá đã làm băng hoại con tim. Ngài cũng nói thêm Chúa Giêsu đã cảnh báo nhân loại một cách rõ ràng về việc này.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích:

"Có người sẽ nói ‘Nhưng thưa Cha, con đọc Mười Điều Răn và không thấy nói gì về tội lỗi liên quan đến tiền của’. Anh chị em lỗi phạm Điều Răn nào khi anh chị em làm mọi thứ vì tiền? Thưa - anh chị em phạm vào Điều Răn đầu tiên! Anh chị em sùng bái ngẫu tượng. Đây là lý do: bởi vì tiền bạc trở thành thần tượng và anh chị em tôn thờ chúng. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng anh em không thể vừa làm tôi tiền của, vừa làm tôi Thiên Chúa hằng sống được: chỉ có thể một trong hai mà thôi. Các Giáo Phụ lúc ban đầu của Giáo Hội, vào thế kỷ thứ 3, khoảng năm 200 hoặc 300, đã đặt vấn đề một cách rất thẳng thừng, gọi tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi. Đúng như thế. Bởi vì nó biến chúng ta thành những người sùng bái ngẫu tượng, lấp đầy suy nghĩ của chúng ta bằng sự kiêu hãnh và đưa chúng ta xa rời đức tin của mình".

Đức Thánh Cha nói sùng bái tiền của dẫn đến ghen tị, xung đột và một tinh thần yếu kém. Ngài nói rằng với các giáo sĩ, tiền của cũng có thể tạo ra ấn tượng xấu rằng tôn giáo chỉ chạy theo lợi nhuận.

12. Ý Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha trong Tháng Mân Côi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tháng 10 là tháng Mân Côi, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng này là:

Ý chung: Cầu cho những ai muốn kết liễu mạng sống

Chúng ta hãy cầu cho những ai muốn kết liễu mạng sống mình vì cảm thấy bị vùi dập bởi gánh nặng cuộc đời có thể cảm nhận được sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa.

Ý truyền giáo: Cầu cho việc cử hành ngày Truyền Giáo Thế Giới

Chúng ta hãy cầu cho việc cử hành ngày Truyền Giáo Thế Giới giúp cho tất cả các Kitô hữu ý thức rằng mình không những là người được đón nhận mà còn là những người loan báo Lời của Thiên Chúa.

13. Đức Thánh Cha nói bảo vệ sự sống không chỉ là vấn đề về tôn giáo, mà còn là vấn đề khoa học và lý trí.

Hôm 20/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Y tế Công Giáo. Liên đoàn đến Rôma để tham dự một hội nghị về sức khỏe các bà mẹ và phụ khoa. Trong huấn từ của mình, một lần nữa Đức Thánh Cha đưa ra vấn đề của một "nền văn hóa vắt chanh bỏ vỏ".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Ngày nay, có một não trạng chung về những gì là hữu dụng, đó là "nền văn hóa vắt chanh bỏ vỏ", mà ngày nay đang nô dịch hoá nhiều con tim và lý trí của rất nhiều người, mà con người phải trả giá đắt cho não trạng đó. Nó đòi phải loại bỏ đi những con người, đặc biệt là những người yếu đuối về thể chất hay điạ vị xã hội. Phản ứng của chúng ta đối với não trạng này là nói ‘yes’ đối với sự sống, một cách trực tiếp và không chút do dự".

Trong huấn từ sống động của mình, Đức Thánh Cha nói thêm rằng quyền được sống là quyền tối thượng của bất kỳ người nào, và mỗi đứa trẻ bị phủ nhận quyền sống do nạn phá thai có gương mặt của Thiên Chúa. Vì lý do này, Đức Thánh Cha yêu cầu các bác sĩ hiện diện phải chăm sóc sự sống con người trong mọi giai đoạn của đời người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Anh chị em thân mến, anh chị em được mời gọi chăm sóc sự sống con người ngay từ giai đoạn khởi đầu. Cần nhắc mọi người rằng, qua hành động và lời nói, trong mọi thời kỳ và ở mọi lứa tuổi, sự sống luôn là thánh thiêng và luôn luôn cao quý. Đó không chỉ là vấn đề của đức tin, mà còn là vấn đề của lý trí và khoa học!"

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi tiếp kiến bằng lời mời gọi các chuyên gia y tế giúp đỡ sự chào đời của những con người mới. Đức Thánh Cha nói thêm một hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ được đo bằng hiệu quả mà còn bởi tình yêu và sự chú ý đến cách thức con người được chăm sóc.

