MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Năm điểm để hiểu vụ bốn hồng y công kích Đức Phanxicô

ĐHY Raymond Burke ở Rocamadour 8-2011
Vào giữa tháng 11-2016, bốn hồng y– Brandmüller, Burke, Caffarra và Meisner – đã công khai đưa ra thư họ gởi cho Đức Phanxicô nêu lên các “hoài nghi” (dubia trong tiếng Ý) về Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris Laetitia. Từ đó, vụ này được thổi phồng liên tục, thậm chí sẽ có thể đưa đến việc bốn hồng y bị mất chức.

Giải mã vụ việc qua năm điểm

Điểm 1: Bức thư

Ngày 14 tháng 11 vừa qua, bốn hồng y quyết định công khai đưa ra bức thư họ gởi cho Đức Giáo hoàng vào tháng 9 vừa qua, theo nhà Vatican học Sandro Magister cho biết thì họ không nhận thư trả lời của Đức Giáo hoàng. Họ muốn làm sáng tỏ chương 8 của Tông huấn Niềm vui Yêu thương, chương có các chú giải ngược nhau. Họ nêu lên năm điểm “hoài nghi”, một trong các hòi nghi này đặc biệt nhắm đến khả năng giải hòa của những người ly dị tái hôn mà lần kết hôn đầu tiên chưa được tiêu hôn. Các nét đặc biệt của các câu hỏi là họ muốn có câu trả lời đơn giản hoặc “có” hoặc “không”.

Các hồng y này nói rằng, họ “hy vọng không một ai sẽ cho tiến trình này theo kiểu “tiến bộ-bảo thủ”, điều sẽ hoàn toàn sai lầm, vì sẽ không có ai như vậy. Năm 2014, ba trong bốn hồng y – các hồng y Raymond Burke, Carlo Caffarra và Walter Brandmüller,– đã tham dự vào việc viết quyển sách Ở trong Sự thật của Chúa Kitô – (Demeurer dans la vérité du Christ), xuất bản ngay trước Thượng Hội đồng gia đình, bảo vệ một giáo điều cứng ngắt. Hồng y thứ tư là hồng y Joachim Meisner, tháng 2 năm 2014 đã xin Đức Giáo hoàng từ chức Tổng Giám mục địa phận Cologne vì tuổi tác, ngài đã 80 tuổi. Hồng y Meisner đã gây phẫn nộ khi trong một buổi họp với các thành viên của Con đường Tân dự tòng ngài đã tuyên bố: “Đối với tôi, mỗi gia đình của anh chị em thì có giá trị hơn ba gia đình hồi giáo.”

Điểm 2: “Sửa sai Đức Giáo hoàng”

Ngay ngày hôm sau khi công bố bức thư, trong một phỏng vấn với báo National Catholic Register, hồng y Burke nói đôi khi cũng cần “sửa sai” Đức Giáo hoàng. Hồng y Burke đã bị loại ra Hội đồng Thượng thẩm năm 2014 và khỏi Bộ Phụng vụ năm 2016.

Một trích đoạn của bức thư:

“Nếu giáo hoàng phải giảng dạy một sai lầm trầm trọng hay dị giáo, thì quyền lực chính thức nào có thể tuyên bố điều này và đâu là hệ quả?

Trong những trường hợp như vậy, không có tiền lệ trong lịch sử, đó là bổn phận của các hồng y và các giám mục phải phải làm rõ ràng những gì giáo hoàng giảng bị sai và yêu cầu ngài sửa chữa.”

Điểm 3: Lên giọng

Rất nhanh chóng, các hồng y gây ra các quan điểm khác nhau. Họ nhận được sự hỗ trợ của hồng y Athanasius Schneider, giám mục phụ tá địa phận Kazakhstan, người mà cách đây một năm đã tỏ ra bất bình trong lần họp Thượng hội đồng gia đình lần thứ hai: “Tôi thà bị cho là lố bịch, bị công kích hơn là phải chấp nhận các tài liệu mập mờ và các phương pháp đạo đức giả”, hồng y Schneider tuyên bố trên trang Huynh đệ Piô X.

Ngày 29 tháng 11 đến lượt hồng y Pell, người phụ trách kinh tế, trả lời các ký giả về các “hoài nghi”: “Làm sao có thể bất bình với các câu hỏi này?. Một số giáo xứ công giáo bối rối chung quanh các sự kiện này” trong Giáo hội.

