ROMA – Như đã đưa tin, chiều tối ngày 29-4, lúc 20.30 tại đài phun nước Trevi, một điểm du lịch nổi tiếng ở Roma, đã diễn ra sự kiện tưởng niệm các vị tử đạo Ki-tô của thời đại chúng ta. Đài phun nước đã được chiếu toàn màu đỏ, tượng trưng cho máu của các vị tử đạo.
“Cám ơn tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, về sự can đảm và cương quyết của tổ chức trong việc nâng đỡ các Ki-tô hữu bị bách hại. Đây là sự kiện duy nhất và căn bản, vinh danh máu các vị tử đạo kêu lên đến trời cao, nó thúc đẩy chúng ta đừng đầu hàng, bỏ cuộc nhưng tin vào hòa bình và xây dựng hòa bình từng ngày.” Đó là lời của Đức giám mục Giáo hội Can-đê của Aleppo.
Trước đó trong phần khai mạc, Đức cha Nunzio Galantino, tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Italia đã nói: “Chúng ta ở đây để nói cho các Ki-tô hữu bị bách hại biết là họ không đơn độc. Những người theo Chúa Ki-tô là những người đầu tiên chịu bắt bớ và vì điều này chúng ta phải đứng đầu trong những sự kiện như thế này.”
Chủ tịch của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” phân bộ Italia cũng nhắc đến “nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu bị đói, đau khổ và bạo lực bởi vì đức tin của họ” và mời gọi tất cả xé tan bức màn dửng dưng và cá nhân chủ nghĩa, để tránh sự bách hại đến mức đau khổ không thể chịu đựng được.
Trong khi hình ảnh của các nhà thờ bị tàn phá và các ảnh tượng bị phạm thánh được trình chiếu trên nền của đài phun nước, Đức Hồng y Mauro Piacenza, chủ tịch quốc tế của tổ chức đã nói về sự tử đạo Ki-tô giáo. Ngài nói: “chiều nay, chúng ta tưởng niệm máu các vị tử đạo Ki-tô giáo đã đổ ra vì bạo lực của con người và tội lỗi của thế giới.Như Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định: sự im lặng và thụ động cũng là tội lỗi!”
4 nhân chứng đã xé tan sự im lặng thụ động với việc thuật lại câu chuyện của các vị tử đạo thời nay. Nữ tu Hedez thuộc ngành chiêm niệm của các Thừa sai Bác ái đã nói về 4 nữ tu cùng dòng đã bị giết ở Yemen: “dù các chị sợ sống trong đất nước đó nhưng các chị vẫn ở lại để phục vụ những người cuối cùng cho đến phút cuối.”
Giáo sư Shahid Mobeen, sáng lập Hội Ki-tô hữu Pakistan ở Italia, đã kể lại hoạt động của Shahbaz Bhati đã bị giết năm 2011, biểu tượng của chứng tá đức tin. Nếu cô chịu cải sang Hồi giáo thì có lẽ giờ đây cô được tự do. Sinh viên Luka Loteng người Kenya nhắc đến 148 sinh viên Ki-tô giáo bị giết năm ngoài trong thảm kịch xảy ra ở đại học Garissa ở Kenya. Cuối cùng, Maddalena Santoro đã nói về cha Andrea, anh của mình, dù ý thức những khó khăn nhưng cha luôn tiếp tục phục vụ ở Thổ nhĩ kỳ, trên mảnh đất của các Tông đồ mà cha vô cùng yêu quý.
Cuối cùng, Monica Mondo giới thiệu giây phút cảm động nhất của buổi chiều. Trên nền nhạc của Bach, đài phun nước Trevi được nhuộm một màu đỏ thắm huy hoàng như máu của các vị tử đạo. Hình ảnh đã được các phương tiện truyền thông lấy lại và nhờ đó sự tử đạo của các Ki-tô hữu được đưa lên trang nhất của các tờ báo trên thế giới (Aci 30/04/2016)
Hồng Thủy OP
(Nguồn: Radio Vatican)