MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Quan điểm của Tòa Thánh về bình đẳng, nhất là về bình đẳng của phụ nữ

Việc tranh đấu cho nữ quyền đã gặt hái được nhiều thành quả lớn lao trong mấy thập niên qua. Ngày nay, càng ngày người ta càng thừa nhận rằng các quốc gia khó lòng hưng thịnh nếu một nửa dân số không được giáo dục và học hành tốt hay không được bao gồm trong diễn trình đưa ra quyết định. Luật lệ đã được đưa ra nhằm thừa nhận quyền nữ giới được an tòan trong và ngoài gia đình, được hưởng mức lương bằng nhau tại sở làm và được bình đẳng dưới pháp luật, đồng thời đã có nhiều thay đổi trong thái độ đối với phụ nữ.

Nữ Quyền

Hai mươi năm qua đã chứng kiến hai thỏa hiệp quốc tế đáng lưu ý về nữ quyền. Tháng 9 năm 1994, Hội Nghị Quốc Tế Về Dân Số và Phát Triển, họp tại Cairo, đã chuyển chú mục khỏi việc kiểm soát sinh sản để lưu tâm hơn tới việc lên quyền cho phụ nữ và cải thiện cuộc sống của họ. Hội nghị khảo sát các vấn đề như quyền được hưởng các dịch vụ y tế sinh sản, quyền được cố vấn và trợ giúp về y tế tính dục và việc loại bỏ các tập tục nguy hại như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và hôn nhân cưỡng ép.

Năm sau, Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Tư Về Phụ Nữ, họp tại Bắc Kinh, cam kết thực hiện được sự bình đẳng phái tính bằng cách loại bỏ các cản trở từng hạn chế việc phụ nữ can dự vào sinh hoạt công và tư và ngăn cản họ không được tham dự đồng đều vào diễn trình đưa ra quyết định.

Trên thực tế, phụ nữ vẫn còn đang chịu nhiều thiệt thòi. Một trong ba phụ nữ vẫn còn bị đánh đập hoặc cưỡng hiếp ít nhất một lần trong đời họ, và hơn 140 triệu phụ nữ và trẻ gái đang phải sống với các hiệu quả của việc cắt bỏ bộ phận sinh dục.

Năm nay kỷ niệm lần thứ 20 Hội Nghị Cairo. Ngày 6 tháng Hai vừa qua, nhân phiên họp thứ tám của của Nhóm Làm Việc Công Khai về Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững với chủ đề “Cổ vũ bình đẳng, bao gồm công bằng xã hội, bình đẳng phái tính, và lên quyền lực cho phụ nữ”, Đức TGM Francis A. Chullikatt, Sứ Thần Tòa Thánh và là Quan Sát Viên Thường Trực Của Tòa Thánh cạnh LHQ, đã đọc một tham luận.

Bình đẳng

Ngài nhấn mạnh tới điểm: phát triển bền vững không bao giờ được tách biệt với nhiệm vụ phải bảo đảm rằng việc phát triển này mang lại lợi ích đồng đều cho mọi thành viên của gia đình nhân loại. Thành ra, ưu tiên hàng đầu là: không người nào bị diễn trình phát triển của hòan cầu bỏ rơi.

Vào thời điểm này của lịch sử nhân loại, các con số thống kê vẫn cho thấy các bất quân bình giữa người với người cao hơn bao giờ hết. Thực vậy, các con số về bất quân bình kinh tế do Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới cung cấp nhấn mạnh tới thực tại nghèo đói, bị đẩy ra bên lề và đau khổ một cách gây sững sờ. Việc thiếu chú ý tới các bất quân bình này, thậm chí ngay trong Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, đã càng củng cố sự bất lợi và đang kêu gọi sửa lại chính sách này trong khuôn khổ phát triển sau năm 2015.

Trong cái vòng lẩn quẩn trên, các bất quân bình xuất hiện vừa như nguyên nhân vừa như hậu quả của việc phân hóa xã hội. Như Cuộc Hội Ý Hòan Cầu Theo Chủ Đề về Phúc Trình Tổng Hợp Nghị Trình Phát Triển Sau Năm 2015 từng nhận định, trong khi các nhân tố thuộc cơ cấu sản sinh ra bất quân bình hiện hết sức bao quát, gồm nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và môi sinh (1), thì các hậu quả của chúng đã trở thành phổ quát. Bất quân bình đang loại con người ra ngoài việc tham gia đầy đủ vào đời sống cộng đoàn, không cho họ hưởng đầy đủ các nhân quyền của họ cũng như các cơ hội kinh tế nền tảng mà nhân phẩm cố hữu của họ vốn đòi hỏi.

Sự bất quân bình có tính hoàn cầu này không phải chỉ là một quan tâm vô ích về kinh tế hay pháp lý, mà là một cuộc khủng hoảng có tính nhân bản trọn vẹn đang đe dọa ích chung của toàn thể xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận diện bất bình đẳng như gốc rễ của mọi xấu xa xã hội, tạo nền cho bạo động, tội ác, và tranh chấp (2). Sản phẩm tối hậu của bất bình đẳng không phải chỉ là nghèo đói và thất nghiệp, tội ác, bất ổn xã hội, và tuyệt vọng, mà còn từ từ phá hoại chính cơ cấu của xã hội, đe dọa phúc lợi của mọi người.

