Trong một phòng hội nhỏ và đơn sơ ở nhà trọ thánh Martha, tại Vatican, Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp phóng viên của tờ La Voz del Pueblo [Tiếng nói Nhân dân] với một điều kiện: ‘Tất cả những gì tôi muốn, là rõ ràng.’
Trong 45 phút, ngài trả lời các câu hỏi một cách thân mật,và thỉnh thoảng có những lúc tỏ ra phấn khích. Những điểm ngài nói đến là sự cô đơn, bánh pizza, sợ đau về thể lý, sức hút của ngài, áp lực, truyền hình, và giá trị của không tưởng. Và mở đầu là về việc ngài được bầu làm giáo hoàng.
***
Tôi có mơ làm Giáo hoàng không ư?
Không bao giờ!!! Cũng không mơ làm tổng thống hay nguyên soái. Có nhiều trẻ em mơ như thế này. Nhưng tôi thì không.
- Nhưng việc trở thành giám mục có khiến cha tưởng tượng về viễn cảnh có thể này không?
Sau 15 năm ở những vị trí lãnh đạo được cắt đặt, tôi đã chuẩn bị trở lại đời sống bình thường của mình, làm giáo sư, làm linh mục … Đời sống của một tu sỹ dòng Tên, là thay đổi khi cần thiết. Và rồi tôi có tên trong danh sách mật nghị hồng y bầu giáo hoàng. Nhưng lần này, lần thứ hai, tôi đã 76 tuổi, và có nhiều người sáng giá hơn tôi nhiều … Vậy nên tôi nghĩ chẳng có ai bầu cho mình, không có ai đâu. Hơn nữa, mọi người còn bảo tôi là một người ‘phù vương’ (người với kinh nghiệm và phẩm chất của mình có ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu) có thể tác động đến các hồng y châu Mỹ La tinh nên bầu cho ai. Và như thế, tên của tôi cũng chẳng xuất hiện gì trên mặt báo, không ai nghĩ đến tôi. Nhà cá cược ở Luân Đôn đặt cửa cho tôi là 1 ăn 46 (ngài cười) Tôi cũng nghĩ về tôi như thế.
- Dù năm 2005, cha là người về nhì sau Đức Ratzinger?
Đó là chuyện mọi người nói. Đây là chuyện trên mặt báo. Rõ ràng rằng Đức Bênêđictô được hầu hết mọi người nhất trí bầu chọn, và tôi rất thích điều này. Rõ ràng ngài là người được bầu, còn chuyện ai đứng thứ hai thì không có gì là chắc cả. Có một vài người có khả năng được bầu, nhưng không có ai nổi trội hẳn. Tôi đến Roma với chiếc vé khứ hồi cho ngày thứ bảy để có mặt ở Buenos Aires vào Chúa nhật Lễ lá. Tôi còn soạn sẵn bài giảng Lễ lá. Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện này lại có thể xảy ra.
- Và khi được chọn, cha cảm thấy thế nào?
Trước khi lá phiếu được công bố, tôi thấy bình an. Tôi nghĩ, ‘Nếu đó là ý Chúa …’ Và tôi thấy cô đơn. Vòng kiểm phiếu dài như vô tận, và tôi lần hạt trong thinh lặng. Ngồi kế tôi là hồng y Claudio Hummel, và cha đã bảo tôi rằng, ‘Đừng lo lắng, đó là việc Chúa Thánh Thần làm ….’ (ngài lại bật cười)
- Và rồi cha lên đường?
Các hồng y đưa tôi đến nhà nguyện, thay áo, và rồi trình diện mọi người Tôi nói những gì tự đến trong đầu.
- Thật tự nhiên phải không cha?
Đúng, tôi thấy rất bình an, và nói những gì từ đáy lòng mình.
- Cha có nhận ra sức hút của mình với dân chúng hay không? Con hỏi thế là bởi khí chất riêng của cha bổ sung cho cương vị giáo hoàng.
