MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nghịch lý của Đức Phanxicô, người cuốn hút được bên ngoài nhưng chưa thuyết phục được bên trong Vatican

Đức Giáo hoàng thường là đề tài của báo chí, Thông điệp vừa qua của ngài là một bằng chứng. Các lời tuyên bố, các quan điểm tiến bộ làm Vatican khó chịu nhưng lại có một tiếng vang khủng khiếp bên ngoài. Tuy vậy các ý hướng của Đức Giáo hoàng chưa chắc đã được hiểu rõ.

Bài phỏng vấn của tờ Alantico với Bernard Lecomte, tác giả quyển ‘Các bí mật Vatican.’

Atlantico: Vừa qua Thông điệp về môi sinh được nói đến rất nhiều. Nếu đại đa số dư luận quần chúng ủng hộ bước đi tới đàng trước và đón chào khuynh hướng tiến bộ của Đức Giáo hoàng thì Vatican không chia sẻ cùng tinh thần nồng nhiệt này. Đức Phanxicô có một mình chống lại với tất cả Giáo triều không?

Bernard Lecomte: Chắc chắn là không! Dù có một vài căng thẳng ở những nơi bảo thủ nhất của Giáo hội nhưng Đức Phanxicô không bao giờ “một mình chống tất cả mọi người”! Còn về Thông điệp Chúc tụng Chúa thì không phải chỉ ở Giáo triều mà còn ở một vài nơi bảo thủ Công giáo, phái tự do hay nơi những người “nghi ngờ khí hậu” nhất là ở Mỹ.

Và đó là ông Jed Bush, ứng viên vào Tòa Bạch Ốc của Đảng Cộng Hòa, ông nói “ông không đi lễ để đến đó nghe nói về kinh tế hay chính trị”. Còn, ông Greg Guffeld, người khó tả, người viết xã luận ở Fox News thì cho Đức Phanxicô là “người nguy hiểm nhất thế giới”. Thắng luôn cả Putin, Kim Jong-Un, phong trào Hồi giáo tự xưng, Al Quada! Người ta cũng ngạc nhiên không thấy hãng tin khuyên nên có vài cuộc không tập trên Vatican để cứu nước Mỹ không.

Một cách nghiêm túc hơn, Thông điệp của Đức Giáo hoàng được đón nhận tích cực lạ thường trên toàn thế giới – kể cả trong môi trường trí thức Pháp, điều hiếm khi xảy ra. Và không còn nghi ngờ gì, ngày ban hành giáo huấn của Đức Giáo hoàng trên diễn đàn thế giới về việc bảo vệ môi sinh sẽ là ngày quan trọng trong lịch sử Giáo hội tựa như thông điệp Hòa bình Thế giới của Đức Gioan XXIII năm 1963. Các nhận xét, các dè dặt đã được nghe chẳng hạn về sự “giảm phát triển”? Không sao! Một bản văn như vậy, với những đòi hỏi phải có thì không thể nào làm vừa lòng mọi người.

Đâu là các chủ đề tạo ra vấn đề và chính xác là ảnh hưởng ở Vatican?

Ở Vatican, cải cách nội bộ là sẵn sàng bị chống cự, cũng như kỳ họp thứ nhì của Thượng hội đồng vào tháng 10 sắp tới. Việc cải cách đã tiến hành: cách quản trị mới về tài chánh của Vatican đã thực hành, các thay đổi trong cơ cấu Giáo triều đã được tổ chức. Về thực chất, mọi cải cách đều làm xáo trộn thói quen và đương nhiên, sẽ không tránh khỏi bất bình. Còn đối với Thượng Hội đồng gia đình, vào cuối kỳ họp thứ nhất năm 2014 đã tạo một vài tranh luận gay gắt kể cả những hồng y này hồng y kia. Đáng kể là về thái độ ít nhiều cởi mở của Giáo hội với những người đồng tính hay những người ly dị tái hôn. Tôi nghĩ sẽ sai khi than phiền về các căng thẳng này vì nó đã đưa vào lòng Giáo hội một loại văn hóa thảo luận chỉ tốt cho Giáo hội mà thôi. Thế kỷ 21 không mở đường cho một thể chế nào và Giáo hội là thể chế xưa cố nhất, lớn nhất hành tinh với những xác quyết dứt khoát hoặc những cấm đoán không hủy bỏ được.

Hơn bao giờ hết giáo hoàng phải làm trọng tài giữa quan điểm tiến bộ chưa từng có của mình ở Vatican và các giáo điều của Giáo hội Công giáo. Đâu là các giới hạn hành động? Đức Phanxicô có thể càng ngày càng bị cô lập hơn không?