Linh mục Antonio Spadaro, người thân cận với Đức Giáo hoàng và giám đốc tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica đã viết một bài xã luận trên báo Tin tức quốc gia công giáo (CNN), nói rõ Đức Giáo hoàng đã trả lời các câu hỏi này: “Trong kỳ họp Thượng Hội đồng, tất cả các câu trả lời cần thiết đã được trả lời và trả lời nhiều lần. Từ đó, rất nhiều mục tử khác, trong số đó có các giám mục và hồng y, đã thay đổi và đào sâu cuộc thảo luận, kể cả những ngày gần đây. Đức Giáo hoàng cũng đã chỉ định hồng y Schönborn là người chú giải trung thực của tài liệu này. Tôi nghĩ, nếu ai bị hoài nghi, họ có thể dễ dàng tìm tất cả các câu trả lời mà họ cần tìm, tất cả những gì đụng đến đời sống của giáo dân thì không thể giải quyết một cách trừu tượng, nhưng phải được giải quyết – giống như chính bốn hồng y đã khẳng định – bằng cách tiếp tục “suy tư và thảo luận, bình thản và với sự tôn trọng.”“

Điểm 4: Theo Đức Giáo hoàng, với một số người “đó là trắng hay đen”

Nếu Đức Giáo hoàng không trả lời trực tiếp bức thư của bốn hồng y thì ngày 19 tháng 11, trong cuộc phỏng vấn với báo Avvenire, ngài đã đề cập đến các bất đồng trong việc chú giải Thông điệp Chúc tụng Chúa, ngài nói:

“Ở Công đồng, Giáo hội thấy mình có trách nhiệm là dấu chỉ sống động tình yêu của Chúa Cha trong thế giới này. Với Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium), Giáo hội đi về nguồn cội bản chất của mình, đó là Tin Mừng. Điều này xoay hướng khái niệm kitô trong một hình thức hợp lý nào đó, có thể là theo ý thức hệ, qua Bản thể của Chúa, thể hiện lòng thương xót qua việc Nhập thể của Con Thiên Chúa. Một vài người, tôi nghĩ một vài chỉ trích của Thông điệp Chúc tụng Chúa, tiếp tục không hiểu điều này, theo họ hoặc phải trắng, hoặc phải đen, dù trong dòng đời, mọi sự đều phải biết phân định. Công đồng dạy cho chúng ta điều này, và các sử gia cũng nói cho chúng ta biết, một Công đồng để được thấm vào nhiệm thể Giáo hội cũng cần cả một thế kỷ… Chúng ta mới đi một nửa.”

Điểm 5: Đe dọa

Trong buổi hội thảo về các cải cách trong việc tiêu hôn, Tổng Giám mục Vito Pinto, Trưởng Tòa Thượng Thẩm Rôma trả lời với báo chí Tây Ban Nha, ngài cho rằng đây là một “vụ tai tiếng rất nặng, có thể làm cho Đức Giáo hoàng có thể xóa tên các giám mục này khỏi Hồng y đoàn như đã có những lúc Giáo hội đã làm”.

Theo Tổng Giám mục Pinto, nếu vụ việc nghiêm trọng thì nó đặt lại vấn đề của “hai Thượng hội đồng giám mục về hôn nhân và gia đình. Không phải một mà là hai! Một bình thường và một ngoại thường. Tác động của Thần Khí là không chối cãi được!” Trong bài diễn văn của mình được báo Mỹ Crux nhắc lại, Tổng Giám mục Pinto tuyên bố, nếu hôn nhân tôn giáo luôn mang một giá trị rất lớn ở các nước như Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha thì “trên thực tế rất nhiều người đã rửa tội làm đám cưới dân sự hoặc sống chung ngoài hôn nhân”. Đứng trước những tình trạng bất bình thường này, Giám mục Pinto hỏi, chúng ta phải làm gì? “Biến Giáo hội thành nhà tù sao? Có người gác cửa nhà thờ nói: “Người này vào được, người kia không vào được sao?”

Trong lần phỏng vấn gần đây với Linh mục Spadaro, Đức Giáo hoàng nói mình thích các “chống đối, các chuyện căng thẳng giúp cải thiện Đời sống con người được hình thành trên những chống đối. Các căng thẳng không nhất quyết phải được giải quyết hoặc phải đồng hóa, đây không phải là các mâu thuẫn.” Vụ việc chung quanh bức thư của bốn hồng y là một thử thách lớn cho nguyên tắc này.

Marie-Lucile Kubacki (lavie.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)