Hôm 13.1, tại TP Quy Nhơn, Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước. Một trong những thành công của Hội thảo là đã có thêm những nghiên cứu, phân tích, đánh giá về sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ.
Tham gia đoàn chủ tọa Hội thảo có các thành viên: GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Công Đức, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh; Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các nhà nghiên cứu ở Bình Định tích cực tham gia
Trong tổng số 22 tham luận Ban tổ chức Hội thảo nhận được có liên quan đến sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, có đến hơn một nửa là của các nhà nghiên cứu ở Bình Định. Chịu khó đầu tư nhiều thời gian, công sức để thực hiện nhiều tham luận nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (Sở VH-TT&DL) với tham luận: “Nước Mặn - nơi phôi thai khởi nguyên chữ Quốc ngữ”; “Quan trấn thủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa với việc hình thành chữ Quốc ngữ”; “Chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai ở Nước Mặn của Christophoro Borri trong tác phẩm Tường trình về Khu truyền giáo Đàng Trong”; “Nhà in Làng Sông- một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam”; “Bình Định- nơi có phong trào dạy và học “Quốc ngữ” mạnh nhất “Đông Đàng Trong” những năm đầu thế kỷ XX”.
Các nhà nghiên cứu khác ở Bình Định cũng đã có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá về “Chữ Quốc ngữ với Bình Định như là một định mệnh qua bản Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” (PGS.TS Võ Xuân Hào, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn); “Cảng thị Nước Mặn và sự hình thành chữ Quốc ngữ” (TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Trường Đại học Quy Nhơn); “Một thời Nước Mặn là trung tâm khởi đầu La tinh hóa tiếng Việt và sáng chế ra chữ Quốc ngữ’’ (Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân); “Vùng đất Bình Định với công cuộc La tinh hóa tiếng Việt ở nửa đầu thế kỷ XVII” (TS. Trần Quốc Tuấn và ThS. Nguyễn Công Thành, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn).
Trong tham luận “Vai trò các thừa sai Dòng Tên trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định” trình bày tại Hội thảo, linh mục Võ Đình Đệ (TP Quy Nhơn) đã ví von chữ Quốc ngữ chúng ta đang sử dụng như dòng sông không ngừng chảy trong lòng dân tộc suốt gần 400 năm nay. Sau khi đưa ra nhiều tư liệu lịch sử, cùng sự nghiên cứu, phân tích đánh giá của mình, linh mục Đệ nhìn nhận: “Lúc bấy giờ Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ trong giai đoạn mà linh mục Léopold Cadière, nhà nghiên cứu khoa học, sử học, ngôn ngữ học và tôn giáo dân tộc học gọi là “hình thái tiên chinh của chữ Quốc ngữ, một thứ chữ Quốc ngữ trước thời linh mục Đắc Lộ”. Ngoài ra, cư sở Nước Mặn cũng là “Trường Quốc Ngữ” đầu tiên được linh mục Buzomi vừa là người tổ chức, vừa là thầy dạy cho các thừa sai đến sau... cho thấy nguồn cội phát tích “dòng sông Quốc ngữ” chính là Nước Mặn”.
Vai trò quan trọng của Bình Định đối với việc hình thành chữ Quốc ngữ cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu trong cả nước phân tích trong Hội thảo.
Gắn bó với công việc nghiên cứu ngôn ngữ, chữ viết cổ đại, ông Nguyễn Thành Thống (hiện đang ở TP Nha Trang) đã trình bày tại Hội thảo nhiều thông tin, phân tích sâu sắc về chủ đề “Chữ Quốc ngữ và môi trường Bình Định”. Theo ông Thống, Nước Mặn là nơi huấn luyện và đào tạo các nhà phiên dịch, lâu đời nhất ở Việt Nam. Đa số các thừa sai Dòng Tên đều học tiếng Việt ở “Trung tâm Việt ngữ Nước Mặn” này. Tiêu biểu và xuất sắc nhất phải kể đến là Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar Luís, Girolamo Majorica, Giovanni Maria Leria… Các thừa sai Dòng Tên khi đến Nước Mặn, công việc đầu tiên là để học tiếng Việt. Đây cũng là công việc chính và chủ yếu. Chữ Quốc ngữ đã được manh nha, định hình, phát triển, thành tựu trong một khoảng thời gian kéo dài được phân chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có mang dấu ấn rõ nét của một số người.
Ông Thống cho rằng chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể nhưng có điểm xuất phát, có nguồn gốc và lúc đầu nó đã được “cấy” trong một môi trường nào đó, hoặc những môi trường nào đó. “Chữ Quốc ngữ đã từng được “cấy” trong môi trường Bình Định, cụ thể là môi trường Nước Mặn, một cơ sở truyền giáo của người Công giáo... Nước Mặn nói riêng và Bình Định nói chung là một trong những cái nôi chữ Quốc ngữ, điều này không có nghĩa đây chỉ là nơi khởi đầu của chữ Quốc ngữ mà thôi. Bình Định đã cụ thể hóa chữ Quốc ngữ qua những sản phẩm in qua Nhà in Làng Sông, về sau còn gọi là Nhà in Quy Nhơn”, ông Thống nhấn mạnh trong tham luận của mình.