À, có … Tôi biết người dân … (một thoáng thinh lặng) lúc đầu, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Và một vài người bắt đầu nói, ‘Tôi hiểu.’ Chắc chắn, tôi cố gắng nhẹ nhàng trong những lời nói, chẳng hạn như hôm nay (trong buổi tiếp kiến thứ tư 20-5), tôi kể về chuyện hồi mình học lớp 4. Có vẻ mọi người hiểu được ý của tôi. Như khi tôi nói đến trường hợp các cha mẹ li thân, lấy con cái làm con tin, một việc rất buồn, trẻ con thành nạn nhân, cha mẹ nói xấu lẫn nhau, và đứa trẻ bị tiêm vào đầu những chuyện xấu. Tôi cố gắng nói cho cụ thể và, và về sức hút, thì một vài hồng y đã nói với tôi rằng mọi người hiểu tôi.
- Cha có thích các buổi tiếp kiến chung không?
Có, tôi thích theo cả kiểu con người và thiêng liêng. Dân chúng khiến tôi thấy thoải mái, cho tôi dễ chịu. Có vẻ như đời sống của tôi gắn bó với dân chúng. Về mặt tâm lý, tôi không thể sống thiếu dân chúng, tôi không giỏi làm đan sỹ, vậy nên tôi ở đây (Nhà trọ thánh Martha). Đây là một nhà khách, có 210 phòng, với 40 người cư trú thường xuyên làm việc cho Tòa Thánh, và các vị khách giám mục, linh mục, giáo dân đến và đi. Và điều này khiến tôi thấy thoải mái. Đến đây, ăn tối ở phòng ăn với tất cả mọi người, cử hành thánh lễ 4 ngày một tuần với những giáo dân từ các giáo xứ lân cận … Tôi thích điều này. Tôi trở thành linh mục để được ở cùng dân chúng. Tạ ơn Chúa vì tôi vẫn được như vậy.
- Trong những năm tháng đầu làm giáo hoàng, cha ước muốn điều gì?
Được đi ra ngoài. Tôi ước sao mình có được sự thanh bình lúc rảo bộ trên đường. Hay là đến tiệm bánh để ăn một cái pizza ngon (cười).
- Cha có thể yêu cầu tiệm giao một cái bánh đến Vatican mà.
Đúng rồi, nhưng đây là hai kiểu khác nhau, đến tiệm mới thích. Tôi luôn luôn ở trên đường. Thời còn làm hồng y, tôi yêu thích được đi trên đường, đi xe buýt, đi tàu điện ngầm. Tôi yêu thành phố, tôi là một linh hồn thành thị. Tôi không thể sống được ở một thành phố như thành phố của anh, thật khó cho tôi … Tres Arroyos thì được, tôi có thể sống ở đó. Tôi không thể sống được ở vùng nông thôn.
- Và cha đi khắp thành phố?
Ôi, không (ngài lại bật cười) Tôi muốn đến các giáo xứ … Nhưng tôi không thể đi được. Thử tượng tượng xem, tôi đến đó (đi trên đường) và có chuyện. Một ngày nọ, tôi đi với tài xế mà thôi, và quên đóng cửa xe mà không biết. Và có chuyện liền. Tôi ngồi ở ghế sau, và chỉ muốn đi một đoạn mà thôi, nhưng cũng không được. Tất nhiên, giáo hoàng đang xuất hiện trên đường mà …
- Với sự hiện diện của giáo hoàng thì phải vậy thôi.
Sự thật là tôi có tiếng là vô kỷ luật, không giữ giao thức cho lắm. Giao thức thì rất lạnh lùng, cho dù tôi vẫn giữ đủ những điều nghi thức.
- Ban đêm cha có thể ở yên, và nghỉ ngơi được không?
Tôi ngủ sâu, và ngả lưng trên giường là chìm vào giấc ngủ. Tôi ngủ 6 tiếng một ngày. Thường, vào lúc 9h tối, tôi ngồi trên giường và đọc sách đến 10h, rồi bắt đầu nhắm mắt, tắt đèn và ngủ thẳng đến 4h sáng, luôn luôn như vậy, như đồng hồ sinh học. Rồi, tôi cũng cần giấc ngủ trưa. Tôi phải ngủ 40 phút cho đến 1 tiếng, tôi tháo giày, và thả mình vào giấc ngủ. Tôi ngủ sâu và thức giấc theo nhịp sinh học. Những ngày không ngủ trưa, tôi khá mệt.
