MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chung quanh đề nghị của Đức Hồng Y Robert Sarah về tư thế “ad orientem”

ĐTC Phanxicô trong tư thế ad orientem Lễ Chúa Chịu Phép Rửa 2016
Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinea, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, khẳng định Thiên Chúa phải là trung tâm của việc thờ phượng chứ không phải là “con người, những kẻ thế giá và những thành tựu của con người”, là những điều mà ngài cho là đã trở thành quá nổi bật trong các thập kỷ gần đây và đó là lý do tại sao ngài khích lệ các linh mục cử hành thánh lễ trong tư thế “ad orientem”, hướng về bàn thờ và quay mặt về hướng Đông.

Những ai chú ý đến các hoạt động của Đức Hồng Y Robert Sarah không ngạc nhiên trước đề nghị này của ngài. Đức Hồng Y, năm nay 71 tuổi, trong một thời gian dài là một nhà vô địch về các học thuyết và thực hành Công Giáo truyền thống. Đề nghị của ngài vào ngày thứ Ba 5 tháng 7 vừa qua theo đó các linh mục nên dâng lễ trong tư thế “ad orientem” bắt đầu từ ngày 27 tháng 11, là ngày Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, là hoàn toàn nhất quán với dòng suy luận của ngài.

“Điều rất quan trọng là chúng ta trở lại càng sớm càng tốt với định hướng chung trong đó các linh mục và anh chị em giáo dân cùng quay về một phía là phía đông hoặc ít nhất là hướng về cung thánh, hướng về Chúa, là Đấng sẽ ngự đến,” Đức Hồng Y Robert Sarah nói như trên trong một hội nghị về Phụng Vụ Thánh tại Luân Đôn.

Đức Hồng Y đã đề cập đến ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Sáu dành cho tạp chí Pháp Famille Chretienne.

Mặc dù lời bình luận của ngài chỉ là một gợi ý chứ không phải là một sắc lệnh, mong muốn của Đức Hồng Y về việc quay trở lại tư thế “ad orientem” vẫn tạo ra những phản ứng rộng rãi và cuộc tranh luận, phần lớn vì tư thế này liên quan đến Thánh Lễ Latinh cũ được sử dụng trước Công đồng Vatican II ( 1962-1965).

Cần phải nói ngay rằng Đức Hồng Y Robert Sarah đã không kêu gọi bác bỏ các hình thức Phụng Vụ sau Vatican II, nhưng kết hợp tư thế “ad orientem” vào Phụng Vụ sau Công Đồng. Tư thế này bị bỏ rơi sau Vatican II. Tuy nhiên, về nguyên tắc không có lý do tại sao tư thế ấy không thể được sử dụng trong phụng vụ mới, và trong một số ít giáo phận trên thế giới tư thế này đã rất là phổ biến.

Bên cạnh các cuộc tranh luận về chính sách và thần học, nhiều người đang nêu lên một trở ngại thực tế để thực hiện đề nghị của Đức Hồng Y Sarah: Trong khi các nhà thờ được xây dựng trước Vatican II được thiết kế để thích ứng việc tư thế “ad orientem”, các nhà thờ được xây dựng sau này sẽ đòi hỏi những sửa đổi quan trọng để di chuyển bàn thờ vào một vị trí phù hợp hơn.

Theo quan điểm của Đức Hồng Y, quay trở lại với tư thế “ad orientem” là đưa Thiên Chúa trở lại vị thế trung tâm của đời sống phụng vụ của Giáo Hội.

Đức Hồng Y nói tài liệu đầu tiên của Thánh Công Đồng là các văn bản của Vatican II về phụng vụ, trong đó cho biết một trong những lý do cải cách của Công Đồng là “mong muốn truyền đạt một sức sống không ngừng gia tăng trong đời sống Kitô của các tín hữu.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y đặt câu hỏi: “Thưa các anh chị em của tôi, đâu là nơi các tín hữu mà các Nghị Phụ Công Đồng nói tới? Nhiều người trong số các tín hữu hiện nay không còn là tín hữu nữa: Họ chẳng hề tham dự phụng vụ”.

Trích dẫn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y nói rằng “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống trong tình trạng lặng lẽ bỏ đạo, và sống như thể Thiên Chúa không tồn tại.”

Đặng Tự Do

(Nguồn: Radio Vatican)