Vào ngày khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo Hội hoàn vũ (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2015), Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng, đã khánh thành Phòng Khám An Bình tại Giáo họ Hà Bình, Giáo xứ Vân Đõa, Giáo phận Đà Nẵng.
Hôm nay đúng một tháng sau ngày khánh thành Phòng Khám, Vietcatholic xin phép được phỏng vấn Đức Cha Giuse về sự kiện quan trọng này của Giáo phận.
PV: Kính thưa Đức Cha, chúng con xin chia sẻ niềm vui của Giáo phận khi có phòng khám An Bình. Xin Đức Cha cho độc giả Vietcatholic biết sơ lược về lịch sử hình thành phòng khám này.
Đức Cha Giuse: Kính chào quý độc giả và cám ơn Anh Vinh đã chia sẻ niềm vui. Từ hai mươi năm trước, Tòa Giám mục Đà Nẵng đã quan tâm đến sức khỏe của dân nghèo trong địa bàn Giáo phận, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam xa xôi, nên đã thiết lập một Phòng khám Tình Thương sát gần Tòa Giám mục, ở số 154 Trần Phú, do các Nữ tu Dòng Phaolô đảm trách, và sự trợ giúp của một số y, bác sĩ thiện nguyện. Với những trang thiết bị tối thiểu, phòng khám này chẩn bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo mỗi tuần 3 ngày, hướng dẫn các bệnh nhân nặng hơn đến các bác sĩ và bệnh viện chuyên khoa trong thành phố. Nhận thấy việc di chuyển của người nghèo về thành phố khám chữa bệnh cũng không hề đơn giản, các nữ tu đã tổ chức những chuyến đi thăm và khám chữa bệnh lưu động về các địa bàn xa xôi hiểm trở nhất thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng những nỗ lực của họ so với nhu cầu của dân nghèo chỉ như muối bỏ biển. Từ đó, ý tưởng xây dựng một phòng khám đa khoa ở ngay vùng duyên hải để phục vụ dân nghèo đã được đề xuất bàn bạc và được sự đồng thuận giữa Tòa Giám mục với Chính quyền tỉnh Quảng Nam. Vùng đất duyên hải huyện Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam thuận lợi về địa thế đã được chọn để tiến hành dự án “Phòng Khám Đa khoa Đông Thăng Bình”.
Theo sự thỏa thuận đôi bên của dự án này, chính quyền tỉnh Quảng Nam cấp đất, xây dựng tường rào, sân vườn và hạ thế điện; Tòa Giám mục Đà Nẵng kêu gọi tài trợ để xây dựng cơ sở và trang thiết bị y tế. Khi hoàn thành, Tòa Giám mục và tỉnh Quảng Nam sẽ giao toàn bộ cơ sở cho huyện Thăng Bình quản lý điều hành. Đầu năm 2005, Tòa Giám mục bắt tay xây dựng công trình trên 8000 mét vuông đất được chỉ định, tọa lạc tại thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển gần 200 mét, và chính quyền địa phương cũng thực hiện phần của mình.
Khi công trình đi vào giai đoạn hoàn thiện, vào năm 2006, hai cơn bão lớn liên tiếp đã làm tê liệt nhiều hoạt động trong vùng. Bão Chanchu vào tháng 5 ngoài khơi biển Đông đã cướp đi sinh mạng của 200 dân chài, và siêu bão Xangsane vào đầu tháng 10 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Phòng khám gồm 07 khối nhà trệt với tổng diện tích xử dụng gần 2000 mét vuông cũng bị thiệt hại nặng nề phần mái, tường rào đổ ngã, móng tường sạt lở. Tiếp sau đó là những thông tin về thay đổi qui hoạch vùng duyên hải, ảnh hưởng đến vị trí phòng khám, công trình vì thế bị bỏ dang dỡ, hoang phế.
Năm 2010, Chính quyền và Tòa Giám mục bàn bạc tái khởi động dự án. Đến năm 2012, một bước ngoặc lớn đã làm thay đổi dự án ban đầu, theo đề nghị của Tòa Giám mục Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đồng thuận để Tòa Giám mục đứng ra hoàn thiện công trình và cả điều hành phòng khám, theo một dự án mới mang tên “Phòng Khám Đa Khoa An Bình”. Trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, Tòa Giám mục đã hoàn tất việc xây dựng cơ bản, tìm kiếm đối tác điều hành. Ngày 08/12/2015 vừa qua, ngày khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, công trình phòng khám đã được khánh thành phần xây dựng.
PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết về việc điều hành cũng như hoạt động của phòng khám An Bình.
Đức Cha Giuse: Được giấy phép rồi, việc xây dựng đã khó, nhưng tổ chức điều hành phòng khám còn khó hơn, nhất là đối tượng chăm sóc là dân nghèo. Với định hướng mục vụ đa dạng và rộng mở, Giáo phận Đà Nẵng trong những năm qua đã kêu mời và tiếp đón các dòng tu về cộng tác mục vụ truyền giáo. Vì thế, chúng tôi nghĩ ngay đến Dòng Bệnh viện, tức là Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, có Nhà Mẹ Tỉnh Dòng tại Hố Nai, thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Và cũng thật may mắn, Tỉnh Dòng đã đáp lại lời kêu gọi, sẵn sàng trở lại Giáo phận Đà Nẵng, nơi các tu sĩ thuộc Dòng đã từng hiện diện hoạt động trước năm 1975. Ngày 04/8/2014, hai Tu sĩ đầu tiên đã được chính thức gửi ra Đà Nẵng, trong đó có một trong số vài linh mục hiếm hoi của Dòng: Cha Phêrô Nguyễn Minh Thắng.
Song song với việc xây dựng do Tòa Giám mục đảm trách, các tu sĩ đã xúc tiến làm việc với các cơ quan hữu quan của Chính quyền tỉnh Quảng Nam. Ngày 24/10/2014, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên “Phòng Khám Đa Khoa An Bình” đã ra đời do Tu sĩ Linh mục Phêrô Nguyễn Minh Thắng làm Giám đốc, với đầy đủ tư cách pháp nhân để tổ chức điều hành việc khám chữa bệnh cho dân. Tại sao lại là một công ty? Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có hai hình thức thể chế hóa công tác xã hội, một là “trung tâm bảo trợ xã hội” hoàn toàn miễn phí; nếu có thu chi, phải hoạt động dưới hình thức một công ty. Ngoài việc khám chữa bệnh, nhà dòng còn tính đến việc đăng ký mua bán, nuôi trồng, bào chế dược thảo để hỗ trợ cho việc từ thiện sau này, cũng như đón nhận những bệnh nhân có khả năng đóng góp tài chánh để tạo nguồn kinh phí điều hành cho phòng khám.
Sau khi nhận bàn giao từ Giáo phận vào ngày 08/12 vừa qua, Nhà Dòng cần một thời gian nữa để sắp đặt nhân sự, tuyển mộ nhân viên và lắp đặt trang thiết bị, hy vọng có thể đăng ký chuyên môn và khai trương hoạt động vào đầu quý II năm 2016 này. Hai nữ tu chuyên môn Dòng Phaolô Đà Nẵng đã được cử vào cộng tác với các Thầy để tạo sức sống cho cơ sở mới mẻ và bề bộn này.
PV: Thưa Đức Cha, theo lệ thường thì người ta thích mở phòng khám ở trung tâm thành phố, nhưng phòng khám An Bình thì lại nằm ở vùng thôn quê có thể nói là hẻo lánh. Xin Đức Cha cho chúng con biết ý định của Đức Cha cũng như những ích lợi và khó khăn trong hoạt động của phòng khám.
Đức Cha Giuse: Đây cũng là thắc mắc của một số người hiện diện trong lễ khánh thành vừa qua. Như tôi đã nói trên đây, nếu những cơ sở y tế đều tập trung ở thành phố hay nơi thị tứ, thì dân nghèo ở vùng sâu vùng xa quá thiệt thòi, ngay cả phòng khám bệnh và cấp thuốc miễn phí đặt ở thành phố của chúng tôi hiện nay cũng xa tầm tay của người nghèo ở thôn quê. Cũng như nếu các y bác sĩ đều bị cuốn hút về thành phố, thì dân nghèo ở xa biết nhờ cậy ai khi ốm đau hoạn nạn. Ngày nay, với chính sách xã hội hóa về y tế, nhiều bệnh viện tư đã được xây dựng và hoạt động, nhưng hầu hết tập trung ở thành phố hoặc nơi đô hội, thu hút các y bác sĩ bỏ nông thôn lên thành thị làm việc. Nhiều trạm xá ở nông thôn không còn y bác sĩ nữa.