14. Đức Thánh Cha yêu cầu người Công Giáo hiệp lời cầu nguyện trong Ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc

Hòa bình một lần nữa là mối quan tâm chính của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã yêu cầu mọi người Công Giáo cầu nguyện vào ngày 21 tháng Chín vừa qua, là Ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Hội đồng Thế giới của các Giáo Hội cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự.

Đức Thánh Cha khuyến khích người Công Giáo có một vai trò tích cực trong ngày này. Ngài đặc biệt đề cập đến người dân Syria chịu đau đớn từ những kinh hoàng của chiến tranh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Syria thân yêu, bi kịch của con người chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, tôn trọng công lý và phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người yếu thế và những người không có khả năng tự vệ nhất".

Hàng mấy chục ngàn người hành hương đã tràn ngập Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi Triều Yết Chung. Đức Thánh Cha mất nửa giờ để vượt qua Quảng trường và chào đón mọi người mà ngài có thể.

- Bé bốn tháng tuổi.

- Và tên của bé là gì?

- Thưa Emiliano.

Đức Thánh Cha tái đảm bảo rằng Giáo Hội là một người mẹ chăm sóc bảo vệ con cái mình. Ngài nói thêm rằng Mười Điều Răn là một gương mẫu về cách thức Giáo Hội hướng dẫn con cái mình suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Giáo Hội dạy cách sống qua các điều răn, vốn mời gọi chúng ta không thần tượng hóa sai lạc các thứ vật chất, nhưng phải nhớ đến Thiên Chúa, kính trọng cha mẹ của chúng ta, phải trung thực, gần gũi với những người chung quanh chúng ta..."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh Giáo Hội với một người Mẹ, ngài giải thích thêm ngài sẽ trở lại với chủ đề này vì ngài yêu mến Giáo Hội.

15. Đức Giáo Hoàng chào đón tân đại sứ Peru cạnhTòa Thánh

Hôm thứ Hai 23 tháng 9, tân đại sứ Peru là Juan Carlos Gamarra Skeels đã trình quốc thư lên Đức Thánh Cha Phanxicô tại điện Tông Toà của Vatican.

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, Đức Giáo Hoàng đã chào đón Gamarra, và bày tỏ hy vọng rằng vị tân đại sứ sẽ sớm cảm thấy như đang ở nhà. Cùng đi với vị tân đại sứ còn có phu nhân và các con ông. Đức Giáo Hoàng đã cho họ một cỗ tràng hạt, và yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài và triều đại giáo hoàng Phanxicô.

16. Tổng thống Honduras hội kiến với Đức Giáo Hoàng, khánh thành tượng Đức Mẹ Thánh Suyapa quan thầy Honduras trong vườn Vatican

Hôm 20/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Porfirio Lobo của Honduras đến thăm Vatican. Trong cuộc hội kiến ngắn, hai vị đã thảo luận về sự hợp tác trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ sự sống và gia đình. Cả hai vị cũng đã đề cập đến vấn đề tội phạm có tổ chức.

Đi cùng Tổng thống trong chuyến viếng thăm Vatican có phái đoàn tuỳ tùng và gia đình ông. Bầu không khí cuộc hội kiến diễn ra thật thoải mái và con trai của Tổng thống đã xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho mình.

Tổng thống Porfirio Lobo đã tặng Đức Thánh Cha bức ảnh Đức Mẹ Suyapa, là qaun thầy của đất nước Honduras. Vài giờ trước khi cuộc hội kiến diễn ra, một bức tượng Đức Mẹ Suyapa cũng đã được khánh thành trong Vườn Vatican. Bức tượng là bản sao của bức tượng gốc đặt ở Thủ đô Tegucigalpa của Honduras.

Đức Thánh Cha nói: “Cám ơn ngài vì đã tặng món quà Đức Mẹ Suyapa”.

Đức Giáo Hoàng đã tặng Tổng thống bản sao tài liệu Aparecida, mà cá nhân ngài đã tham gia soạn thảo khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires. Tài liệu Aparecida tóm tắt những ý chính từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2007 của các giám mục Mỹ Châu La tinh.

Đức Thánh Cha giải thích: “... Tài liệu Aparecida là chìa khóa cho bất kỳ chính trị gia nào. Ngài không cần đọc tất cả, mà hãy bắt đầu với bảng mục lục”.

Giờ đây trong Vườn Vatican có hai tác phẩm điêu khắc Mỹ Latinh về Đức Mẹ. Đầu tiên là Đức Mẹ Guadalupe, từ Mexico. Và bây giờ là Đức Mẹ Suyapa, quan thầy của Honduras.

17. Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho Tổng thống Hungary, hai vị thảo luận về vấn đề nước sạch như là thách đố lớn nhất hiện nay

Hôm 20/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc hội kiến với Tổng thống János Áder của Hungary tại Vatican. Sau cuộc gặp gỡ, nói chuyện với giới báo chí, vị Tổng thống nói rằng Đức Thánh Cha đã làm cho những vị khách của ngài cảm thấy thoải mái như đang ở nhà.

Tổng thống János Áder cho biết: "Trong suốt cuộc hội kiến, ban đầu bạn có thể cảm thấy căng thẳng một chút. Nhưng bằng một cử chỉ, một nụ cười, ngài sẽ giúp bạn vượt qua căng thẳng này".

Trong cuộc hội kiến, Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống đã thảo luận về tầm quan trọng của việc có được nước sạch trên khắp thế giới. Vị nguyên thủ Hungary nói rằng đây là một trong những thách đố lớn nhất của Thế kỷ 21.

Tổng Thống Áder cũng giới thiệu gia đình mình: phu nhân ông cùng bốn người con, cũng như phái đoàn các bộ trưởng trong chính phủ. Đất nước Trung Âu này có truyền thống Kitô giáo lâu đời, và nhân dịp này Tổng thống Áder đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Hungary để đánh dấu một lễ kỷ niệm quan trọng.

Tổng thống János Áder nói: “Ngày tháng tôi dự định mời vào năm 2016, vì đó là dịp kỷ niệm 1.700 năm sinh nhật Thánh Martinô thành Tours, sinh ra tại đất nước Hungary ngày nay và ngài rất được mến mộ và được nhiều người noi theo gương tại Hungary”.

Khi gần kết thúc cuộc hội kiến, Tổng thống tặng Đức Giáo Hoàng bản văn các Thư của Thánh Phaolô bằng tiếng Hungary có niên đại từ những năm 1500, một chiếc chén trang trí nghệ thuật từ những năm 1920. Vị Tổng Thống còn tặng Đức Thánh Cha một bình thủy tinh chứa đầy nước sạch, sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng nước này để ban phép lành cho vị nguyên thủ quốc gia Hungary.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng tặng Tổng thống một Huy hiệu Giáo hoàng, và như thường lệ, ngài xin Tổng thống và gia đình ông cầu nguyện cho ngài.

18. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói về Chúa Giêsu với một nhà toán học vô thần

Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã cầm bút và viết một bức thư dài mười một trang cho nhà toán học vô thần Piergiorgio Odifreddi. Ngài bảo vệ sự kiện Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử và giải thích rằng Chúa Giêsu mà Phúc Âm đề cập đến tồn tại trong cuộc sống thực.

Trong thư Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cho biết đã đọc sách của ông Odifreddi và ngạc nhiên vì giọng văn gây hấn và sự nhẹ dạ của tác giả trong các biện luận. Ngài bác bỏ lập luận cho rằng thần học là một khoa học giả tưởng, đồng thời xác quyết ngài không bao giờ tìm cách che đậy những điều xấu trong Giáo Hội, đặc biệt là những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 viết:

“Tôi không bao giờ tìm cách che đậy những điều ấy. Sự kiện quyền lực sự ác thấu nhập đến mức độ như thế trong lòng thế giới đức tin, đối với chúng tôi, thực là một điều đau khổ mà một đàng chúng tôi phải chấp nhận, và đàng khác chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để những vụ như thế không tái diễn. Cũng không phải là một điều an ủi khi biết rằng theo nghiên cứu của các nhà xã hội hoc, tỷ lệ các linh mục phạm những tội ác lạm dụng như thế không cao hơn tỷ lệ trong các giới chuyên nghiệp tương tự. Dầu sao đi nữa, không được ngoan cố trình bày sự lệch lạc ấy như thế đó là một sự nhơ bẩn riêng của Công Giáo mà thôi. Và cũng không được im lặng trước những dấu tích lớn lao về thiện hảo sáng ngời và tinh tuyền mà đức tin Kitô đã vạch ra qua dòng lịch sử. Và một điều thực sự là ngày nay đức tin đang thúc đẩy nhiều người yêu thương vô vị lợi, phục vụ tha nhân, sống chân thành và công chính”.

Sự trách cứ nghiêm khắc nhất Đức Giáo Hoàng danh dự dành cho ông Odifreddi là về đề tài lịch sử.

