MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Bốn quốc gia sẽ nắm vai trò chủ động trong Đạo Công Giáo Thế Kỷ 21

Năm 2001, Jim O’Neill của Goldman Sachs tạo ra kiểu nói “Các Quốc Gia BRIC” để chỉ các nước Brazil (Ba Tây), Russia (Nga), India (Ấn Độ) và China (Trung Hoa), là các nước được người ta cho sẽ là các siêu cường mới của địa cầu. Hiện nay, kiểu nói đó đã được biến thành BRICS để thêm vào South Africa (Nam Phi).

O’Neill và nhiều người khác, mới đây, còn thêm kiểu nói các quốc gia MINT để chỉ các quốc gia Mexico (Mễ Tây Cơ), Indonesia (Nam Dương), Nigeria và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) vì cả mấy quốc gia này cũng đang trở thành những tay chủ chốt đang mọc lông mọc cánh trong bàn cờ kinh tế và chính trị hoàn cầu.

Trong tinh thần ấy, nhà báo John Allen đề xuất kiểu nói các quốc gia PINS để chỉ các cộng đồng Công Giáo chủ chốt trên thế giới trong tương lai, đó là Philippines (Phi Luật Tân), India (Ấn Độ), Nigeria và South Korea (Nam Hàn). Tại bốn nước này, tương lai của Đạo Công Giáo thế kỷ 21, nhất là đối với những người nói tiếng Anh, đang ló dạng.

Tại cả 4 quốc gia nói trên, tiếng Anh đều giữ vai chủ chốt và tổng số người Công Giáo lên tới 130 triệu người, trong đó, 80.2 triệu người Công Giáo Phi, 19.7 triệu người Công Giáo Ấn, 25.5 triệu người Công Giáo Nigeria, và 5.3 riệu người Công Giáo Nam Hàn.

Tổng số người Công Giáo của bốn quốc gia nói trên gộp lại lớn hơn tổng số người Công Giáo của Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Úc, và Tân Tây Lan gộp lại mà truyền thống vốn coi là cái nôi của Đạo Công Giáo nói tiếng Anh. Và các tuyến xu thế đang chuyển vần theo hướng ngược lại: trong khi đức tin của nhóm sau đang chao đảo, thì đức tin của nhóm trước đang phát triển rầm rộ.

Cả bốn quốc gia trên đều có một nền kinh tế đang lớn mạnh, dù khác nhau về mức độ phát triển, một ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn lao hơn, và một số người khá lớn di dân ra khắp thế giới. Cùng với cánh tay vươn dài ra khắp thế giới ấy, lối sống Đạo Công Giáo của họ cũng đang được biểu lộ ở khắp mọi nơi.

Hoa Kỳ là một điển hình. Càng ngày nước này càng lệ thuộc các linh mục xuất thân từ ngoại quốc để giữ cho Giáo Hội tại đây sống còn; hàng năm, nước này tiếp nhận khoảng 300 linh mục ngoại quốc. Tại nhiều giáo phận Hoa Kỳ, nếu phải để các linh mục Phi, Ấn, Nigeria và Đại Hàn về nước của họ, thì có lẽ Giáo Hội ở đây phải yêu cầu vị cuối cùng tắt đèn trước khi ra đi vì đã đến lúc “hết làm ăn” được rồi.

Dưới đây là mấy dòng cho thấy mỗi quốc gia trong bốn quốc gia trên trở thành chủ yếu ra sao đối với Đạo Công Giáo thế kỷ 21.

Phi Luật Tân

Phi Luật Tân là quốc gia Công Giáo lớn thứ ba trên thế giới, và có lẽ là xã hội thấm nhập Đạo Công Giáo bậc nhất. Hơn 80 phần trăm dân số là Công Giáo, với trình độ đức tin và thực hành vượt xa các tiêu chuẩn Tây Phương.