Trước thực trạng này, tôi nghĩ, vì không nhằm lợi nhuận, chúng ta cần quan tâm mang cơ hội và phương tiện chăm sóc y tế đến cho những người nghèo sống xa thành phố. Anh hỏi về ích lợi và khó khăn à? Có tất cả, nhưng là ích lợi cho người nghèo trước hết và cả ích lợi tinh thần cho những ai quan tâm đến người nghèo. Còn khó khăn thì đương nhiên rồi, không tính xuể, nhưng tôi tin rằng khi bắt đầu làm một điều gì ích lợi cụ thể cho người nghèo, chúng ta sẽ kết nối được với nhiều trái tim nhân hậu và bàn tay làm phúc khác ở đâu đó gần xa quanh chúng ta. Ngoài ra, tôi hy vọng những khó khăn về cơ chế và thủ tục ngày càng được tháo gỡ, để ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức, nhất là các tôn giáo, có thể tiếp cận với các loại hình công tác xã hội hướng đến người nghèo.
PV: Xin Đức Cha chia sẻ thêm cho chúng con những thao thức của Đức Cha về ý nghĩa mục vụ và truyền giáo khi thực hiện phòng khám này.
Đức Cha Giuse: Trong xã hội Việt Nam hiện nay, hai từ truyền giáo vẫn còn là một điều gì dễ gây hiểu lầm và dị ứng, thậm chí còn bị hạn chế hay cấm cản đó đây. Quyền tự do tôn giáo lại không gắn liền với quyền tự do truyền giáo. Hiển nhiên là khi một tổ chức tôn giáo đứng ra làm công tác xã hội, thì ít nhiều gì công tác đó cũng mang màu sắc tôn giáo. Vì thế, đối với người Công Giáo, công tác xã hội còn được gọi là mục vụ xã hội. Đối tượng của mục vụ này không phân biệt lương giáo. Vì vậy, đôi khi người này người kia xin tòng giáo cũng là chuyện bình thường, vì khi qua tiếp xúc, người ta có thể cảm nhận được một nếp nghĩ, một lối sống thích hợp, đáp ứng khát vọng tín ngưỡng vốn có nơi tâm linh mỗi người. Đây không thể nói là lạm dụng công tác xã hội để truyền giáo. Nếu ai đó theo đạo vì được hưởng lợi lộc vật chất, thì người ấy thật đáng ngờ; và tôn giáo nào dùng lợi ích vật chất để chiêu dụ tín đồ, thì tôn giáo đó cũng không còn đáng tin. Mong đừng ai nghi ngại chuyện này nữa.
Điều quan trọng ở đây tôi nghĩ là sự hiện diện và cảm thông chia sẻ. Giáo Hội không tách con cái mình ra khỏi đồng loại, nhưng muốn đặt họ giữa loài người với tất cả những khác biệt và hạn chế, để hiện diện, cảm thông và bao dung với hết mọi thành phần xã hội. Khi tham gia công tác xã hội, đối tượng là con người, Giáo Hội cũng giúp thăng tiến đời sống xã hội, nhất là trách nhiệm đối với người nghèo. Chứng từ tôn giáo có được ở đây là “cách cho hơn của cho”, phát xuất từ đức tin, niềm hy vọng, lòng bác ái, chứ không phải là những thành tích để thuyết phục hay công trạng để được tuyên dương.
Phòng khám được xây dựng trên định hướng đó. Chính quyền tỉnh Quảng Nam dường như đã chân nhận điều này, không những tin tưởng giao cho chúng tôi đất để xây dựng và điều hành phòng khám, chấp thuận sự hiện diện của các tu sĩ linh mục ở đây, còn đồng thuận với đề nghị của tôi khi thiết lập một họ đạo biệt lập với chỉ một nhóm nhỏ giáo dân giữa đại chúng lương dân. Tôi tin tưởng rằng các tu sĩ Dòng Bệnh viện này vừa chăm sóc sức khỏe phần xác cho mọi người, mà cũng có thể chăm sóc thiêng liêng cho những ai có nhu cầu.
