Phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo về chuyến viếng thăm Iraq
Sau một tuần viếng thăm Iraq trong tư cách là đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đã về tới Roma ngày 20-8-2914. Ngày hôm sau 21-8-2014 Đức Hồng Y đã vào gặp Đức Thánh Cha để tường trình về chuyến viếng thăm của ngài liên quan tới hơn 100 ngàn Kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn tài sản di cư sang lánh nạn bên vùng Kurdistan, sau khi các lực lượng Hồi giáo cuồng tín ISIS đánh chiếm thành phố Mossul. Đức Hồng Y đã đem theo một bức thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tổng thống Fouad Masum của Iraq, trong đó Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì các khổ đau do bạo lực tàn ác gây ra cho các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số ở Iraq. Đức Thánh Cha cầu mong các giới chức chính trị xã hội sử dụng mọi phương thế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq, để mọi thành phần thiểu số được là những công dân bình đẳng với mọi người khác. Đức Hồng Y Filoni cũng chuyển số tiền 1 triệu mỹ kim Đức Thánh Cha trợ giúp các người tỵ nạn Iraq.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y về chuyến viếng thăm nói trên.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y đã là chuyến viếng thăm tình trạng cứu trợ cấp thiết nhân đạo liên quan tới các Kitô hữu và dân chúng sống tại miền bắc Iraq. Đức Hồng Y đã trông thấy những gì?
Đáp: Đây đã là một sứ mệnh được thực hiện trong đau đớn giữa các Kitô hữu chạy trốn khỏi thành phố Mossul và khỏi đồng bằng Ninive. Họ bị bứng khỏi nhà cửa, và cuộc sống đơn sơ thường ngày của họ, để rơi vào một hoàn cảnh sống không thể nào đoán trước được là hoàn cảnh một sớm một chiều không nhà cửa, không quần áo, không có những điều tối thiểu tự nhiên cho cuộc sống, với hai bàn tay trắng, hoàn toàn không có gì hết. Chẳng hạn như không có nước để tắm rửa, với nhiệt độ 47 độ C, hay ngủ ngoài đường hay trong các công viên, dưới một bóng cây hay dưới một tấm nylon. Với các phụ nữ có thói quen làm việc trong nhà bây giờ xem ra ngơ ngác mất hướng. Hầu như chỉ có các trẻ em là những người duy nhất không cảm nhận được thảm cảnh của tình hình, vẫn chạy qua chạy lại. Với các người già bị ném vào một xó và người bệnh không biết có một bác sĩ hay thuốc men cho mình hay không.
Hỏi: Có giai thoại nào đặc biệt đánh động cho Đức Hồng Y không?
Đáp: Có một bà mẹ chỉ cho tôi xem một bé gái mới ba tháng và nói rằng khi họ trốn khỏi Mossul, thì người ta muốn lấy cả các vòng đeo tai mạ vàng của cháu bé. Chúng là những vật không có giá trị gì, nhưng cái bạo lực mà họ đã phải chịu cho thấy sự khinh rẻ đối với cả các trẻ em bé bỏng nhất. Tôi đã nói với bà mẹ đó: Họ đã lấy mất các vòng đeo tai, nhưng những điều quý báu nhất vẫn còn với bà: đó là cháu bé và phẩm giá. Phẩm giá bị thương tích mà đã không có ai có thể lấy mất được. Dân chúng đã hài lòng và họ đã vỗ tay.
Hỏi: Đức Hồng Y đã được đón tiếp như thế nào bên Iraq?
Đáp: Đức Thánh Cha đã không thể đích thân hiện diện bên Iraq nên ngài đã lập tức gửi một vị đặc sứ - không phải một vị đại diện ngoại giao, nhưng một vị đại diện cá nhân - Nó đã là một dấu chỉ hùng hồn là ngài muốn chia sẻ tất cả với họ. Và tôi đã sống những ngày này giữa họ. Tôi cảm thấy mình là một người được đặc quyền so sánh với họ, bởi sự kiện tôi có một phòng nhỏ để ngủ, một chút nước để rửa tay. Nhưng tôi đã chia sẻ với họ mọi sự. Tôi không đại diện cho chính mình nhưng đại diện cho Đức Thánh Cha, và việc tôi chia sẻ mọi sự với họ là một dấu chỉ sự gần gũi của Đức Thánh Cha. Tôi đã viếng thăm các làng của người Kitô và người Yazidi. Và tôi cũng đã tham dự cuộc sồng của Giáo Hội địa phương. Cả các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ cũng đã phải chạy trốn, và các vị cũng đã phải tìm một chỗ để ngủ. Qua vị đặc sứ Đức Thánh Cha đã muốn khích lệ tất cả mọi người và nói với tất cả mọi người rằng họ không bị quên lãng.
Hỏi: Trong cuộc họp báo trên đường từ Seoul trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận rằng kiểu ngăn chặn kẻ gây hấn bất công phải do Liên Hiệp Quốc tìm ra, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Như là Giáo Hội, Giáo Hội đang và sẽ luôn luôn chống lại chiến tranh. Nhưng những người dân đáng thương này có quyền được bảo vệ. Họ không có vũ khí, họ đã bị đuổi khỏi nhà cửa của họ một cách hèn hạ, họ đã không dấn thân trong cuộc chiến đấu nào. Làm sao bảo đảm cho những người dân này được sống trong nhà cửa của họ một cách xứng đáng? Chắc chắn không phải là bằng cách nhường chỗ cho bạo lực, và duy trì nó bằng mọi cách. Nhưng chúng ta không thể không lắng nghe tiếng khóc của họ đang xin chúng ta cứu giúp và bảo vệ họ.
