MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thiên Chúa đi tìm tất cả mọi người: Ngài không biết tới nền văn hóa gạt bỏ

Sáng thứ tư hôm qua đã có hơn gần 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần. Trong số hàng trăm phái đoàn cũng có các phái đoàn Việt Nam: 100 tín hữu đến từ Hà Lan, 60 tín hữu đến từ Chicago Hoa Kỳ và 50 tín hữu đến từ Canada.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy bài giáo lý về lòng thương xót của người mục tử nhân lành. ĐTC nói: ai trong chúng ta cũng biết hình ảnh Mục Tử Nhân Lành vác con chiên lạc trên vai. Hình ảnh này diễn tả sự lo lắng của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không chịu để mất ai hết. Dụ ngôn được Chúa Giêsu kể để giúp hiểu rằng sự gần gũi của Ngài đối với những người tội lỗi không được gây gương mù gương xấu, trái lại phải khơi dậy nơi tất cả mọi người một suy tư về cung cách sống đức tin của chúng ta. Câu chuyện một đàng cho thấy các người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Ngài, đàng khác các là các tiến sĩ luật và các ký lục nghi ngờ tránh xa Chúa vì thái độ hành xử của Ngài. Họ tránh xa bởi vì Chúa Giêsu tới gần những người tội lỗi. Những người này kiêu căng, họ tin mình là những kẻ công chính.

Dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật: mục tử, con chiên lạc và số còn lại của đoàn chiên. Nhưng chỉ có mục tử là người hành động, chứ không phải các con chiên. Như vậy, mục tử là nhân vật duy nhất đích thật, và tất cả tuỳ thuộc nơi ông. Dụ ngôn được dẫn nhập bằng một câu hỏi: “Ai trong các ngươi, nếu có một trăm con chiên và mất một con, lại không bỏ 99 con trong sa mạc và đi tìm con chiên lạc, cho tới khi tìm ra nó?” (c. 4). Đây là một mâu thuẫn dẫn đưa tới chỗ nghi ngờ hành động của người mục tử: có khôn ngoan không khi bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc như vậy? Còn hơn nữa bỏ chúng không phải trong một chuồng chiên, mà trong sa mạc.? Theo truyền thống kinh thánh sa mạc là nơi của chết chóc, khó mà tìm ra nước và thực phẩm, không có chỗ trú ngụ và bị bỏ rơi cho thú dữ và trộm cướp. Chúng có thể làm gì, 99 con chiên không được bảo vệ? Tuy nhiên, sự mâu thuẫn tiếp tục khi nói rằng người mục tử, sau khi tìm thấy con chiên, vác nó lên vai, về nhà, gọi bạn bè và hàng xóm láng giềng tới và nói: Các bác hãy vui với tôi” (c. 6). Như thế xem ra người mục tử không trở vào trong sa mạc để thu hồi cả đoàn chiên! Hướng tới con nhiên duy nhất ấy xem ra ông ta quên 99 con khác. Nhưng thật ra không phải vậy. ĐTC giải thích như sau:

Giáo huấn Chúa Giêsu muốn cho chúng ta đó là không có con chiên nào có thể bị hư mất. Chúa không thể chịu trận trước sự kiện cả chỉ một người thôi có thể bị hư mất. Hoạt động của Thiên Chúa là hoạt động của người đi tìm các con cái bị mất để rồi mừng lễ và vui mừng với tất cả vì tìm lại được họ. Đây là một ước muốn không thể nào kim hãm được: 99 con chiên có thể dừng người mục tử lại, và giữ ông trong chuồng chiên. Ông có thể lý luận như sau: Nào chúng ta tổng kết: tôi có 99 con chiên, tôi đã mất một con, mà không mát gì quá! Ông ta đi tìm con chiên lạc ấy vì mỗi một con chiên đều rất quan trọng đối với ông, và con chiên đó là con chiên cần được giúp đỡ nhất, bị bỏ rơi nhất, bị gạt bỏ nhất và ông đi tìm nó. Chúng ta tất cả đều được cảnh báo: lòng xót thương của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi là kiểu hành động của Thiên Chúa và Ngài tuyệt đối trung thành với lòng xót thương ấy: không có gì và không có ai lấy đi khỏi Chúa ý muốn cứu rỗi của Ngài. Thiên Chúa không biết tới nền văn hóa gạt bỏ của chúng ta ngày nay. Trong Thiên Chúa không có điều đó. Thiên Chúa không gạt bỏ người nào cả; Ngài yêu thương tất cả mọi người; Ngài tìm kiếm tất cả mọi người. Tất cả! Từng người một. Ngài không biết từ “gạt bỏ người ta”, bởi vì Ngài là tất cả tình yêu và tất cả lòng thương xót.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: đoàn chiên của Chúa luôn luôn tiến bước; nó không chiếm hữu Chúa, nó không thể có ảo tưởng nhốt Ngài trong các lược đồ và chiến thuật của chúng ta. Người mục tử sẽ được tìm thấy ở nơi đâu con chiên bị lạc. Như vậy người mục tử phải được tìm thấy ở nơi Ngài muốn gặp gỡ chúng ta, chứ không phải ở nơi chúng ta yêu sách tìm thấy Ngài! Không có cách nào khác có thể quy tụ đoàn chiên, nếu không theo con đường do lòng thương xót của người mục tử vạch ra. ĐTC giải thích chủ ý thái độ hành xử của người mục tử như sau:

Trong khi ông tìm con chiên lạc, người mục tử khiêu khích 99 con khác để chúng tham dự vào việc tái hiệp nhất đoàn chiên. Khi đó không chỉ con chiên lạc được mang trên vai, mà tất cả sẽ theo mục tử cho tới nhà để mừng lễ với các bạn bè và hàng xóm láng giềng.

