MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

ĐHY Peter Turkson kêu gọi xây dựng một mô thức phát triển thực tế đa chiếu kích

MILANO: ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, kêu gọi xây dựng một mô thức phát triền thực tế bao gồm nhiều chiều kích khác nhau.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài thuyết trình tại Hội chợ quốc tế EXPO 2015 ở Milano, bắc Italia ngày 12 tháng 9 vừa qua. Ngài khẳng định rằng trên nhiều khía cạnh có thể định nghĩa Hội chợ quốc tế EXPO là một ảo tưởng, vì nó là một nơi nhân tạo, tưởng tượng, được dự phóng và xây dựng với hai mục đích: cho phép toàn thế giới giới thiệu mình qua mẫu tự thực phẩm, thúc đẩy nhân loại đặt các nghi vấn nền tảng liên quan tới sự sống còn và hạnh phúc của mình. Tại hội chợ quốc tế người ta có thể khâm phục óc sáng tạo phong phú liên quan tới các sản phẩm, cũng như nếm hưởng được sự khác biệt và giầu có của nền văn hóa. Trong lịch sử của mình con người đã tìm ra biết bao nhiêu phương thức để chế biến các sản phẩm thiên nhiên thành lương thực, và soạn thảo cả một loạt các thực hành trình bầy ý nghĩa sâu xa nhân chủng học của việc ăn uống. Hội chợ quốc tế chứng minh cho thấy trí thông minh của con người, khả năng hiểu biết các luật lệ thiên nhiên, và sử dụng nó để biến đổi thực tại trở thành nơi có thế ở và sống được hơn. Các đại hội, các buổi thảo luận và hội học là bằng chứng sự phong phú của cuộc gặp gỡ giữa các tư tưởng và quan điểm.

Tuy nhiên, cũng trong Hội chợ quốc tế người ta nhận ra sự khác biệt, xa cách, bất bình đẳng và sự gian ác nữa. Vì không phải mọi người đều có thể hưởng nhờ sự phong phú của việc tạo dựng và các sản phẩm ngoại thường do tài khéo của con người làm ra. Chỉ cần nhìn vào vài con số thống kê do ĐTGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, đưa ra trong các cuộc thảo luận về các mục tiêu phát triển ngày 23 tháng 4 năm nay, thì đủ hiểu: Các tiến triển đạt được trong hai thập niên qua giúp 660 triệu người ra khỏi cảnh nghèo túng, nhưng các con số do Ngân Hàng Thế Giới đưa ra cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để loại bỏ nạn nghèo: vì hiện nay trên thế giới còn có 1,2 tỷ người không có điện, 870 triệu người thiếu dinh dưỡng, 780 triệu người không có nước trong lành để uống. Đây là điều ĐTC Phanxicô gọi là “cái mâu thuẫn của sự dồi dào”: có thực phẩm cho mọi người, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể ăn, trong khi sự phung phí, loại bỏ, tiêu thụ qúa đáng, và dùng thực phẩm cho các mục đích khác hiển nhiên trước mắt chúng ta. Làm sao trong một thế giới có khả năng đạt biết bao nhiêu kết qủa, mà lại còn có nhiều người nghèo như thế, mà không loại trừ được nghèo đói và thiếu dinh dưỡng?

Tiếp đến ĐHY Turkson duyệt qua tình hình thế giới, và khẳng định rằng các đường lối chính trị phát triển mà thế giới đang theo đuổi, là cuộc chiến chống lại người nghèo, vì con người, phẩm giá và các quyền của nó bị loại bỏ, không còn là trung tâm của các phát triển kinh tế, kỹ thuật và tài chánh nữa, mà thay vào đó là tiền bạc và các lợi nhuận. Các mục tiêu và đường lối chính trị phát triển phải dùng để chống nghèo túng, chứ không phải để loại trừ người nghèo. Lộ trình phát triển mà nhân loạị đã theo trong hai thế kỷ qua có mục đích cải tiến các điều kiện sống và giải phóng con người khỏi đói khát và nghèo túng. Nhưng nó dựa trên một ý tưởng sai lầm cho rằng các tài nguyên của trái đất vô hạn, và các hệ thống môi sinh có thể tái sinh vô tận, cho phép phát triển vô giới hạn. Thảm cảnh ô nhiễm môi sinh chứng minh cho thấy ngược lại.

Mô thức duy kỹ thuật khiến cho người ta có hai ảo tưởng: cho rằng kinh tế có thể phát triển vô giới hạn, và có thể tìm ra một giải pháp thuần túy kỹ thuật cho mọi vấn đề. Sự tin tưởng thái quá vào kỹ thuật dẫn đưa tới chỗ đánh giá thấp sự phức tạp của các vấn đề, và không biết tới tầm quan trọng của tương quan giữa các khía cạnh khác nhau của thực tại. Ngoài ra, còn có một giản lược nữa đó là chủ trương tức thời, nhấn mạnh thái quá trên các kết qủa ngắn hạn hay rất ngắn hạn. Nó ghi dấu trên kinh tế tài chánh chỉ nhắm tới lợi nhuận tức khắc tối đa, và cả trên chính trị nhằm tìm sự đồng thuận hơn là tìm công ích.

Chính vì thế cần phải đổi hướng để xây dựng một mô thức phát triển thực tế đa chiều kích: môi sinh, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa liên đới giữa các thế hệ và vùng miền, nhắm thăng tiến cuộc sống thường ngày của mọi người và thăng tiến công ích. (SD 12-9-2015)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)