MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo về Học Viện Công Giáo Việt Nam

Ngày 15 tháng 9, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo Tòa Thánh đã phê chuẩn quyết định thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục phó giáo phận Xuân Lộc, và là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dành cho VietCatholic buổi phỏng vấn sau.

Sr. Minh Du: Thưa Đức Cha, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận được phép thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam từ phía chính phủ Việt Nam và từ Bộ Giáo dục Công Giáo của Toà Thánh. Vậy công việc chuẩn bị hiện nay ra sao và bao giờ HVCGVN chính thức hoạt động?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Xin kính chào toàn thể ban biên tập Vietcatholic và quý vị độc giả.

HĐGMVN đã nhận được từ Nhà Nước Việt Nam và Tòa Thánh giấy phép cho thành lập HVCGVN. Đây là sự kiện rất quan trọng, vì nhờ đó, công việc chuẩn bị cụ thể có thể được tiến hành.

HVCGVN là một cơ cấu học vấn mới tại Việt Nam đã được HĐGMVN quyết định và thông báo từ năm 2010. Sau đó, nhiều việc đã được thực hiện, nhưng để chính thức hoạt động, HVCGVN còn cần có thêm thời giờ chuẩn bị. HVCGVN dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào năm học 2016 – 2017. Ngày khai giảng có thể sẽ vào giữa tháng 9 năm 2016.

Công việc chuẩn bị cần phải thực hiện để HVCGVN có thể bắt đầu hoạt động là một công việc đa dạng, phức tạp. Tuy nhiên, công việc chuẩn bị hiện nay không bắt đầu từ số không, vì đây là Dự án của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho Giáo Hội Việt Nam và trong 5 năm vừa qua, nhiều việc đã được thực hiện. Ngoài ra, dự án HVCGVN được sự đồng tình hỗ trợ của các Giáo phận và các Dòng Tu (Hội Dòng hay Tỉnh Dòng) đang hoạt động tại Việt Nam, đáp ứng lòng mong chờ của nhiều người thuộc mọi thành phần Dân Chúa. Do đó, có thể nói là HVCGVN đã được chuẩn bị từ năm năm qua.

Việc chuẩn bị gần cho HVCGVN bắt đầu hoạt động đang được thực hiện cách cụ thể qua việc thành lập những cơ cấu căn bản. Dưới đây là những cơ cấu đã được thành lập và đã bắt đầu hoạt động:

- Hội đồng điều hành Học viện;
- Ban giáo sư;
- Chương trình học;
- Ban Thư ký và các Tiểu Ban
- Cơ sở

Sr. Minh Du: Thưa Đức Cha HVCGVN sẽ có bao nhiêu Khoa và những chuyên ngành nào?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Vào thời điểm khởi đầu này, HVCGVN sẽ tổ chức Khoa Thần Học, với hai chuyên ngành: Thần học Thánh Kinh và Thần học Tín Lý. Tôi hy vọng sau ít năm họat động, khi chương trình và cơ cấu đã vững chắc, HVCGVN sẽ mở thêm chuyên ngành Thần học Mục vụ để đáp ứng các khía cạnh đa dạng của công tác mục vụ trong Giáo Hội, chẳng hạn, Mục vụ Giáo lý, Mục vụ Giới trẻ, Mục vụ Gia đình, Mục vụ Di dân, v.v.

Sr. Minh Du: Những tiêu chuẩn để một sinh viên được nhận vào HVCGVN là gì ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Chương trình học của Khoa Thần học trong Giáo Hội có 3 cấp, gọi là 3 Chu kỳ.

- Chu kỳ I là Chu kỳ căn bản, kéo dài 5 năm. Kết thúc chương trình học và vượt được các kỳ thi của chương trình, sinh viên sẽ được cấp Văn bằng Cử nhân Thần học. Với Văn bằng Cử nhân Thần học, sinh viên có thể được ghi danh vào học Chu kỳ II.

- Chu kỳ II là Chu kỳ chuyên môn và kéo dài hai hay ba năm, tùy theo chuyên ngành. Kết thúc chương trình học và hội đủ các điều kiện của Chương trình, sinh viên sẽ được cấp Văn bằng Thạc Sĩ Thần học.

