VATICAN - Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 11-10-2013 dành cho các đại diện Cộng đoàn Do Thái ở Roma, ĐTC tái khẳng định sự gần gũi của Giáo hội Công giáo và loại trừ mọi hình thức của trào lưu bài Do Thái.
Trong phái đoàn 30 vị lãnh đạo Do Thái, có Rabbi trưởng Riccardo Di Segni của thành Roma, các Rabbi khác cùng với các vị lãnh đạo các tổ chức Do Thái. Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm quân Đức quốc xã bố ráp khu vực của người Do Thái ở Roma ngày 16-10 năm 1943 và bắt 2.091 người đưa họ tới các trại tiêu diệt ở Ba Lan và Đức.
Lên tiếng trong cuộc gặp gỡ, ĐTC nhắc đến 2.000 năm quan hệ giữa cộng đoàn Do Thái với Công giáo ở Roma với bao nhiêu thăng trầm, thiếu thông cảm, và nhiều khi có những bất công đích thực. Nhưng từ nhiều thập niên qua, quan hệ thân hữu và huynh đệ đã được phát triển.
ĐTC nói: "Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm cuộc phát lưu người Do Thái ở Roma. Chúng ta sẽ tưởng niệm và cầu nguyện cho bao nhiêu nạn nhân vô tội do sự man rợ do con người gây ra, cho gia đình họ. Đây cũng sẽ là dịp để luôn luôn duy trì sự chú ý tỉnh thức để khỏi tái diễn vì bất kỳ lý do nào những hình thức bất bao dung và bài Do Thái ở Roma, cũng như các nơi khác trên thế giới. Trào lưu bài Do Thái phải được loại trừ khỏi tâm hồn của đời sống của mỗi người nam nữ!"
ĐTC nói thêm: "Dịp kỷ niệm này cũng giúp chúng ta nhớ lại trong những giờ phút đen tối, cộng đoàn Kitô tại thành phố này đã biết giơ tay ra giúp người anh em đang gặp khó khăn. Chúng ta biết nhiều dòng tu, đan viện và chính các Vương cung Thánh đường Giáo hoàng, giải thích ý muốn của ĐGH, đã mở cửa đón nhận những anh chị em Do Thái, và bao nhiêu tín hữu Kitô thường đã giúp đỡ nhiều ít, theo khả năng của họ."
Theo ĐTC, "nhiều tín hữu Kitô tuy không biết là cần phải cập nhật sự hiểu biết của Kitô giáo về Do Thái giáo và có lẽ cũng ít biết về cộng đoàn Do Thái, nhưng họ đã có can cảm làm điều đúng trong lúc đó, nghĩa là bảo vệ người anh em đang gặp nguy hiểm. Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh đó, vì tuy cần phải đào sâu từ cả hai phía về suy tư thần học qua cuộc đối thoại, nhưng một điều khác cũng đúng, đó là có một cuộc đối thoại trong cuộc sống, đối thoại bằng kinh nghiệm hằng ngày, là điều cũng không kém phần quan trọng. Nói đúng ra, nếu không có một nền văn hóa gặp gỡ đích thực và cụ thể, đưa tới những quan hệ chân chính, không thành kiến và ngờ vực, thì sự dấn thân trong lĩnh vực trí thức sẽ chẳng hữu ích bao nhiêu."
Và ĐTC kết luận: Tại Roma này tôi hy vọng sẽ góp phần vào sự gần gũi và tình thân hữu, như tôi đã được ơn thực hiện điều đó với cộng đoàn Do Thái ở Buenos Aires. Trong số nhiều điều chúng ta có chung với nhau, có chứng tá về chân lý của 10 giới răn, như nền tảng vững chắc và là nguồn mạch sự sống cho xã hội chúng ta, một xã hội đang bị ngỡ ngàng lạc hướng vì chủ thuyết đa nguyên tột độ với những chọn lựa và đường hướng chịu ảnh hưởng của trào lưu duy tương đối, khiến cho người ta không còn những điểm tham chiếu vững chắc nữa. (x. ĐGH Bênêđictô XVI, diễn văn tại Hội đường Do Thái Roma 17-1-2010, 5-6). (SD 11-10-2013)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: RADIO vATICAN)