NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tổ Hội đồng bảo an LHQ.
Trong bài tham luận hôm 19-7-2016 tại cuộc thảo luận công khai về “những phương pháp làm việc của Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza ghi nhận Hội đồng này đã có nhiều công trạng trong việc phòng ngừa cho nhiều quốc gia và dân tộc khỏi hiểm họa chiến tranh và xung đột trong 71 năm qua. Nhưng việc cải tổ và thích ứng với thời đại vẫn luôn luôn là điều cần thiết để Hội đồng bảo an thích ứng tốt đẹp nhất với mục tiêu của mình. Các quốc gia thành viên LHQ và nhiều lãnh vực khác của xã hội dân sự ngày càng gia tăng kêu gọi cải tổ để làm cho Hội đồng bảo an được minh bạch, hiệu năng, hữu hiệu, có trách nhiệm và có đặc tính đại diện nhiều hơn.
Đức TGM Đại diện Tòa Thánh nhắc đến sự kiện nhiều quyền lợi quốc gia và chính trị địa lý lấn át chức năng hàng đầu của Hội đồng bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế… “Điều quan trọng để sửa chữa những lời phê bình ấy là các quốc gia thành viên LHQ, khi trở nên thành viên Hội đồng bảo an, đừng bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết đáng tin cậy về hành động phòng ngừa hoặc chấm dứt việc phạm tội diệt chủng, những tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh. Ngoài ra, các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đừng dùng quyền phủ quyết trong những tình trạng liên quan tới các tội ác vừa nói.” Trong bối cảnh đó, LHQ nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng sẽ đạt được sự hợp pháp và uy tín nhiều hơn nếu phân định rõ ràng và hữu hiệu các tiêu chuẩn để áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ”.
Trong bài tham luận, Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, cũng kêu gọi cứu xét lời thỉnh cầu do nhiều quốc gia thành viên đưa ra, đó là làm sao để Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, phản ánh rõ hơn các thực tại chính trị địa lý ngày nay hơn.
“Một Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, đó là điều thuộc về những yếu tố giúp đồng qui mà đa số các quốc gia thành viên LHQ đề nghị trong các cuộc họp về việc cải tổ Hội đồng bảo an LHQ. Việc bác bỏ hoặc cố tình không biết đến những “yếu tố đồng qui” ấy sẽ không giúp ích cho lời kêu gọi, uy tín và sự đáng tín nhiệm của Hội đồng bảo an.”
Một lời kêu gọi khác cũng liên tục được đưa ra, đó là cần làm sao để Hội đồng này có đặc tính minh bạch hơn, không những trong bối cảnh việc tăng cường hoạt động của LHQ, nhưng đặc biệt trong bối cảnh bầu cử vị Tổng thư ký LHQ sắp tới.
Sự minh bạch này cũng phải được nới rộng tới các phương pháp làm việc và các thủ tục của cac cơ quan phụ thuộc Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong các ủy ban trừng phạt, để đảm bảo và củng cố các quyền căn bản của mỗi người và chế độ pháp quyền. (SD 20-7-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)