- Cha đọc gì trước khi đi ngủ?
Tôi đang đọc về chuyện thánh Silvano ở núi Athos, một thầy dạy linh đạo tuyệt vời.
- Trong chuyến công du Manila vừa qua, cha nói về tầm quan trọng của tiếng khóc? Cha có khóc không?
Khi tôi thấy những tấn kịch của con người. Như những người khác đang thấy những gì xảy ra cho dân tộc Rohingya, đang băng qua những vùng biển, đến được đất liền, được người ta cho thức ăn nước uống, rồi lại đẩy ra biển. Những tấn bi kịch nhân sinh này khiến tôi chấn động sâu sắc. Rồi còn những đứa trẻ bị bệnh. Khi tôi thấy những ‘chứng bệnh hiếm’ gây ra do bởi môi trường bị bỏ mặc, mọi thứ trong tôi chấn động. Khi thấy họ, tôi nói với Chúa, ‘Tại sao là họ mà không phải là con.’ Khi đi đến nhà tù, tôi cũng thấy chấn động. Thứ năm Tuần thánh, tôi đến thăm nhà tù, một cho trẻ vị thành niên và một là nhà tù Rebibbia. Rồi khi đến các thành phố khác ở Ý, tôi cũng đến thăm nhà tù, dùng bữa với họ, và trong đầu tôi có suy nghĩ: ‘Hãy nghĩ xem, mình cũng có thể ở đây.’ Nghĩa là, không ai chắc được rằng mình sẽ không bao giờ phạm phải những tội ác đáng bị bỏ tù. Vậy nên, tôi nói tại sao Chúa cho tôi được không phải ở trong tù. Và tôi thấy thương cho họ, và tạ ơn Chúa vì mình không phải như vậy. Và cần phải biết ơn bởi họ không có được cơ hội mà tôi có để tránh làm những chuyện xấu để bị giam vào tù. Điều này khiến tôi rơi nước mắt. Tôi thấy xót xa.
- Nhưng cha khóc rơi nước mắt?
Tôi không khóc công khai giữa dân chúng. Có hai lần tôi chực rơi lệ, nhưng tôi đã kìm nén được. Tôi đã quá sốc, có vài giọt nước mắt rơi ra, nhưng tôi giả lơ, và một lúc sau, lấy tay chùi mặt.
- Tại sao cha không muốn mọi người thấy mình khóc?
Tôi không biết, tôi nghĩ là tôi còn có những việc phải làm.
- Đó là trong những hoàn cảnh nào vậy?
Tôi nhớ một lần mà thôi. Lần nói về nạn bách hại các Kitô hữu ở Irắc. Tôi đang nói về điều này, và thấy xúc động sâu sắc. Hãy nghĩ về những người này mà xem …
- Có điều gì khiến cha sợ không?
Xét chung, tôi không e sợ gì. Tôi liều lĩnh, tôi điều hành mà không cân nhắc nhiều đến các hậu quả. Đôi khi điều này khiến tôi đau đầu, bởi có những điều tôi rất muốn làm (ngài cười vang). Còn về việc bị tấn công, thì tôi ở trong tay Chúa mà, và khi cầu nguyện, tôi nói với Chúa rằng, ‘Xin nhìn đến con, nếu phải như thế, thì con chỉ xin một điều mà thôi, đừng làm con đau.’ (cười) bởi tôi rất nhát sợ cái đau thể xác. Tôi chịu được đau đớn tinh thần, nhưng đau đớn thể xác thì không. Tôi rất nhát về việc này, không phải là kiểu sợ kim tiêm, nhưng tốt hơn là đừng có đau đớn thể xác. Tôi rất sợ đau, có lẽ điều này là bởi tôi đã phải phẫu thuật phổi khi mới 19 tuổi.
- Cha có thấy áp lực không?
