MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Mười điểm rút ra từ Tông huấn ‘Niềm vui Yêu thương – Amoris Laetitia’


Tông huấn mới của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương) mong muốn giáo hội gặp gỡ mọi người nơi chính họ, cân nhắc sự phức tạp cuộc sống con người và tôn trọng lương tâm mọi người về các quyết định luân lý. Tông huấn này là một thông điệp suy tư về đời sống gia đình và nâng đỡ các gia đình. Nhưng đây cũng là lời nhắc nhở của Đức Giáo hoàng rằng Giáo hội cần phải tránh việc đơn thuần phán xét mọi người và áp đặt lề luật mà không nghĩ đến những đấu tranh vất vả của họ.

Áp dụng những thấu suốt từ Hội đồng Giám mục về Gia đình, Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định giáo huấn của giáo hội về đời sống gia đình, nhưng nêu bật mạnh mẽ vai trò của lương tâm riêng và nhận định mục vụ. Ngài thúc giục giáo hội xem trọng bối cảnh sống của mọi người, để giúp họ đưa ra những quyết định tốt đẹp. Mục đích của Đức Phanxicô là để giúp đỡ các gia đình cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và biết rằng tất cả đều được chào đón trong Giáo hội. Tất cả những điều này sẽ cần đến cái mà Đức Giáo hoàng gọi là ‘các phương pháp mục vụ mới.’ (199)

Và tôi xin đưa ra 10 điểm để chúng ta nắm bắt thông điệp mới nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Giáo hội cần phải thông hiểu các gia đình và cá nhân với tất cả những phức tạp của họ.

Giáo hội cần phải gặp gỡ mọi người ngay tại vị thế của họ. Vậy nên các mục tử phải ‘tránh những phán xét không nghĩ đến sự phức tạp của nhiều hoàn cảnh khác nhau.’ (296) ‘Không được đánh đồng hay đặt tất cả mọi người theo một phân loại cứng ngắc, không còn chỗ cho nhận định riêng và nhận định mục vụ.’ (298) Nói cách khác, không thể có một cách nhìn cho tất cả mọi người. Tất cả đều được khuyến khích sống theo Tin mừng, nhưng tất cả cũng cần được chào đón vào trong một giáo hội cảm kích và trân trọng những đấu tranh riêng của họ, và đối xử với họ bằng lòng thương xót. Phải tránh ‘lối suy nghĩ mọi sự là trắng hoặc đen.’ (305) Và giáo hội không thể áp dụng các luật luân lý như thể chúng là ‘những viên đá ném vào đời sống con người ta.’ (305) Nói chung, Đức Phanxicô kêu gọi một cách tiếp cận thông hiểu, cảm thương, và đồng hành.

Vai trò tối cao của lương tâm trong việc đưa ra quyết định luân lý.

‘Giáo hội cần viện đến lương tâm cá nhân hơn nữa trong những trường hợp nhất định không thuộc hiểu biết của chúng ta về hôn nhân.’ (303) Niềm tin truyền thống rằng lương tâm cá nhân là quan tòa chung thẩm cho đời sống luân lý, đã từng bị lãng quên. Giáo hội được kêu gọi ‘huấn luyện lương tâm, chứ không phải thay thế lương tâm.’ (37) Đúng thế, Đức Giáo hoàng nói rằng một lương tâm cần được rèn luyện bằng huấn giáo của giáo hội. Nhưng lương tâm không chỉ là để phán định xem việc gì hợp với giáo huấn hay không. Mà lương tâm còn có thể nhận ra những gì Chúa muốn. (303) Do đó, các mục tử cần phải giúp mọi người, không phải là đơn thuần giữ luật, nhưng là thực hành ‘nhận định’ một từ mang nghĩa là ra quyết định dựa trên cầu nguyện. (304)

Những người Công giáo li dị rồi tái hôn cần phải được dự phần trọn vẹn trong giáo hội.

Bằng cách nào? Bằng cách nhìn vào những đặc điểm trong tình trạng của họ, nhớ lại những ‘yếu tố giảm nhẹ’, bằng cách khuyên nhủ họ trong ‘diễn đàn nội bộ’ nghĩa là một cuộc nói chuyện riêng giữa linh mục với người đó hoặc cặp vợ chồng đó, và còn bằng cách tôn trọng để cho lương tâm của người đó quyết định mình sẽ được dự phần trong giáo hội đến mức độ nào. ‘Việc rước lễ không được nhắc đến ở đây, nhưng rước lễ là một khía cạnh truyền thống trong việc ‘dự phần’ trong giáo hội.’ Các cặp vợ chồng li dị rồi tái hôn cần phải được cảm thấy mình là một phần của Giáo hội. ‘Họ không bị dứt phép thông công, và không nên bị đối xử như thế, bởi họ vẫn là một phần của giáo hội.’ (243)

Mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu tốt đẹp

Tông huấn Niềm vui Yêu thương, tập trung nhiều vào những suy tư về huấn giáo trong Phúc âm và trong giáo hội về tình yêu thương, gia đình và trẻ thơ. Nhưng, cũng có nhiều lời khuyên thực tế từ Đức Giáo hoàng, đôi khi rút ra từ những tông huấn và bài giảng về gia đình. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở các cặp vợ chồng rằng cuộc hôn nhân tốt là một ‘tiến trình sinh động’ và mỗi bên phải nỗ lực với những bất toàn. ‘Tình yêu không phải hoàn hảo cho chúng ta.’ (122, 113) Là một mục tử, Đức Giáo hoàng khích lệ không chỉ các cặp vợ chồng, mà còn các cặp đính hôn, những bà mẹ mang thai, các bậc cha mẹ nhận con nuôi, cũng như những người dì, người chú, và ông bà. Ngài đặc biệt lưu tâm, mong muốn không một ai cảm thấy mình không quan trọng hay bị loại trừ khỏi tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta không nói nữa về những người ‘sống trong tội lỗi’

Trong một câu phản ánh cách tiếp cận mới, Đức Giáo hoàng nói rõ, ‘Không còn đơn giản nói rằng tất cả những ai sống trong ‘tình trạng bất thường’ là sống trong tình trạng tội lỗi.’ (301) Những người khác trong ‘những tình trạng bất thường’ hay trong các gia đình không theo truyền thống chẳng hạn như các bà mẹ đơn thân, họ cần được ‘thông hiểu, an ủi, và đón nhận’ (49) Khi gặp những người này, mà thật sự là với tất cả mọi người, thì giáo hội cần phải thôi áp dụng các luật luân lý theo kiểu ‘ném đá vào đời sống riêng của người ta.’ (305)

Cách làm tốt ở đây, không hẳn tốt ở kia 

Đức Giáo hoàng không chỉ nói về các cá nhân, mà còn bàn đến tầm mức địa lý. ‘Mỗi một quốc gia hay vùng đất …có thể tìm kiếm các giải pháp tốt hơn, phù hợp với văn hóa và nhạy cảm truyền thống cũng như nhu cầu của địa phương mình.’ (3) Những gì có giá trị mục vụ ở nước này, lại có thể vô ích ở nước khác. Vi lý do dó, và nhiều lý do nữa, Đức Giáo hoàng nói ngay đầu tông huấn rằng, không phải mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bởi huấn quyền. (3)

Xác quyết các huấn giáo truyền thống về hôn nhân, nhưng giáo hội không được đặt các gánh nặng lên vai mọi người với những kỳ vọng không thực tế.

Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ, và là bất khả phân ly. Hôn nhân đồng tính không được xem là hôn nhân. Giáo hội tiếp tục giữ lời mời gọi mọi người hãy sống hôn nhân lành mạnh. Đồng thời, giáo hội thường gắn thêm ‘lý tưởng hôn nhân thần học do tay con người’ xa cách với đời sống thường nhật của mọi người (36). Nhiều lúc những lý tưởng này là một ‘gánh nặng cùng cực’. (122) Do đó, các chủng sinh và linh mục cần được đào tạo tốt hơn để hiểu được sự phức tạp của đời sống hôn nhân của mọi người. ‘Các thừa tác viên chức thánh, thường thiếu các đào tạo cần thiết để xử lý những vấn đề phức tạp hiện thời của các gia đình.’ (202)

Trẻ con cần được giáo dục về tính dục

Trong một nền văn hóa thường biến các thể hiện tình dục thành món hàng rẻ, thì trẻ em cần phải hiểu được tính dục, trong một ‘khuôn khổ rộng hơn là giáo dục về tình yêu thương và tự hiến cho nhau.’ (280) Đáng buồn thay, thân thể thường đơn thuần bị xem là ‘một đối tượng để sử dụng.’ (153) Phải luôn hiểu tình dục là cánh cửa mở ra hồng ân đón nhận một sinh linh mới.

Những người đồng tính cần được tôn trọng

Trong khi không cho phép hôn nhân đồng tính, Đức Giáo hoàng nói rằng ngài muốn xác nhận rằng người đồng tính luyến ái cần phải ‘được tôn trọng theo phẩm giá của người đó, và phải được đối xử một cách có cân nhắc, cẩn thận tránh tất cả những dấu hiểu bất công hay kỳ thị, đặc biệt là những dạng gây hấn hay bạo lực.’ Các gia đình có những thành viên LGBT, cần ‘hướng dẫn mục vụ’ từ giáo hội và mục tử, để những người đồng tính luyến ái có thể thực thi ý Chúa trọn vẹn trong cuộc đời mình. (250)

Tất cả đều được chào đón

Giáo hội phải giúp đỡ mọi gia đình, và mọi người thuộc mọi hoàn cảnh sống, với nhận thức rằng, dù bất toàn, nhưng họ được Thiên Chúa yêu thương, và có thể giúp cho những người khác cảm nhận tình yêu đó. Như thế, các mục tử phải làm sao để mọi người cảm nhận mình được chào đón trong Giáo hội.

Tông huấn ‘Amoris Laetitia’ đem lại viễn tượng về một giáo hội mục vụ và thương xót, tạo điều kiện cho mọi người cảm nhận được Niềm vui Yêu thương. Gia đình là một phần tuyệt đối căn thiết của giáo hội, bởi Giáo hội là ‘gia đình của các gia đình.’ (80)

James Martin, S.J. (America Mag) | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)