Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa niềm hy vọng đã bước vào trong thế giới. Qua tiếng “xin vâng” Đức Maria đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ Giáng Sinh của Chúa. Sẽ là một lễ đích thực, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào lòng đất của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta.
ĐTC đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về đề tài lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu là suối nguồn của niềm hy vọng. Với biến cố Con Thiên Chúa nhập thể niềm hy vọng đã bước vào thế giới. Chính ngôn sứ Isaia đã báo trước biến cố Đức Messia giáng sinh trong vài đoạn kinh thánh: “Này đây Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14), và “Một nhánh nhỏ sẽ nảy sinh từ gốc Giêssê, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11.1). Trong các văn bản này tỏ lộ ý nghĩa của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa thành toàn lời hứa bằng cách trở thành người; Ngài không bỏ rơi dân Ngài, Ngài đến gần họ đến độ lột bỏ thiên tính của mình. Trong cách thế đó Thiên Chúa chứng minh cho thấy sự trung thành của Ngài và khai mào một Vương Quốc mới, trao ban một niềm hy vọng mới cho nhân loại. Niềm hy vọng này là niềm hy vọng nào? : đó là sự sống vĩnh cửu. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Khi nói tới hy vọng, người ta thường quy chiếu điều không nằm trong quyền bính của con người và không trông thấy được. Thật ra, điều chúng ta hy vọng vượt ngoài các sức lưc và cái nhìn của chúng ta. Nhưng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô khai mào việc cứu độ nói với chúng ta về một niềm hy vọng khác, một niềm hy vọng có thể tin cậy được, trông thấy được và hiểu được, bởi vì nó được xây dựng trên Thiên Chúa. Thiên Chúa bước đi với chúng ta trong Đức Giêsu, và việc bước đi cùng Ngài hướng về cuộc sống tràn đầy trao ban cho chúng ta sức mạnh hiện hữu một cách mới mẻ trong hiện tại, mặc dù mệt nhọc. Như thế, đối với kitô hữu hy vọng có nghĩa là chắc chắn bước đi với Chúa Kitô để tiến về với Thiên Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta. Niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, niềm hy vọng luôn luôn tiến bước và làm cho chúng ta tiến bước.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Niềm hy vọng này mà Hài Nhi Bếtlêhem ban cho chúng ta, cống hiến một đích điểm, một số phận tốt lành trong hiên tại, ơn cứu rỗi cho nhân loại, diễm phúc cho ai tín thác nơi Thiên Chúa từ nhân. Thánh Phaolô tóm tắt tất cả những điều này với một kiểu nói “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu thoát” (Rm 8,24). Nghĩa là khi bước đi trong thế giới này với niềm hy vọng chúng ta được cứu độ. Và ở đây chúng ta, mỗi người, có thể nêu lên câu hỏi: tôi có bước đi với niềm hy vọng, hay cuộc sống nội tâm của tôi dừng lại, đóng kín? Trái tim tôi là một hộc bàn đóng kín hay là một hộc bàn rộng mở cho niềm hy vọng khiến cho tôi bưóc đi, không một mình, nhưng với Chúa Giêsu?
Trong nhà của các kitô hữu trong mùa Vọng người ta chuẩn bị hang đá máng cỏ theo truyền thống có từ thời thánh Phanxicô thành Assisi. Trong sự đơn sơ của nó hang đá máng cỏ chuyển đạt niềm hy vọng; mọi nhân vật đều chìm đắm trong bầu khí hy vọng.
Trước hết chúng ta ghi nhận nơi Chúa Giêsu sinh ra là Bếtlêhem. Một thôn xóm nhỏ vùng Giuđêa nơi đã sinh ra một nghìn năm trước đó Đavít, mục đồng nhỏ đã được Thiên Chúa tuyển chọn như vua của dân Israel. Bếtlêhem đã không phải là một thủ đô, và vì thế nó đã được Thiên Chúa ưa thích; Ngài là Đấng thích hành động qua những người bé nhỏ và khiêm tốn. Tại đó sinh ra “con của vua Đavít”, được chờ đợi biết bao, là Đức Giêsu, nơi Người niềm hy vọng của Thiên Chúa và niềm hy vọng của loài ngưòi gặp gỡ nhau.