Dù sao, chúng ta cũng đang nói tới một nước mà mỗi trung tâm buôn bán đều có nhà nguyện và thành phố nào cũng có những bảng chỉ dẫn viết đại khái: “Nên lưu ý: Các Thánh Lễ và Buổi Cầu Nguyện đang Luôn Luôn Diễn Ra”.

Ngày nay, tại rất nhiều nơi trên thế giới, người Phi Luật Tân tạo nên nhóm người dấn thân hơn cả trong số giáo dân Công Giáo tại đó. Như tại Saudi Arabia chẳng hạn, hiện có tới 1.5 triệu người Công Giáo mà phần đông là người Phi Luật Tân, xa quê hương, đang làm việc trong kỹ nghệ dầu hỏa hay trông nom việc nhà.

Phi Luật Tân hiện cũng đứng hàng 30 trong số các nước đứng đầu thế giới về kinh tế, dù hố phân cách giầu nghèo vẫn còn rất lớn. Nhưng nó cũng là nơi chủ nghĩa duy tục và sự đa dạng trong lối sống đang xuất hiện một cách dồn dập. Thành thử, Phi Luật Tân có cơ hội trở thành nơi trong đó, vai trò mới trong khung cảnh xã hội đa nguyên và thế tục sẽ được lên khuôn cho Giáo Hội.

Ấn Độ

Người Công Giáo chỉ chiếm 1.6 phần trăm dân số Ấn Độ, nhưng nước này dù rất lớn vẫn đang bức xúc với con số đáng kể gần 20 triệu người Công Giáo. Số người Công Giáo này lại đang có một khuôn mạo xã hội “quá khổ” (outsized) tại Ấn Độ, một phần vì hệ thống to lớn gồm nhiều trường học và dịch vụ xã hội của họ, và phần khác, vì sự sùng kính công cộng đối với Mẹ Têrêxa, vị thánh đã thành huyền thoại của người nghèo.

Song song với Trung Hoa, Ấn Độ là một trong các siêu cường đúng nghĩa của Á Châu, nhất là trong lãnh vực tiến bộ kinh tế nhanh chóng của nó. Phân tích gia tài chánh Nicholas Varney nói về sự biến đổi của Ấn Độ như sau: “Trong thập niên 1970, trẻ em tại Hoa Kỳ được dạy phải ăn hết thực phẩm trong đĩa ăn của chúng vì người ta đang chết đói tại Ấn Độ. Ngày nay, chúng được dạy phải làm xong bài làm ở nhà vì trẻ em bên Ấn Độ đang học hành chăm chỉ hơn và sẽ lấy hết việc làm của chúng”.

Ngoài cơ hội giúp điều hướng việc phát triển của một cường quốc mới của hành tinh, Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ có thể đóng một vai trò chủ yếu ít nhất trong hai phạm vi sau:

1. Đa số dân chúng là người Dalit, nghĩa là người “không thể đụng tới” theo hệ thống đẳng cấp cũ, và người “bộ lạc” nghĩa là thành viên các cư dân nguyên thủy của xứ sở. Cả hai nhóm này đều rất nghèo và bị đẩy qua bên lề; điều này có nghĩa người Công Giáo Ấn Độ có cơ hội khai triển một dịch bản Á Châu cho nền “thần học giải phóng”, có tiềm năng tránh được các thái quá ý thức hệ từng ngăn cản không cho phong trào thần học này phát triển trong Đạo Công Giáo Mỹ Châu La Tinh trước đây.

2. Các Kitô hữu Ấn Độ thường xuyên bị sách nhiễu và bách hại; tình thế này càng có cơ nguy hại hơn với một chính phủ do những người Ấn Giáo duy quốc gia đầy nhiệt tình lãnh đạo. Ấy thế nhưng, Ấn Độ cũng là nền dân chủ lớn nhất trên thế giới và là một quốc gia tự hào với gia tài hợp hiến trong tư cách một quốc gia thế tục; điều này có nghĩa người Công Giáo Ấn Độ có thể giúp hướng dẫn đất nước trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Vào lúc này đây, khi việc bách hại tôn giáo đang là một thách thức có tính hoàn cầu, điều vừa nói quả là một điển hình có giá trị.