Ngài viết:

“Điều mà ông nói về Đức Giêsu không đáng với trình độ khoa học của ông. Nếu ông đặt vấn đề như thế, xét cho cùng, người ta không biết gì về Đức Giêsu, và không gì có thể chấp nhận được chứng tỏ Ngài là một nhân vật lịch sử, như thế thì tôi chỉ có thể quyết liệt mời gọi ông hãy tỏ ra có thẩm quyền hơn một chút về phương diện sử học. Về vấn đề này, tôi đặc biệt khuyên ông đọc 4 cuốn mà Martin Hengel, một nhà chú giải Kinh Thánh thuộc phân khoa thần học tin lành ở Tuebingen, đã xuất bản cùng với Maria Schwmer: đây là một thí dụ tuyệt hảo về sự chính xác lịch sử và cung cấp rất nhiều thông tin lịch sự. Đứng trước sự điện ấy, điều mà ông nói về Đức Giêsu thực là một kiểu nói nhẹ dạ không nên lập lại”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đặt câu hỏi với ông Odifreddi:

“Nếu ông muốn thay thế Thiên Chúa bằng ‘Thiên Nhiên’, thì vẫn còn có câu hỏi: thiên nhiên này là ai hoặc là gì. Không có chỗ nào trong sách ông định nghĩa thiên nhiên và vì thế nó thiên nhiên xuất hiện như thần minh vô lý, chẳng giải thích gì cả. Nhưng nhất là tôi muốn nhận xét rằng trong Tôn giáo của ông về toán học, có 3 đề tài cơ bản của cuộc sống con người không được xét tới: tự do, tình yêu và sự ác. Tôi ngạc nhiên vì ông chỉ nhắc lướt qua tới tự do, mặc dù tự do đã và đang còn là giá trị chủ yếu của thời đại ngày nay”.

Tình yêu cũng không được nói đến trong sách của Odifreddi và cả sự ác cũng chẳng được đề cập đến. Tôn giáo toán học của ông không biết thông tin nào về sự ác. Một tôn giáo bỏ qua những câu hỏi cơ bản như thế thì là một tôn giáo trống rỗng”

19. Viếng thăm kinh thành Vĩnh Cửu trong "thời vàng son" của bạn

Đi du lịch ở mọi lứa tuổi luôn có những thách đố của nó và có lẽ điều đó đặc biệt đúng đối với những người cao tuổi. Nhưng người ta nói rằng “có chí thì nên”.

"Rôma thật đẹp. Không thể phủ nhận điều đó, nhưng như tôi vừa nói, thành phố lộn xộn, vì vậy bạn cứ phải chạy, rồi lại chạy".

Mặc dù đang ở độ tuổi 70 và 80, những người hành hương này đến đây bằng mọi cách từ thị trấn Mantova của Ý để nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô. Bà cụ này có thể có bệnh lý của người cao tuổi, nhưng ở tuổi 80, bà nói bà có sinh lực của một thiếu niên.

"Bạn quên đi tất cả mọi thứ khi bạn đang ở đây. Bạn cảm thấy tốt đẹp. Tôi đi hành hương hàng năm. Tôi đã đi đến Sicily, Pháp, thực sự ở khắp mọi nơi. Thậm chí tôi đã đến Lộ Đức hai lần".

"Vâng đó là sự thật. Ở tuổi của chúng tôi, tôi đã 73 tuổi, đủ các loại bệnh tật. Nhưng thực sự đi du lịch là niềm vui".

Vì vậy, sau sáu giờ họ đi xe buýt, làm thế nào để họ đương đầu nổi những lộn xộn ở Rôma? Tất cả mọi thứ đến từ việc chen lấn giữa đám đông, lạc đường hoặc có lẽ là đáng sợ nhất của mọi người – là xếp hàng.

"Một khi bạn quyết định đi, bạn chỉ cần đi. Thậm chí nếu bạn có cái gì đó đau đớn, bạn cứ quyết định và cứ đi".

Nhóm này nói rằng họ di chuyển dọc theo Rôma và Vatican một cách dễ dàng. Họ đã cầu nguyện và thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đến gần. Nhưng ngay cả những người có sức khoẻ tốt, họ cũng có giới hạn của mình.

"Không, không. Tôi sẽ rút khỏi dòng người ở tuổi 100. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quá già để đến Rôma vào lúc đó"

Khi họ đã sẵn sàng để trở về nhà, họ nói điều đó thật sự chỉ giống như rượu vang tốt, đời sống trở nên tốt hơn với tuổi tác.