Trong một lá thư mục vụ đưa ra hôm 4 tháng 8, Đức Hồng Y Gioan Thanh Hán đã làm sáng tỏ cuộc tranh cãi kéo dài trong nhiều thập kỷ giữa Vatican và Trung Quốc. Theo nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng, các quan chức Trung Quốc hiện nay sẵn sàng mưu tìm “sự hiểu biết” với Vatican về vấn đề bổ nhiệm các giám mục địa phương.
Trong một lá thư mục vụ, đề ngày 4 tháng 8, được công bố trên trang web của giáo phận Hương Cảng, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói mặc dù vẫn còn những khác biệt và khó khăn như đã từng thấy trong những năm qua, “Giáo Hội Công Giáo đã dần dần giành được sự xem xét lại của các quan chức Trung Quốc, khiến họ sẵn sàng để đạt được một sự hiểu biết với Tòa Thánh về các câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và tìm kiếm một kế hoạch hai bên có thể đồng thuận.”
Những lời bình luận của Đức Hồng Y đến trong bối cảnh có những suy đoán theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm việc đằng sau hậu trường để làm tan băng quan hệ giữa hai quốc gia. Đức Thánh Cha gửi lời chúc tốt đẹp đến chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nhân dịp năm mới vào tháng Hai vừa qua, một động thái, vào thời điểm đó, được nhiều người xem là một nhánh ô liu cố ý tặng cho một chính quyền đang lúng túng về nhiều mặt.
Người Công Giáo ở Trung Quốc – theo một ước tính có thể lên đến 12 triệu - được chia thành Giáo Hội thầm lặng trung thành với Tòa Thánh và Giáo Hội được nhà nước phê chuẩn 'chính thức'. Bắc Kinh luôn khẳng định quyền bổ nhiệm giám mục của mình và thường phủ quyết các quyết định bổ nhiệm Giám Mục Trung quốc của các vị Giáo Hoàng.
Người tiền nhiệm của Đức Hồng Y Thang Hán, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, từ lâu đã là một đối thủ quyết liệt chống lại bất kỳ một thứ thỏa hiệp nào trong cuộc đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề quyền tối thượng của Tòa Thánh trên các vấn đề của Giáo Hội Hoa Lục. Phát biểu nặc danh với hãng tin Reuters, các thành viên của Giáo Hội thầm lặng cũng bày tỏ thái độ hoài nghi sâu sắc về bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc, xét vì những thành tích nhân quyền bất hảo của nhà cầm quyền cộng sản.
China Aid, một nhóm có trụ sở tại Texas, trong báo cáo thường niên năm 2015 dựa trên các theo dõi về cách đối xử của nhà nước Trung quốc với các giáo phái Kitô ở Trung Quốc, cho biết là việc đàn áp của nhà nước Trung Quốc không hề suy giảm nhưng trái lại đã leo thang, với việc đóng cửa các nhà thờ, tạm giữ số lượng lớn các nhà lãnh đạo Giáo Hội và tịch thu tài sản Giáo Hội.”
Ít nhất ba giám mục và một số linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc ở Trung Quốc.
Trong thư Đức Hồng Y Gioan Thang Hán thừa nhận rằng có một mức độ nhất định cảm giác khó chịu và hoài nghi của một số người Công Giáo đối với các “đồng thuận”, nhưng ngài nói ngài tin là Đức Thánh Cha Phanxicô “sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào làm tổn hại đến tính toàn vẹn đức tin của Giáo Hội phổ quát hay sự hiệp thông giữa các Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo Hội phổ quát”. Ngài nói thêm: “Nhiều người nói rằng có vẻ như Tòa Thánh đã từ bỏ một số giá trị mà Tòa Thánh đã hằng ủng hộ. Kiểu chỉ trích này là không công bằng.”
Bàn về vấn đề các giám mục “thầm lặng” không được nhà nước công nhận, Đức Hồng Y nói rằng “Hội Đồng các giám mục trong tương lai ở Trung Quốc sẽ phải bao gồm tất cả các giám mục hợp pháp của Giáo Hội công khai cũng như các giám mục bí mật, là một phần không thể thiếu của Giáo Hội Trung Quốc. .. Tòa Thánh cũng nên tiến hành một cuộc đối thoại để các giám mục này được công nhận bởi chính phủ Trung Quốc”
Đức Hồng Y thừa nhận là “những điều kiện cụ thể” của các thỏa thuận “chưa được công bố” và không đưa ra dấu chỉ nào cho thấy khi nào điều ấy có thể xảy ra.
Tòa Thánh đã không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1951 vì vậy bất kỳ thỏa thuận chính thức nào cũng sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Trung quốc -Vatican.
(Nguồn: VCN)