MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Ngày Thế giới Truyền thông và các sứ điệp về truyền thông xã hội

Vào ngày 24.01 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến cộng đoàn Dân Chúa khắp hoàn vũ một sứ điệp về truyền thông xã hội có tựa đề là “Truyền thông gia đình: một nơi thuận lợi của gặp gỡ với hồng ân tình yêu.” Đây là một thông lệ của Giáo hội từ sau công đồng Vatican II là hằng năm, vào dịp lễ Thánh Phanxicô Salêsiô (24.01), Đức đương kim Giáo Hoàng sẽ gửi đi một thông điệp về Truyền thông xã hội cho cộng đoàn dân Chúa toàn thế giới. Chủ đề của thông điệp này thực ra đã được chọn và công bố vào dịp lễ kính Các Tổng lãnh Thiên thần (29.9) của năm 2014. Nhân dịp này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lãnh vực Truyền thông xã hội trong Giáo Hội Công giáo của chúng ta, đặc biệt điểm lại những chủ đề của các sứ điệp về Truyền thông xã hội đã được các Đức Giáo Hoàng, từ sau khi kết thúc Công đồng Vatican II đến nay, đã chọn và công bố cùng với một sứ điệp riêng về Truyền thông xã hội.

I. Truyền thông xã hội trong Giáo hội

Truyền Thông được xem như một nhu cầu gắn liền với sự phát triển của con người và xã hội. Những cách thức, phương tiện và nội dung được diễn đạt qua các biểu tượng, ký hiệu, ký tự, ngôn ngữ, nghi lễ là những thành tố của truyền thông liên hệ mật thiết với văn hóa và văn minh, tín ngưỡng và tôn giáo của từng dân tộc, vùng miền và của cộng đồng nhân loại. Có thể xác quyết rằng Truyền thông và nhu cầu truyền đạt tư tưởng, cảm xúc bằng dấu hiệu hoặc bằng ngôn ngữ đồng hành với lịch sử phát triển con người. Truyền thông không chỉ dừng lại ở các phương tiện mà còn xuất phát từ chính nội tâm con người như một khả năng, một thiên hướng để con người có thể hướng đến thiện ích chung làm nền tảng cho việc sinh tồn và phát triển.

Trong Giáo hội Công Giáo, truyền thông không chỉ có mặt như một nhu cầu thực tế, nhưng thực sự mang tính thần học phát xuất từ chính Chúa Ba Ngôi (Đấng tự tỏ mình) qua mầu nhiệm tạo dựng, nhập thể, mạc khải và qua Giáo hội. Tột đỉnh của ý niệm về một Thiên-Chúa tự truyền thông là chính Đức Giê-su Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua chính Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” (Thư Do Thái 1, 1-2)

Kiểu nói chính thức được Giáo hội xử dụng để diễn tả ý niệm và mọi hoạt động liên quan đến truyền thông là tập ngữ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI (Social Communication). Định danh “Truyền thông xã hội” xuất phát từ Công đồng Vatican II và lần đầu tiên được dùng trong Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội có tên là “Inter Mirifica” (Giữa các điều diệu kỳ), và sau đó được xử dụng trong các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn khác của Công đồng với ý nghĩa riêng biệt: “Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tài năng con người đã sản xuất các phát minh kỹ thuật diệu kỳ từ các thụ tạo, đặc biệt trong thời đại chúng ta. Hội Thánh, Mẹ chúng ta vẫn đặc biệt lưu ý đến các phát minh kỳ diệu ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần con người và khai tạo cách thế mới mẻ và dễ dàng cho việc truyền thông các loại tin tức, tư tưởng và định hướng. Chủ yếu trong các phát minh tân thời đó là các phương tiện truyền thông mà tự bản chất có thể thấu đạt và ảnh hưởng không chỉ các cá nhân mà còn là đại chúng và cả toàn thể xã hội con người. Đó là báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình và các thể loại khác cùng tính cách. Những sản phẩm này có thể định danh một cách đúng đắn là “các phương tiện truyền thông xã hội.” (Sắc lệnh Inter Mirifica, số 1)