Tại thành phố Đà Nẵng, cũng trên tinh thần đối thoại này, năm 2012, Chỉnh quyền Thành phố đã tin tưởng giao 15 ngàn mét vuông đất nội thành trong khu qui hoạch Hòa Xuân, để Giáo phận cộng tác trong việc dạy nghề cho giới trẻ. Tòa Giám mục đã mời Dòng Salêdiêng Don Bosco về đảm nhận việc xây dựng và điều hành ngôi trường này. Trước đó, năm 2010, Thành phố cũng đã giao cho Giáo phận 10 ngàn mét vuông “đất vàng” sát cạnh Trung tâm Mục với mục đích xây dựng một ngôi trường tương lai. Chúng tôi không ngừng thúc giục và đợi chờ một chính sách giáo dục thông thoáng hơn để có thêm nhiều thành phần xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục cấp thiết này, nhất là các tôn giáo. Giáo phận đang mời chào các dòng tu chuyên môn về lãnh vực giáo dục về cộng tác mở trường.
PV: Xin Đức Cha cho chúng con một vài nhận định về “cái thuở ban đầu” hoạt động của phòng khám An Bình và những mong ước của Đức Cha trong thời gian tới.
Đức Cha Giuse: Khi khánh thành và bàn giao cơ sở phòng khám cho Dòng Trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa, cùng Thầy Giám Tỉnh Matthêu Trần Đoàn Phi ký kết hợp đồng mục vụ trước mặt đại diện các thành phần Dân Chúa Giáo phận vào chính ngày lễ trọng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi như người vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ dài. Bước vào tuổi 60, tôi đã sống 40 năm dài dưới chế độ Cộng sản như một chủng sinh, linh mục rồi giám mục, với một trăn trở và ước mơ không nguôi là làm cho anh em Cộng sản hiểu biết, tin tưởng và tôn trọng Giáo Hội. Tôi có cảm tưởng điều này đang diễn ra, ít là trên vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng này. Vừa mừng vừa lo, vì tôi còn mong ước làm sao để chúng ta thực hiện cách toàn tâm toàn ý và đầy hiệu quả, không phụ lòng tin tưởng và đợi chờ của mọi người, qua những công việc mà chúng ta tham gia trong đời sống xã hội.
Tôi xin cám ơn Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, tôi hiểu các Tu sĩ đã rất dũng cảm khi nhận lãnh trách nhiệm nặng nề này. Đang hoạt động ở một môi trường ổn định và sung túc vùng Hố Nai với 80% dân số là Công Giáo, anh em phải chia nhau khăn gói về một vùng đất xa xôi, nghèo khó, sống giữa lương dân. “Cái thuở ban đầu” cũng như hoài bão của tôi về phòng khám mà tôi muốn trả lời cho phóng viên hôm nay chính là tinh thần của những Tu sĩ tiên phong này, đặc biệt là Cha Phêrô Nguyễn Minh Thắng. “Đi ra vùng ngoại vi” chính là sự thúc đẩy của Thánh Thần qua lời mời gọi tha thiết của Giáo Hội, phải là tinh thần và định hướng của chúng ta, lúc này hơn lúc nào hết.
Giáo phận Đà Nẵng cũng đã dốc hết tâm huyết và tiềm lực để cùng anh em và những người thành tâm thiện chí xây dựng nơi đây thành một “Ốc Đảo Tình Thương”, với phương châm “Ai Biết Thương Xót – Sẽ Được Xót Thương”, được khắc ghi bên cạnh tên của Phòng Khám An Bình ngay tiền sảnh. Tôi tin tưởng Phòng Khám An Bình sẽ là một địa chỉ tốt mà “những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề” sẽ tìm tới để được“nâng đỡ và bổ sức”.
PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết địa chỉ liên lạc của Phòng Khám An Bình.
Đức Cha Giuse: - Phòng khám An Bình: Tổ 5, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Điện thoại và fax: (0510) 3679 279 , Email: anbinh44@gmail.com
- Giám đốc: Cha Phêrô Nguyễn Minh Thắng, O.H.
Điện thoại: 091 933 7661 , Email: pethangoh@gmail.com
PV: Chúng con xin cám ơn Đức Cha, và một lần nữa xin chúc mừng Đức Cha, chúc mừng Giáo phận và phòng khám. Cầu xin Lòng Chúa Thương Xót tiếp tục tuôn đổ hồng ân trên Đức Cha và công việc Đức Cha thực hiện.
Đức Cha Giuse: Xin cám ơn Cha Giám Đốc, Ban Biên Tập và độc giả Vietcatholic.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
(Nguồn: VCN)