Đức TGM Chullikatt cho rằng muốn thực sự bao gồm mọi người và công bằng, khuôn khổ phát triển sau năm 2015 phải tránh phương thức hầm trú khi giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra bất bình đẳng, nghèo khó và loại trừ. Phải theo phương thức phổ quát để không loại bỏ một ai, phải có một nghị trình phát triển nhằm mục đích nòng cốt sau: đạt được sự phát triển vì lợi ích của mọi người, mọi dân tộc: ai cũng có quyền được thừa hưởng các thành quả của nó. Phải tạo được sự hợp tác giữa các chính phủ và xã hội dân sự, kể cả các tổ chức tôn giáo, ngõ hầu vươn tới cả những người sống bên lề xã hội.

Phụ nữ

Riêng đối với phụ nữ và trẻ gái, ngài cho rằng nhân phẩm của họ đang bị lăng nhục hơn cả. Sự lăng nhục này thấy rõ nhất khi các trẻ gái bị nhắm như là mục tiêu để phá thai có chọn lựa; hay là nạn nhân của sát nhi hay bị bỏ rơi, không cho tới trường, chịu cắt bỏ bộ phận sinh dục, bị cưỡng bức kết hôn, hay buôn bán. Sự kinh hoàng của bạo lực gia đình, cưỡng hiếp, buộc phải triệt sản và phá thai đang đe dọa sức khỏe và mạng sống của phụ nữ. Tuổi già khiến họ cô đơn và nghèo khổ, không một chút an toàn về xã hội hay kinh tế. Những vấn đề bao quát về bất bình đẳng như thế đòi một phương thức bảo đảm được sự bình đẳng của phụ nữ trong khuôn khổ phát triển hòan cầu.

Tuy nhiên, Đức TGM Chullikatt cho rằng sẽ ngây thơ hết sức khi người ta đồng hóa bình đẳng với việc giống như nhau. Phương thức đối với phụ nữ trong Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững phải thừa nhận và giúp phụ nữ vượt thắng được các rào cản không cho phép họ bình đẳng nhưng không được phép bắt buộc họ phải từ bỏ những điều thuộc yếu tính của họ. Phụ nữ khắp thế giới không sống biệt lập, nhưng hiện hữu trong mạng lưới liên hệ đem lại cho họ ý nghĩa, sự phong phú, căn tính, và tình yêu nhân bản. Các liên hệ này, nhất là vai trò bên trong gia đình, trong tư cách mẹ, vợ, người săn sóc, có những hiệu quả sâu sắc đối với các chọn lựa của họ và việc họ ưu tiên hóa các quyền lợi trong suốt đời sống của họ.

Khi lên khuôn Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững, cộng đồng thế giới phải từ bỏ chủ trương giản dị thái quá cho rằng các thiếu sót trong các thành quả kinh tế và công cộng của phụ nữ chỉ cần bác bỏ các khả năng sinh sản của họ là điều chỉnh lại được. Một phương thức để tạo bình đẳng cho phụ nữ, đặt căn bản đúng đắn trên quyền lợi, đòi xã hội và các định chế xã hội phải loại bỏ các rào cản xã hội và kinh tế bất công từng đặt ra sự lưỡng phân giả tạo giữa các mối liên hệ nhằm thăng tiến đời sống và sự tham dự của họ, và những thành quả trong các nhân quyền khác. Phát triển đối với phụ nữ chỉ thực sự bền vững khi nó biết tôn trọng và giúp phụ nữ chọn lựa và ưu tiên hóa các hành động của họ theo các cơ hội đồng đều bên trong bối cảnh mối liên hệ gia đình là mối liên hệ lên khuôn cho đời sống họ, chứ không bất chấp bối cảnh này.

Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững phải tạo cơ hội để đương đầu với sự bất bình đẳng qua việc cổ vũ phụ nữ tham gia vào xã hội trên căn bản bình đẳng, nhưng không được bác bỏ hoàn toàn mối liên hệ gia đình trong đó người đàn bà hiện hữu. Các chính sách lao động phải đi quá bên kia việc chỉ làm dễ các cơ hội đồng đều để có việc làm mà thôi, mà còn phải bảo đảm có sự nhịp nhàng giữa việc làm có lương và các trách nhiệm gia đình: qua các chính sách về gia đình và hộ sản, phải bảo đảm rằng tiền lương bình đẳng, các phúc lợi thất nghiệp, và tiền hưu trí phải đầy đủ cho cuộc sống gia đình ổn định. Quyền được hưởng giáo dục và huấn luyện nghề nghiệp đồng đều phải đi song hành với các biện pháp nhằm điều chỉnh sao cho ăn khớp nhịp nhàng với việc làm trong gia đình và nhu cầu chăm sóc. Cần có các cố gắng nghiêm túc để trợ giúp phụ nữ trong các chọn lựa gia đình của họ. Việc tham gia dân chính phải được thiết trí ra sao để thích ứng việc tham gia của mọi phụ nữ, gồm cả những người đang có trách nhiệm gia đình.

Vũ Văn An



(1) Qũy Nhi Đồng LHQ và Phụ Nữ LHQ, 2013. Addressing Inequalities: Synthesis Report of Global Public Consultation.

(2) Tông Huấn của Đức Phanxicô Evangelii gaudium, n. 202.

(Nguồn: Vietcatholic News)