VATICAN - Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô gặp gỡ riêng các cặp đính hôn. Ngài nhắn nhủ họ đừng chiều theo thứ văn hoá tạm bợ; vun trồng sự lịch sự, biết ơn và tha thứ cho nhau, và nhất là để Chúa hiện diện trong đời sống chung.
Đáp lời mời của Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, 30 ngàn người đính hôn đến từ 30 quốc gia đã đến tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC, tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa 14-2-2014, nhân ngày lễ kính Thánh Valentino, GM Giáo phận Terni, tử đạo ở Roma, bổn mạng của các cặp đính hôn. Hiện diện tại Quảng trường cũng có hơn 10 giám mục đặc trách các Uỷ ban Gia đình.
Từ 11 giờ sáng, họ bắt đầu sinh hoạt chung qua phần ca hát và trình bày chứng từ, trong khi chờ đợi ĐTC đến quảng trường lúc 12 giờ 30.
Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, đã nhắc lại sự tích Thánh Valentino hồi thế kỷ 4 đã giúp một thiếu nữ Công giáo kết hôn với một người lính Lamã ngoại đạo, từ đó nhiều cặp khác cũng xin thánh nhân giúp đỡ và ngài được tôn làm bổn mạng các cặp đính hôn.
3 cặp đã lần lượt trình bày chứng từ về cuộc sống và việc chuẩn bị cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị lễ cưới. Họ đã nêu lên 3 câu hỏi xin ĐTC chỉ dẫn.
Câu hỏi 1: Sợ dấn thân mãi mãi
Kính thưa ĐTC, bao nhiêu người ngày nay nghĩ rằng hứa chung thuỷ trọn đời với nhau là một công trình quá khó khăn; nhiều người cảm thấy rằng thách đố sống với nhau trọn đời thật là đẹp, hấp dẫn, nhưng quá khó khăn, hầu như không thể được. Chúng con xin Cha một lời để soi sáng chúng con về vấn đề này.
ĐTC đáp: Thật là điều quan trọng khi tự hỏi mình có thể yêu nhau trọn đời không. Ngày nay biết bao người sợ không dám đưa ra những chọn lựa vĩnh viễn, trọn đời, đối với họ dường như đó là điều không thể được. Ngày nay, tất cả đều thay đổi mau lẹ, không có gì kéo dài mãi. Và tâm thức này làm cho bao nhiêu người chuẩn bị kết hôn nói: "Chúng ta ở với nhau bao lâu còn tình yêu." Nhưng chúng ta hiểu thế làm là tình yêu? Phải chăng đó chỉ là một tình cảm, một trạng thái tâm vật lý? Chắc chắn nếu tình yêu là như thế, thì ta không thể xây dựng mình cái gì vững chắc. Nhưng trái lại nếu tình yêu là tương quan, thì nó là một thực tại tăng trưởng và chúng ta cũng có thể nói giống như khi chúng ta xây một căn nhà. Căn nhà ta cùng nhau kiến thiết, chứ không xây một mình! Xây dựng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi và giúp tăng trưởng. Anh chị em đính hôn thân mến, anh chị em đang chuẩn bị cùng nhau tăng trưởng, xây dựng căn nhà này, để sống với nhau mãi mãi. Anh chị không muốn xây dựng căn nhà trên cát tình cảm đến rồi đi, nhưng trên đá tảng của tình yêu chân thực, tình yêu đến từ Thiên Chúa. Gia đình phát sinh từ dự án tình yêu muốn tăng trưởng như ta xây dựng một căn nhà là nơi yêu thương, giúp đỡ, hy vọng, nâng đỡ nhau. Cũng như tình yêu của Thiên Chúa vững bền và mãi mãi, cả tình yêu kiến tạo gia đình chúng ta muốn nó vững bền và mãi mãi. Chúng ta không được để mình bị "nền văn hoá tạm thời" lướt thắng.