Ông dùng chữ “tiến bộ” giống như một vài báo Pháp gọi Đức Phanxicô là “cách mạng” hay “cánh tả”. Chắc chắn những chữ này thích hợp trong môi trường chính trị nhưng dứt khoát nó không phù hợp trong lãnh vực tôn giáo. Chắc chắn Giáo hoàng Phanxicô là người dám làm, năng động, kiên quyết, gây cảm hứng, quảng đại, khéo léo, can đảm vv, nhưng ngài không “cánh tả” cũng không “cánh hữu”! Bạn muốn để Đức Phanxicô ở trong “trại” nào khi ngài tố cáo chủ nghĩa tư bản là người hủy hoại môi sinh, khi ngài kêu gọi đoàn kết với người di dân, nhưng ngài luôn lên án nạn phá thai và hôn nhân đồng tính? Mọi giáo hoàng đều vừa “tiến bộ” vừa “bảo thủ”, tiến bộ khi ngài kêu gọi thức tỉnh lương tâm, bảo thủ khi ngài giữ di sản giáo điều Phúc Âm!

Một cách tổng quát, giáo dân có thật sự hiểu ngài muốn nói gì không? Các quan điểm của ngài đôi khi có quá dứt khoát đối với một giáo hoàng không…

Giáo dân sẽ hiểu ngài muốn nói gì khi họ cố gắng nghe ngài, đọc bài viết của ngài và tôi nói thêm, suy niệm một chút về những gì ngài nói. Nhất là đọc 192 trang Thông điệp Chúc tụng Chúa mà dưới mắt Kitô hữu, nó thể hiện, mọi sự đều “liên hệ, đều dính với nhau”, như ngài nói, rằng bảo vệ môi sinh không thể tách ra với việc bảo vệ con người và sự sống. “Hoán cải môi sinh” theo đó giáo hoàng kêu gọi tất cả mọi người là hoán cải buộc phải “toàn diện”, ngược với các dấn thân nửa vời, với các người trục lợi hay các chính trị gia, không nói đến những người cuối cùng lại đi thần thánh hóa thiên nhiên, quên đi chính con người mới xứng đáng để được huy động, chứ không phải là hành tinh!

Bạn nói các quan điểm của ngài rất “dứt khoát”, bạn có lý. Để dùng lại chữ trong Thánh Kinh, Đức Phanxicô không phải là người “nguội lạnh”. Chúng ta những người Âu châu, chúng ta phải quen với một giáo hoàng đến từ Nam bán cầu và xem Châu Âu trước hết là một châu lục giàu có và ích kỷ! Cũng như những người Công giáo của các nước xưa cổ, chúng ta bắt đầu hiểu giáo hoàng người Argentina này không chờ họ bảo trì di sản tôn giáo của mình nhưng họ phải đi truyền giáo, đi ra khỏi các ngôi nhà thờ cũ của mình để đi loan báo Tin Mừng cho những người ở vùng “ngoại vi”.

Tình trạng này sẽ tiên đoán cho Thượng hội đồng sắp tới vào mùa thu này như thế nào?

Mùa thu này sẽ có hai sự kiện quan trọng. Buổi họp về môi sinh ở Paris nơi Thông điệp Chúc tụng Chúa sẽ được trích ra, có thể người Pháp sẽ không trích nhưng rất nhiều đại diện các nước khác sẽ trích, ông sẽ thấy! Và Thượng hội đồng gia đình sẽ họp vào tháng 10 tại Roma, các hồng y và các giám mục sẽ dao động giữa sự tôn trọng tỉ mỉ một giáo điều bất di bất dịch và sự cầu viện đến lòng “ thương xót “ bao la của Chúa mà Đức Giáo hoàng muốn dâng kính Năm Thánh là Năm của Lòng Thương xót.

Giữa hai khuynh hướng này, sẽ có những trao đổi đôi khi rất cương quyết, người ta đã cảm thấy rõ, nhất là việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ – vấn đề này bề ngoài có vẻ như vô hại nhưng thật sự nó đụng đến giáo điều ở mức sâu thẳm nhất : sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân chia? Câu trả lời sẽ là không nhưng như thế nó có phù với lòng thương xót vô bờ của Chúa không? Khi những vấn đề này – dù đôi khi rất đau đớn – đụng đến lịch sử hai ngàn năm của Giáo hội có hơn một tỷ giáo dân thì người ta hiểu, không thể trả lời nhanh chóng bởi một chữ có hay không! (atlantico.fr, 2015-06-30)

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)