WHĐ (04.09.2014) – Một trăm năm trước, vào ngày 03-09-1914, Đức hồng y Giacomo della Chiesa, người Ý, đã trở thành Giáo hoàng Bênêđictô XV. Được bầu làm giáo hoàng khi Chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra, ngài được lịch sử ghi nhớ như một người kiến tạo hoà bình.
Triều đại giáo hoàng của ngài không phải là một triều đại dễ dàng: thời đó, Châu Âu đang chia rẽ.
Linh mục Bernard Ardura, Chủ tịch Ủy ban Toà Thánh về Khoa học Lịch sử nhận định: “Lúc ấy, chủ nghĩa dân tộc rất mạnh. Chủ nghĩa yêu nước –yêu tổ quốc mình–, là một nhân đức, nhưng chủ nghĩa quốc gia không phải thế, bởi vì nó loại trừ người khác. Chủ nghĩa quốc gia không nhằm yêu quê hương tổ quốc của mình, mà là loại bỏ những người khác. Đức Bênêđictô XV đã phải đối mặt với tất cả những điều này”.
Ngài đã chứng kiến tấn thảm kịch của Chiến tranh thế giới lần thứ I, vì thế Thông điệp đầu tiên của ngài, Ad Beatissimi Apostolorum –ban hành ngày 1-11-1914, là để kêu gọi hoà bình. Ngài mô tả chiến tranh là cuộc thảm sát vô ích và cho rằng chiến tranh thế giới lần thứ I là một thảm kịch đen tối trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc xung đột này Toà Thánh vẫn giữ thái độ trung lập, nên đã bị các nước tham chiến chỉ trích.
Trong khi tìm kiếm hoà bình, Đức Bênêđictô XV còn gửi một Tông huấn cho các vị lãnh đạo các quốc gia, để đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về cách thức đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Dù vậy, lời kêu gọi của ngài cho hoà bình đã không được lắng nghe và chiến tranh cứ tiếp diễn cho đến tháng 11/1918, khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Đức Bênêđictô XV là vị giáo hoàng khởi xướng Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Ngài cũng thành lập Bộ các Giáo hội Đông phương và Bộ Giáo Luật được ban hành trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Đức Bênêđictô XV đã tuyên thánh cho Thánh Jeanne d’Arc, và thúc đẩy công cuộc đối thoại liên tôn. Một đài tưởng niệm ở Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi ngài là “người bạn của mọi người”.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XV được biết đến như vị Giáo hoàng của Hoà bình. Ngài qua đời ngày 22 tháng 1 năm 1922. (Rome Reports)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)