Như vậy, với sắc lệnh Inter Mirifica, lần đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh, một Công đồng chung đã thảo luận về các phương tiện truyền thông xã hội, và đã xử dụng một tập ngữ hoàn toàn mới là “Truyền thông xã hội” để diễn tả một cách đầy đủ những quan tâm, nhu cầu và viễn tượng của Hội Thánh về truyền thông. Trong quan điểm của Giáo hội, truyền thông xã hội không chỉ giới hạn đơn thuần là các phương tiện kỹ thuật được sử dụng để thông tin, nhưng cần phải được quan tâm rộng hơn đến tiến trình truyền thông của loài người. Theo nghĩa này, thuật ngữ “Truyền thông xã hội” cũng bao gồm những phương thế truyền thông truyền thống của nhân loại và giáo hội. Chúng ta có thể liệt kê ở đây một số hoạt động tôn giáo truyền thống cũng được xem như các hoạt động truyền thông, chẳng hạn, các việc đạo đức bình dân (Đường Thánh Giá, Kiệu rước, Hành hương, v.v…).

II. Ngày thế giới cầu nguyện cho Truyền Thông xã hội và các sứ điệp của Đức Giáo hoàng trong ngày truyền thông xã hội hằng năm

Ngày thế giới cầu nguyện cho Truyền thông xã hội (thường được gọi vắn tắt là Ngày Thế giới Truyền thông – thường được viết tắt là WCD, từ tập ngữ tiếng Anh “World Communication Day”) được thành lập theo một trong các đề xuất của Công đồng Vatican II trong sắc lệnh “Inter Mirifica” về các phương tiện Truyền thông xã hội với ý hướng rất bao quát: “Hơn thế, những hoạt động tông đồ đa dạng của Giáo hội liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội có thể sẽ được tiếp sức một cách hữu hiệu bằng cách hằng năm, trong mọi giáo phận khắp thế giới, các giám mục nên ấn định một ngày cử hành để các tín hữu được hướng dẫn về trách nhiệm của họ trong việc truyền thông xã hội. Các tín hữu được mời gọi cầu nguyện và đóng góp ngân quỹ trong dịp này. Ngân quỹ này được dành cách riêng cho những đề xuất, duy trì và phát triển các học viện và hoạt động của Giáo hội trong lãnh vực truyền thông thể theo nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ.” (Sắc lệnh Inter Mirifica, số 18) Đề xuất này đã được Giáo quyền thực hiện bằng việc ấn định ngày Chúa Nhật Thăng Thiên hằng năm làm “Ngày Thế giới cầu nguyện cho Truyền thông xã hội” trong toàn Hội Thánh. Như thế, Ngày Thế giới Truyền thông được thiết lập để nhắc nhở dân Chúa trong toàn Hội Thánh nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung quan tâm đến lãnh vực Truyền thông xã hội qua việc xử dụng và phát triển việc truyền thông để mưu cầu thiện ích chung của nhân loại và xã hội, để truyền bá Tin Mừng và các giá trị Kitô giáo cho toàn thế giới. Theo đó trong ngày đặc biệt này, Giáo hội tôn vinh những người đang hoạt động truyền thông trong giáo hội, nhắc nhở và mời gọi tín hữu toàn thế giới cầu nguyện, đóng góp công-của cho các hoạt động truyền thông xã hội của Giáo Hội; thêm nữa, Đức Giáo hoàng đương kim sẽ ban hành một sứ điệp có đề tài liên quan đến Truyền thông xã hội gửi đến dân Chúa toàn thế giới. Chủ đề của từng sứ điệp hằng năm sẽ được Đức Giáo Hoàng công bố vào dịp lễ Các Tổng Lãnh Thiên thần (29/9) vào năm trước, tiếp theo, toàn văn sứ điệp sẽ được chính thức công bố cho toàn thế giới vào ngày lễ Thánh Phanxicô Salêsiô (24/1) của chính năm đó. Chẳng hạn, sứ điệp ngày Truyền thông xã hội năm 2014 mang tựa đề “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” đã được loan báo vào dịp lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần (ngày 29 tháng 9 năm 2013), sau đó toàn văn sứ điệp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố cho toàn thế giới vào dịp lễ Thánh Phanxicô Salesiô (ngày 24 tháng 1 năm 2014).

Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội đầu tiên được Đức Giáo hoàng Phaolô VI cử hành vào ngày 6/5/1967 trong một Thánh lễ đặc biệt tại Đền thờ Thánh Phêrô tại Rôma. Sứ điệp đầu tiên có tên là “Giáo hội và Truyền thông xã hội: Ngày Thế Giới Truyền thông lần thứ I” đã được Đức Phaolo VI ban hành năm 1967. Từ đó đến nay, đã có 49 sứ điệp được công bố đều đặn hằng năm về nhiều chủ đề và chiều kích khác nhau trong lãnh vực Truyền thông xã hội. Chúng ta có thể liệt kê số lượng các sứ điệp theo triều đại của các Giáo Hoàng như sau: 12 sứ điệp của Đức Phaolô VI (1967-1978), 27 sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II (1979-2005), 8 sứ điệp của Đức Bênêđictô XVI (2006-2013), và 2 sứ điệp của Đức Đương kim Giáo hoàng Phanxicô (2014 & 2015).

Để có thêm tư liệu về Truyền thông xã hội, chúng ta cùng điểm qua đề tài của các sứ điệp Ngày Thế giới truyền thông đã được các Đức Giáo Hoàng ban hành:

Đức Giáo hoàng Phaolô VI

Năm 1967: Giáo hội và Truyền thông xã hội: Ngày Thế giới Truyền Thông lần đầu tiên
Năm 1968: Truyền thông xã hội và sự phát triển các quốc gia
Năm 1969: Truyền thông xã hội và gia đình
Năm 1970: Truyền thông xã hội và giới trẻ
Năm 1971: Vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc cổ võ sự hợp nhất giữa con người
Năm 1972: Các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ cho Chân lý
Năm 1973: các phương tiện truyền thông đại chúng và sự xác nhận và cổ võ cho các giá trị tinh thần
Năm 1974: Các phương tiện truyền thông xã hội và việc Phúc âm hóa trong thế giới ngày nay
Năm 1975: Các phương tiện truyền thông đại chúng và việc hòa giải
Năm 1976: Các phương tiện truyền thông xã hội và các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người
Năm 1977: Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Những lợi ích, hiểm nguy, trách nhiệm
Năm 1978: Quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tác của truyền thông xã hội

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Năm 1979: Các phương tiện truyền thông xã hội cho việc bảo vệ và phát triển của con cái trong gia đình
Năm 1980: Các phương tiện truyền thông xã hội và gia đình
Năm 1981: Các phương tiện truyền thông xã hội và sự tự do có trách nhiệm của con người
Năm 1982: Các phương tiện truyền thông xã hội và các vấn nạn về người cao niên
Năm 1983: Các phương tiện truyền thông xã hội và sự cổ võ cho hòa bình
Năm 1984: Các phương tiện truyền thông xã hội: dụng cụ của sự gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa
Năm 1985: Các phương tiện truyền thông xã hội dùng cho việc cổ vũ của Kitô giáo cho tuổi trẻ
Năm 1986: Các phương tiện truyền thông xã hội và việc đào tạo của Kitô giáo về Công luận
Năm 1987: Các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ cho Công lý và hòa bình
Năm 1988: Các phương tiện truyền thông xã hội và việc cổ vũ tình liên đới và huynh đệ giữa các quốc gia và dân tộc
Năm 1989: Tôn giáo và các phương tiện truyền thông đại chúng
Năm 1990: Sứ điệp Kitô giáo trong nền văn hóa điện toán
Năm 1991: Các phương tiện truyền thông xã hội và sự hợp nhất và tiến bộ của gia đình nhân loại
Năm 1992: Loan báo sứ điệp của Đức Kitô trên các phương tiện truyền thông
Năm 1993: Videocassette và audiocassette cho việc đào tạo văn hóa và lương tâm
Năm 1994: Truyền hình và gia đình: những hướng dẫn cho việc xem tốt
Năm 1995: Phim ảnh: Nhà truyền thông văn hóa và các giá trị
Năm 1996: Các phương tiện truyền thông: diễn đàn tân thời để cổ vũ vai trò của phụ nữ trong xã hội
Năm 1997: Truyền thông Đức Kitô: Đường, Sự thật và Sự Sống
Năm 1998: Truyền thông đức Cậy được củng cố nhờ Chúa Thánh Linh
Năm 1999: Các phương tiện truyền thông đại chúng: Bạn đồng hành thân thiết cho những ai tìm kiếm Thiên Chúa Cha
Năm 2000: Loan báo Đức Kitô trên các phương tiện truyền thông vào khởi đầu thiên niên kỷ mới
Năm 2001: Huấn giáo từ trên nóc nhà: Phúc âm trong thời đại truyền thông toàn cầu
Năm 2002: Internet: Diễn đàn mới cho việc loan báo Phúc âm
Năm 2003: Các phương tiện truyền thông phục vụ cho nền hòa bình chân chính dưới ánh sáng của sứ điệp “Pacem in terris” (Hòa bình trên trái đất)
Năm 2004: Các phương tiện truyền thông và gia đình: sự liều lĩnh và sự phong phú
Năm 2005: Các phương tiện truyền thông phục vụ cho sự hiểu biết giữa các dân tộc