Tìm hiểu về vai trò của Bình Định giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ, Th.S Trương Anh Thuận (Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đã tham khảo và kế thừa những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, những tài liệu được ghi chép bởi các thừa sai đương thời, đặc biệt là tư liệu của các giáo sĩ đã có thời gian truyền giáo và học tiếng Việt ở Nước Mặn. Trên cơ sở đó, đi sâu nghiên cứu, để có cái nhìn toàn diện, khách quan trong quá trình đánh giá vai trò của Bình Định ở giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỉ XVII, đặt trong mối quan hệ đối sánh với một số địa phương khác và trong toàn bộ tiến trình lịch sử chữ Quốc ngữ.
Ông Thuận cho rằng trừ “cái nôi” Nước Mặn, Bình Định, thừa sai Pina đã được lĩnh hội một vốn tiếng Việt dồi dào để sau đó khi trở lại cư sở Hội An, ông đã đem cái vốn ấy truyền lại cho thừa sai Alexandre de Rhode - một trong những người có vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ sau này. Dù chưa thể chứng minh bằng phương pháp định lượng “yếu tố Bình Định” chiếm bao nhiêu phần trăm trong toàn bộ vốn tiếng Việt của thừa sai Pina, trong khi đó, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của “tiếng Quảng” đối với vị thừa sai này như một số nhà nghiên cứu đã từng khẳng định. Tuy nhiên, với khoảng thời gian từ 1618 đến 1620 học và thông thạo tiếng Việt ở Nước Mặn, như ghi chép trong tài liệu tường trình của thừa sai Borri, thì ông Thuận nhìn nhận có lẽ chính vùng đất Bình Định là nơi ít nhất đã trang bị cho ông một nền tảng tiếng Việt căn bản đầu tiên, để từ đó tiếp tục tiếp thu và bồi đắp vốn tiếng Việt của mình ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, trong số các thừa sai học tiếng Việt tại Nước Mặn, Bình Định, đã có không ít giáo sĩ trở thành người tiên phong trong việc La tinh hóa.
Ông Thuận nhận xét: “Có thể thấy rằng, đầu thế kỉ XVII, vùng đất Nước Mặn, Bình Định đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc, lĩnh hội tiếng Việt của các thừa sai dòng Tên, để tạo tiền đề quan trọng cho việc chế tác chữ Quốc ngữ ngay tại thời điểm bấy giờ và cả giai đoạn sau đó. Dẫu biết rằng chữ Quốc ngữ là công trình tập thể, là sự nghiệp chung của nhiều thế hệ nhà truyền giáo, sự hình thành của nó mang đậm âm hưởng phương ngữ của nhiều vùng đất khác nhau, trong đó phải kể đến vùng Hội An, Thanh Chiêm ở Quảng Nam. Tuy nhiên, với những tài liệu lịch sử khách quan được chính các giáo sĩ đương thời ghi chép, kết hợp với những suy luận mang tính khoa học, giới nghiên cứu hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng chủ đạo của vùng đất Bình Định trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ”.
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phát biểu kết luận tại Hội thảo: “Tôi thích ý tưởng của linh mục Võ Đình Đệ. Ông coi sự ra đời của chữ Quốc ngữ như một dòng sông, và nguồn của dòng sông đó là Nước Mặn. Tôi chỉ bổ sung thêm dòng sông chữ Quốc ngữ do nhiều con suối tạo nên, trong đó Nước Mặn là 1 con suối, Thanh Chiêm là 1 con suối, Hội An là 1 con suối.
Tôi nghĩ rằng không nên coi chữ Quốc ngữ là 1 sự kiện gắn với 1 con người, 1 địa điểm quá chật quá hẹp. Đây là hiện tượng văn hóa - xã hội có cả quá trình dài với sự tham gia của nhiều người. Vì vậy, đi tìm 1 người, 1 nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ là điều hết sức chủ quan. Phải nhìn rộng ra Bình Định trong vị trí của dinh Quảng Nam, trong vị trí của Đàng Trong thì đây là một trong những nơi có thể là ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ cùng với Hội An, Thanh Chiêm. Trong 3 trung tâm này thì Nước Mặn có quyền tự hào là nơi ra đời chữ Quốc ngữ sớm hơn. Bình Định trong đó có Nước Mặn giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu phôi thai nảy nở chữ Quốc ngữ. So với những nơi khác, Nước Mặn vẫn còn một số di tích cần được quan tâm gìn giữ, nghiên cứu thêm.
Hoài Thu
(Nguồn: baobinhdinh.com)