Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, tại cuộc họp báo của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh về Thượng Hội Đồng hôm nay, có sự hiện diện của hai đại biểu các Giáo Hội anh em. Đó là Đức Giám Mục Tim Thornton của Hiệp Thông Anh Giáo, đại diện cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury, và Thượng Phụ Stephanos của Estonia, đại diện Thượng Phụ Đại Kết Constantinople.
Lên tiếng về sự quan trọng của việc đào tạo các gia đình tốt lành ngày nay, Đức Giám Mục Thornton nói: “Làm thế nào ta có thể khuyến khích mọi cá nhân thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô? Đối với tôi, đó là tập chú cần có. Chúng ta cố gắng và giúp mọi cá nhân hiểu làm môn đệ nghĩa là gì rồi sau đó họ lên khuôn cho cuộc sống gia đình của họ, bất cứ nó như thế nào, tôi nghĩ đó là đường lối đúng và là mục tiêu”.
Đức Giám Mục Thornton cho hay ngài nghĩ một trong các vấn đề lớn mà các đại biểu Thượng Hội Đồng đang đối diện là mối căng thẳng giữa địa phương và hoàn vũ. Một số vấn đề có thể được giải quyết tốt hơn nhiều ở bình diện địa phương, do đó, có sự căng thẳng giữa việc cần bao nhiêu phụ đới và cần bao nhiêu khuôn khổ hoàn vũ.
Thượng Phụ Stephanos nói rằng Thượng Hội Đồng là một trải nghiệm tích cực. Ngài cho hay: công việc ngoại thường đã hoàn tất và nhiều vấn đề đã được trình bầy. Ngài nói: “các vấn đề qúi vị đang đương đầu không khác các vấn đề chúng tôi hiện có, tất cả chúng ta đều đang dò dẫm”. Trong các nhận xét của mình, ngài cho biết: “không hề có các câu trả lời dễ dàng” ấy thế nhưng Giáo Hôi phải dấn thân với những vấn đề khó khăn.
Trả lời một câu hỏi về “con đường thống hối” dành cho người ly dị tái hôn và việc cho phép họ rước lễ trong Giáo Hội Chính Thống, Thượng Phụ giải thích rằng chỉ có một Giáo Hội Chính Thống duy nhất nhưng có nhiều cách phát biểu khác nhau về Giáo Hội. Theo ngài, ngài nhận thấy “chiều kích nhân bản của các bí tích” đang được hiểu tốt hơn tại Thượng Hội Đồng. Ngài nói: “Các nghị phụ dần dần đã tiến tới chỗ hiểu điều chúng tôi gọi là ‘nhiệm cục [kết cấu] cứu rỗi’. Điều này có nghĩa: mỗi người đều có một chỗ và một vị trí trong nhiệm cục ơn thánh và do đó lòng thương xót là quan trọng”.
Đức Hồng Y Walter Kasper vốn đề nghị rằng Giáo Hội nên hướng về Giáo Hội Chính Thống Đông Phương để tìm ra cách giải quyết các vấn đề liên quan tới việc ngăn cấm người ly dị tái hôn rước lễ.
Đức Giám Mục Thornton thì cho hay: Hiệp Thông Anh Giáo vẫn giữ vững cái hiểu truyền thống về hôn nhân. Ngài nói rằng: hiện không có đường ranh rõ nét giữa tín lý và mục vụ và cả hai cần được nhìn trong bối cảnh thần học rộng hơn. Ngài cũng cho biết: điều không may là Tài Liệu Làm Việc không nói nhiều hơn tới bối cảnh lịch sử của hôn nhân vì hôn nhân không luôn thuộc lãnh vực của Giáo Hội; nó xẩy ra trễ hơn nhiều khi các cặp kết hôn đến với Giáo Hội để được chúc phúc.
Cuộc họp báo được tường trình rằng các cuộc thảo luận tại hội trường đã gây xúc động hơn nhiều trong hai phiên họp mới nhất của Thượng Hội Đồng. Bản chất bản thân của các góp ý đã lộ rõ qua sự kiện nhiều góp ý trình bầy chính các trường hợp mục vụ có thực. Một số giám mục đọc cho hội trường nghe cả các lá thư viết cho các ngài từ những người được các ngài chăm sóc và hiện đang bị thương tổn.
Một số chủ đề cũng đã được trình bầy trong các góp ý. Các chủ đề này bao gồm: sinh sản và ngừa thai (thần học của Humane Vitae đã được nói tới); các thay đổi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu; bạo lực, loạn luân và lạm dụng tình dục trong các gia đình và “tử đạo vì im lặng”; việc chăm sóc người cao niên và giá trị của họ trong xã hội; việc huấn luyện các cha mẹ vì họ đào tạo các thế hệ tương lai, và các đại công ty và các vấn đề kinh tế đã tạo áp lực ra sao lên các cha mẹ khiến họ phải làm nhiều giờ hơn và việc này làm gián đoạn cuộc sống gia đình.
Các đại biểu của Thượng Hội Đồng cũng đã nghe nhiều góp ý cho rằng có thể có ba giải pháp: không làm gì cả, tiến theo “con đường thống hối’ như đã được Đức Hồng Y Walter Kasper phác thảo hay đứng vững và tái khẳng định lập trường hiện nay của Giáo Hội.