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI

Năm 2006: Các phương tiện truyền thông: Mang lưới của truyền thông, hiệp thông và cộng tác
Năm 2007: Trẻ em và các phương tiện truyền thông: một thách đố cho việc giáo dục
Năm 2008: Các phương tiện truyền thông: Nơi gặp gỡ giữa việc tự cổ vũ và phục vụ. Tìm kiếm chân lý trong trật tự để chia sẻ với tha nhân
Năm 2009: Các phương tiện kỹ thuật hiện đại, những mối tương quan mới: Cổ võ một nền văn hóa của lòng kính trọng, sự đối thoại, và tình bằng hữu
Năm 2010: Linh mục và sứ mang mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: các phương tiện truyền thông tân tiến phục vụ cho Lời Chúa
Năm 2011: Chân lý, việc Loan báo và tính chính thống của cuộc sống trong thời đại kỹ thuật số
Năm 2012: Truyền thông thinh lặng để loan báo Phúc âm
Năm 2013: Mạng xã hội: Cửa vào sự thật và đức Tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng

Đức Giáo hoàng Phanxicô

Năm 2014: Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực
Năm 2015: Truyền thông gia đình: một nơi thuận lợi của gặp gỡ với hồng ân tình yêu

Lược qua nội dung các sứ điệp đã được công bố, chúng ta nhận thấy rằng các sứ điệp đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau trong lãnh vực truyền thông. Dù vậy, đặc điểm chung của các sứ điệp vẫn là những chiều kích liên quan đến truyền thông xã hội và việc sử dụng chúng cho thiện ích chung cũng như cho sứ mạng mục vụ và loan báo Tin mừng của Hội Thánh. Đặc biệt, trong một vài thời điểm cần thiết, một số chủ đề được lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn đề tài về Internet với thế giới hiện đại đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhắc đến trong sứ điệp các năm 2000, 2001, 2002; và sau này được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đề cập trong các sứ điệp năm 2006, 2008, 2009, 2010, 2011, 2013. Dù có chung chủ đề, nhưng chúng ta vẫn nhận ra rất nhiều đặc điểm và suy tư khác nhau trong các sứ điệp liên quan đến Internet và thời đại kỹ thuật số này. Căn cứ vào nội dung các sứ điệp đã được ban hành, chúng ta có thể sắp xếp theo một số đề mục như sau:

1. Vai trò của Truyền thông xã hội với các thiện ích chung của nhân loại: trong việc phát triển quốc gia dân tộc (1968), về gia đình (các sứ điệp năm 1969, 1980, 2004), về giới trẻ (1970), trẻ em (2007), về việc bảo vệ và phát triển con cái trong gia đình và xã hội (1979), về người cao tuổi (1982), về sự phát triển và hiệp nhất của gia đình nhân loại (1971), về hòa giải (1975), quyền và nghĩa vụ căn bản của con người (1976), về việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng (1971, 1991), về quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia truyền thông (1978), về tự do có trách nhiệm của con người (1981), cổ võ cho hòa bình và công lý (1983, 1987), cổ súy tình liên đới và huynh đệ giữa các quốc gia, dân tộc (1988), cổ súy vai trò phụ nữ trong xã hội (1996), hiểu biết và xây dựng truyền thông, hiệp thông và cộng tác giữa các dân tộc (2005, 2006, 2008)

2. Truyền thông xã hội và các sứ vụ của Giáo hội:

- Truyền thông xã hội cho việc Loan báo Tin Mừng (1974, 1992, 1997), Cổ võ giới trẻ Kitô giáo và đào tạo Kitô hữu (1983, 1986), truyền thông xã hội với Internet trong thời đại mới (2000, 2001, 2002).