Thế rồi chúng ta hãy nhìn Đức Maria Mẹ của niềm hy vọng. ĐTC nói về Mẹ như sau:
Với tiếng “vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa: con tim thiếu nữ của Mẹ tràn đầy niềm hy vọng và hoàn toàn được linh hoạt bởi đức tin, và như thế Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ trước, và Mẹ đã tin vào lời Ngài. Đấng trong suốt chín tháng đã là hòm bia của Giáo Ước mới và vĩnh cửu, trong hang đá chiêm ngắm Hài Nhi và trông thấy nơi Ngài tình yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng đến cứu rỗi dân Ngài và toàn nhân loại. Bên cạnh Mẹ Maria là thánh Giuse, xuất thân từ dòng tộc Giesse và Đavít, cả người nữa cũng đã tin vào các lời của thiên thần, và khi nhìn Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, người suy gẫm rằng Hài Nhi ấy đến từ Chúa Thánh Thần, và chính Thiên Chúa đã truyền gọi Ngài là Giêsu. Trong tên gọi này có niềm hy vọng cho mọi người, bởi vì qua người con của phụ nữ Thiên Chúa sẽ cứu nhân loại khỏi cái chết và tội lỗi. Vì thế ngắm nhìn hang đá máng cỏ thật quan trọng!
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Và trong máng cỏ cũng có các mục đồng nữa, đại diên cho những người khiêm tốn và nghèo nàn chờ đợi Đấng Messia, “niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25), và “sự cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38). Trong Hài Nhi đó chúng ta trông thấy việc thực hiện các lời hứa và hy vọng rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa sau cùng đến với từng người trong họ. Ai tin tưởng nơi các an ninh của mình, nhất là các an ninh vật chất, thì không chờ đợi sự cứu rỗi từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này: các an ninh của chúng ta sẽ không cứu được chúng ta; an ninh duy nhất cứu chúng ta là an ninh của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Nó cứu thoát chúng ta, bởi vì nó mạnh mẽ và làm cho chúng ta tiến bước trong đời với niềm vui, với ý muốn làm việc thiện, với ý muốn được hạnh phúc đời đời. Các người bé nhỏ, các mục đồng, trái lại, tín thác nơi Thiên Chúa, hy vọng nơi Ngài, và vui mừng khi nhận ra nơi Hài Nhi dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ (Lc 2,12).
Và chính ca đoàn các thiên thần loan báo từ trên cao chương trình vĩ đại mà Hài Nhi thực hiện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Niềm hy vọng kitô được diễn tả ra trong lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, là Đấng đã khai mào Vương Quốc tình yêu, công lý và hoà bình của Ngài.
Anh chị em thân mến, trong các ngày này, khi chiêm ngắm hang đá, chúng ta hãy chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Sẽ là một ngày lễ đích thật, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống của niềm hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào các luống của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta. Mỗi một tiếng “vâng” với Chúa Giêsu đến là một chồi lộc của niềm hy vọng. Chúng ta hãy tin tưởng nơi chồi lộc này của niềm hy vọng, trong tiếng “vâng”: Vâng, lậy Chúa Giêsu Chúa có thể cứu con, Chúa có thể cứu con”. Xin chúc tất cả anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.
ĐTC đã chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Saint Cloud và Reims. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Ngài khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria thánh Giuse và các mục đồng mở rộng cửa tâm lòng cho Chúa Giêsu và tiếp đón nơi Ngài tất cả tình yêu Thiên Chúa Cha có đối với từng người.
ĐTC cũng đưa ra lời kêu gọi cho Cộng hoà dân chủ Congo. Ngài nói: Dưới ánh sáng của một cuộc gặp gỡ mới đây với ĐC chủ tịch và phó chủ tịch HĐGM nước này tôi xin tái lên tiếng kêu mời tất cả mọi người dân Congo trong thời điểm tế nhị của lịch sử đất nước, hãy là các tác nhân của hoà giải và hoà bình. Ước chi những người có trách nhiệm chính trị lắng nghe tiếng nói của lương tâm, biết trông thấy các khổ đau tàn khốc của các người đồng hương và lưu tâm tới thiện ích chung. Tôi xin bảo đảm sự ủng hộ và tình thương mến của tôi đối với nhân dân thân yêu của quốc gia này, và mời gọi mọi người hãy để cho ánh sáng của Đấng Cứu Độ thế giới hướng dẫn, và tôi cầu nguyện cho lễ Giáng Sinh của Chúa mở ra cho họ các con đường của niềm hy vọng.
ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hượng Italia đặc biệt Hiệp hội phụ huynh ngôi sao do ĐC Pietro Santoro GM Avezzano hướng dẫn; phái đoàn tỉnh Bolsena và các thành viên Hiệp hội các người làm bánh mì Roma, đoàn rước đuốc lấy lửa từ hang đá Bếtlêhem, cộng đoàn Ốc đảo Mẹ Maria Betania Alvito và các sinh viên học sinh.
Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ chuẩn bị đón mừng Chúa đến với thái độ vâng phục và khiêm tốn của đức tin như Mẹ Maria. Ngài chúc các anh chị em bệnh nhân biết kín múc nơi Mẹ sức mạnh và lòng sốt mến đối với Chúa Giêsu. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn chiêm ngưỡng gương sống và thực thi các nhân đức của Thánh Gia trong cuộc sống thường ngày.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)