Nigeria

Nigeria là quốc gia lớn nhất của Phi Châu ít nhất về ba phương diện: dân số, kinh tế, và mức sản xuất dầu hỏa. Nước này ý thức rất rõ vai trò một lực lượng vùng và cả hoàn cầu nữa của mình, trong cả việc lãnh đạo Công Giáo lẫn thành phần ưu tú của nó về chính trị và kinh tế.

Hiện nay, có 25 triệu người Công Giáo tại Nigeria, nhưng phối hợp các ước tính của Liên Hiệp Quốc về mức gia tăng dân số nói chung với tỷ lệ người lớn trở lại đạo trên trung bình, người ta cho rằng sẽ có khoảng 50 triệu người Công Giáo tại Nigeria vào năm 2050. Sự gia tăng này sẽ biến Nigeria thành nước Công Giáo lớn thứ 7 trên thế giới, vuợt cả Ý lẫn Pháp.

Nigeria tự hào có 7 chủng viện Công Giáo với trung bình từ 400 tới 500 người trẻ ghi danh học làm linh mục. Chủng Viện Bigard ở đông nam Nigeria, với sĩ số hơn 1,000 chủng sinh, được coi là chủng viện Công Giáo lớn nhất thế giới.

Mà không chỉ đúng với Công Giáo: với 19 triệu tín đồ, Nigeria có nhiều tín hữu Anh Giáo hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, trừ Anh Quốc nơi số tín hữu là 26 triệu. Ấy thế nhưng, vì các dị biệt về mức xác tín và hoạt động tôn giáo giữa Nigeria và Anh Quốc, người ta hầu như chắc chắn rằng Nigeria có số tín hữu thực hành Anh Giáo cao nhất so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Một phạm vi trong đó, Nigeria sẽ đóng một vai trò hàng đầu là các liên hệ giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo.

Giáo Sĩ Sani Isah của Đền Thờ Đường Waff ở Kaduna, thủ phủ miền bắc do Hồi Giáo chiếm đa số, hay nói rằng theo quan điểm tôn giáo, Nigeria là Saudi Arabia và Vatican hòa vào với nhau thành một. Nhưng đây là một hòa trộn khá bấp bênh vì có cả hàng chục triệu người Hồi Giáo bị khích động cao độ, và số người Công Giáo nhiệt thành thì cũng không kém. Đức TGM John Onaiyekan của Abuja có lần định nghĩa Nigeria, nước có số dân cao nhất Phi Châu: 140 triệu người, là “quốc gia Hồi và Kitô Giáo lớn nhất trái đất” vì đây là một đất nước có độ tập trung người Hồi Giáo và người Kitô Giáo lớn nhất trong cùng một khu vực.

Điều mà Nigeria có thể cung hiến cho thế giới là một mô thức liên hệ Hồi Kitô Giáo vừa có tính thực tiễn vừa có tính cân bằng hơn. Các Kitô hữu Nigeria biết chung sống hòa bình với người Hồi Giáo vì phần đông có hàng xóm, đồng nghiệp và bằng hữu theo Hồi Giáo. Đồng thời, kinh nghiệm vốn dạy họ tin rằng để cư xử với những người quá nhiệt thành, ưa bắt nạt về tôn giáo, phải dùng sức mạnh trả đũa sức mạnh.

Dưới ảnh hưởng Nigeria, cách tiếp cận của Công Giáo trong thế kỷ 21 với người Hồi Giáo và các cộng đồng tôn giáo khác chắc chắn sẽ phối hợp cả đối thoại và hợp tác thực tiễn trong các chính nghĩa bác ái và xã hội, đồng thời phải mạnh mẽ bảo vệ đức tin và sẵn sàng hơn trong việc đẩy lui các lạm dụng và bách hại hiện thời.