- Truyền thông xã hội và các giá trị Kitô giáo: Phục vụ cho chân lý và bình an (1972, 2003, 2011, 2013), cổ võ cho các gia trị thiêng liêng (1973), cho tôn giáo, đức tin và văn hóa (1984).

3. Việc xử dụng các phương tiện Truyền thông xã hội: Các phương tiện nghe-nhìn cho việc đào luyện văn hóa và lương tâm (1993), về tác dụng của Truyền hình và phim ảnh (1994, 1995).

4. Các chiều kích khác của truyền thông xã hội được Giáo hội đề cao: Truyền thông dưới tác động của Chúa Thánh Thần (1998), các kỹ thuật tân tiến và các mối tương quan mới (2009), linh mục và sứ vụ mục vụ trong thế giới kỹ thuật số (2010), Thinh lặng như là cách thế truyền thông để loan báo Tin mừng (2012), Truyền thông gia đình: nơi thuận lợi của gặp gỡ với hồng ân tình yêu.

Cũng nên lưu ý rằng, các sứ điệp được gửi đi cho toàn thế Giáo hội phản ảnh những suy tư và hướng dẫn tích cực mang tính huấn giáo của vị Cha chung của Hội Thánh về vai trò của truyền thông xã hội trong từng thời điểm riêng biệt cùng với những phát triển của khoa học kỹ thuật trong lãnh vực truyền thông xã hội. Ngoài ra cũng tùy theo ý hướng mục vụ của mỗi vị Giáo hoàng trong từng thời kỳ mà những giáo huấn trong các sứ điệp ngày thế giới truyền thông được khai triển một cách khác nhau. Chẳng hạn, trong triều đại của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, với ý hướng muốn dẫn dắt dân Chúa loan báo Tin mừng và duy trì các giá trị Kitô giáo theo nguồn cội Kitô giáo trong thời đại kỹ thuật số, đặc biệt với sự phát triển của các mạng xã hội, các sứ điệp ngày thế giới truyền thông của Ngài được trình bày bằng những suy tư mang tính thần học cách đặc biệt. Trong số 8 sứ điệp ngày thế giới truyền thông thời Đức Bênêđictô XVI, có 7 sứ điệp đề cập đến các phương tiện truyền thông thời kỹ thuật số và những ảnh hưởng tương tác của chúng. Sứ điệp năm 2006 nói về các giá trị nền tảng của Truyền thông xã hội với tựa đề “Các Phương tiện truyền thông: mạng lưới để truyền thông, hiệp thông và cộng tác”; sứ điệp năm 2007 nói về “Trẻ em và các phương tiện truyền thông: một thách thức cho việc giáo dục“; sứ điệp năm 2008 nói về việc tìm kiếm và san sẻ Chân lý cho nhau bằng các phương tiện truyền thông; sứ điệp năm 2009 đề cập đến tiềm năng đặc biệt của các kỹ thuật tân tiến trong việc cổ võ một nền văn hóa kính trọng, đối thoại và thân hữu. Năm 2010 được gọi là Năm Linh mục, dành cho việc cầu nguyện cho các linh mục trên toàn thế giới, sứ điệp đã nhắc nhở các linh mục về việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong thời đại kỹ thuật số cho việc mục vụ. Và trong sứ điệp sau cùng trước khi quyết định từ nhiệm ngôi vị giáo hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập đến một hiện tượng nổi bật trong thế giới kỹ thuật số đương đại: xử dụng các mạng xã hội cho việc truyền rao chân lý và loan báo Tin mừng.