Hỏi: Để thực hiện điều này lại không phải là điều ích lợi, nếu biết trước được ai cung cấp khí giới và tiền bạc cho các lực lượng thánh chiến Hồi giáo này và tìm cách ngăn chặn các cung cấp hay sao thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Họ là các nhóm cho thấy được cung cấp vũ khí và tiền bạc, và người ta tự hỏi làm sao các vũ khí và tài nguyên này lại thoát khỏi sự kiểm soát của những người có bổn phận kiểm soát chúng và ngăn ngừa các phát triển thê thảm như thế. Câu hỏi mà tôi đã nghe nhiều người đưa ra là câu hỏi liên quan tới việc ”kiểm soát từ xa”, liên quan tới những người điều động các sự việc từ xa. Nhưng tôi tin rằng hiện nay khó mà đưa ra một câu trả lời.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Iraq dưới thời Saddam Hussein. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được gắn liền với các sự kiện của năm 2003, và kiểu người ta chấm dứt chế độ của ông ta hay không?
Đáp: Có và không. Một đàng, đã xảy ra một sự xáo trộn trong nước Iraq làm nảy sinh ra biết bao nhiêu là tình hình nguy kịch và khổ đau, cả khi cần hiểu rằng trước đó cũng đã không có một tình trạng yên lành và lý tưởng. Đàng khác, hơn mười năm đã trôi qua. Càng cách xa các biến cố đó bao nhiêu, lại càng có quyền hỏi điều đang xảy ra hiện nay chỉ là lỗi của người khác và của các sự kiện của quá khứ hay còn có các trách nhiệm khác nữa. Và cần phải hỏi điều gì đã được làm trong thời gian qua và đáng lý ra đã có thể làm được những gì.
Hỏi: Cả Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các nạn nhân của những gì đang xảy ra bên Iraq không chỉ là các Kitô hữu, nhưng là tất cả các nhóm thiểu số. Sự nhấn mạnh này gợi ý điều gì thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Đương nhiên là tình hình của các Kitô hữu được biết tới bên Tây Phương. Nhưng chẳng hạn các tín hữu Hồi giáo Yazidi đã cầu cứu chúng tôi vì họ đã nói với tôi: “Chúng tôi là một dân tộc không có tiếng nói và không ai nói tới chúng tôi.” Những tình trạng thê thảm mà tôi đã trông thấy và họ đang sống khiến cho họ trở thành các nạn nhân đầu tiên. Nhưng cũng có những làng Sciít phải chạy trốn cả làng. Thế rồi còn có các người Mandei và tất cả các nhóm khác nữa.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đá nói chuyện với các vị lãnh đạo chính trị có ảnh hưởng trong vùng Kurdistan cũng như các vi lãnh đạo tại Baghdad. Họ có còn đồng thuận với một viễn tượng hiệp nhất đối với tương lai của Iraq hay các thúc đẩy rời xa trung tâm không còn có thể ngừng được nữa?
Đáp: Iraq là một quốc gia hỗn hợp. Một diễn tả chính trị địa lý nảy sinh từ năm 1920 trở về sau, nơi thực thể quốc gia không được nhận thức như là một sự đồng nhất nhưng như là sự đa diện. Các giới chức chính quyền và cả các giám mục nói tới một bức đồ khảm sự hiện diện của các nền văn hóa và các tôn giáo. Dĩ nhiên nếu bức khảm đá mầu này được duy trì nguyên vẹn, thì nó có vẻ đẹp của nó và một tương lai. Nhưng nếu người ta bắt đầu lấy đi các viên đá, thì trước sau gì mọi sự có thể bị tan rã. Sự hiệp nhất quốc gia được bảo đảm bởi Hiến Pháp, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống quốc gia và điều này khó, bởi vì mỗi nhóm đều mang theo các chấn thương, các khổ đau, các bách hại rất dài, các bất công phải chịu. Giờ đây Iraq là một nước cần tái thiết và chỉ có thể hiệp nhất, nếu trong sự hiệp nhất ấy người ta tìm thấy khoảng trống và sự tôn trọng phải có đối với các căn tính khác nhau.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, bên Tây phương có vài người lợi dụng các chuyện xảy ra tại Iraq để tái đề nghị sự chống đối giữa Kitô giáo và Hồi giáo, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Có một dữ kiện, như tôi đã nói, đó là các tấn kích hướng tới các Kitô hữu, các người Yazidi, các người Sciít, nhưng cũng chống lại các người Sunnít nữa. Như thế vấn đề không thể được đặt ra như một sự đối chọi giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Đàng khác, những kẻ đang thực thi các hành động kinh khủng này chống lại các nhóm thiểu số họ làm điều đó nhân danh một ý thức hệ chính trị tôn giáo bất khoan nhượng. Và đây là một khía cạnh cần làm cho chúng ta suy nghĩ. (FIDES 21-8-2014)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)