Đức Phanxicô dẫn dắt một cuộc chiến chống việc bài-quyền lực đang hoành hành ở Vatican. © POOL / AF |
Jérôme Cordelier ghi lại
Ký giả Jean-Louis de La Vaissière là người am tường Vatican, ông mô tả các căng thẳng hiện nay giữa những người tiến bộ và bảo thủ trong lòng Giáo hội.
Sự lên ngôi của một trật tự thế giới mới, “Người Hồi giáo về xứ” của Trump, các co cụm chính trị ở Âu châu, đặc biệt ở Pháp dẫn các tầm nhìn quay về Đức Phanxicô. Nhưng Vatican cũng không thoát khỏi ngoại lệ, Vatican vẫn có căng thẳng giữa những người tiến bộ, người bảo thủ, như vụ Dòng Hiệp sĩ Malta gần đây.
Phóng viên của AFP làm việc tại Vatican cho đến cuối năm vừa qua, ký giả Jean-Louis de La Vaissière là một trong những người am tường các ngõ ngách Rôma. Ông xuất bản một tác phẩm phân tích và chất chứa các thông tin có thể giúp làm sáng tỏ hành động hiện nay của Đức Thánh Cha. Tựa đề quyển sách nói lên đủ: Phanxicô trong cơn bão, một Giáo hội giữa bóng tối và ánh sáng.
Phỏng vấn
Báo Le Point: Cuộc đọ sức giữa Đức Giáo hoàng và những người lãnh đạo Dòng Hiệp sĩ Malta có phải là một triệu chứng mới của cuộc chiến tranh ngấm ngầm giữa những người bảo thủ và tiến bộ ở Vatican không?
Jean-Louis de La Vaissière: Đúng là các căng thẳng này làm nền cho vụ này. Đức Phanxicô đã cử hồng y Raymond Burke, người chống đối hàng đầu, làm đại diện Vatican bên cạnh Dòng Hiệp sĩ Malta là để bỏ hồng y qua một bên. Khi buộc Bề trên Matthew Festing từ chức, Đức Phanxicô đặt quyền uy của mình trên một tổ chức tự lập và buộc họ phải phục tùng. Dù Dòng Hiệp sĩ Malta là một trong những Dòng hoạt động tích cực cho người nghèo và người bệnh nhiều nhất, nhưng Đức Giáo hoàng cũng không mặn nồng mấy với một tổ chức rất có cơ cấu, giàu có và sống theo phong cách thời thượng này.
Đằng sau vụ này, người ta thấy sự ngờ vực của Đức Phanxicô đối với các cơ cấu đại diện cho những thế lực trung gian giữa giáo dân và mình. Và trong trường hợp này, ngài đã nắm lấy lý do không phải là vô hại. Điểm khởi đầu của vụ này là Bề trên đã thải hồi nhân vật số ba của Dòng là ông Albrecht von Boeselager, người rất được mến chuộng vì ông đã cho phép phát bao cao su ở Miến Điện trong nhiều năm. Ý của Đức Phanxicô là khi ngưng chức ông Boeselager, một giáo dân, là dấu hiệu cho thấy ngài hiểu một vài thực tế trong việc chống lại các nạn dịch lớn. Ngài ít nghiêm nhặt hơn các vị tiền nhiệm về vấn đề này. Đây là khía cạnh thực tế của Đức Phanxicô.
Tại sao ông cho Đức Phanxicô là “giáo hoàng trong cơn bão”?
Phải nói chính xác là giáo hoàng này thích sóng gió hơn là biển êm, vì ngài cho rằng một Giáo hội phải nhúc nhích theo thời của mình, như thế mới giúp Giáo hội đặt lại vấn đề. Trong một câu nói nổi tiếng, ngài đã nói “tôi thích một Giáo hội bị tai nạn hơn là một Giáo hội bị bệnh”. Ngài muốn mình là người bảo vệ cho một giáo hội trên đường làm sứ mệnh và ngài rất bận bịu với công việc này.
Tại sao bây giờ các căng thẳng dồn dập trong Giáo hội?