Vậy làm sao chúng ta chữa trị thái độ sợ hãi sự mãi mãi, sự dấn thân trọn đời? Thưa ta chữa trị mỗi ngày bằng cách tín thác vào Chúa Giêsu trong một cuộc sống trở thành một hành trình thiêng liêng hằng ngày, được kết thành nhờ từng bước một, tăng trưởng chung, quyết tâm trở thành những người nam nữ trưởng thành trong đức tin. Vì, hỡi anh chị em đính hôn thân mến, vấn đề "mãi mãi" ở đây không phải chỉ là một vấn đề lâu dài! Một cuộc hôn nhân không thành công chỉ vì nó kéo dài, nhưng điều quan trọng là chất lượng của hôn nhân. Ở với nhau và biết yêu thương nhau mãi mãi là thách đố đối với các đôi vợ chồng Kitô. Tôi nghĩ đến phép lạ bánh hoá ra nhiều: đối với anh chị em, Chúa cũng có thể làm cho tình yêu của anh chị em hoá ra nhiều và ban tình yêu mới mẻ và tốt đẹp ấy mỗi ngày cho anh chị em. Ngài có kho dự trữ tình yêu vô biên! Chúa ban cho anh chị em tình yêu là nền tảng sự kết hợp của anh chị em và mỗi ngày Ngài đổi mới, củng cố tình yêu ấy. Ngài càng làm cho tình yêu ấy lớn hơn khi gia đình tăng trưởng với con cái. Trong hành trình này điều quan trọng cần cầu nguyện. Anh chị chị em hãy cầu xin Chúa gia tăng tình yêu của mình. Trong Kinh Lạy Cha chúng ta nói: "Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày." Các đôi vợ chồng cũng có thể học cầu nguyện thế này: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày."
Anh chị em cùng lặp lại: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày!", xin dạy chúng con yêu nhau, thương mến nhau hết lòng! Hễ anh chị em càng tín thác nơi Ngài, thì tình yêu của anh chị em càng bền vững mãi mãi, có khả năng đổi mới và vượt thắng mọi khó khăn.
- Câu hỏi 2: Sống chung, lối sống hôn nhân
Kính thưa ĐTC, sống chung mỗi ngày thật là đẹp, mang lại vui mừng, nâng đỡ. Nhưng đó cũng là một thách đố cần phải đương đầu. Chúng con tin rằng cần học yêu thương nhau. Có một lối sống vợ chồng, một linh đạo về cuộc sống thường nhật. Đức Thánh Cha có thể giúp chúng con trong vấn đề này không?
ĐTC đáp: Sống chung là một nghệ thuật, một hành trình kiên nhẫn, đẹp đẽ và hấp dẫn. Nó không chấm dứt khi anh chị em đã chinh phục được nhau. Trái lại, chính lúc đó là lúc bắt đầu! Hành trình này mỗi ngày như thế có những qui luật có thể được tóm tắt trong 3 lời mà tôi đã nói với các gia đình và anh chị em cũng có thể học sử dụng với nhau: xin lui lòng (permesso), cám ơn (grazie) và xin lỗi (scusa).
- Xin vui lòng: Đó là lời yêu cầu lịch sự có thể đi vào đời sống của người khác trong sự tôn trọng và quan tâm chú ý. Cần học xin: Anh có thể làm điều này không? Anh có muốn chúng ta làm như thế không? Chúng ta chọn sáng kiến này, giáo dục con cái thế này được không? Em có muốn chúng ta ra ngoài tối nay không? Tóm lại, nói "xin vui lòng" có nghĩa là biết đi vào đời sống người khác một cách lịch sự. Trái lại, nhiều khi người ta quen dùng những phương thế nặng nề, mạnh bạo, như những thứ giày leo núi! Tình yêu đích thực không áp đặt bằng sự cứng cỏi và gây hấn. Trong cuốn Tiểu kỳ hoa của Thánh Phanxicô, chúng ta thấy có câu này: "Con hãy biết rằng sự lịch sự là một trong những đặc tính của Thiên Chúa... Lịch sự chính là anh em của đức bác ái, lịch sự dập tắt oán ghét và bảo tồn tình yêu." (Cap. 37). Đúng vậy, lịch sự bảo tồn tình yêu. Và ngày nay trong các gia đình chúng ta, trong thế giới, thường gặp bạo lực và kiêu căng, cần có lịch sự rất nhiều.
- Cám ơn: Nói cám ơn, xem ra là điều dễ dàng, nhưng chúng ta biết không phải như vậy. Là điều quan trọng! Chúng ta dạy cho các trẻ em nói cám ơn, nhưng rồi chúng ta lại quên nói! Lòng biết ơn là một tâm tình quan trọng: Anh chị em có nhớ Tin Mừng theo Thánh Luca không? Chúa Giêsu chữa lành 10 người bệnh phong nhưng rồi chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa Giêsu. Và Chúa hỏi: Vậy 9 người kia đâu rồi? Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta: Chúng ta có biết cám ơn không? Trong tương quan của chúng ta bây giờ và mai ngày trong đời sống hôn nhân, điều quan trọng là luôn ý thức rằng người bạn đường của mình là một hồng ân của Thiên Chúa mà ta phải luôn biết ơn. Và trong thái độ nội tâm ấy hãy cám ơn nhau về mọi sự. Đó không phải là một lời tử tế chỉ dùng với người ngoài, để được coi là người có giáo dục. Cần phải biết nói cám ơn nhau, để cùng nhau tiến bước tốt đẹp.