- Chu kỳ III là chu kỳ nghiên cứu chuyên ngành, kéo dài chừng ba năm, tùy theo khả năng làm việc của mỗi sinh viên. Kết thúc chương trình học và hội đủ các điều kiện của Chương trình, sinh viên được cấp Văn bằng Tiến sĩ Thần học theo chuyên ngành. Để được ghi danh vào học Chu kỳ III, sinh viên phải có Văn bằng Thạc sĩ Thần học, với số điểm tối thiểu được ấn định.

Năm học 2016 – 2017 HVCGVN sẽ bất đầu mở Chu kỳ II, còn Chu kỳ I sẽ được bắt đầu sau. Để ghi danh vào Chu kỳ II, ứng sinh phải có văn bằng Cử nhân Thần học, hoặc đã học hết chương trình tại các Đại Chủng viện hay tại các Học viện Thần học của các Dòng. Các ứng sinh ghi danh sẽ phải tham dự cuộc Thi Tuyển được HVCGVN tổ chức vào cuối tháng 6 hay đầu tháng 7/2016. Các ứng sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu chương trình học của Năm Dự Bị trong năm học 2016 – 2017 để cuối năm học, sẽ thi lấy bằng Cử nhân Thần học và bắt đầu chương trình chuyên ngành vào năm 2017 – 2018. Các ứng sinh trúng tuyển, nếu đã có bằng Cử nhân Thần học sẽ không bó buộc phải theo học Năm Dự Bị.

Những chi tiết cụ thể sẽ được Văn phòng HVCGVN thông báo vào những ngày đầu năm 2016.

Sr. Minh Du: Văn bằng cấp cho sinh viên HVCGVN khi tốt nghiệp, có sánh ngang với các trường thần học quốc tế không?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: HVCGVN đã được Bộ Giáo dục Công Giáo công nhận như một Khoa Thần học biệt lập, sau khi đã duyệt xét hồ sơ. Trong cuốn Niên Giám của Tòa Thánh năm 2016, sẽ có tên của HVCGVN (Catholic Institute of Viet Nam) trong danh sách các Đại học Công Giáo trên thế giới được Tòa Thánh Công nhận. Do đó, văn bằng Thần học được HVCGVN cấp sẽ có giá trị như văn bằng Thần học của tất cả các Khoa Thần học trên thế giới.

Sr. Minh Du: Thưa Đức Cha, văn phòng của HĐGMVN có nhỏ quá đối với một HVCG không? Trong tương lai xa, HVCGVN có dự án gì về cơ sở không ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Để bắt đầu, HVCGVN được phép sử dụng phòng của Trụ sở HĐGMVN tại đường Trần quốc Toản, số 72/12, Tp HCM. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Trong tương lai, HVCGVN sẽ phải có cơ sở riêng, đáp ứng vào nhu cầu của Học viện. Ngoài ra, chúng ta hy vọng là trong tương lai không xa, Giáo Hội sẽ được tham gia vào công tác giáo dục nói chung và lúc đó, HVCGVN sẽ mở ra các ngành học khác. Do đó, HVCGVN mơ ước có được một khoảng đất rộng có khả năng đáp ứng những nhu cầu nói trên. Không nên chỉ nghĩ đến công việc hiện tại đang làm, nhưng còn phải chuẩn bị để các thế hệ con cháu, khi hoàn cảnh cho phép, có điều kiện đáp ứng vào sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội.

Sr. Minh Du: Thưa Đức Cha, trong chương trình đã hoạch định, HVCGVN có nghĩ đến việc mời thêm các giáo sư ngoại quốc không ạ?

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: HVCGVN ao ước có sự cộng tác của các giáo sư ngoại quốc. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách cho các Đại học ngoài xã hội được mời các Đại học ngoại quốc về cộng tác để nâng cao kiến thức của sinh viên, không có lý gì HVCGVN không nghĩ đến việc mời các giáo sư ngoại quốc. Trong quy chế sinh hoạt của HVCGVN được Chính phủ chấp thuận cũng đã có chiều hướng này.

