Trong tang lễ cử hành ở nhà thờ chính tòa Rouen ngày thứ ba 2 tháng 8 toát ra một sứ điệp của hòa bình. Một ý chỉ phát xuất từ gia đình của Linh mục Jacques Hamel được Tổng giám mục Dominique Lebrun nói thay.
Thời tiết cũng như chịu tang hôm nay. Dưới cơn mưa nhẹ và lạnh, khách dự tang lễ đến đông ở khuôn viên nhà thờ chính tòa Rouen. Đối diện với màn hình khổng lồ trước sân, tất cả chuẩn bị dự tang lễ của cha Jacques Hamel. Đúng vào ngày thứ ba tuần vừa qua, ngày 26 tháng 7, cha phó của giáo xứ Saint-Étienne-du-Rouvray bị giết trong lúc dâng thánh lễ trong nhà thờ của mình.
Chung quanh nhà thờ được canh gác cẩn mật với lực lượng cảnh sát hùng hậu. Nhưng ngoài việc an ninh được tăng cường, trong đám đông, mọi người thinh lặng tưởng niệm. Chuông báo tử vang lên khi đoàn rước dài của các chủng sinh và linh mục của địa phận đi vào. Sau đó là các giám mục và Đức Giám mục Dominique Lebrun, giám mục địa phận Rouen, tất cả đi theo quan tài bằng gỗ đơn sơ. Bước qua Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, qua hành vi này, buổi lễ mang sắc điệu của lòng thương xót. Đó là tiếng gọi của tha thứ, của cầu nguyện cho những kẻ sát nhân.
Nhà thờ chính tòa đông nghịt người, ông bà Coponet (Ông Coponet là người bị thương nặng trong vụ tấn công) và các nữ tu Dòng Vinh Sơn ngồi hàng đầu, gần với gia đình của cha Hamel, em gái của cha và các cháu của cha. Bên phải bàn thờ là nhà cầm quyền, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius. Xa xa hơn là các người trẻ của địa phận Rouen vừa từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới về. Sau bàn thờ và trước các linh mục là đại diện các tôn giáo khác, các giáo sĩ hồi giáo, do thái giáo, tin lành và chính thống giáo.
Nếu tôi không có lời cầu nguyện này cho những kẻ sát nhân, thì tôi thấy thiếu một cái gì cho đức tin của tôi
Đoạn Phúc Âm Thánh Matêô đã được chọn. “Hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 44). “Trong câu chuyện của mình (khi đi nghĩa vụ quân sự ở Algérie), người anh em của chúng ta đã nói cho tôi biết, trong một vụ nổ súng ở một ốc đảo, cha là người duy nhất sống sót và cha thường hay tự hỏi: tại sao tôi? Hôm nay Jacques, người anh em của chúng ta, anh đã có câu trả lời cho anh: Thiên Chúa của tình yêu và của lòng thương xót đã chọn anh để được phục vụ cho người khác, hầu vun trồng tình yêu, chia sẻ và bao dung,” bà Roselyne Hamel nói trong bài điếu văn thật xúc động, bà là em của cha Jacques Hamel.
Sứ điệp của cha cũng có tiếng vang qua cô cháu gái Jessica Deleporte của cha, cô khẳng định mình sẽ theo bước chân của bác mình: “Như bác, con chọn sự tôn trọng, như bác, con chọn Tình yêu, như bác, con chọn Tha nhân.” Lời kêu gọi này, Đức Giám mục Lebrun đã nhiệt thành tiếp sức. “Nếu tôi không có lời cầu nguyện cho những kẻ sát nhân, thì tôi thấy thiếu một cái gì cho đức tin của tôi,” ngài đã thổ lộ như trên vài giờ trước buổi lễ. Lời cầu nguyện này, ngài đã đọc trên bàn thờ, trong lời cầu cho các đẳng, sau khi nêu tên cha Hamel.
Tôi phải làm một hy sinh để đến đây, tôi quyết phải đến đây
Trong số các tín hữu, có một vài người đến từ xa, như bà Nadia, 56 tuổi, bà từ Paris đến với một người bạn: “Từ một tuần nay, chúng tôi cầu nguyện cho cha Jacques. Tôi quyết tâm làm một hy sinh để đến đây.” Nhưng đa số là người ở Rouen hay vùng lân cận. Đó là trường hợp của bà Annie, bà đi cùng với người con trai Emmanuel của mình. Khi còn tuổi vị thành niên, bà đã biết cha Hamel khi cha là cha xứ của họ đạo Đức Mẹ Lộ Đức ở Sottéville-les-Rouen. “Trong ký ức của tôi, cha Hamel là một linh mục thẳng thắn, không cong quẹo, bà nói, bà rất xúc động, nhưng ở đây, tôi đến như một kitô hữu.” Con trai Emmanuel của bà, 20 tuổi, vừa mới ở Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới về. Các lời của Đức Phanxicô nói ở Krakow là tiếng vang lời của buổi lễ, khuyến khích “lại gần nhau giữa người hồi giáo và kitô giáo.” Anh Emmanuel hợp tác đắc lực trong hiệp hội các Kitô hữu ở trường.
Ý chí củng cố cho việc đối thoại liên tôn giáo là đề tài của nhiều cuộc nói chuyện. Ông Rachid, 44 tuổi khẳng định điều này. Ông là người dân ở Saint-Étienne-du-Rouvray, ông hay đi nguyện đường hồi giáo ở kế bên nhà thờ của làng. Quá rúng động trước cái chết của cha Hamel, ông đến dự tang lễ để “nói lên sứ điệp của hòa bình.” Cũng vậy với giáo sĩ Michael của nguyện đường do thái ở Rouen, ông đến vì “tình đoàn kết”: “Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ dự lễ tang của người công giáo. Tôi rất xúc động bởi những lời mà tôi nghe ở đây,” giáo sĩ cho biết.
Buổi lễ vừa chấm dứt, mọi người nói chuyện với nhau. Nén xúc động trong lòng, nhiều người thảo luận một chút với người bên cạnh mình, bắt tay các đại diện các tôn giáo khác. Các trao đổi theo tinh thần của buổi lễ vừa cử hành.
Violaine des Courières (lavie.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)