Có áp lực chứ. Tất cả mọi người đều thấy điều hành là một việc áp lực. Ngay bây giờ, tôi thấy khó khăn nhất chính là cường độ công việc cao ở đây. Tôi đang theo một tiến độ rất cấp bách như kiểu hội chứng cuối năm học, tức là vào cuối tháng 6 tới rồi đó. Và hàng ngàn chuyện cùng nhau ùa đến, vấn đề này kia … Rồi còn có các vấn đề về chuyện các bạn tranh luận xem tôi có nói hay không nói chuyện này chuyện khác nữa … Truyền thông cũng hay chộp lấy lời người khác mà không cần quan tâm đến ngữ cảnh. Một ngày nọ ở giáo xứ Ostia, gần Roma, tôi chào hỏi mọi người, và gặp những người cao tuổi cùng người bệnh. Họ ngồi và tôi đi quanh chào hỏi. Tôi nói, ‘Nhìn xem, thật là ngộ, khi ở đây là các cụ ông cụ bà và người bệnh. Tôi hiểu các bạn, bởi tôi cũng già và đau bệnh nữa, tôi có chút bệnh.’ Và hôm sau, trên mặt báo người ta viết: ‘Giáo hoàng thú nhận là mình bị bệnh.’ Bạn không thể nào đấu nổi truyền thông.
- Và cha đọc thấy tất cả những chuyện được đăng tải?
Không, không. Tôi chỉ đọc duy nhất một tờ báo, là tờ La Repubblica, truyền thông tin tức hằng ngày. Tôi đọc báo vào buổi sáng, và không quá 10 phút. Tôi không xem tivi từ năm 1990. Đây là lời hứa của tôi với Đức Mẹ Carmen vào đêm 15-7-1990.
- Vì một lý do đặc biệt nào đó?
Không, không, tôi chỉ nói rằng, ‘tivi không phải dành cho tôi.’
- Cha có xem các trận đấu của đội San Lorenzo không?
Tôi không xem gì cả.
- Vậy làm sao cha biết kết quả?
Có một vệ binh Thụy Sỹ cho tôi biết kết quả trận đấu và bảng xếp hạng hàng tuần.
- Trong số các cầu thủ, cha thích Messi hay Mascherano?
Tôi không biết, bởi tôi không thể phân biệt được phong cách thi đấu của hai người, vì tôi đâu có xem trận đá banh nào đâu. Messi có đến Vatican 2 lần, và thế thôi, tôi không xem đá banh.
- Còn lướt mạng internet thì sao?
Không có.
- Và còn chuyện phỏng vấn?
Trả lời phỏng vấn như là một ơn với tôi, bởi khi phải đối diện với một nhà báo, tôi đều thấy hồi hộp.
- Cha có quan sát Argentina từ Vatican không?
Argentina là một quốc gia với nhiều khả năng, và đã bỏ lỡ nhiều vận hội. Hồng y Quarracino từng bảo tôi như thế. Và thật là vậy. Chúng ta là một quốc gia đã phí mất quá nhiều thời gian suốt dòng lịch sử. Có vài chuyện xảy đến, với tất cả những tài vật của chúng ta. Như có chuyện rằng một vài đại sứ từng phàn nàn với Chúa, bởi vì Chúa đã ban cho Argentina quá nhiều tài vật, cả về nông nghiệp lẫn khai khoáng. Chúa lắng nghe và trả lời, ‘Không, để cân bằng, Ta đã cho họ người Argentina.’
- Cha có theo dõi những tiến triển chính trị ở Argentina không?
Hoàn toàn không, tôi đã cắt đứt các buổi tiếp kiến mang tính chính trị về Argentina, bởi tôi nhận ra rằng một vài người đang lợi dụng hình ảnh của tôi, nhưng thực sự cũng có những người đàm đạo và chụp ảnh chung với tôi. Nhưng để tránh điều này, thì không nên tiếp kiến riêng các chính trị gia, Nếu bạn đến các buổi tiếp kiến chung, thì tôi sẽ chào hỏi bạn. Tôi không biết bây giờ bầu cử ở Argentina ra sao, và ai là ứng viên. Tôi hình dung xem người lãnh đạo phải như thế nào, nhưng tôi không không biết rõ áp lực ở Argentina hiện giờ ra sao. Tôi có biết tin tức về Buenos Aires, bởi được đăng trên tờ La Repubblica.