Thượng Phụ Stephanos nói rằng đôi khi ngài thất vọng trước cung cách tường trình về Thượng Hội Đồng của giới truyền thông. Theo ngài, họ có khuynh hướng tìm tòi những chuyện gây tai tiếng, chứ không tường trình những điều tích cực được phát biểu tại đây. Ngài cho biết: các quan điểm dị biệt đâu có gì là tai tiếng, chúng chỉ cho thấy các giám mục thực sự coi trọng trách nhiệm mục vụ của các ngài và muốn đáp ứng tốt nhất đối với các đòi hỏi của dân Chúa.
Đức Giám Mục Thornton nói thêm rằng ngài thích được thấy nhiều vấn đề quan trọng được bàn tới hơn, như di dân và nghèo đói. Theo ngài, các vấn đề quanh chuyện ly dị và tái hôn dường như là tập chú chính.
Cha Lombardi thì cho rằng ngài đã được nghe chữ “đồng hành” rất nhiều lần tại Thượng Hội Đồng, “Giáo Hội cần phải đồng hành với các cá nhân, các cặp vợ chồng và các gia đình”. Theo ngài, các đại biểu quả quyết rằng điều quan trọng là các gia đình được huấn luyện để đồng hành với nhau vì khi làm thế, họ trở nên “các nhà truyền giáo” cho các gia đình khác. Ngài cho biết thêm: các đại biểu đã nói tới tầm quan trọng của sự thân mật tính dục trong tương quan với Phép Thánh Thể. Trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu nói rằng: “đây là mình Thầy được ban cho các con”, đó chính là điều vợ chồng làm cho nhau.
Sẽ không có buổi họp báo nào nữa về Thượng Hội Đồng cho tới chiều thứ Hai. Các đại biểu đã trở lại làm việc trong các Nhóm Nhỏ vào chiều thứ Sáu và sẽ tiếp tục làm việc ở đó cho tới thứ Ba.
Chủ đề tính dục
Theo hãng tin Zenit, tại cuộc họp báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm nay, chủ đề tính dục đã được chú trọng.
Vào chiều thứ Năm, Thượng Hội Đồng đã nghe 30 góp ý vừa được định trước vừa có tính “đột xuất”. Vào sáng thứ Sáu, Thượng Hội Đồng đã nghe góp ý của 12 đại biểu các Giáo Hội anh em.
Chiều thứ Sáu, các nghị phụ đã trở lại các nhóm nhỏ để thảo luận phần ba của Tài Liệu Làm Việc.
Cha Lombardi cho biết: Ủy Ban soạn thảo văn kiện sau cùng đã bắt tay vào làm việc để tổng hợp mọi tường trình của các nhóm nhỏ về hai phần đầu của Tài Liệu Làm Việc. Cùng họp báo với ngài có đại diện của các nhóm nhỏ.
Cha Lombardi nói rằng: trong cuộc thảo luận, các ngài “đã nhiều lần trở lại với ý niệm phải làm cho người ta hiều rõ: việc trợ giúp và chuẩn bị hôn nhân cho các cặp Kitô hữu và cho những người đang sống trong các tình huống khó khăn chủ yếu đòi có sự tham gia của những cặp vợ chồng Kitô hữu có kinh nghiệm; những người này có thể thông đạt kinh nghiệm của họ theo lối truyền giáo cho những người khác và là nơi tốt nhất để những người này được tiếp đón”.
Liên quan tới vấn đề trên, cha Lombardi trích dẫn một góp ý “về tính dục và tầm quan trọng của các liên hệ tính dục trong đời sống vợ chồng và gia đình, cả trong tương quan với việc hòa giải hàng ngày của vợ chồng lẫn trong chiều kích sâu xa hơn và có tính “Thánh Thể” hơn tức chiều kích tự hiến: các ngài thừa nhận rằng chính trải nghiệm của các cặp vợ chồng phải hướng dẫn Giáo Hội trong lãnh vực này để tìm ra giải đáp, vì họ là những người có kinh nghiệm chân thực nhất”.
Chính vì thế, phát ngôn viên của nhóm nói tiếng Ý giải thích rằng các góp ý hôm qua gây xúc động nhiều hơn vì chúng là “các chứng từ bản thân của các dự thính viên”.
Cha Manuel Dorantes, phát ngôn viên của nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, nhắc đến một góp ý về việc giáo dục giới tính và chuẩn bị hôn nhân, yêu cầu Giáo Hội bước vào lãnh vực này một cách rõ ràng vì việc đào tạo về tính dục hiện nay rất tiêu cực và thảm hại. Thường các cha mẹ không nói với con cái về vẻ đẹp của tính dục, để mặc việc này cho nền giáo dục công cộng. Giáo Hội cần đảm trách vai trò này để trình bầy tin vui về tính dục con người như là con đường của tình yêu chứ không phải là con đường của tội lỗi.
Theo Zenit, tại cuộc họp báo này, Thượng Phụ Stephanos cho biết: trong dị biệt tính dục, ta tìm được sự thành toàn của hành vi nhân linh. Ngài nói: “ta không thể bác bỏ được sự dị biệt này; không thể có biến hóa nếu không có sự di biệt này. Bởi thế Giáo Hội có một vai trò để đóng, không những [vì lợi ích] tín lý mà còn đem sự sống tiến lên”.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)