MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Từ ba năm nay, có một giáo hoàng “xây cầu”


Từ khi được bầu chọn ba năm nay, Đức Phanxicô dấn thân đến những vùng căng thẳng, những nơi có trạng huống bi thảm của nhân loại, những nơi bị lãng quên trên thế giới. Trong một thế giới đa cực, vừa lệ thuộc qua về, vừa khép kín mà ngài xem thế giới này như “đang ở trong cuộc chiến từng phần”, ngài tìm cách để nói đến những gì phân cách dựa trên các tiến trình khác nhau của giải hòa và của xích lại gần nhau.

“Một trong các tên đặt cho Giám mục địa phận Rôma là tên người xây cầu, giữa Chúa và con người.” Đức Phanxicô nói đến sứ mệnh này trong lần đầu tiên ngài tiếp ngoại giao đoàn sau khi được bầu chọn ngày 13 tháng 3-2013, sắp tới đây là ngày kỷ niệm ba năm.

“Nguồn gốc của tôi đã thúc đẩy tôi làm công việc xây cầu”, tân giáo hoàng, con của người di dân Ý ở Argentina nói tiếp. “Trong tôi, luôn có cuộc đối thoại giữa những nơi, những văn hóa với các xa cách của nó – từ đầu thế giới này đến đầu thế giới kia, luôn gần nhau hơn, lệ thuộc qua về với nhau -, cần gặp nhau, cần tạo những khoảng không gian mang tinh thần huynh đệ đích thực.”

Xây cầu và tạo những khoảng không gian là tóm tắt hoạch định của triều giáo hoàng mà trong ba năm, Đức Phanxicô đã mở các công trường trên khắp thế giới. Chuyến đi Mêhicô tháng 2 vừa qua là một ví dụ gần đây nhất.

Ở Ciudad Juarez, nơi chỉ cách biên giới Mỹ một trăm mét, Đức Phanxicô đã dâng thánh lễ, trước đó ngài đến tưởng niệm các người di dân đã chết trong vùng nổi tiếng có nạn buôn người này. Bó hoa ngài đặt trên cầu Rio Grande không phải là không nhắc đến bó hoa ngài đã ném xuống đảo Lampedusa biển Địa Trung Hải ngày 8 tháng 7-2013, ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài.

Dưới mắt ngài, hai nơi này là biểu tượng của sự bất bình đảng và của bạo lực đập vào nhân loại, hai vùng cọ sát Bắc-Nam, từ đó với hình ảnh tượng hình, Đức Phanxicô tìm cách can thiệp để chống “nạn dửng dưng toàn cầu”, chữ ngài còn dùng trong buổi Kinh Truyền Tin chúa nhật vừa qua ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau Đức Gioan-Phaolô II của thời phân chia Đông-Tây, và sau Đức Bênêđictô XVI của thời thế tục hóa trong lịch sử kitô giáo ở Âu Châu, Đức Phanxicô tìm cách dựng lên các cây cầu vô vọng trong một thế giới đa cực vừa khép kín, vừa lệ thuộc qua về nhau mà ngài mô tả như một thế giới trong tình trạng chiến tranh từng phần. Vai trò được biết nhiều nhất của ngài là vai trò trong việc Washington và La Havana xích lại gần nhau, nhất là qua các cuộc gặp gỡ tại Vatican tháng 10 năm 2014.

Ngài mong muốn Giáo hội của mình gần với các Giáo hội vẫn còn xa cách trong lịch sử. Lần đầu tiên được bay qua không phận Trung Quốc, bất cứ lúc nào có dịp, ngài đều cho biết mình muốn đối thoại với Bắc Kinh: “Tôi mơ chuyện này”, gần đây ngài thố lộ với báo chí như trên. Cho đến giờ phút này, ngài đã đối thoại được với thượng phụ Kirill Chính thống Nga, một chuyện chưa từng có của một giáo hoàng, ngài đã thực hiện được chuyện này trong chuyến đi Mêhicô, khi quá cảnh ở La Havana ngày 12 tháng 2-2016.

Chủ nhà tiếp cuộc gặp gỡ đại kết này là chế độ Castro, nhưng Đức Phanxicô cũng không gai mắt, ngược lại, ngài nối kết tất cả những gì chống đối nhau. Tháng 7 năm 2015, ở Bôlivia, ngài đã đặt Giáo hội của mình ở bên cạnh các phong trào quốc tế không tín ngưỡng: tác giả của Thông điệp “Chúc tụng Chúa” đã biện hộ cho một “môi sinh toàn bộ” để có một sự thay đổi hệ thống kinh tế cho toàn thế giới.

Về vấn đề toàn cầu hóa, Đức Jorge Bergoglio muốn chiến đấu chống sự dữ và những sự quá đáng. Cựu Tổng Giám mục địa phận Buenos Aires ở cực Nam thế giới rành các chuyện này, và từ khi được bầu chọn, ngài không ngừng nêu lên: sự cô đơn, nạn thất nghiệp của người trẻ, sự cô lập của người già, nạn tham nhũng, nạn “thờ tiền bạc”, nạn đồng hóa văn hóa… “Chương trình làm việc địa chính trị của ngài là mang ánh sáng đến những vùng tăm tối, quan tâm đến các tình trạng bị bỏ quên trên thế giới”, ông Marco Impagliazzo chủ tịch Cộng đoàn Sant’Egidio phân tích, ông là người thân cận với ngành ngoại giao Vatican.

Tòa Thánh cùng với Đức Phanxicô dấn thân vào các vấn đề cho đến bây giờ vẫn còn bị đánh giá thấp và quan tâm đến các nước ít được chăm sóc. Các chuyến đi trong ba năm vừa qua của ngài là ở những nước ít được chú ý: Albania, Sri Lanka, Bôlivia, Trung Phi… Nước Pháp thì phải còn chờ. “Ngài đối xử với các quốc gia này như đối xử với từng người, mỗi lần vậy, ngài cho thấy mình muốn lắng nghe vấn đề của họ”, ông Marco Impagliazzo nhận xét.

Sébastien Maillard (la-croix.com) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)