MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đừng mất sự tin tưởng trong gia đình

‘Chúng ta đừng mất sự tin tưởng trong gia đình! Thật đẹp khi chúng ta có thể luôn mở lòng mình với người khác, và không giấu diếm điều gì. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó cũng có thông hiểu và tha thứ.’

Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng lễ Thánh Gia, đánh dấu Năm Toàn xá Lòng Thương xót. Nói với các gia đình giáo phận Roma và những người hành hương ở quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng ngỏ lời:

‘Các gia đình thân mến, cha giao cho tất cả các con sứ mạng quan trọng nhất này, cuộc hành hương bên trong đời sống gia đình, một sự mà thế giới và Giáo hội cần hơn bao giờ hết.’

Nhắc lại đoạn kinh thánh về chuyến hành hương của Thánh Gia lên đền thờ Jerusalem, Đức Phanxicô chỉ ra rằng, ‘điều quan trọng là gia đình chúng ta cùng đi với nhau đến một mục tiêu duy nhất! Chúng ta biết rằng chúng ta có một con đường để đi với nhau, một con đường qua đó chúng ta gặp các khó khăn, nhưng cũng gặp được những thời khắc vui mừng và an ủi. Và trên cuộc lữ hành đời sống này, chúng ta cũng cùng chia sẻ với nhau trong những lời cầu nguyện.

Con gì đẹp hơn thế, còn gì đẹp hơn một người cha người mẹ chúc lành cho con cái mình vào đầu và cuối ngày, làm dấu thánh giá lên trán con, như đã làm trong lễ rửa tội vậy? Đây chẳng phải là lời cầu nguyện đơn giản nhất mà bậc cha mẹ có thể làm cho con cái mình sao? Chúc lành cho con cái, nghĩa là tín thác chúng cho Chúa, như ông Elkanah và bà Anna, thánh Giuse và Đức Mẹ, để Chúa là che chở và nâng đỡ cho chúng suốt ngày.’

Rồi Đức Giáo hoàng nhấn mạnh lần nữa về những hành vi cụ thể. Điều quan trọng với các gia đình là cùng đọc kinh ngắn trước bữa ăn, để tạ ơn Chúa vì những tặng vật này và để học biết cách chia sẻ những gì mình nhận được cho những ai đang cần đến hơn. Đây là những hành vi nhỏ, nhưng hướng đến một vai trò đào luyện lớn của gia đình trong cuộc lữ hành đời sống thường nhật.’

Rồi Đức Phanxicô tập trung vào việc Chúa Giêsu về lại Nazareth sau khi lên Jerusalem. ‘Cuối cuộc hành hương, Chúa Giêsu về lại Nazareth và vâng phục cha mẹ. Hình ảnh này cũng chứa đựng một giáo huấn thật đẹp về gia đình. Một cuộc lữ hành không kết thúc khi chúng ta đến đích, nhưng là khi chúng ta về nhà và trở lại cuộc sống thường nhật, đưa các hoa trái cảm nghiệm thiêng liêng vào thực hành.

Chúng ta biết Chúa Giêsu đã làm gì thời đó. Thay vì về lại nhà với gia đình, Ngài ở lại Jerusalem, trong Đền thờ, khiến cho Đức Mẹ và thánh Giuse lo lắng vì không tìm được Ngài. Vì chuyện ‘trốn nhà’ nho nhỏ này, Chúa Giêsu phải xin cha mẹ mình tha thứ. Kinh thánh không nói đến, nhưng cha tin là chúng ta thấy là có. Hơn nữa, câu hỏi của Đức Mẹ là một bộc lộ cho thấy cảm giác lo âu và đau lòng đến thế nào của người cha người mẹ lạc con. Khi trở về nhà, chắc chắn Chúa Giêsu vẫn gần gũi với hai đấng, một dấu chỉ của tình cảm và sự vâng phục tột độ của Ngài.’

Đức Phanxicô kết lời, ‘Trong Năm Thánh Lòng Thương xót, mọi gia đình Kitô có thể trở nên một nơi hành hương trên hành trình cảm nghiệm niềm vui của tha thứ. Tha thứ là yếu tính của tình yêu, tha thứ có thể hiểu được sai phạm và sửa đổi chúng. Chúng ta sẽ khốn nạn thế nào, nếu Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta! Trong gia đình, chúng ta học cách để tha thứ, bởi chúng ta chắc rằng chúng ta được thông hiểu và nâng đỡ, cho dù phạm sai lầm đến thế nào.’


Trong buổi kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha cũng tập trung vào chủ đề gia đình. Trước khi đọc kinh, Đức Phanxicô nhắn nhủ, ‘Niềm vui đích thực chúng ta cảm nhận được trong gia đình, hoàn toàn không phải là một chuyện ngẫu nhiên mà có. Niềm vui này là kết quả của một sự hòa hợp sâu sắc giữa mọi người, thể hiện vẻ đẹp khi ở cùng nhau, nâng đỡ nhau trong hành trình cuộc sống. Và Thiên Chúa luôn luôn là tâm điểm của niềm vui này, với tình yêu thương của Ngài chào đón, thương xót, và nhẫn nại với tất cả mọi người. Nếu như gia đình không mở cánh cửa của mình với sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa, thì gia đình mất hòa hợp, và chủ nghĩa cá nhân thắng thế xua đi niềm vui. Nhưng một gia đình sống niềm vui cuộc đời, thông truyền niềm vui đó cách bộc phát, thì gia đó là muối cho địa cầu và ánh sáng cho thế gian, là men của toàn xã hội.

Thánh Gia là trường học cho các gia đình thời nay. Gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse là gương mẫu cho tất cả mọi người có đức tin, và đặc biệt là cho các gia đình, là trường học đích thực trong Tin mừng. Mọi gia đình có thể nhìn vào mẫu gương của Thánh Gia và rút ra từ đó những gì hữu ích cho lối sống và chọn lựa của đời mình. Gia đình có thể rút lấy sức mạnh và khôn ngoan từ Thánh Gia để tiếp tục hành trình thường nhật của mình. Đức Mẹ và thánh Giuse, dạy chúng ta đón nhận con cái mình như ơn Chúa ban, nuôi dạy chúng tương hợp với việc làm của Đấng Tạo Hóa, và cho thế giới một nụ cười mới.

Trong các gia đình hiệp nhất, con cái lớn lên và trưởng thành, sống trong cảm nghiệm đầy ý nghĩa về tình yêu tri ân, trìu mến ân cần, tôn trọng lẫn nhau, thông hiểu lẫn nhau, tha thứ và vui mừng.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse, chúc lành và bảo vệ mọi gia đình trên thế giới, để cho niềm vui và thanh thản, công lý và hòa bình mà Chúa Kitô sinh ra để đem lại cho nhân loại, ngự trị trong gia đình.’

Sau khi cảm ơn một nhóm các trẻ hát vang trên quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng chào tạm biệt. ‘Cha gởi lời thăm hỏi nồng ấm đến tất cả mọi gia đình trên quảng trường. Cha cảm ơn vì chứng tá của các con. Nguyện xin Chúa ở cùng các con, nâng đỡ các con với ơn Chúa trên hành trình thường nhật của mình.’

Mauro Pianta (Vatican Insider) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)