Vì nhiều lý do cùng xảy ra. Trước hết vì Đức Phanxicô dùng các phương pháp chuyên chế, những cách quản trị không lường trước được và làm ngạc nhiên không ít giám chức. Cải cách giáo triều rất chậm và trong mập mờ. Người ta thấy sự oán giận nơi rất nhiều linh mục, họ cảm thấy an toàn dưới triều Đức Bênêđictô XVI. Sau đó, Thượng hội đồng gia đình cũng để lại nhiều dấu vết. Nhiều hồng y nói lên nghi ngờ trên các kết luận của Đức Giáo hoàng trong tông huấn của ngài. Người ta có cảm tưởng Đức Phanxicô dùng mưu chước để mở con đường ra cho các người ly dị tái hôn được rước lễ. Thật ra ngài hạn chế nói đến vấn đề này, nó chỉ là một ghi chú ở bên dưới trang. Nhưng có một số giám mục theo khuynh hướng tự do, các giám mục Đức chẳng hạn, đã dùng ghi chú này để tấn vào kẻ hở. Điều này tạo nên một phản ứng vừa mãnh liệt, vừa lo lắng nơi nhiều người bảo thủ, họ xem đây như một khoan hòa của lòng thương xót: trong Giáo hội, những gì đụng chạm đến giáo điều thì cực kỳ nhạy cảm.
Một điểm khác, người ta trách cứ Đức Phanxicô vì tinh thần cởi mở của ngài đối với người di dân và người hồi giáo – cũng như với các tôn giáo khác chung chung. Theo thời cuộc, những người nhận bản sắc công giáo ngày càng nhiều, họ sợ Giáo hội biến mất hoặc các tiêu chuẩn kitô giáo bị xóa mờ. Những người này thấy Đức Giáo hoàng quá ngây ngô, quá đôn hậu. Cuối cùng lại có một số người cho rằng Đức Giáo hoàng nói quá nhiều, thường nói ngược nhau và lại ở trong tình trạng ‘phòng chửng’: họ nói, không bao giờ dưới triều Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI có chuyện phỏng chừng như vậy xảy ra.
Còn quyển “Phanxicô, một mình chống lại tất cả”, tựa quyển sách của tác giả Arnaud Bédat sẽ phát hành trong những ngày sắp tới của nhà xuất bản Flammarion thì sao?
Theo tôi thì vấn đề này khá phức tạp. Đúng là các người bảo thủ được Đức Bênêđictô XVI đề cử đang nắm các địa vị chủ chốt. Đó là hồng y Gerhardt Müller đứng đầu bộ Tín lý, hồng y Robert Sarah lo phụng vụ. Nhưng Đức Phanxicô cũng là một người phức tạp, ngài thích nghi được. Hồng y Müller có thể có một bài phỏng vấn để nói lên sự chống đối của mình về việc cho người ly dị tái hôn, nhưng ngài vẫn tại chức. Đức Phanxicô chấp nhận trong chính quyền của mình những người có thể có các quan điểm khác nhau, với điều kiện là họ trung thực, ngài ghét nhất là nói sau lưng, như hồng y Burke đã làm. Như thế, tôi không nghĩ Đức Phanxicô bị cô lập. Tôi còn nghĩ ngược lại, ngài có rất nhiều người theo ngài. Ngài đã làm mới lại Hồng y cử tri đoàn, theo đó con số các hồng y Âu châu không quá 45%. Đã nhiều lần, ngài phong các hồng y ở các nước nhỏ, những vùng ngoại vi như ngài nói, những người có điểm chung, họ sống gần với giáo dân, dù sao họ cũng không ở trong dinh thự. Sự giận dữ chống giáo hoàng được bơm phồng lên bởi các trang web và các trang mạng xã hội, những trang này bóp méo sứ điệp của ngài. Nhiều người ở ngay tại Vatican, và ở các giáo hội khắp nơi trên thế giới đã vui mừng vì Đức Phanxicô đã làm dấy lên cơn bão, để giúp cho Giáo hội được sống động hơn, cởi mở hơn, ít thời thượng hơn.
Jean-Louis de La Vaissière (lepoint.fr) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)