Ngày Truyền thông thế giới và sứ điệp của Đức Giáo hoàng ban hành trong dịp này đã trở thành một hoạt động mục vụ và huấn giáo của Hội thánh để thúc đẩy toàn thể dân Chúa hoàn thành sứ mạng loan báo Tin Mừng, chứng tá các giá trị Kitô giáo thông qua việc tham gia vào mọi phương diện của truyền thông xã hội. Năm 2014, Hội Đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội (PCCS: Pontifical Council for Social Communication), qua hộp thư intermirifica.net vào ngày 7/5/2014 đã gửi lời mời gọi đến cộng đoàn dân Chúa toàn thế giới tích cực hưởng ứng và cổ võ cho ngày Thế giới cầu nguyện cho Truyền thông xã hội như sau: “Thành phố Vatican: Truyền thông phục vụ cho nền văn hóa gặp gỡ đích thực là chủ đề cho ngày Thế giới truyền thông xã hội 1/6 dịp lễ Chúa Thăng Thiên sắp tới. Như những năm trước, Hội Đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội đã đưa ra lời kêu gọi xin các văn phòng truyền thông xã hội của các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới chia sẻ những nguồn tư liệu mục vụ được thực hiện thành những sản phẩm nghe nhìn về chủ đề nói trên. Sứ vụ của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội là “khuyến khích và hỗ trợ Hội Thánh và các tín hữu trong việc sản xuất và phân phối các thể loại truyền thông hiện hành;” bởi thế, các giáo phận, các cộng đoàn, các tổ chức và các nhà truyền thông liên quan với giáo hội được mời gọi gửi nội dung các nguồn tư liệu mục vụ của mình đã thực hiện dựa trên chủ đề trên đây. Xin gửi đến địa chỉ info@intermirifica.net để có thể phát hành trên trang mạng của Hội đồng: www. pccs.va”. Như vậy, tùy hoàn cảnh xã hội và đặc thù văn hóa, mỗi cộng đoàn địa phương (giáo phận, dòng tu) đều được khuyến khích cố gắng tìm kiếm, sáng tạo và chia sẻ những hình thái thích hợp để cổ võ cho việc dấn thân vào công cuộc truyền thông xã hội thực hiện sứ mạng mục vụ và loan báo Tin mừng trong môi trường hoạt động của mình.

Riêng với Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô, trong sứ điệp ngày Truyền thông thế giới đầu tiên (2014), Ngài đã nhắc lại chủ điểm mục vụ của triều đại giáo hoàng của mình bằng việc mời gọi dân Chúa tích cực xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại cho việc phát triển toàn diện nhân loại bằng việc quan tâm đến những thành phần nghèo khổ, bị loại trừ trong thế giới hiện nay. Để hỗ trợ đường hướng mục vụ mang tính đặc sủng này, Đức Đương kim Giáo hoàng đã mời gọi dân Chúa: “Chúng ta hãy mạnh dạn trở thành những công dân của thế giới kỹ thuật số. Giáo hội cần quan tâm hiện diện trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô. Giáo hội phải là một Giáo hội ở với mọi người, có thể đồng hành với mọi người. Cuộc cách mạng diễn ra trong các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin là một thách đố lớn lao và đầy thú vị. Mong sao chúng ta đáp ứng thách đố ấy bằng nghị lực mới mẻ và đầy sáng tạo khi tìm cách thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho tha nhân.” (Sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2014). Trong sứ điệp truyền thông năm nay (2015), đặc biệt trong bối cảnh Giáo hội mời gọi từng tín hữu và mỗi cộng đồng mạnh mẽ thực hiện công cuộc “tân phúc âm hóa” và mối quan tâm đến đời sống gia đình, đời sống thánh hiến, sứ điệp nhấn mạnh đến gia đình như là môi trường thích hợp và hiệu quả (thuận lợi) cho việc truyền thông, vừa phát huy khả năng phát triển toàn diện của từng các nhân thành viên trong gia đình, vừa góp phần cộng tác vào công cuộc hoàn thành những thiện ích chung và lợi ích tâm linh của đời sống cộng đồng (gặp gỡ với hồng ân tình yêu), Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Nói cho cùng, chính là trong bối cảnh của gia đình mà chúng ta lần đầu tiên biết cách giao tiếp. Tập trung vào ngữ cảnh này có thể giúp cho việc truyền thông của chúng ta chân thực và nhân bản hơn, đồng thời giúp chúng ta nhìn gia đình từ một góc độ mới.” (Sứ điệp Ngày Truyền thông thế giới, năm 2015)

LM. Pr. Hoàng Gia Thành

(Nguồn: GPĐN)