Chúng ta phải năng suy tư dụ ngôn này, bởi vì trong cộng đoàn kitô luôn luôn có ai đó thiếu và đã ra đi bỏ chỗ mình trống. Đôi khi điều này khiến nản lòng, và khiến cho chúng ta tin rằng một sự mất mát là điều không thể tránh được, một tật bệnh không có thuốc chữa. Và khi đó chúng ta có nguy cơ khép kín mình trong chuồng chiên, nơi sẽ không có mùi của chiên, nhưng mùi hôi của nơi đóng kín. Và các kitô hữu… chúng ta không được đóng kín, vì chúng ta sẽ có mùi hôi cuả những gì đóng kín. Không bao giờ! Chúng ta phải đi ra và việc đóng kín trong chính mình này, trong các cộng đoàn nhỏ, trong giáo xứ... Chúng ta là “những người công chính”. Điều này xảy ra, khi thiếu lòng hăng say truyền giáo dẫn đưa chúng ta tới chỗ gặp gỡ người khác. Trong nhãn quan của Chúa Giêsu không có chiên bị mất vĩnh viễn, nhưng chỉ có các con chiên cần tìm lại: chúng ta phải hiểu rõ điều này: đối với Thiên Chúa không có ai là bị hư mất vĩnh viễn. Không bao giờ! Cho tới phú cuối cùng Thiên Chúa tìm kiếm. Anh chị em hãy nghĩ tới ông trộm lành; chỉ trong nhãn quan của Chúa Giêsu không có ai bị hư mất một cách vĩnh viễn, mà chỉ có các con chiên được tìm thấy.

Vì thế viễn tượng hoàn toàn năng động, rộng mở, kích thích và sáng tạo. Nó thúc đẩy chúng ta tìm bước đi trên một con đường của tình huynh đệ. Không có khoảng cách nào có thể giữ người mục tử ở xa; và không có đoàn chiên nào có thể khước từ một người anh em. Tìm ra người anh em đã mất là một niềm vui của vị mục tử của Thiên Chúa, nhưng cũng là niềm vui của tất cả đoàn chiên! Chúng ta tất cả đều là các con chiên được tìm lại được và được quy tụ bởi lòng xót thương của Chúa, được mời gọi cùng Ngài thu thập toàn đoàn chiên.

ĐTC đã chào các phái đoàn đến từ Pháp, đặc biệt các đại chủng sinh liên giáo phận Rennes và Orléans, do các Giám Mục hướng dẫn, các giáo sư dậy môn tôn giáo các trường Âu châu Bỉ và tín hữu nước Gabon. Ngài mời mọi người phát triển tinh thần hăng say truyền giáo.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ecốt, Ailen, Nam Phi, Australia, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Hong Kong, Philippines, Seychelles, Canada và Hoa Kỳ cũng như các đoàn hành hương đến từ các tổng giáo phận Muenchen Freising, và Caritas Muenster Đức, các nhóm tín hữu Áo và Thụy Sĩ. Ngài đặc biệt chào thân nhần các tân vệ binh Thụy Sĩ vể Roma hành hương và tham dự lễ tuyên thệ của họ.

Bên cạnh đó ngài cũng chào các đoàn hành hương liên giáo phận Merida Badajoz và Coria Caceré do các Giám Mục hướng dẫn. Cũng có các đoàn hành hương giáo xứ Đức Bà Fatima Sao Tomé. Ngài khuyến khích mọi người noi gương Mục Tử Nhân Lành và cộng tác với Ngài trong việc tìm kiếm các anh chị em đi lạc.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói hôm qua họ đã cử hành lễ Trinh Nữ Maria Bổn Mạng Ba Lan và quyên góp trong thánh lễ. Nó nhắc nhớ mọi ơn lành Thiên Chúa đã ban cho quốc gia này, đặc biệt là sự chở che và trợ giúp nhờ lời bầu cử của Mẹ. Ngài cầu chúc đức tin tiếp tục được tự do và Ba Lan phát triển trong hoà bình.

Trong các đoàn hành hương Italia ĐTC chào tín hữu các giáo phận Savona Noli do Giám Mục hướng dẫn, các tù nhân và gia đình họ Tỉnh Lecce và nhiều nhóm khác. Ngài hy vọng chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.

Chào đông đảo người trẻ ĐTC khuyến khích họ vun trồng lòng sùng kính Đức Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Ngài chúc các anh chị em đau yếu cảm nhận được sự gần gũi của Mẹ Maria thành Nagiaret, đặc biệt trong những lúc khổ đau. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết cầu xin Mẹ luôn ban cho gia đình hộ yêu thương và lòng tôn trọng nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)