Đầu năm 2014, bản thống kê các vị có văn bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ các ngành Thần học và Triết học, thuộc các Giáo phận và Dòng tu nam nữ tại Việt Nam, cho thấy có 75 vị có bằng Tiến sĩ, 193 vị có bằng Thạc sĩ. Cho dù số các vị có bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ Thần học tại Việt Nam khá nhiều, HVCGVN vẫn ao ước có sự hiện diện và giảng dạy của các giáo sư ngoại quốc. Sự hiện diện và lời giảng dạy của các ngài sẽ giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn và kiến thức.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần phải chuẩn bị khả năng sinh ngữ, đặc biệt Anh ngữ, của sinh viên, vì giáo sư ngoại quốc, có thể có những vị không nói tiếng Việt. Ngoài ra, cũng còn phải có điều kiện tài chánh.

Sr. Minh Du: Tương lai xa hơn của HVCGVN là gì, xin Đức Cha chia sẻ thêm với chúng con.

Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo: Còn nhiều điều cần chia sẻ về HVCGVN, nhưng tôi chỉ xin chia sẻ ba điều.

- Nhiều người nô nức khi nghe tin HVCGVN được thành lập và tỏ lòng ao ước thấy HVCGVN đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức thần học và mục vụ của các thành phần Dân Chúa, gồm cả anh chị em giáo dân. Đây cũng là mong ước của HĐGMVN khi cho thành lập HVCGVN. Tuy nhiên, không ai có thể làm mọi việc cùng một lúc, nhất là trong thời gian khởi đầu. Trong giai đoạn đầu này, HVCGVN sẽ thực hiện những điều nền tảng để thành lập được Khoa Thần học. Các nhu cầu khác sẽ được từ từ đáp ứng.

- Một giấc mơ xa, thật xa. Đó là HVCGVN sẽ từ từ phát triển để đáp ứng nhu cầu, không phải chỉ của Giáo Hội tại Việt Nam và cả những nước trong khu vực. Khi sang Roma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, tôi có dịp nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Nagasaki (Nhật Bản) và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Laos – Republica Khmer, các ngài tỏ lòng mong ước Việt Nam mở Đại học Công Giáo để các ngài có thể gửi chủng sinh sang học. Cả các nhân viên Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng cầu mong cho HVCGVN không những chỉ phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam, mà cả Giáo Hội tại các nước trong khu vực. Viễn tượng này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó Ban Giáo Sư có khả năng truyền đạt kiến thức thần học bằng Anh ngữ là một yếu tố không thể thiếu.

- HVCGVN là chương trình của Giáo Hội Việt Nam. Đây là một chương trình lớn, đòi hỏi nhiều cố gắng, với sự tham dự, cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa. HVCGVN ao ước được sự hỗ trợ của các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo hữu không phải chỉ tại Quê hương Việt Nam, mà còn có sự đóng góp nhân lực, vật lực của các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo hữu tại Hải ngoại. Người Công Giáo sinh sống ở đâu thì hội nhập vào Giáo Hội địa phương tại đó. Tuy nhiên, trong tinh thần và tình cảm, chắc chắn người Công Giáo Việt Nam ở đâu cũng vẫn gắn bó với Tổ Tiên và Quê Cha, Đất Mẹ. Sự hỗ trợ của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại không chỉ cần thiết vì nhu cầu vật chất, nhưng còn có một ý nghĩa thiêng liêng sâu sa về tinh thần hiệp thông. Nếu sự cộng tác này được thực hiện, HVCGVN vừa là hoa trái của sự hiệp thông, vừa là niềm hãnh diện cho mọi người Công Giáo Việt Nam, ở tại Quê Hương Việt Nam cũng như ở hải ngoại.

Sr. Minh Du: Con xin cảm ơn Đức Cha đã dành thời gian cho chúng con. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đức Cha, ban đào tạo và những người có tâm huyết với HVCG này.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du

(Nguồn: VCN)