- Cha có muốn được xem là một Giáo hoàng nghèo [El Papa Pobre] hay không?
Nếu thay một chữ, thì tôi sẽ trả lời là có. Như ‘gã nghèo’ chẳng hạn … (ngài bật cười) Nghèo khó là tâm điểm của Tin mừng. Chúa Giêsu đến để rao giảng cho người nghèo, nếu bạn loại sự nghèo khó khỏi Tin mừng, thì bạn sẽ chẳng hiểu được gì, bởi bạn đã loại đi mất cái cốt lõi rồi.
- Nghĩ rằng có thể triệt tận gốc nghèo đói, có phải là không tưởng hay không?
Có, nhưng sự không tưởng kéo chúng ta tiến tới. Thật đáng buồn khi một thanh niên thanh nữ mà lại không có sự không tưởng. Có 3 điều mà tất cả chúng ta cần có trong đời: ký ức, khả năng nhìn ra hiện tại, và hướng về tương lai không tưởng. Không được đánh mất ký ức. Khi người ta đánh mất ký ức, thì đó chính là tấn bị kịch bỏ rơi người già. Khả năng lý luận từ hiện tại, diễn giải và nhận thức xem nên đi đâu cùng với ký ức, xem những cội rễ căn nguyên của hiện tại, xem mọi chuyện ra làm sao, và như thế chính là cuộc sống của người trẻ và người trưởng thành. Còn tương lai, dành cho người trẻ và đặc biệt là trẻ em. Giữ ký ức, cùng với năng lực vận dụng hiện tại, nhận thức và hướng về phía trước với tâm thức không tưởng, đây chính là những việc của người trẻ. Vậy nên tương lai của một dân tộc được thể hiện trong việc chăm sóc cho người già, ký ức của chúng ta, và chăm lo cho người trẻ, những người đưa dân tộc tiến tới. Những người trưởng thành phải nhận thức được điều này, làm việc vì tương lai và trao tương lai cho con cái mình. Tôi từng đọc một câu rất hay rằng: ‘Thế giới này chúng ta nhận được, không phải chỉ là của thừa kế từ những tiền nhân, nhưng đúng hơn là một món vay mà chúng ta cần làm lợi để trao cho con cái.’ Nếu tôi cắt rời cội rễ của mình, và xóa bỏ ký ức thì nó cũng như một cái cây bị chặt gốc vậy, tôi sẽ chết. Nếu tôi chỉ sống trong hiện tại mà không hướng đến tương lai, thì cũng như một nhà điều hành không biết gì về dự án của mình. Việc gây ô nhiễm môi trường là một hiện tượng cho lối sống này. Phải có đủ cả ba, ký ức, hiện tại, tương lai.
- Cha thấy những căn bệnh trầm trọng nhất trong thế giới ngày nay là gì?
Nghèo đói, tham nhũng, buôn người … Tôi có thể lầm về con số thống kê, nhưng tôi hỏi anh xem, sau thức ăn, áo mặc, và thuốc thang, thì thứ gì người ta chi tiền mua nhiều nhất. Câu trả lời là mỹ phẩm, rồi đến thú cưng. Đây là chuyện nghiêm trọng. Chăm lo cho thú cưng bận rộn như chăm người yêu, tôi có thể làm cho con chó con mèo yêu thương tôi, và không cần cảm nghiệm tình yêu qua lại giữa con người nữa. Tôi hơi nói quá, không hẳn là đến mức như thế, nhưng đây là chuyện đáng lo.
- Tại sao cha luôn lặp lại ‘xin cầu nguyện cho tôi’?
Bởi tôi cần. Tôi cần được giữ vững nhờ lời cầu nguyện của mọi người. Đây là một nhu cầu nội tâm, tôi phải được lời cầu nguyện của mọi người nâng đỡ.
- Cha muốn người ta nhớ đến mình như thế nào?
Như một người tốt. Họ sẽ nói: ‘Đây là một người tốt, cố gắng làm việc tốt.’ Thế là đủ.
Juan Berretta (La Voz del Pueblo 24/5/15).
J.B Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)