Nam Hàn

Nam Hàn có lẽ là quốc gia ngoại vi hơn cả trong số các quốc gia của khối PINS, vì cộng đồng Công Giáo ở đây chỉ có 5.3 triệu người. Ấy thế nhưng, vì nền kinh tế phát triển cao của họ và khuôn mạo tương đối giầu có và giáo dục cao của người Công Giáo ở đây, Giáo Hội hiện đang đóng một vai trò đáng kể trong sinh hoạt quốc gia và cả vùng.

Đạo Công Giáo phát triển nhanh ở đây, với hàng ngũ tín hữu nhẩy vọt 70 phần trăm giữa các năm 2004 và 2014. Sự gia tăng này phần lớn do các nhân tố: hình ảnh tích cực của Giáo Hội trong việc lãnh đạo phong trào phò dân chủ của Đại Hàn, mạng lưới rộng lớn các dự án phúc lợi xã hội và cách tiếp cận đầy kính trọng đối với nền linh đạo cổ truyền của đất nước.

Nói chung, Nam Hàn là một ngoại lệ đối với chuẩn mực Á Châu ở điểm Kitô Giáo không phải là một thiểu số nhỏ. Kitô hữu chiếm một phần ba dân số quốc gia, và đại diện cho một cộng đồng tôn giáo đơn thuần lớn nhất, nếu tính đến việc khoảng 45% người Đại Hàn không thực hành bất cứ thứ tôn giáo nào.

Giáo Hội ở Nam Hàn hiện ở trong tư thế có thể đóng góp ít nhất trong hai lãnh vực sau đây:

1. Kinh nghiệm phát triển Kitô Giáo của Đại Hàn độc đáo ở chỗ đức tin tới bán đảo này không nhờ các nhà truyền giáo ngoại quốc, mà là nhờ chính người giáo dân Đại Hàn, phần lớn là học giả và thương nhân, là những người đã gặp gỡ tôn giáo này tại Trung Hoa. Đạo Công Giáo thực sự đã phát triển tại Đại Hàn hơn một thế kỷ trước khi vị linh mục truyền giáo ngoại quốc đầu tiên đặt chân tới đây. Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới thăm xứ này hồi tháng Tám năm 2014, ngài thúc giục người Đại Hàn giúp hướng dẫn Giáo Hội hoàn vũ trong việc khai triển các mô thức mới cho việc lãnh đạo của giáo dân.

2. Người Công Giáo ở Nam Hàn cũng có cơ hội đặt nền cho đại kết bằng cách sáng tạo các phương cách mới mẻ để bắt tay với một hình thức Kitô Giáo trên thế giới đang lớn mạnh rất nhanh nhưng chưa định hình rõ rệt là Phái Ngũ Tuần.

Theo cuộc nghiên cứu năm 2006 của Tổ Hợp Pew Hoàn Cầu, từ non 6 phần trăm tổng số Kitô hữu giữa thập niên 1970, Phái Ngũ Tuần đã chiếm tới gần 20% dân số Kitô Giáo thế giới vào cuối thế kỷ 20.

Nam Hàn là một trong các trung tâm đang phát triển của Phái này. Cộng đoàn lớn nhất thế giới hiện nay chính là Nhà Thờ Phúc Âm Trọn Vẹn Yoido, một nhà thờ Ngũ Tuần tọa lạc tại một hòn đảo thuộc thủ đô Hán Thành. Mỗi Chúa Nhật, khoảng 250,000 tín hữu đã tới tham dự 9 buổi cử hành được dịch sang 16 ngôn ngữ cùng một lúc.

Sự kiện rất nhiều người Công Giáo và Ngũ Tuần cùng sống cạnh nhau và cả hai nhóm cùng có mức thành đạt cao về vật chất và giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, về lý thuyết, đã giúp họ có đủ sự gần gũi và tài nguyên để tạo ra các hình thức hiểu nhau mới mẻ hơn.

Vũ Van An

(Nguồn: Vietcatholic News)