Nhà thờ Công giáo ở Sawahlunto - Tây Sumatra |
WHĐ (23.05.2015) / Agenzia Fides – Từ nay các công dân Indonesia không còn bắt buộc phải kê khai tôn giáo trên thẻ căn cước. Trong mục “tôn giáo”, họ có thể để trống hoặc ghi một tôn giáo khác ngoài sáu tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận. Đó là công bố của Bộ trưởng Nội vụ Indonesia, ông Tjahjo Kumolo. Theo Hiến pháp Indonesia, chỉ có sáu tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận là: Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Cho đến nay, công dân Indonesia vẫn phải ghi một trong sáu tôn giáo này trên thẻ căn cước, bất chấp niềm tin tôn giáo thực tế của họ.
Ông Tjahjo nói rằng một trong những lý do chính của việc thay đổi luật này là để có thông tin chính xác về nghi thức tang lễ sẽ được cử hành khi một người qua đời.
Ông Tjahjo nói: “Chúng ta không nên ép buộc người dân phải chọn một tôn giáo, chẳng hạn Hồi giáo - nếu đức tin của họ tương tự như giáo huấn Hồi giáo nhưng không phải là Hồi giáo”. Ông giải thích rằng, Bộ đã xem xét các khuyến nghị của một số nhà lãnh đạo, các diễn đàn và các tôn giáo, chẳng hạn như Hội đồng Ulema của Indonesia và Bộ Tôn giáo, trước khi đưa ra quyết định này.
Mặc dù được coi là một “biện pháp hành chính”, nhưng đây là một bước tiến lớn nhân danh tự do tôn giáo của người dân Indonesia thuộc mọi tín ngưỡng. Người thúc đẩy mạnh mẽ cho thay đổi này là thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, một nhà chính trị Kitô giáo. Ngoài ra, một số học giả cũng ghi nhận rằng, việc bắt buộc chọn một trong sáu tôn giáo được Nhà nước công nhận đã khiến hàng triệu người dân Indonesia phải nhận mình là “Hồi giáo”, đang khi họ theo tôn giáo bản địa truyền thống. Sự thay đổi này có thể xác định lại bộ mặt tôn giáo của Indonesia ngày nay.
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)