- Xin lỗi: Trong cuộc sống, chúng ta phạm bao nhiêu lỗi lầm. Tất cả chúng ta đều phạm lỗi. Có lẽ không có ngày nào mà chúng ta không có vài sai lầm. Vì thế, cần phải nói lời đơn sơ này: Xin lỗi. Nói chung mỗi người chúng ta đều sẵn sàng cáo người khác và biện minh cho chính mình. Đó là một bản năng là nguồn gốc của bao nhiêu thảm hại. Chúng ta hãy học nhìn nhận nhận lỗi của mình và xin lỗi: Xin lỗi nếu anh đã to tiếng, xin lỗi nếu anh đi qua mà không chào em, xin lỗi nếu em đến trễ, xin lỗi nếu tuần này em đã im lặng nhiều như thế, nếu em nói nhiều quá mà chẳng bao giờ chịu nghe, xin lỗi nếu anh quên... Một gia đình Công giáo cũng lớn lên như thế, tất cả chúng ta đều biết rằng không có gia đình hoàn hảo, cũng chẳng có người chồng, người vợ hoàn hảo, cũng chẳng có mẹ chồng hoàn hảo (!). Chúng ta là những người tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ chúng ta, ngài dạy chúng ta một bí quyết: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm cho an bình trở lại trong nhà chúng ta, trong gia đình chúng ta. Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ cho nhau, thì hôn nhân sẽ kéo dài, sẽ tiến bước.
Câu hỏi 3: Chuẩn bị hôn phối: lối cử hành hôn phối
Kính thưa ĐTC, trong những tháng này chúng con đang làm rất nhiều để chuẩn bị cho hôn lễ của chúng con. ĐTC có thể cho chúng con một lời khuyên để cử hành tốt đẹp lễ cưới của chúng con không?
ĐTC trả lời: Anh chị hãy làm sao để lễ cưới thực là một buổi lễ, buổi lễ Kitô chứ không phải là một buổi lễ trần tục! Lý do sâu xa nhất của niềm vui trong ngày ấy đã được Tin Mừng theo Thánh Gioan chỉ cho chúng ta: Anh chị em có nhớ phép lạ tiệc cưới Cana không? Đến một lúc nào đó họ hết rượu và buổi lễ dường như bị hỏng. Theo đề nghị của Mẹ Maria, trong lúc ấy, Chúa Giêsu tỏ mình ra lần đầu tiên, và ngài làm phép lạ biến rước thành rượu, và khi làm như thế Ngài cứu vãn tiệc cưới. Điều xảy ra tại Cana cách đây 2.000 năm, trong thực tế cũng xảy ra trong mỗi lễ cưới: Điều làm cho lễ cưới của anh chị em được trọn vẹn và chân thực sâu xa chính là sự hiện diện của Chúa, Đấng tỏ mình và ban ơn sủng của Ngài. Chính sự hiện diện của Chúa ban tặng "rượu ngọn", chính Chúa là bí quyết niềm vui trọn vẹn, niềm vui sưởi ấm tâm hồn thực sự.
Nhưng đồng thời, điều tốt đẹp là làm sao để lễ cưới của anh chị em điều lộ, làm nổi bật điều thực sự quan trọng. Một số người quan tâm lo lắng đến những dấu hiệu bên ngoài, đến bữa tiệc, chụp hình, quay phim, quần áo, hoa... Đó là những điều quan trọng trong một buổi lễ, nhưng chỉ khi nào chúng có khả năng chỉ rõ động lực đích thực của niềm vui chúng ta: phúc lành của Chúa trên tình yêu của anh chị em. Hãy làm sao để, như rượu tại tiệc cưới Cana, những dấu chỉ bên ngoài trong lễ cưới của anh chị em biểu lộ sự hiện diện của Chúa và nhắc nhớ cho anh chị em và mọi người hiện diện nguồn gốc và động lực niềm vui của anh chị em.
Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời nguyện giáo dân do các cặp đính hôn xướng lên, Kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC. Ngài còn đứng lại đích thân bắt tay chào thăm khoảng 60 người, trước khi dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Bấy giờ là gần 2 giờ chiều.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)