WHĐ (27.05.2014) – Như đã hẹn với các phóng viên trước chuyến bay đến Jordan mở đầu cuộc tông du ba ngày đến Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các phóng viên một cuộc họp báo vào ngày 26-05 trong chuyến bay trở về Roma.
Dù đã trải qua một chương trình làm việc dày đặc suốt ba ngày ở Jordan, Palestin và Israel, Đức Thánh Cha vẫn đủ sức trả lời các câu hỏi của 70 phóng viên cùng đi, về nhiều đề tài, trong khoảng gần một giờ.
Đức Thánh Cha nói Giáo hội “không được khoan nhượng” với nạn các giáo sĩ lạm dụng tình dục, và cho biết ngài sẽ gặp các nạn nhân vào tuần tới, ngày 6-7 tháng Sáu, tại Nhà khách Santa Martha ở Vatican. Đức Thánh Cha ví nạn linh mục lạm dụng tình dục cũng như “cử hành Thánh lễ đen”.
Khi được hỏi về các chuyến đi sắp tới, Đức Thánh Cha cho biết cũng như chuyến viếng thăm Hàn Quốc vào tháng Chín, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du hai ngày đến Sri Lanka và Philippines vào tháng Giêng năm tới. Nhìn nhận rằng không chỉ châu Á mới thiếu tự do tôn giáo, Đức Thánh Cha nói “chúng ta cần phải tiếp cận một số nơi cách cẩn trọng, đến và giúp đỡ họ, cầu nguyện nhiều cho các Giáo hội đang đau khổ... nhưng đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”. Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy ngày nay có “nhiều cuộc tử đạo hơn thời Giáo hội sơ khai”.
Quay sang các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới đây, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không biết nhiều về đề tài này, nhưng ngài than phiền về tỷ lệ sinh thấp ở châu Âu, nhất là ở Italia và Tây Ban Nha. Ngài nói về tình trạng người trẻ và người già bị “loại trừ” và chỉ trích tỷ lệ thất nghiệp cao ở châu lục này. “Đó là một hệ thống kinh tế vô nhân đạo”, chỉ nhắm đến tiền bạc, chứ không phải con người.
Khi được hỏi có bao giờ Đức Thánh Cha tính đến việc từ nhiệm không, ngài nói “tôi sẽ làm những gì Chúa bảo tôi làm”, đồng thời “cầu nguyện và cố gắng làm theo ý Chúa”. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mở ra khả năng ấy, nhưng “còn có ai làm như thế không thì chỉ có Chúa mới biết”. “Tôi tin rằng nếu một giám mục Roma thấy mình không còn đủ sức khoẻ, ngài phải tự hỏi mình những câu hỏi tương tự như Đức giáo hoàng Bênêđictô đã làm”.
Về vụ án phong chân phước cho Đức Piô XII, Đức Thánh Cha nói vì chưa có phép lạ được công nhận nên tiến trình “đã ngưng lại”.
Trả lời câu hỏi về thái độ của Giáo hội đối với các tín hữu đã ly dị và tái hôn, Đức Thánh Cha nói Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới về gia đình sẽ không chỉ bàn đến một vấn đề này vì chủ đề về gia đình rất rộng lớn. “Điều tôi không thích là có nhiều người, cả trong Giáo hội cũng thế, nói rằng mục đích của Thượng Hội đồng là nhằm cho phép những người ly dị tái hôn được rước lễ, như thể toàn bộ vấn đề chỉ gói gọn lại có thế”.
Đức Thánh Cha nói rằng việc lựa chọn chủ đề của Thượng Hội đồng là một “trải nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ” khi cuộc thảo luận “dần chuyển hướng sang gia đình”. Đức Thánh Cha nói “chắc chắn Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn chúng tôi đến chỗ ấy”.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên: “cửa vẫn luôn mở” cho việc chấm dứt luật buộc độc thân linh mục vì đó “không phải là một tín điều”, nhưng ngài đánh giá rất cao luật buộc này và tin rằng đó là “món quà cho Giáo Hội”.
Với những cáo buộc vi phạm tài chính tại Vatican, Đức Thánh Cha nói một cuộc điều tra về vụ biển thủ 15 triệu euro từ IOR (Ngân hàng Vatican) có thể xảy ra “vẫn còn đang được xem xét”. “Chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta yếu đuối”. Văn phòng Kinh tế sẽ giúp ngăn ngừa các vụ bê bối và các vấn đề. Chẳng hạn, 1.600 tài khoản bất hợp pháp trong IOR đã bị phong toả.
Liên quan đến việc cải tổ Vatican và toàn thể Giáo triều Roma, Đức Thánh Cha nói: “Con đường thuyết phục là rất quan trọng. Có một số người không hiểu. Nhưng tôi mừng là chúng tôi đã chịu khó làm việc”.
Khi được hỏi về mối quan hệ Công giáo– Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha cho biết việc mừng lễ Phục Sinh vào hai ngày khác nhau trong Giáo hội Chính thống Giáo và Giáo hội Công giáo là “hơi kỳ cục” và ngài đã bàn về điểm này với Hội đồng Toàn Chính thống giáo và Đức Thượng phụ Bartholomaios vào cuối tuần qua. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiệp nhất “sẽ đến sau một quá trình” chứ không bao giờ có thể được tạo ra “ở một hội nghị thần học”.
Về chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Thánh Cha nói việc mời hai Tổng thống Palestin và Israel đến cầu nguyện ở Vatican là ý định tự phát của ngài. “Hai vị muốn thực hiện việc này trong chuyến viếng thăm của tôi, nhưng rõ ràng không thể được. Mục đích của cuộc gặp gỡ là cầu nguyện, chứ không phải suy tư”.
Về tương lai của Giêrusalem, Đức Thánh Cha nói nó phải được giải quyết “trong tinh thần huynh đệ và tin cậy lẫn nhau, theo con đường đàm phán”. Đức Thánh Cha nói cần phải có can đảm và ngài cầu nguyện cho “hai vị Tổng thống này có can đảm để tiến hành”. “Giêrusalem phải là thành phố bình an của ba tôn giáo”.
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)